Quảng Bình lừng lẫy với địa danh Phong Nha Kẻ Bàng, mình dự định đi đã lâu mà mãi chưa thực hiện được. Cuối cùng năm nay, đúng lúc ...lũ về thì mình quyết định đi, bởi lúc đấy mình không đi thì phải chờ năm sau. Vì nhiều lý do mà mình không thể đi sớm hơn được, nên mình đi Quảng Bình và những ngày tháng 9 giông tố!
Mới đêm hôm trước còn bão, mưa không ngớt, từ Hà Nội vào thấy mưa sáng sớm nhòe cửa sổ. Đêm mình xuất phát cũng là đêm bão tan...
Bọn mình thuê xe máy ở nhà xe ngay đường bờ biển Trương Pháp, gần Trung Tâm.
...
Xe máy thuê có 3 loại, xe số tầm 160k/ngày, xe ga 200k/ngày, có xe 220k, mình cũng không rõ là có gì khác biệt mà giá khác! Bọn mình thuê 3 ngày, trả tiền luôn.
…
Nhận xe cũng là lúc nghe tin dữ, chị cho thuê xe nói, em không vào Phong Nha bây giờ được đâu, đường ngập còn phải đi thuyền cơ, hang động các kiểu đóng cửa hết rồi! :-?
Sét đánh ngang tai, chẳng lẽ vừa đến lại về! Nhìn lại những gì mình đã chuẩn bị và hi sinh để đến được đây mà bàng hoàng. :cry:
Làm sao bây giờ?
...
Điểm đến đầu tiên - thẳng tiến đến đèo Ngang. Đèo Ngang chắc bạn đã biết ít nhiều qua tác phẩm Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan. Không biết ngày xưa, Đèo Ngang hiểm trở, cách biệt thế nào, nhưng hôm nay mình đến đây như được “xuyên không” về một phần quá khứ...
Đèo Ngang là con đèo vượt dãy Hoành Sơn, có giá trị lịch sử quan trọng, từng là ranh giới giữa Đại Việt và Chiêm Thành ngày xưa.
Theo sử cũ, đường qua Đèo Ngang đã có 1000 tuổi, từ thời vua Lê Đại Hành (980 – 1005). 500 năm sau Hoành Sơn – Đèo Ngang trở thành điểm xung yếu chia cắt Đàng Ngoài – Đàng Trong. Khi Quang Trung Nguyễn Huệ thống nhất đất nước, Đèo Ngang là cửa ngõ vào Nam ra Bắc.
…
Xe máy đi từ trung tâm thành phố Đồng Hới hướng lên phía Bắc, quay lại con đường xe khách vừa đưa đi sáng nay. Xe đi mất gần 1 tiếng. Trời mưa nhỏ, đôi lúc to đến mức bọn mình phải dừng lại mặc áo mưa.
Đường rộng thênh thang, ít người đi, kể cả người dân qua lại cũng không thấy mấy, như thế giới này là của chúng ta! Bọn mình bật Google map để đi.
Chính vì đi theo Google nên app thông minh quá, dẫn bọn mình đi vào hầm Đèo Ngang! Đương nhiên là bọn mình muốn vượt đèo nên tiếp tục đi qua hầm, sang đất Hà Tĩnh một chút, rồi vòng lại, phía tay phải có đường dẫn lên đèo!
Đường hầm chỉ có một đoạn ngắn, đi rất nhanh. Đường lên đèo thoai thoải, view thực lòng mình thấy không có gì xuất sắc, vì đèo không quá cao, tầm mắt không quá rộng và ấn tượng. Ngày trước, chỉ có ngựa kéo xe đẩy, có thể vượt đèo là thử thách, còn bây giờ, du khách có thể lên đèo chỉ trong vòng một nốt nhạc.
Trên đỉnh đèo có cổng Hoành Sơn Quan, bạn nên làm vài pô ảnh check in ở đây.
…
Tiếp đến, sau khi lên đến “điểm cực Bắc” của Quảng Bình, bọn mình vòng xuống phía Nam, thăm mộ Đại Tướng ở Vũng Chùa - Đảo Yến, cách đó khoảng 6 km, 10 phút di chuyển.
Rẽ vào từ con đường quốc lộ, có rất nhiều biển báo bên đường dẫn vào Vũng Chùa - Đảo Yến. Trên đường, có khá nhiều sạp bán hàng nhỏ của dân địa phương, bán hoa cúc, hương, đồ lễ, trái cây... để viếng Đại Tướng Võ Nguyên Giáp.
Đến nơi, ngay chỗ gửi xe, có biển báo to, khuyến cáo du khách không nên mua hoa, hương … làm lễ. Nếu muốn ủng hộ kinh tế địa phương, bạn có thể chọn các cách khác như mua trái cây ăn dọc đường hay đồ lưu niệm.
