Đờn ca tài tử là một loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc, gắn bó với đất và người Nam Bộ; được phát triển từ nhạc lễ, nhã nhạc cung đình Huế pha trộn với các làn điệu dân ca, hò vè của vùng đất Nam Bộ. Năm 2013, nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ đã được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Đờn ca tài tử hình thành và phát triển ở 21 tỉnh, thành phố phía Nam nhưng Bạc Liêu vẫn được coi là cái nôi của nghệ thuật đờn ca tài tử. Từ đầu thế kỷ XX, đờn ca tài tử đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng lẫn chất lượng ở Bạc Liêu với nhiều tên tuổi nghệ sĩ nổi tiếng, trong đó có nhạc sư Lê Tài Khí (1870 - 1948), người được tôn là hậu Tổ khi có công canh tân, khôi phục nhiều bản ca cổ, cùng người học trò ưu tú Cao Văn Lầu (1890 - 1976) người được biết đến với bản Dạ cổ hoài lang bất hủ.
Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu thuộc phường 2, TP. Bạc Liêu. Được biệt, khu lưu niệm trước đây là khu mộ của gia đình nhạc sĩ, sau được tu bổ và xây dựng thêm các công trình nhằm mục đích tổ chức các sự kiện quan trọng, đồng thời làm nơi tiếp đón du khách phương xa.
Khu tưởng niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu bao gồm nhiều công trình như khu mộ nhạc sĩ Cao Văn Lầu cùng những người thân, tượng bán thân nhạc sĩ Cao Văn Lầu, khu trưng bày hình ảnh, hiện vật của các ông tổ của nền cải lương Nam Bộ, khu vực biểu tượng cây đàn kìm, sân khấu ngoài trời,…