PHẦN 1: TINH THẦN NAM BỘ
Không phải ai cũng biết đến lễ hội này của tín đồ Cao Đài, nhưng nếu đến Tây Ninh một tuần trước ngày trung thu, chắc chắn bạn sẽ cảm nhận được không khí náo nhiệt. Hội thánh cho sửa sang lại mọi thứ từ con đường, cây cảnh, chậu hoa.
Họ còn cho trang hoàng lại các cổng lớn và dựng các dãy nhà rạp xung quanh Điện thờ Phật Mẫu. Cái hay của một lễ hội mang dấu ấn tôn giáo là những tín đồ Cao Đài thời gian này tự nguyện về tòa thánh để giúp sức, làm công quả.
Đạo CAO ĐÀI là một nền Chánh Tông chơn giáo Đức NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ khai sáng nơi nước VIỆT NAM, qui cả ba Đại TÔN GIÁO lớn nhứt Á ĐÔNG, PHẬT GIÁO, TIÊN GIÁO, KHỔNG GIÁO; và dung hợp cả tinh thần cao siêu Thần Giáo của nhơn loại để làm tiêu chuẩn cho tâm lý nhơn sanh. Truyền nhơn nghĩa làm phương cứu cánh, dụng trung hòa định phép hóa dân. Bởi thế lá Cờ Đạo có ba sắc phái và ba thể Cổ Pháp; tượng thể Tam Thanh xuất thế.
Thái Thanh, sắc vàng (Phái Phật) Cổ Pháp BÌNH BÁT DU.
Thượng Thanh, sắc xanh (Phái Tiên) Cổ Pháp PHẤT CHỦ.
Ngọc Thanh, sắc đỏ (Phái Thánh) Cổ Pháp BỘ XUÂN THU.
Theo những người đạo Cao Đài, rằm tháng tám là cơ hội để làm những việc phúc đức nên chẳng ai tính toán, so đo góp công.
Một không khí góp sức nhìn như rất thoải mái, không mệnh lệnh, không than hà khổ cực. Ai nấy đều làm phần việc của mình rất vui vẻ, các hộ dân khác không kịp nhận việc công đức của mình thì tự tổ chức phát nước ở các cổng của toà thánh, kéo anh chị em con cái pha nước chanh nước hột é... phát miễn phí cho bà con lục tỉnh đang kéo về...
Khu vực nhà ăn hoạt động hết công suất, ai ăn xong thì tự động đứng lên ra ngoài, có người chờ sẵn dọn chén đũa và đem đồ ăn mới lên bàn cho người khác vào ăn, những thùng cơm công quả của tín đồ tặng btc được nấu và vo bởi những người đàn ông, phụ nữ, thanh niên. Được khiêng ra vô liên tục.
Từ 4 giờ sáng đến 10 giờ tối, khách hành hương có thể ghé vào ăn tùy thích. Ước tính cao điểm số người ghé vào đây ăn chay lên tới 25.000 người. Mùa trung thu trời thường đổ mưa, nhưng hầu như tín đồ Cao Đài và những người hành hương đều không quản khó khăn để đến đây dự lễ hội. Đại lễ Hội Yến Diêu Trì Cung là một nét đẹp sinh hoạt ở Tây Ninh nói chung và đạo Cao Đài nói riêng. Đại lễ chứa nhiều giá trị không chỉ thuộc về tâm linh mà còn tác động tích cực lên cuộc sống thường nhật. Vì là ngày lễ hội rất lớn của tín đồ đạo Cao Đài, nên du khách còn được trải nghiệm nhiều hoạt động đặc sắc khác như biểu diễn võ nghệ, làm thơ, diễn kịch, đánh cờ tướng, thi cắm hoa hoặc làm bánh. Đặc biệt, du khách đến đây còn có dịp thưởng thức bữa ăn chay vô cùng thơm ngon mà không nơi nào có được. Đây là bữa cơm chay tập thể lớn nhất và đông vui nhất. Có gần 500 người tình nguyện làm công quả, nấu ăn phục vụ khách hành hương trong suốt 3 ngày, từ ngày 13 đến rằm tháng tám.
Họ làm việc với một thái độ rất hoà nhã và tích cực.
À đồ ăn tất nhiên là ĐỒ CHAY ?
Thực sự phải xem mới hiểu phải nghe mới cảm được cái sự đặc sắc của hơn mấy trăm con người cùng BTC tạo nên một lễ hội có thể gọi là trung thu này
PHẦN 2: ĐẠI LỄ HỘI YẾN DIÊU TRÌ CUNG
Mỗi năm vào rằm tháng Tám, tại Tòa thánh Tây Ninh sẽ diễn ra màn múa Rồng nhang gồm Long, Lân, Quy, Phụng trong đại lễ Hội Yến Diêu Trì Cung.
Cứ vào mùa trung thu, không khí Tây Ninh lại trở nên nhộn nhịp hẳn vì đây là thời điểm có lễ hội lớn nhất trong năm của những tín đồ Cao Đài: Đại lễ Hội Yến Diêu Trì Cung. Lễ hội này gồm phần lễ và phần hội, trong đó phần lễ được chú trọng hơn.
Phần lễ theo truyền thống của đạo, cúng vào đêm 15 âm lịch, kéo dài từ chiều đến mười hai giờ với nhiều hoạt động như rước cộ bông Đức Phật Mẫu và cửu vị Tiên Nương, múa rồng nhang, ngọc kỳ lân, quy, phụng; đội múa phụng và đội nhạc hoành tráng. Trong đó, đoàn rước cộ bông Đức Phật Mẫu được diễn ra rất lớn, theo sau là đội nhạc, đội trống, vũ công và đội múa lân. Vào ngày lễ, quan sát nơi thờ tự chính của tòa thánh, bạn sẽ nhìn thấy hàng trăm gian hàng triển lãm trưng bày quà phẩm hiến lễ bao quanh.
Đó chỉ là những bông hoa và trái cây bình thường, nhưng nhờ bàn tay tài hoa của các nghệ nhân nên tạo thành nhiều tác phẩm rực rỡ, sống động theo nhiều chủ đề như Long, Lân, Quy, Phụng...
Đặc biệt, múa Rồng nhang là một nét đặc trưng chỉ có ở Tây Ninh. Con rồng dài gần 20 mét được điều khiển bởi 30 vũ công. Chỉ cần đứng nhìn từ xa, bạn đã có thể thấy một vùng trời sáng rực. Khói nhang nghi ngút chuyển động liên tục làm những người chứng kiến quanh đó cảm nhận được uy lực và sự tôn nghiêm của con vật linh thiêng trong tín ngưỡng. Con Rồng nhang sẽ chuyển mình chầm chậm về hướng Tòa thánh.