Trong văn hoá người Hoa, mồng 5 tháng 5 được cho là ngày không may nắm, nên để xua tan đi những điều xui xẻo người ta tổ chức các lễ hội hoặc các hoạt động ăn mừng như lễ hội đua thuyền. Từ đó Lễ Hội Đua Thuyền như một nét văn hoá không thể thiếu trong đời sống của người Đài Loan. Hãy một lần đến Keelung và hoà mình vào không khí lễ hội.
Sắp đến mồng 5 tháng 5 âm lịch, bỗng nhiên nhìn thấy hình trên Facebook nhắc nhớ mùa lễ hội năm ấy. Đối với những nước nói tiếng Hoa hoặc chịu ảnh hưởng của văn hoá phương Đông thì không có ai xa lạ với lễ hội thuyền rồng rồi. Nhưng đối với mấy đứa lớn lên ở miền trung du miền đồi núi như mình thì làm gì có cơ hội chơi trò đó. Vì vậy, mình không quan tâm lắm và cũng không có nhiều hứng thú với hoạt động này, cho đến một lần theo anh bạn đi tham gia đua thuyền ở Keelung, Taiwan. Nói là tham gia thôi nhưng mình không có xuống nước đâu, chỉ ở trên bờ làm lính đánh thuê lo chuyện nước nôi và cổ động viên nhiệt tình thôi.
Đó là một mùa tháng 5 âm lịch năm 2017, khi đó mình mới còn đang thất nghiệp. Thất nghiệp thì tất nhiên tâm trạng không có gì vui rồi nên đó là một trải nghiệm sâu sắc đối với mình. Toàn bộ đội đua thuyền bên mình đa số là người Đài sống ở Mỹ, có một số là người nước ngoài yêu thích môn vận động này nên cùng tham gia. Bạn mình cũng là thành viên của đội. Đội mình là một trong 15 đội tham gia cuộc đua hôm đó. Mình còn nhớ ngày hôm đó trên bờ sông Keelung đâu đâu cũng diễn ra lễ hội đua thuyền. Bờ bắc bờ Nam đều có các hoạt động riêng và náo nhiệt đúng mùa lễ hội. Mình đến Đài Loan năm 2014, ngày tết Đoan Ngọ là ngày lễ bắt buộc nhưng chưa có một lần nào mình trãi nghiệm ngày lễ này đúng với ý nghĩa của nó nhất.
Trong văn hoá người Hoa, mồng 5 tháng 5 được cho là ngày không may nắm, nên để xua tan đi những điều xui xẻo người ta tổ chức các lễ hội hoặc các hoạt động ăn mừng như lễ hội đua thuyền. Trong kí ức của mình, đua thuyền rồng chỉ có trong sách vở và ti vi thôi. Nhưng hôm đó mình thấy người đua bằng xương bằng thịt với thái độ cực kì nghiêm túc trong việc luyện tập. Đã vậy mình còn được tham gia một phần nhỏ với mọi người. Đó quả thật cho mình cái nhìn khác về lễ hội này, đó là hẳn một sự truyền cảm hứng cực kì mạnh mẽ vì mình nhìn thấy được sự hăng say trong huyết quản họ.
Nếu là trước kia mình sẽ chờ đến mồng 5 tháng 5 để được ngủ thườn ra cả ngày vì mình từng hỏi, cái ngày vô nghĩa này sao lại là quốc lễ? Nhưng rõ ràng đây là một nét văn hoá quan trọng trong đời sống văn hoá của người Đài nói riêng và người Hoa nói chung. Có rất nhiều hoạt động truyền thống vẫn được giữ lại và được giới trẻ tiếp tục phát huy. Như là cái anh Team Leader trong nhóm hôm ấy. Anh ấy đẹp trai, nhà giàu, học tận Mỹ cơ nhưng sau khi về nước ảnh tự làm một câu lạc bộ thuyền rồng rồi huấn luyện những người có đam mê giống mình. Lúc đó mình đã nghĩ làm điều mình chưa bao giờ muốn chưa chắc là điều không hay. Vì chỉ có như thế mình mới phát hiện ra được có nhiều thứ xung quanh cũng rất phù hợp với mình chỉ là mình chưa bao giờ thử tiếp nhận chúng. Và bằng cách hoà nhập được vào với văn hoá của người bản địa, mình đã cảm thấy sống vui vẻ hơn trên đất khách, có nhiều đề tài để giao lưu và có nhiều hoạt động hơn để cùng tham gia với họ.
Quay trở về từ lễ hội đua thuyền hôm ấy, mình có cái nhìn khác về tết Đoan Ngọ, có cái nhìn mới về lễ hội đua thuyền, hơn hết mình có một kinh nghiệm mới. Đó là cảm xúc yêu thích một môn thể thao mà mình chưa bao giờ nghĩ đến sẽ yêu thích nó.
Nếu bạn ở đây, ở Đài Loan vào một mùa tháng 5 âm lịch nào đó, hãy một lần đi tham gia lễ hội trên các bờ sông xứ Đài. Đó chắc chắn là sẽ là một kí ức đẹp và sôi nổi trên con đường ta từng đi qua.
#划龍舟#台灣傳統文化#龍舟競賽#DragonBoatRacing#DragonBoatFestival#Lễhộiđuathuyền#VănhoáĐàiLoan#Mùalễhội#TaiwanTravel#DulịchĐàiLoan#Solisetales#Soliseblog