Ngoài việc thận trọng với những ngọn núi lửa vẫn còn hoạt động, đến Ecuador, du khách có thể tham khảo thêm một số điều dưới đây để hiểu rõ hơn về đất nước Nam Mỹ này.
1. Quốc gia thuộc top nhiều núi lửa nhất thế giới
Đất nước này nằm trong khu vực Vành đai lửa, nơi thường xảy ra các hiện tượng như động đất, núi lửa phun trào. Ngay phía nam thành phố Quito là hai chuỗi đỉnh núi chạy song song thuộc dãy Andes, nằm trải dài từ bắc xuống nam ở
Ecuador. Nơi này còn được mệnh danh là "Đại lộ núi lửa".
Đỉnh Tungurahua, cũng nằm phía nam Quito, là một trong những núi lửa hoạt động mạnh nhất trái đất vài năm qua. Theo tiếng địa phương, tên ngọn núi có nghĩa "Họng lửa", thường phun trào từ năm 1999 và lần gần đây nhất vào tháng 4/2014.
2. Chuột lang chiên giòn là món hảo hạng
Theo tiếng bản địa, chuột lang gọi là cuy, trước khi chiên trực tiếp trên lửa thường được làm sạch lông, mổ và đánh bẹt ra. Bạn sẽ khó tìm thấy món ăn này trong các nhà hàng ở Quito bởi chúng chỉ phổ biến tại một số tiệm ăn nhỏ hoặc vùng thôn quê. Một con chuột lang chiên giòn có giá 20 - 25 USD.
Chuột sau khi chế biến xong có mùi vị thịt rừng, thường ăn kèm khoai tây và ngô. Ngoài ra, cuy còn được người dân địa phương dùng làm quà cưới giá trị, nhất là ở các vùng quê.
3. Trẻ con Ecuador bị đánh bằng cây tầm ma
Người Ecuador thường trả tiền để con cái bị đánh bằng cây tầm ma. Hình thức này không bị xem là bạo hành trẻ em mà là một phương pháp chữa trị truyền thống. Người Ecuador tin rằng nó có thể thanh lọc tâm hồn. Phương thức này áp dụng cho cả người lớn và trẻ em.
Họ phải cởi bỏ quần áo và bị quật mạnh bằng cây tầm ma để xua nguồn năng lượng tiêu cực. Sau đó, họ tiếp tục bị đập bằng một nắm thảo dược bao gồm bạc hà, nguyệt quế.. để giảm các vết đau trước đó. Bước cuối cùng của liệu pháp là cọ xát cơ thể bằng cánh hoa hồng.
4. Biểu tượng đường xích đạo nằm sai chỗ
Tên Ecuador đặt theo từ "equator" vì đất nước này có đường xích đạo chạy ngang qua. Một trong những điều du khách thường làm là tìm tới Mitad del Mundo và đặt chân ở hai bên của vạch màu vàng phân định hai nửa thế giới.
Công trình này xây dựng vào năm 1979. Tuy nhiên, hiện tại, vạch đánh dấu đường xích đạo bị lệch 240 m so với thực tế. Du khách nên đem theo thiết bị định vị GPS để tới đúng đường vĩ tuyến 0.
5. Lá cây coca có thể chữa bệnh sợ độ cao
Quito, thủ đô Ecuador, nằm ở độ cao 2.800 m so với mực nước biển nên lần đầu tới đây, bạn có thể bị khó thở hoặc đau đầu. Đó là các triệu chứng của bệnh sợ độ cao. Tình trạng sẽ tệ hơn nếu bạn leo lên dãy núi Andes mà không thích nghi được với môi trường.
Du khách được nhắc uống nhiều nước, tránh các loại đồ uống có cồn và caffeine để giảm những triệu chứng trên. Một cách chữa trị hiệu quả khác theo quan niệm người bản địa là dùng lá coca pha trà uống.
Tuy nhiên, bạn không được đem bất cứ lá coca nào khi xuất cảnh khỏi Ecuador vì với một số nước khác, trong đó có Mỹ, hành động này bị xem là bất hợp pháp.
6. Không bầu cử sẽ bị phạt
Ecuador bắt buộc tất cả các công dân 18 - 65 tuổi từ năm 1936 phải đi bầu cử. Chỉ những người mù chữ mới được bỏ qua. Các cử tri sẽ nhận một giấy chứng nhận rằng họ đã làm tròn trách nhiệm công dân.
Nếu không có giấy đó, họ sẽ không được phép kết hôn hoặc sắm tài sản. Ngoài ra, người không có lý do chính đáng còn bị phạt 50 USD.
7. Hoa hồng ở Ecuador có giá rẻ
Bạn chỉ tốn 2,5 USD cho một bó hoa hồng 25 cành. Đến các khu nhà kính trồng hoa, du khách còn mua được bó hồng với giá chỉ 2 USD. Dù ngành công nghiệp hoa hồng ở Ecuador hoạt động đã 20 năm, suốt một thập kỷ qua, nguồn thu từ lĩnh vực này chỉ đứng thứ ba, sau dầu mỏ và chuối.
Với điều kiện thích hợp để trồng hoa hồng, Ecuador đang tìm cách sản xuất thêm nhiều sản phẩm mới từ hoa nhằm phát triển ngành công nghiệp này hơn nữa.
8. Nón Panama bắt nguồn từ Ecuador
Chiếc nón lá truyền thống này đến từ Manabi, bờ biển phía tây Ecuador, quê hương của Eloy Alfaro. Ông là tổng thống của Ecuador từ năm 1842 đến 1912, người đã tạo ra chiếc nón làm từ lá cây toquilla - một loại sậy hiếm có, chỉ sinh trưởng tốt ở nước này.
Eloy Alfaro còn xuất khẩu chúng tới Panama. Tại vùng nhiệt đới nóng bức, chiếc nón lá trở thành vật dụng che nắng lý tưởng. Người sử dụng thường là công nhân, kỹ sư Mỹ khi đó đang xây dựng kênh đào Panama.
Năm 1904, Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt được chụp ảnh trong lúc đội chiếc nón lá và thị sát công trình kênh đào. Sau sự kiện trên, chiếc nón truyền thống của người Ecuador trở nên phổ biến với tên gọi nón "Panama".
Xem thêm: