Mũi Đôi - Hòn Đôi (Hòn Đầu) thuộc làng chài Đầm Môn, nằm trong vịnh Vân Phong, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, cách TP. Nha Trang khoảng 80 km theo Quốc lộ 1A về hướng Bắc được xem là điểm cực Đông trên đất liền của tổ quốc Việt Nam.
Khái niệm 4 cực - 1 đỉnh - 1 ngã 3 và tứ đại đỉnh đèo để chỉ cực Bắc Lũng Cú, cực Tây A Pa Chải, cực Đông Mũi Đôi, cực Nam Đất Mũi, đỉnh Fanxipan, ngã ba Đông Dương và Đèo Mã Pì Lèng, Ô Quy Hồ, Pha Đin, Khau Phạ luôn là một khát khao cháy bỏng của những người đam mê xê dịch và nhất là loại hình trekking. Mỗi địa danh đi qua sẽ lưu lại nhiều dấu ấn khó quên, khám phá thêm nét đẹp quê hương đất nước và sức mạnh nội tại của bản thân. Và trong 4 cực của tổ quốc, có lẽ chinh phục cực Đông là vất vả nhất bởi địa hình đa dạng, phức tạp và cung đường lắc léo.
Mũi Đôi - Hòn Đôi (Hòn Đầu) thuộc làng chài Đầm Môn, nằm trong vịnh Vân Phong, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, cách TP. Nha Trang khoảng 80 km theo Quốc lộ 1A về hướng Bắc được xem là điểm cực Đông trên đất liền của tổ quốc Việt Nam. Nhờ cấu tạo địa chất, những nhánh núi phía Nam Trường Sơn vươn xa ra biển bị nước biển phủ kín quanh năm nên vùng biển Khánh Hòa xuất hiện nhiều đảo lớn nhỏ, tạo thành nhiều đầm, vịnh. Bờ biển Khánh Hòa đa phần là vách đá chiếm 2/3, còn lại là bờ biển cát mịn. Chính sóng biển đã xâm thực, bào mòn núi đá và thềm lục địa, tạo nên nhiều vách, gành đá rất hùng vĩ, đầy ấn tượng và những bãi biển xinh đẹp, thơ mộng. Và Mũi Đôi - Hòn Đôi (Hòn Đầu) là một dạng địa hình đặc trưng của vùng biển Khánh Hòa.
Để đến được cực Đông có thể chọn hình thức đi thuyền, ca nô hoặc đi bộ. Hành trình đi tới Mũi Đôi bằng hình thức trekking khá gian nan, vất vả khi phải vượt qua hơn 20 km với các loại địa hình khác nhau như: đồi cát, vùng đồi núi thấp, vùng núi cao và nhảy ghềnh.
30 người trong đoàn chúng tôi có hẹn với cực Đông vào một ngày tháng 2 (thời điểm đẹp nhất chinh phục cực Đông từ tháng 1 - 5). Khoảng 08 giờ tối thứ 6, chúng tôi xuất phát từ Sài Gòn trên chiếc xe giường nằm để tiến ra Khánh Hòa. Sau hành trình hơn 500km đường bộ, chúng tôi đã đến được Nha Trang và thưởng thức tô bún chả cá nóng hổi trước khi lên đường vào khu vực Đầm Môn.
Sau khi các thành viên trong đoàn đã sẵn sàng, chúng tôi bắt đầu hành trình chinh phục cực Đông. Mỗi người được trao một phần ăn trưa và 3 lít nước cho suốt chuyến đi. Hành trình đầu tiên chinh phục khoảng 3km đồi cát trắng, đây là đoạn đường vất vả bởi đi trên cát rất lún, bụi, cộng với thời tiết khắc nghiệt miền Trung làm cho mọi người cực kỳ mất sức. Những cồn cát phơi mình trắng phau dưới ánh nắng vàng vọt, điểm xuyến những bụi thông, hoa muống biển. Những đồi cát cứ nhấp nhô lên xuống, lúc trắng lúc vàng trông rất đẹp mắt. Đi giữa miền cát trắng chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn sức nóng của cái nắng miền Trung mà trước giờ chỉ được nghe qua sách vở báo chí. Đoạn đường dường như bớt mệt hơn khi tiếng cười nói rôm rả của mọi người trong đoàn, cũng như những khoảnh khắc lưu lại cảnh đẹp và bạn đồng hành.
