Cùng thuộc địa phận tỉnh Bà Rìa - Vũng Tàu, lại nằm trên con đường từ Sài Gòn đến Vũng Tàu, thế nhưng khu vực đảo Long Sơn vẫn chưa được du khách biết đến nhiều.
Nhà lớn Long Sơn còn gọi là đền Ông Trần nằm bên sườn phía Đông Núi Nứa, thuộc xã đảo Long Sơn, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Việt Nam.
Đây là một quần thể kiến trúc nghệ thuật theo lối cổ, được làm bằng gạch ngói và các loại gỗ quý, với tổng diện tích khoảng 2 ha, chia thành ba khu: đền thờ; nhà hội, trường học, chợ, nhà bảo tồn Ghe Sấm và khu lăng mộ ông Trần.
Lược kể quá trình xây dựng
Năm 1900, Ông Trần cùng khoảng 20 người trong gia tộc đi bằng thuyền buồm dừng chân ở chợ bến Long Điền. Sau khi nhận thấy phía Nam đảo núi Lứa (Long Sơn) chưa có người khai phá, ông bèn chọn nơi này mở đất lập nghiệp và truyền đạo. Vào khoảng năm 1909, Ông Trần đã đề đạt với nhà cầm quyền Pháp ở Bà Rịa cho lập ra nhà thờ Khổng Tử để làm nơi thờ cúng của người dân ấp Bà Trao (nay là xã Long Sơn). Được chấp thuận, năm 1910, Ông Trần cho xây dựng Nhà Thánh (thờ Khổng Tử) làm khu chính điện. Sau đó, ông tiếp tục xây dựng Lầu Trời, Lầu Tiên, Lầu Phật, và sửa lại Nhà Hậu vốn có từ trước cho rộng lớn và khang trang hơn.
Năm 1927, Ông Trần lại cho cất thêm Lầu Cấm (làm tiền điện), hai ngôi nhà khách, cổng tam quan, khu vườn hoa, hai cổng ra vào khu vực thờ cúng.
Năm 1928, ông cho dựng tiếp Lầu Dài, phần dưới để trống làm nơi ăn nghỉ cho người đến thăm viếng và lễ bái, tầng trên bày các bàn thờ.
Kể từ đó và những năm tiếp theo, Ông Trần cho xây cất 5 dãy phố (cho lưu dân cư ngụ khi mới đến lập nghiệp), nhà Long Sơn hội (nơi hội họp), trường học (dạy chữ quốc ngữ cho trẻ), nhà chợ (được khánh thành ngày 16 tháng 8 năm 1929), nhà máy xay xát lúa gạo, kho chứa thóc, nhà đèn, nhà thợ mộc, nhà bếp, các hồ và lu dùng để tích trữ nước ngọt, v.v...
Vì những công trình do ông Trần tổ chức xây dựng đều nằm chung một khu vực nên nhân dân quen gọi đó là Nhà Lớn. Sau khi ông Trần qua đời và được đưa vào thờ cúng trong Nhà Lớn thì khu di tích này lại có thêm một tên gọi nữa là Đền Ông Trần.
Với hướng đi theo quốc lộ 51, bạn chỉ phải chạy khoảng 80km (quãng đường này giảm xuống còn hơn 70km nếu đi theo phà Cát Lái) là tới được ngã ba Long Sơn, ngã rẽ này cách cổng chào Bà Rịa khoảng 8km và có bảng chỉ dẫn khá lớn nên bạn sẽ không lo lỡ mất đâu. Quẹo phải vào ngã ba này, chạy thêm tầm 5-6 km nữa theo hướng chỉ dẫn, bạn sẽ đến được với khu di tích Nhà Lớn Long Sơn
Cảm tưởng đầu tiên khi đặt chân đến trước khu di tích Nhà Lớn Long Sơn đó là cảm giác vừa thân thuộc, nhẹ nhàng, vừa kỳ lạ với lối kiến trúc và những tông màu hiếm thấy. Nhà Lớn Long Sơn có tông màu sáng, chủ yếu là xanh nhạt, vàng và đỏ tươi, tạo cảm giác sinh động, và thích mắt nhưng kiến trúc lại là rất quen thuộc và bình dị như thôn quê Việt Nam ngày xưa.
Tất cả những người trong coi khu di tích này đều là con, cháu, họ hàng xa, bà con từ thời trước trông coi, và mọi người đều tình nguyện góp sức để gìn giữ khu di tích này chứ không hề được trả công. Không cần phải mua vé, khách du lịch cũng sẽ được mời vào khu nhà khách, ngồi uống nước trà nóng, và nghe kể về câu chuyện của Ông Trần.
Khi Ông Trần mất, ngoài đạo giáo của Khổng Tử, ở đây còn hình thành tín ngưỡng đạo ông Trần, vốn pha trộn nhiều đạo giáo khác nhau, nhưng chủ đích vẫn hướng con người đến với chân - thiện - mỹ. Con cháu của ông vẫn giữ gìn những phong tục, tập quán của ông, vẫn mặc quần áo bà ba, đi chân đất, tóc búi gọn gàng, để giữ vững hình tượng mà Ông Trần để lại, từ sinh hoạt đến cả tính cách đậm chất Nam Bộ. Nếu bạn có cơ hội ghé qua đảo Long Sơn, hãy nhớ ghé khu di tích Nhà Lớn Long Sơn, để tham quan Nhà Lớn và tìm hiểu về đạo Ông Trần
Địa chỉ:Thôn 10, xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu
Người đại diện: 08 vị hương chức
Điện thoại: 0643844044 - 0913369874 (Cô Kiềm - Thành Viên)