Đây không phải bài review, đây là nhật ký hành trình về một chuyến đi biển trên tàu gỗ tại xã Đông Hải, Trà Vinh. Một chuyến đi kỷ niệm....ngắm xem và nghe ngư dân kể về nghề đáy và nhìn ngắm cảnh lao động thường nhật của họ...
Nhóm chung tôi lên tàu vào lúc 1h ngày 01/04/2023. Một đêm trời lặng gió, sóng êm. Anh em tôi khá là buồn ngủ sau một ngày dài từ TP Trà Vinh chạy một mạch bằng xe máy về xã Đông Hải, Trà Vinh.
Chúng tôi đi men theo cửa sông để ra cửa biển. À thực ra là theo kế hoạch 3h chúng tôi mới xuất phát nhưng mùa này thủy triều hạ thấp, nếu không ra lúc 1h sáng thì có lẽ 10h sáng chúng tôi mới ra biển được vì nước rút ở cửa sông khá thấp chừng 1-2m, lòng sàn thuyền thì quá sau, có thể mắc cạn.
Đêm đầy sao và khung cảnh biển đêm sáng rực rỡ dưới ánh trăng.
Đến 3h sáng chúng tôi đã có mặt ở hàng đáy nơi ngày mai các anh em ngư dân sẽ kéo đáy. Khi này thì anh em tôi gần như đã rệu rã sau hai tiếng trên tàu. Mọi người ngả lưng trên sàn tàu để ngủ lấy sức để ngày mai tác nghiệp, nói ngày mai nhưng thực ra là 3 tiếng sau
Một đêm chòng chành dưới trời sao và gió lạnh biển khơi...
Tầm 6h khi mặt trời lên mọi người được đánh thức và chuẩn bị máy móc để tác nghiệp. Khung cảnh hiện hết sức lộng lẫy dưới bình minh vàng óng trên biển.
Nhắc đến nghề đáy thì có lẽ nên nói một chút nhỉ
Đáy hàng khơi là một công cụ đánh bắt thủy hải sản, bao gồm hệ thống các thiết bị như: Cột đáy, rượng đáy, đõi đáy, nèo đáy, miệng đáy bằng lưới có hình chóp giăng ngang dòng nước chảy ở biển để bắt tôm cá các loại. Hầu hết mọi người chỉ biết qua sự truyền miệng của nhiều thế hệ rằng nghề đóng đáy hàng khơi ở thị trấn Mỹ Long được hình thành đã hơn 100 năm. Những cư dân đặt chân lên vùng đất ven biển này và định cư rồi khai mở nghề đóng đáy để sinh sống đến từ các vùng Nam Trung bộ như: Phú Yên, Khánh Hòa, Phan Thiết…
Ngoài biển khơi mênh mông nước, để dựng lên một dải đáy, công việc đầu tiên đòi hỏi người làm nghề cần định vị đúng dòng chảy của luồng lạch để cắm những hàng cột đáy liên hoàn nối tiếp nhau ngang luồng lạch. Cột đáy thường được ngư dân sử dụng từ thân cây dừa, cây sao, cắm cách nhau khoảng 5 -10m, chắn ngang dòng chảy của nước. Giữa các cột đáy có rượng đáy được cột cố định bằng cây tre hoặc dây kẽm nằm ngang, cách mặt nước biển chừng 1,5-2,5 m vừa để giữ vững cột đáy, vừa làm “con đường” trên không để đi lại từ miệng đáy này sang miệng đáy kia. Miệng đáy rộng được làm bằng loại lưới đan thành hình chóp, đuôi thắt gọi là “đục đáy”. Miệng đáy được bắt cố định vào giữa hai cột đáy phía trên và dưới để hứng tôm cá di chuyển theo dòng nước chảy... Tất cả những kinh nghiệm từ đi biển, xem thiên văn, việc chọn luồng lạch, kỹ thuật cắm hàng đáy, phương cách trải đáy... đều được truyền dạy từ cha sang con, hết đời này sang đời khác.
Trong những nghề đánh bắt thủy sản lâu đời nhất ở vùng biển phía Nam, nghề đóng đáy hiện nay chỉ còn ở một vài địa phương như Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Trà Vinh, Cà Mau... với số lượng ngư dân tham gia khá ít ỏi. Theo tìm hiểu, công việc của nghề đáy không cần các kỹ thuật đánh bắt như những nghề biển khác, cũng không tốn nhiều chi phí xăng dầu và thu nhập cũng không cao. Do hàng đáy ven bờ và bị động, lượng hải sản đánh bắt phụ thuộc vào tài nguyên của biển và một chút may mắn. Các mùa khác chủ yếu là cá tạp, ghẹ nhỏ và bạch tuộc nhưng phải vài ngày mới thu một lần.
Trong nghề đóng đáy hàng khơi, “bạn đáy” là người đối mặt với nguy hiểm nhất để mưu sinh so với “bạn tàu” chỉ lo công việc chuyên chở cá tôm, cung cấp lương thực, nước uống. Ngoài kinh nghiệm đi biển, bơi lội giỏi, “bạn đáy” còn phải thích nghi với cuộc sống giữa biển khơi ở căn chòi nhỏ treo lơ lửng trên những cột đáy. Mỗi chòi có diện tích khoảng 4 -10 m2, có 2-3 người ở cùng để đóng đáy, thu hoạch, quản lý và bảo vệ hàng đáy. Hàng tháng, theo hai con nước rong vào ngày Rằm và ngày 30 âm lịch, thủy triều dâng cao, “bạn đáy” phải sống nơi biển khơi khoảng 20 ngày để làm các công việc đi dây, đu dây, thả lưới, kéo đáy thu hoạch tôm cá.
Bất kể sớm hay khuya, trời nắng hay mưa, họ phải canh con nước lớn thì trải đáy, nước ròng gần cạn kéo đáy thu hoạch. Xong việc đóng đáy họ lại bắt đầu giặt đáy, phơi đáy. Một tháng, khi vào con nước “kém” vào những ngày từ 20 -25 âm lịch, hoặc từ mùng 10-15 âm lịch, thủy triều không dâng cao, nước ít chảy xiết, họ mới trở về đất liền. Khi đến con nước rong, họ lại bắt đầu công việc mưu sinh nơi biển cả.
Tầm 7h30 chúng tôi nghỉ ngơi ăn sáng, tất nhiên đồ ăn sáng không gì ngoài cá khô và mì gói mang theo trước đó. Chúng tôi tán gẫu chuyện trò đến 10h khi nước cửa sông đủ cao và vào bờ, có lẽ lời văn không thể kể hết sự thú vị chuyến đi nhưng chắc chắn sẽ nhớ mãi trong ký ức những thanh niên thị thành như chúng tôi về một chuyến đi rệu rã và phờ phạc cùng ngư dân xã Đông Hải thân thương mến khách này...
trà vinh
Hãy mạnh dạn Viết blog chia sẻ trải nghiệm về chuyến đi, chia sẻ những hình ảnh được ghi lại trên những chặng hành trình. Đơn giản và dễ dàng nhưng lại giúp cho rất nhiều người sắp đi du lịch.
Chuyến đi khá ngắn ngủi, gần như lần đầu chơi cho biết, không nặng về yếu tố du lịch và check in. Tập trung nhiều về tìm hiểu văn hóa Khmer nên chưa đi đủ nhiều để chụp đủ hình về các danh lam thắng cảnh, kể cả ẩm thực và đời sống con người địa phương.
Hy vọng chuyến sau sẽ cập nhật thêm