Vượt qua một cồn cát rất lớn, kết thúc địa hình đồi cát chúng tôi đi qua một eo biển nhỏ. Nước biển trong vắt một màu xanh long lanh dưới nắng vàng, nước trong đến mức có thể nhìn thấy mọi thứ bên dưới. Qua khoảng 1km bờ biển chúng tôi dừng chân tại một ngôi nhà tạm bên đường, chung quanh rất nhiều dứa rừng đang chín vàng ươm trông rất đẹp mắt. Mỗi người được tiếp sức bằng một ly nước chanh mát rượi và bắt đầu đoạn đường chinh phục vùng đồi núi thấp.
Chúng tôi men theo triền rừng vùng đồi núi thấp với những loại cây bụi đặc trưng trên núi đá ở miền Trung, một bên là núi và một bên là biển. Cảnh đẹp qua những eo biển là những tảng đá lớn nhỏ xếp chồng lên nhau đủ muôn hình vạn trạng, từ trên sườn đồi phóng tầm mắt xuống bên dưới là một vùng sơn thủy hữu tình. Sóng biển cứ rền vang nhịp nhàng bào mòn bờ đá, gió biển rít lên từng cơn mát rượi cả da thịt. Chúng tôi vừa đi, vừa thưởng ngoạn cảnh đẹp hùng vĩ nơi đây.
Đoạn đường cứ khúc khuỷu lên xuống và chúng tôi cứ nhịp nhàng chinh phục, đi một đoạn mệt thì nghỉ để chờ nhau. Khoảng 12 giờ chúng tôi nghỉ chân và dùng cơm trưa tại một ngôi chòi nhỏ của người dân dựng lên bên đường. 13h30 hành trình tiếp tục, đây là đoạn đường chinh phục vùng núi cao và dốc dài, mặc dù đi trong rừng rậm nhưng cực kỳ mất sức và mệt mỏi. Khoảng 16h30 sau khi vòng qua một vùng đồi, trước mắt chúng tôi là một vùng biển và một hòn đảo nhỏ yên bình. Phong cảnh đẹp đến nao lòng. Bãi Rạng hiện ra trước mắt, bao nhiêu mệt mỏi dường như tan biến trong lòng, chúng tôi hoàn toàn bị chinh phục bởi vẻ đẹp tự nhiên và hoang sơ của vùng đất này.
Nước biển trong xanh màu ngọc bích, cát trắng mịn, những ghềnh đá nhấp nhô muôn hình vạn trạng, phía trước bãi biển là hệ sinh thái san hô đa dạng và đủ sắc màu. Phía sau là vùng núi đá phủ xanh bởi cỏ cây hoa lá.
Chọn một nơi đẹp ở Bãi Rạng, chúng tôi bắt đầu dựng trại và vui chơi tại đây. Người thì thả dáng chụp ảnh, người thả diều, người nhặt vỏ ốc… riêng nhóm chúng tôi tắm biển và lặn ngắm san hô. Để tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp của san hô, nên chuẩn bị kính lặn, giày lội nước và túi đựng điện thoại để ghi lại những khoảnh khắc đẹp tại đây. Các dãy san hô đủ màu sắc vô cùng đẹp mắt, từng đàn cá tung tăng bơi lội như đưa chúng tôi lạc vào chốn thủy cung mê hoặc.
Sau khi tắm biển và lặn ngắm san hô xong, chúng tôi tắm sơ lại bằng nước ngọt được chở từ đất liền ra và chuẩn bị tiệc đêm. Cả đoàn quây quần bên nhau thưởng thức cháo cá và nướng hải sản, nhâm nhi những ly rượu nồng nàn. Phải công nhận hải sản ở đây rất tươi và ngon, thực đơn chúng tôi gồm ốc móng tay, tôm, mực, hàu… vừa thưởng thức hải sản, vừa uống một ngượm rượu cay giữa một bãi biển hoang sơ lộng gió quả là một cảm giác tuyệt vời.
Những tiếng cười vui, bao câu chuyện kể và những kỉ niệm trong một ngày đồng hành được mọi người chia sẻ thật ấm áp và thú vị. Không gian vui tươi đưa chúng tôi xích lại gần hơn và mọi người trở nên thân thiết hơn. Bên cạnh đoàn chúng tôi có một vài đoàn khác cũng trekking đến đây, cả khu bãi Rạng được phủ đầy bởi những ánh đèn đa sắc màu, ánh lửa bập bùng và tiếng nói cười vui vẻ.
Càng về khuya, không gian càng lặng lẽ… ánh trăng nhô cao trên mặt biển, xa xa là những chiếc thuyền dong buồm ra khơi. Cả vùng biển bàn bạc một màu trắng và từng đợt sóng cứ thi nhau vỗ vào bờ rì rào. Nằm trên bãi cát trắng nhìn lên trời xanh với những vì sao đêm lấp lánh, lắng nghe âm vang của sóng biển mà lòng bình yên đến lạ, bao mệt mỏi dường như tan biến. Biển như truyền vào chúng tôi một nguồn năng lượng dạt dào để chinh phục những khó khăn trước mắt.
04 giờ sáng, tiếng gọi nhau í ới để đi ngắm bình minh, cả đoàn tập trung trước một tảng đá lớn và chuẩn bị các đèn pin chiếu sáng. Tuy nhiên lần đi này vẫn còn mùa trăng nên ánh sáng bàn bạc chiếu rọi cả một vùng trời, gió biển cứ thổi vào từng đợt có cảm giác lành lạnh da thịt.
Cả nhóm bắt đầu xuất phát leo qua mấy con dốc đá, cây bụi... chúng tôi đến một ghềnh đá trập trùng và bắt đầu công đoạn nhảy ghềnh. Sở dĩ gọi là nhảy ghềnh vì hoạt động di chuyển của mọi người chủ yếu nhảy từ ghềnh đá này qua ghềnh đá khác. Đây được xem là đoạn thử thách nhất đối với những ai muốn tận mắt chạm vào cột mốc cực Đông trên đất liền của tổ quốc và đón lấy ánh bình minh đầu tiên.
Cả không gian đá như một ma trận đá giăng ra trước mắt, nhìn thôi đã có có cảm giác choáng ngợp và sợ hãi. Bằng quyết tâm của mình, cả đoàn bắt đầu chinh phục từng mỏm đá, nhảy từ ghềnh này sang ghềnh khác, lúc xuống tận hố sâu, lúc leo lên trên ghềnh đá cao nhất, hành trình cứ nhảy lên rồi sụp xuống khiến ai cũng mất sức và mệt mỏi. Tuy nhiên, việc nhảy ghềnh cũng rất thú vị mỗi lần chinh phục được một ghềnh đá là một lần bạn có cảm giác chiến thắng ngự trị trong lòng.
Sau một thời gian di chuyển thử thách khoảng 1km đường bộ và 1km nhảy ghềnh, chúng tôi đã nhìn thấy trước mắt mỏm đá lớn nhô ra trước biển. Trên mỏm đá đã có một vài bạn của nhóm phượt khác đến đây, để lên được mỏm đá phải leo lên thang dây một cách cẩn thận.
Trước mắt chúng tôi là một chóp đá hoa cương hình tam giác cao tầm 1m, ba mặt đều ghi thông tin: Mũi Đôi - Hòn Đôi (Hòn Dầu) - Điểm cực đông trên đất liền, tọa độ 12039’00” vĩ độ Bắc, 109028’0” kinh Đông. Từ đây, phóng tầm mắt ra xa là trập trùng biển khơi, từng con sóng cứ vỗ vào ghềnh đá ầm ầm, nước biển tung lên từng đợt trắng xóa. Cách đó 30m, một bia đá hình chữ nhật với nội dung: Danh lam thắng cảnh quốc gia Mũi Đôi - Hòn Đôi (Hòn Dầu). Phía sau thông tin tóm lượt về địa danh này: Mũi Đôi - Hòn Đôi (Hòn Dầu) thuộc bán đảo Hòn Gốm, kiến tạo bởi những khối đá lớn, nhỏ chồng xếp lên nhau tạo thành những hình dáng đa dạng. Cảnh quan thiên nhiên nơi đây mang vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ. Mũi đôi nằm ở vị trí 12039’00” vĩ độ Bắc, 109028’0” kinh Đông là điểm cực Đông - Nơi đón ánh mặt trời đầu tiên trên đất liền của tổ quốc Việt Nam. Năm 2005, Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là danh lam thắng cảnh quốc gia (Trung tâm Bảo tồn di tích - năm 2017).
Sở dĩ, nơi đây được gọi là Mũi Đôi - Hòn Đôi (Hòn Đầu) vì có hai mũi đất liền nhô ra biển, cách đó khoảng 1km có một đảo nhỏ rộng khoảng 20.000 m2 gọi là Hòn Đầu.
THỔN THỨC TRƯỚC ÁNH BÌNH MINH
Sau khi lên được mỏm đá có cột mốc, chúng tôi chọn cho mình một chỗ ngồi ngay ngắn để chờ ngắm bình minh, bởi lẽ dòng người đổ về đây ngày một đông hơn. Khoảng 06 giờ mặt trời như lòng đỏ trứng gà bắt đầu từ từ nhô lên mặt biển. Tiếng hò reo vui mừng của mọi người làm bừng tĩnh cả một không gian yên bình vào buổi sáng sớm nơi ghềnh đá.
Mặt trời phả vào không gian ánh sáng vàng làm cho chúng trở nên huyền bí, kỳ vĩ và thu hút lòng người, xa xa là những con thuyền nhấp nhô. Ánh bình minh gieo vào lòng những con người đam mê khám phá như chúng tôi nỗi khát khao tận hưởng cảm giác đón lấy ánh bình mình đầu tiên trên đất liền trong ngày. Đó là thứ cảm giác vừa vui mừng, vừa hạnh phúc và xen lẫn niềm tự hào đến khó tả.
Chúng tôi ghi lại những khoảnh khắc đẹp hiếm có này và cảm thấy rất may mắn, có những đoàn khách đến đây nhưng vì thời tiết xấu hoặc bị mây mù nên không thể ngắm được ánh bình minh. Mặt trời lên cao, ráng vàng cũng bằng đầu thu lại, ánh sáng vàng vọt đã chiếu rọi khắp đất trời, biển ve vẫy từng đợt sóng cứ nhịp nhàng vỗ vào bờ bào mòn những ghềnh đá.
Khách quan mà nói rằng, bình minh tại cực Đông không đẹp bằng một vài nơi khác như Nam Du, Phú Quốc, Cà Mau... nhưng cho chúng tôi cảm giác thổn thức và tự hào đến khó tả. Đó chính là cảm giác của một hành trình leo đèo, vượt suối, băng qua đồi cát, xuyên rừng và ngủ lại đêm để đón chờ một khoảnh khắc ngắn ngủi, khoảnh khắc khởi đầu cho một ngày mới đầy năng lượng và nhựa sống. Cả một hành trình đi qua với quá nhiều cảm xúc khó tả thì việc chạm đến đỉnh điểm của ánh hoàng hôn càng làm cho niềm hạnh phúc dâng cao tột độ và tan chảy trong lòng. Niềm tự hào về mảnh đất hình chữ S xinh đẹp và càng thấm thía hơn ý niệm vì sao cha anh ta bao đời nay đã đổ máu xương để bảo vệ từng tấc đất quê hương là vậy!
Chúng tôi bắt đầu di chuyển xuống mỏm đá, nhảy ghềnh trở về lại bãi Rạng, ăn sáng với những ly mì nóng hổi, thu dọn lều trại và hành lý để lên thuyền về lại đất liền. Ngồi trên con thuyền đang rẻ sóng, ngoái đầu nhìn lại toàn cảnh nơi đây thật yên bình và đẹp mắt. Núi ôm ấp biển, những tảng đá lô nhô như muốn nhoài người ra biển, bờ cát trắng mịn và những dãy san hô đủ sắc màu... tất cả vẽ nên một bức tranh cảnh vật đẹp và đầy màu sắc.
Ghi lại dấu ấn của một hành trình đặt chân lên cực Đông của tổ quốc!