Miếu Nổi Phù Châu-cầu duyên thoát ế, chốn linh thiêng độc đáo giữa Sài Gòn náo nhiệt
Tran Thi Thai Thao
Thứ 2, 10/08/2020

Ngồi trên chiếc đò nhỏ giữa dòng sông Vàm Thuật để đến ngôi miếu là một trải nghiệm vô cùng đặc biệt mà bạn không thể bỏ qua. Nơi linh thiêng có lịch sử hơn 3 thế kỷ, nổi tiếng cầu gì được nấy, đặc biệt là cầu duyên với kiến trúc Hoa Việt độc đáo và công phu từ những mảnh sành sứ ghép lại.
Trong một cuộc hẹn bất chợt 12h trưa thứ 7, tụi mình đội nắng đi thẳng một mạch về hướng phà An Phú Đông-đi Miếu Nổi Phù Châu.
Đường đến Miếu Nổi Phù Châu không khó đi, bạn chỉ cần đi đến vòng xoay Nguyễn Thái Sơn đi theo đường Nguyễn Thái Sơn, cuối đường rẽ vào Trần Bá Giao, đi thêm vài trăm mét sẽ đến đò nhỏ để ra miếu. Cạnh đó là bến phà An Phú Đông, coi chừng lên nhầm bến phà An Phú Đông đó nha. Bạn chỉ cần hỏi người dân xung quanh bến đò đi Miếu Nổi là ai cũng biết và vui vẻ chỉ đường cho bạn. Ủa đi miếu sao lại ra bến đò??? Bởi thú vị như vậy cho nên mình phải viết ngay bài review này nè.
Đến bến đò bạn gửi xe trên bờ, rồi ngồi chiếc đò be bé khoảng 7 phút là cập bến Miếu Nổi. Giá vé là 10 ngàn đồng cho cả đi lẫn về. Chú lái đò hiền lành, trầm mặc, trông có vẻ khắc khổ, bạn có lòng thì cho thêm chú cũng được nha.
Ngôi Miếu nằm biệt lập giữa sông Vàm Thuật như một hòn đảo nhỏ xinh, được xây từ thời vua Gia Long cách đây hơn ba thế kỷ. Tương truyền, một người đàn ông chài lưới trên sông đã lưới phải một phụ nữ (có tài liệu thì ghi rằng là tượng của bà Thủy Tế khi đánh cá). Ông bèn đem chôn lên cù lao rồi lập một miếu nhỏ để thờ oan hồn. Từ đó cuộc sống của ông sung túc hơn. Trước năm 1975, đây là điểm hành hương nổi tiếng của người dân Sài Gòn nhưng sau đó gần như bị bỏ hoang. Đến năm 1989, một người Hoa tên Lục Câu bỏ tiền sửa sang, khôi phục lại miếu. Năm 2010, Phù Châu miếu được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Thành phố. Bạn có thể đọc ghi chép lịch sử Miếu Nổi khi đến đây để biết cụ thể hơn, có hẳn một chiếc bảng ghi ở Miếu.
Cổng vào Miếu Nổi có hai chú rồng lớn uy nghiêm dài khoảng 15m, quan sát khắp nơi là hơn 100 con rồng lớn nhỏ khác. Khoảng sân lớn rất đẹp để chụp hình view bờ sông cũng như view cánh cổng lớn của chùa mà không gây cản trở hoạt động của khách ghé thăm.
Đi vào sân chính trước chánh điện, trồng rất nhiều loại hoa tươi tốt và các loại cây toả bóng mát. Chánh giữa gian tiền điện thờ Phật Di Lặc, hai bên thờ Phật Tổ Như Lai và Địa Mẫu. Khoảng sân bên phải đặt nhiều ghế đá và có một chiếc lồng nuôi ba ba ( hay rùa mình không biết nữa, do mình không biết phân biệt hai loài này ), ngoài ra có một cây si cổ thụ toả bóng mát rất đẹp, chim chóc bay tứ tung không biết sợ người, vài chú chó đi loanh quanh.
Một điểm rất đặc biệt ở đây là từng chiếc cột, con rồng, bờ tường,…đều được đắp bằng mảnh sành, sứ, rất nhỏ và tinh tế. Nhìn gần thật sự cảm thấy thán phục vì độ độc đáo và kì công của ngôi Miếu, bạn nhớ để ý kĩ nha.
Không chỉ nổi tiếng cầu gì được nấy, mà Miếu Nổi Phù Châu còn được truyền tai nhau là chốn linh thiêng cầu duyên giúp thoát ế dành cho team ế và tất nhiên cầu hạnh phúc dành cho team đã có chậu. Bạn có thể thả chim phóng sinh, xin lộc, đi dạo chụp hình, ngồi ghế đá uống nước, rất thoải mái và yên bình.
Tổng kết một chút thì:
- Ngôi Miếu linh thiêng có lịch sử hàng trăm năm, cầu gì được nấy, đặc biệt là cầu duyên,
- Nằm biệt lập giữa dòng sông Vàm Thuật độc đáo yên bình,
- Kiến trúc Hoa Việt tinh tế và công phu tạo hình từ những mảnh sành sứ ghép lại.
Miếu Nổi Phù Châu thật sự là một địa điểm không thể bỏ qua, còn chờ gì mà không lên lịch và đi ngay thôi!
hồ chí minh
Đã cập nhật vào ngày 30/12/2022