Ban Quản Lý khuyến cáo du khách, người dân không nên dâng hoa, đồ lễ, vàng mã ...
Khu di tích có khu vực gửi xe miễn phí cho du khách, mở cửa từ 7 giờ đến 17 giờ hằng ngày. Vào trong khuôn viên có các anh bộ đội trực nhiệm vụ. Có tủ để đồ cho du khách, bạn lên viếng thì gửi lại ba lô, túi xách các loại.
Du khách sau đó đi bộ tầm hơn trăm mét lên viếng mộ Đại Tướng Võ Nguyên Giáp. Đến nơi, mỗi người được phát một nén hương đã đốt sẵn. Đây chính là lý do du khách vào viếng không nên mua hương hoa.
…
Từ khu vực này, nhìn ra phía Đông là biển xanh rì rào, xa xa có một hòn đảo, là Đảo Yến.
…
Dọc đường về, một bên là biển xanh, gió mát lồng lộng, nhưng sau cơn bão, rác bị cuốn lên khắp bờ biển.
Rác bị cuốn lên bờ sau cơn bão rất nhiều!
Địa điểm du lịch Quảng Bình tiếp theo là làng Bích Họa Cảnh Dương - một làng chài ven biển cách Vũng Chùa 10 km, khoảng 14 phút di chuyển.
Làng Bích Họa Cảnh Dương đông đúc, náo nhiệt hơn mình tưởng, sau cơn bão, có vẻ cuộc sống đã trở về bình thường, không chỗ nào bị lụt ngập. Nhưng vào làng mà chưa thấy bức tranh nào, bọn mình vừa kết hợp hỏi dân địa phương và check Google để đến được con đường bích họa.
Con đường bích họa chắc chỉ tầm vài trăm mét, bắt đầu từ một khoảng sân rộng, trước nhà văn hóa. Những bức họa nổi bật sau cơn mưa, màu còn mới nổi bật hai bên đường. Một phần bức họa kể lại câu chuyện chiến đấu ở Cảnh Dương, một vài bức về truyền thống ngư nghiệp nơi đây, sau cùng là những bức tranh đầy mộng mơ về những nhân vật siêu nhiên như quái vật, đại dương… bạn có thể xem thêm ở video của mình.
…
Cơ bản, mình thấy làng bích họa chưa hoàn thiện, ít chủ đề, chắc sẽ thay đổi nhiều trong thời gian tới.
Bạn yên tâm là đến đây, ít nhiều cũng có những bức ảnh so deep độc lạ!
Cũng trưa rồi, đi qua chợ trong làng, bọn mình định ăn trưa luôn ở chợ nhưng không kiếm được quán cơm nào. Nên hai đứa quyết định ủng hộ kinh tế địa phương bằng 2 cốc nước mía 5k, cực ngọt, không có hóa chất. :-)
...
Bãi Đá Nhảy cách làng Bích Họa Cảnh Dương khoảng 32 km, đi khoảng 37-40 phút. Theo mình tìm hiểu, bãi đá nhảy vốn là một bãi tắm, nhưng spotlight nơi này lại thuộc về những hòn đá có hình thù kỳ dị ven biển.
Không biết vì sao nơi đây tên là Đá Nhảy nhưng đương nhiên là Đá không nhảy thật, càng không chuyển động! Mình nghĩ, nhiều người vì cái tên “sinh động” này mà tìm đến nơi đây!
…
Bãi Đá Nhảy là địa điểm du lịch Quảng Bình tiếp theo của bọn mình. Nước đục ngầu, không phải màu xanh của biển, và rác thì dạt vào bờ rất nhiều. Hàng quán dọc bờ biển cũng vắng lặng, không người bán, không khách, bọn mình dựng xe rồi vào phía trong.
Sau ngày bão, bãi Đá Nhảy vắng vẻ, không “hai bóng người”. Chỉ có một ông lão tàn tật đang nhặt lon trai và vỏ tái chế xếp thành từng bao. Mình hỏi chuyện, ông bảo gần như đây là công việc duy nhất mà ông có thể làm, ngày thường chẳng được là bao, sau cơn bão thế này, sóng đánh vào bờ nhiều chai lọ các kiểu, từ sáng đến giờ ông cũng được hơn 2 bao, thì thu nhập cũng kha khá.
Theo đánh giá chủ quan của mình, những hòn đá “kỳ dị” ở đây không có gì ấn tượng. Đây là mình review thực tế để bạn cân nhắc, vì nếu nói về địa chất ven biển thì Việt Nam mình có nhiều bãi đá thú vị hơn nhiều như Bãi đá Cầu Mỵ (Cô Tô), Tò Vò (Lý Sơn)...
Nếu đến vào buổi chiều, bạn có thể kết hợp tắm biển, ăn hải sản nơi đây…
...
Mời bạn đọc thêm những bài viết khác của mình qua các link sau: