Đất Mũi - Cà Mau: Nơi tận cùng phía Nam của tổ quốc
Nguyễn Ý Nhạc
CN, 03/03/2019

Những mảnh đất địa đầu của đất nước đều mang một ý nghĩa nhất định, Mũi Cà Mau chính là mảnh đất nhô ra ở điểm tận cùng phía Nam trên đất liền Tổ quốc. Nơi đây được nhắc đến là một vùng đất thiêng liêng trong tâm thức dân tộc ta.
“Nước Việt Nam trải dài từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau” câu nói được người Việt dùng để diễn tả về hình dáng cong cong chữ S của Tổ quốc. Những mảnh đất địa đầu đều mang một ý nghĩa nhất định, Mũi Cà Mau chính là mảnh đất nhô ra ở điểm tận cùng phía Nam trên đất liền Tổ quốc. Nơi đây được nhắc đến là một vùng đất thiêng liêng trong tâm thức dân tộc ta.
Tại km2301+340m là địa phận của thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn, chúng tôi lên tàu để khởi hành đi thăm Đất Mũi. Chiếc canô xé đôi con nước mát đưa chúng tôi đi giữa những cánh rừng đước xanh ngắt một màu. Những mái nhà nhấp nhô ẩn hiện trong màu xanh bạt ngàn của cây lá. Những sinh hoạt cuộc sống của người dân thật nhộn nhịp, chủ yếu diễn ra trên những con xuồng, lâu lâu chúng tôi lắng nghe âm vang những câu vọng cổ thật da diết. Cái nắng vàng như mật ong và những làn gió mặn mòi của đất phương Nam làm tan đi bao mệt mỏi, những vẻ đẹp tráng lệ và trù phú cứ thế ẩn hiện đôi bờ. Sau hai giờ di chuyển, chúng tôi đã đặt chân lên được Đất Mũi.
Đất Mũi tọa lạc tại địa phận xóm Mũi, cách thành phố Cà Mau hơn 100 km. Đây là mảnh đất cuối cùng của đất Việt được gắn liền với lịch sử khai hoang mở cõi của các cộng đồng lưu dân người Kinh, Hoa, Khmer vào cuối thế kỷ 17, đầu 18 và là nơi duy nhất trên đất liền có thể ngắm mặt trời mọc trên biển Đông và lặn ở biển Tây. Nơi đây nằm trong khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long với thảm rừng tràm bạt ngàn và hệ sinh thái rừng ngập mặn nối liền từ U Minh Thượng đến cửa Gành Hào (giáp tỉnh Bạc Liêu) và được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2010. Đất Mũi có tọa độ quốc gia, cột mốc GPS0001 nằm ở tọa độ 8037’30’’ vĩ độ Bắc, 104043’ kinh độ Đông. Hàng năm, Đất Mũi vươn ra biển thêm gần gần 100 m nhờ phù sa bồi.
Chính phù sa vun bồi hằng năm đã làm cho những cánh rừng đước xanh ngát một màu. Len theo con đường rợp bóng mát, tôi đến thăm cột mốc tọa độ, nhìn hình ảnh con tàu trong tư thế đang vươn ra biển lớn thật kiêu hãnh. Tôi đặt chân đứng ngay nơi mỏm đất cuối cùng trên đất liền của Tổ quốc, phóng tầm mắt nhìn ra biển khơi mênh mông, ngẩng mặt nhận những cơn gió từ biển thổi vào mơn man mát rượi. Cũng từ đây, có thể di chuyển lên đài quan sát cao 27 m để ngắm nhìn biên giới phía Nam và Hòn Khoai uy nghi thoáng hiện.
Sau khi thưởng ngoạn cảnh đẹp ở đây, tôi và những người bạn quây quần tâm sự, vừa thưởng thức những món ăn nổi tiếng như cá thòi lòi nướng, lẩu mắm, mực nướng, vọp nướng muối ớt, ốc len xào dừa, cháo hàu, nghêu, ba khía muối, cháo cá khoai… Những hương vị ẩm thực miền sông nước thật đậm đà.
Nếu làm một phép thử so sánh, du lịch sinh thái Đất Mũi không đặc sắc bằng các nơi khác vì còn hoang sơ và chưa nhiều cơ sở dịch vụ. Nhưng đối với tôi, khi bỏ dép lội chân xuống bùn để đứng trước mỏm đất cuối cùng ở phía Nam của Tổ quốc mà từ trước đến nay chỉ có thể ngắm nhìn trên bản đồ, trước mắt tôi là một vùng trời biển bao la không có điểm dừng. Chính vào lúc đó, tôi cảm thấy nghẹn ngào một cảm xúc tự hào đến khó tả, bởi trong cái nồng nàn của gió lộng, tôi như đang nghe tiếng vọng ngàn năm của cha ông thời mở cõi. Họ đã phải đấu tranh với thiên nhiên, đấu tranh với thú dữ, phải đánh đổi bằng xương máu để mở rộng thêm từng tấc đất cho quê hương.
Từng đợt sóng biển cứ ập đến dưới chân tôi, tôi biết rằng nếu năm sau trở lại Đất Mũi vị trí hiện tại đã bị sóng biển bỏ xa. Bởi lẽ mảnh đất này luôn mang một khát vọng vươn dài ra biển. Hành trình hơn ba trăm năm qua của cha ông không dừng lại ở việc khai rừng phá núi, đào sông lấn biển, đó còn là hào khí dân tộc mà mỗi người Việt khi đến đây mới cảm nhận hết được.
Rời Đất Mũi, dưới nắng vàng loang loáng tôi chợt nghĩ rằng, nếu ai đã từng ngắm cái mênh mông của sông Hồng mùa lũ, từng đứng trên cầu Bãi Cháy để ngắm cái oai vệ của cửa biển Bạch Đằng, lên đỉnh Phanxipăng để nhìn ngắm muôn trùng nước non, hành hương về miền đất Tổ Phú Thọ, hay đứng giữa muôn trùng sóng biển trên đảo Trường Sa, thì sẽ cảm thấy nồng nàn lặng dịu khi ngắm nhìn Đất Mũi. Được chạm tay, thưởng thức cái nắng, cái gió của mảnh đất tận cùng phía Nam của Tổ quốc càng làm cho tôi hiểu rằng vì sao dân tộc ta đau đáu cho từng tấc quê hương đến vậy và càng thấm thía hơn lời của một nhà thơ: “Ôi đất nước bốn ngàn năm đi đâu ta cũng thấy, những cuộc đời đã hóa núi sông ta”.
Ý Nhạc- Cà Mau
Vườn quốc gia U Minh Thượng
Mũi Cà Mau (Dat Mui Landmark)
cà mau
Đã cập nhật vào ngày 7/01/2023