Huế Thương không chỉ nổi tiếng bởi Kinh thành Huế mà còn ghi dấu bởi các khu lăng tẩm các vị vua nhà Nguyễn. Bảy lăng, mỗi lăng mang một sắc thái riêng nhưng đều là kỳ công kiến tạo của con người trên bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng của xứ Huế.
Kinh thành Huế được bắt đầu xây dựng năm 1805, kéo dài gần 30 năm và hoàn thiện vào thời vua Minh Mạng. Kinh Thành Huế hướng về phía Nam, có diện tích 520 héc ta. Kinh thành được xây dựng gần như hình vuông, mỗi cạnh trên dưới 2,5 km. Phía trước lượn cong theo dáng sông Hương chảy qua.
Tường thành cao 6,6 m, dày 21 m được xây khúc khuỷu với những pháo đài được bố trí cách đều nhau, kèm theo các pháo nhãn, đại bác, kho đạn. Bên ngoài tường thành có một hệ thống hào bao bọc.
Bên trong Kinh thành Huế, có thành nhỏ hơn, gọi là Hoàng thành, là nơi đặt các cơ quan trọng yếu của triều đình. Di tích bên trong Hoàng thành gồm Ngọ Môn, Điện Thái Hoà và Sân Đại Triều Nghi, Cung Diên Thọ, Cung Trường Sanh, Hưng Tổ Miếu, Triệu Tổ Miếu, Thái Tổ Miếu, Hiển Lâm Các, Cửu Đỉnh, Điện Phụng Tiên.
Tử Cấm Thành nằm trong cùng là nơi ở chính của hoàng gia, với các cung điện như Cần Chánh (nơi vua làm việc hàng ngày). Càn Thành (nơi vua ở), Cung Khôn Thái (chỗ ở của Hoàng Quý Phi). Duyệt Thị Ðường (nhà hát), Thượng Thiện (nơi nấu ăn cho vua), Thái Bình Lâu (nơi vua đọc sách).
Kinh thành Huế thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới, và Nhã nhạc Cung Đình Huế được ghi nhận là di sản phi vật thể của nhân loại.
Du khách muốn trải nghiệm ngôi vị Thiên Tử và Hoàng Hậu, Công Chúa xưa chỉ cần thuê trang phục và ngồi lên ngai vàng để làm vài kiểu ảnh.
Nhân vật trải nghiệm ghé thăm Kinh Thành Huế vào những ngày sát Tết, nên khách du lịch ít hơn hẳn, chủ yếu là khách nước ngoài. Nhưng cũng vì thế mà được tận hưởng không khí dịu dàng, thoáng đãng nơi đây.
Hiện nay, cửa ra của Tử Cấm Thành, du khách có thể chứng kiến tận mắt và mua các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của người dân.
....
Trong chuyến đi này, vì thời gian hạn chế, nhân vật trải nghiệm chỉ chọn lọc và đến thăm lăng Khải Định, Minh Mạng và Tự Đức.
Vua Minh Mạng là một người thông minh, có ý chí. Sau khi đăng cơ, ông có công lao vô cùng to lớn trong công cuộc cải cách đất nước, đưa Đại Nam sánh ngang với những quốc gia Đông Nam Á bấy giờ.
Từ lâu, vua Minh Mạng đã muốn xây dựng một Sơn lăng để an giấc ngàn thu. Quá trình lựa chọn vị trí để xây dựng cũng tốn đến 14 năm. Đó là núi Cẩm Khê, ông đặt tên tẩm lăng của mình là Hiếu Lăng.
Quần thể di tích lăng Minh Mạng đến nay vẫn giữ nguyên nét đẹp truyền thống, cổ xưa, là một trong những lăng tẩm được đánh giá uy nghi, chuẩn mực nhất trong những kiến trúc thời nhà Nguyễn. Toàn bộ khuôn viên có diện tích 1 nghìn 750 mét được sắp xếp đối xứng tuyệt hảo.
Điểm bạn không thể bỏ lỡ trong chuyến tham quan lăng Minh Mạng là hồ Tân Nguyệt. Đây là biểu tượng mặt trăng bao bọc mặt trời của Bửu Thành. Bắc ngang hồ là cầu Thông Minh Chính Trực, đưa du khách tới với nơi yên nghỉ của vua Minh Mạng.
Lăng Tự Đức được vua Tự Đức xây dựng như một chốn nghỉ ngơi giữa việc triều chính căng thẳng. Tự Đức là vị vua có thời gian tại vị lâu nhất trong 13 vị vua nhà Nguyễn.
Chặng đường lên ngôi vua của Tự Đức không suôn sẻ và có màu sắc bi quan khi đất nước bị xâm lược, nội bộ triều đình lục đục, anh em bất hòa. Vua Tự Đức không có con cái, hay suy nhược đau ốm nên ông quyết định trốn tránh khỏi những thị phi, trở ngại.
Một tòa nhà được xây dựng bên hồ để ngắm cảnh. Vào mùa sen, hoa nở kín hồ tỏa hương bát ngát. Bối cảnh này đã được xuất hiện trong nhiều bộ phim Việt Nam.
Cảnh sắc của lăng Tự Đức tựa như một bức tranh với những cây cầu bắc ngang qua hồ. Với những hàng thông xanh rì rào trong gió, không gian trong lành, thoáng đãng.
Lăng Tự Đức được xây dựng thể hiện rõ tính cách của nhà vua lúc sinh thời: uy nghiêm nhưng không kém phần nhẹ nhàng, thanh thoát, đầy chất thơ.
Vua Khải Định là vị vua thứ 12 của triều Nguyễn. Sau khi lên ngôi, ông đầu tư xây dựng nhiều công trình đồ sộ, đặc biệt là Ứng Lăng, chính là lăng Khải Định ngày nay.
Những câu chuyện về lối sống xa hoa của Vua Khải Định luôn là đề tài khiến hậu thế tò mò. Chỉ cần thăm quan lăng Khải Định ở Huế, ta cũng phần nào thấy được phong cách sống của ông.
Lăng Khải Định là đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình sành sứ và thủy tinh, là một công trình có giá trị cao về nghệ thuật và kiến trúc.
Là một người chỉnh chu, am hiểu phong thủy và yêu cái đẹp, Vua Khải Định đã rất kỳ công để lựa chọn và xây dựng lăng tẩm cho mình. So với các lăng của các vị vua tiền nhiệm, lăng Khải Định có diện tích nhỏ hơn nhưng thời gian hoàn thành lên tới 11 năm và tốn rất nhiều công sức, tiền bạc. Đó là kết quả hội nhập kiến trúc Á Âu, Việt Nam cổ điển và hiện đại.
Lăng Khải Định nằm cách trung tâm kinh thành Huế chừng 10 km về phía Tây Nam, bạn hoàn toàn có thể chủ động đến đây bằng xe máy.
Các bạn có thể xem thêm các bài viết review của mình tại đây: