Làng Cầu Vòng ở Thành Phố Đài Trung là làng kiến trúc sơn vẽ bằng tay của một người lính cũ thời Quốc Dân Đảng. Đây hiện đang là một trong những điểm đến thu hút giới trẻ Đài Loan và các city tour trong ngày. Đây là ngôi làng sơn tay đầu tiên và cũng là đẹp nhất ở Đài Loan mà tôi từng đi qua.
Nghe tựa đề có vẻ buồn cười nhỉ nhưng sự thật là có một loại văn hoá như thế ở đây. Điểm đến này có lẽ ai cũng biết rồi 彩虹眷村 Rainbow Village ở Đài Trung. Vì thế rõ ràng một điều là tôi không viết để giới thiệu hay khoe ảnh. Tôi viết về điều mà lần đầu khi tôi đến đây đã hỏi thằng bạn người Đài. Hôm đấy là lần đầu tiên tôi đi Thành Phố Đài Trung chơi. Ai cũng biết thành phố Đài Trung không có nhiều điểm du lịch đẹp là mấy. Tôi đang nói nội thành nhé, còn xa hơn trên núi thì nhiều chỗ đẹp rồi nhưng đâu phải lúc nào tôi cũng đi xa được như thế. Và khi tôi muốn lang thang ở trong thành, kiếm một chỗ để chụp cái váy mới của tôi thì nó đưa tôi đến đây. Thấy cũng hay hay, đúng kiểu loè loẹt mà người Đài thích, đi một vòng khoảng 7 phút nếu không dừng chụp hình thì hết. Cái làng bé như cái lỗ mũi mà đông nghẹt người các mợ ạ. Tôi quay sang hỏi thằng bạn, có nhiêu thôi á hả? Nó ừ và tôi hơi hụt hẫng.
Một lần khác, khi cô bạn thân nhà báo từ Việt Nam sang chơi, hôm đó hai đứa cũng ăn no ngủ kĩ rồi và cũng không biết đi đâu. Tôi lại đưa nó đến đây. Đi dạo một vòng, nó lại quay sang hỏi tôi câu y như hôm đó tôi hỏi: Ủa, có nhiêu đó thôi á hả?... tôi nhìn nó, mỉm cười và nhớ lại tôi của vài năm trước, khi đó tôi chưa mấy hiểu Đài Loan.
Cái làng đó rất xinh, đủ màu đủ sắc và vẽ rất công phu. Câu chuyện của làng Cầu Vòng bắt đầu năm 2008, khi đó ông Hoàng, người ta thường gọi ông bằng cái tên thân mật hơn là Hoàng Gia Gia, ông sinh năm 1924. Ông sống ở ngõ 56 Đường Xuân An, là lính về hưu của Quốc Dân Đảng. Khi chiến tranh kết thúc, thường các vị lính về hưu được sắp xếp chỗ ở tạm thời trong khi chờ nhà nước có chỉ thị mới, chỗ ở tạm thời này được chia theo từng nhóm người ở. Những ngôi làng này gọi là 眷村, có nghĩa là làng lính. Vào thời điểm đó có tới gần 800 làng lính. Khi kinh tế phát triển, nhiều vùng đất được chọn để xây những toà nhà trọc trời, trường học, cũng có thể là trung tâm thương mại hoặc khu dân cư mới. Những người lính cũ đã được sắp xếp chỗ ở mới hoặc được đền bù để họ chuyển đi. Các làng lính vì thế mà càng ngày càng ít đi, hiện giờ chắc chỉ còn hơn 100 làng. Dù ít nhưng khái niệm 眷村 vẫn còn được nhắc đến rất nhiều như một nét văn hoá, lịch sử của đất nước này. Làng Cầu Vòng này là một làng lính như thế. Khi tất cả mọi người đã dời đi thì Hoàng Gia Gia cùng 11 hộ khác quyết định ở lại. Trong phạm vi nhỏ bé của 11 căn hộ đó, vào một ngày buồn chán tuổi xế chiều, Hoàng Gia Gia bắt đầu công việc vẽ bằng sơn những bức tường và đồ vật quanh nhà mình. Vốn là người có thiên chất nghệ thuật. Ngôi làng bé nhỏ dưới đôi tay tài hoa của ông được biến hoá thành một công trình vẽ tay cực kì tỉ mỉ và bắt mắt. Năm 2010, sinh viên một trường đại học gần đó (弘光科技大學) nhìn thấy được giá trị kiến trúc và nghệ thuật của tác phẩm này nên quyết tâm cùng với các giáo sư trong trường yêu cầu chính phủ Thành Phố Đài Trung đồng ý bảo tồn làng Cầu Vòng như một di sản văn hoá của thành phố. Con đường này không đơn giản nhé, các bạn ấy cũng phải làm việc với chính phủ rất lâu để được thông qua quyết định này. Nhưng dù sao thì kết quả cũng được mỹ mãn, và hôm nay, nếu chúng ta đến làng Cầu Vòng, chúng ta còn có dịp để gặp Cầu Vòng Gia Gia, được chụp hình và chiêm ngưỡng tác phẩm tí hon của ông.
Đến đây chưa hết nhé, nếu chỉ có một làng cầu vòng thì tôi chẳng viết làm gì cho mỏi tay. Từ ngày làng Cầu Vòng của Hoàng Gia Gia nổi tiếng thì một loạt các làng cầu vòng khác xuất hiện trên khắp đất nước này. Văn hoá sơn làng sơn xóm loè loẹt từ đây mà ra. Có một lần tôi tham gia hoạt động thiện nguyện do trường tổ chức, và nhiệm vụ của bọn tôi là vác sơn đi sơn sơn vẽ vẽ hết thảy các bức tường ở một trường Tiểu Học gần đó. Cũng vui lắm nhưng tôi thì thích màu pastel, tiếc là toàn cho tôi màu sharp quá! Vẽ sao cũng thấy gớm. Bẩm sinh bất tài có khác! Hiện trên toàn quốc có khoảng 79 làng cầu vòng tương tự và có khả năng sẽ còn tăng lên vì mọi người ở đây vẫn đang hăng say tiếp tục công việc vẽ vời.
Từ làng Cầu vòng của Hoàng Gia Gia cho đến sự bảo tồn và phát triển một nét văn hoá sơn làng cho thấy sự quý trọng công sức sáng tạo của người Đài. Dù chỉ là một kiến trúc nhỏ nhưng giá trị giáo dục mà nó đem lại là vô cùng lớn. Ở đâu có sự phát triển thì ở đó có văn hoá. Văn hoá hay bản sắc không chỉ là thừa hưởng mà còn là sự sáng tạo. Mọi thời đại chúng ta đều có thể tạo ra văn hoá và di sản riêng của mình. Đây là điều tôi học được từ cách làm du lịch của Người Đài. Họ tự sáng tạo, dù chỉ là từ thứ rất nhỏ. Họ tạo ra một sinh thái chứ không chỉ dựa vào những thứ trời ban cho hay lịch sử để lại. Và như thế, khi chúng ta đến mỗi thành phố trên đất nước này, ngoài những điểm du lịch vốn dĩ đã rất nổi tiếng thì làng cầu vòng cũng là nơi để kết hợp tham quan và hiểu hơn về đời sống
tinh thần của người bản địa.
#彩虹眷村 #RainbowVillage #眷村 #彩虹眷村 #Solisetales #solisetales.com #soliseblog #DuLịchĐàiLoan #ĐàiTrung