Nhật ký hành trình xuyên Việt cùng Gody.vn
Chặng 1: Hành trình Hạnh Phúc về Mèo Vạc, Đồng Văn thăm cao nguyên đá nở hoa và dinh thự ông vua người Mèo.
Tuy đã bỏ gần nửa hành trình từ Nam ra Bắc để chu du cùng team Gody.vn, mọi kế hoạch ban đầu của mình hầu như bị đảo lộn để bắt kịp chuyến xe của đồng đội trong ngày 27/3 tại Nội Bài. Cuối cùng thì đêm nay mình cũng đã yên vị trên chiếc bán tải của hành trình xuyên Việt cùng Gody để gặp gỡ anh Thuỳ trưởng đoàn kiêm bác tài mát tay cùng 3 bạn trẻ Tuấn Bill, Sơn Đoàn và Thuý Nguyễn. Mọi lo lắng về thời gian và kế hoạch để bắt kịp hành trình đã tan biến, giờ mình chỉ việc tập trung trải nghiệm những điều mới lạ cùng 4 người bạn hoàn toàn mới trên mọi nẻo đường tổ quốc!
Ngày đầu trong cuộc hành trình của mình (là ngày thứ 10 của cả đoàn), mọi người đón mình tại cổng quốc nội sân bay Nội Bài và tiến thẳng về Bắc Kan trong đêm. Trên xe, cảm xúc hồi hộp pha rất nhiều háo hức về hành trình khám phá mảnh đất thân yêu này cùng gody bỗng lại dâng trào, vậy là cuộc hành trình "xuyên Việt" của mình đã bắt đầu sau nhiều năm trời dang dở... chiếc bán tải dưới tay lái của anh Thuỳ lao đi vun vút trong đêm trên con đường cao tốc nối các tỉnh huyết mạch miền Bắc, cuốn theo nhiều suy nghĩ của mình mà chẳng mấy chốc đã đến Bắc Kan lúc 12 giờ đêm. Vậy là đêm nay cả đoàn sẽ nghỉ đêm tại Bắc Cạn.
Ngày thứ 2 trong chuyến đi, do quá háo hức với con đèo Mã Pí Lèng nên đoàn mình khởi hành sớm sau bữa ăn sáng thẳng tiến đến Mã Pí Lèng qua địa phận Cao Bằng. Càng lên cao không khí càng mát mẻ và dễ chịu. So với nhiều nơi mình đã đi qua trong vài tháng du lịch vừa rồi thì đến đây không khí quả thật là thiên đường vào những ngày cuối tháng 3, tuy nhiên vào thời điểm giao mùa này mọi người nên chú ý giữ ấm nhất là vào ban đêm khi nhiệt độ tụt xuống rất nhanh so với ban ngày cộng sương mù do ẩm độ cao nên gây lạnh rét cho những bạn từ nơi có khí hậu ấm nóng quanh năm. Thật tiếc lần xuyên Việt này cả đoàn chưa thể dừng chân tại Thác Bản Giốc, Hang Pác Pó và Hồ Ba Bể, đấy là những thắng cảnh tự nhiên hùng vĩ được tô đậm bởi nhiều màu sắc của thời kỳ lịch sử quan trọng.
Đến đầu giờ chiều cùng ngày mọi người đi qua địa phận tỉnh Cao Bằng. Tại đây thật may mắn trong một ngày đầy mây mù nhưng chúng mình vẫn có cơ hội chiêm ngưỡng "Lưng Rồng". Đây là một trong những ứng cử viên nặng ký của "đệ nhất hùng quan" trời Nam, Lưng rồng” là một dạng địa hình độc đáo nằm ở xã Thể Dục, huyện Nguyên Bình. Thực chất đó là cảnh quan của một bề mặt san bằng karst ở độ cao khoảng 700-800m kéo dài hàng km, trông xa như một con rồng đang ẩn mình trong rừng núi.
“Bề mặt san bằng karst” được hiểu là một dãy các bề mặt địa hình karst có cùng độ cao, trừ một số chóp nón karst sót nhô lên trông như lưng rồng. Điều kiện hình thành một bề mặt san bằng karst trong khu vực là quá trình bóc mòn, rửa lũa diễn ra một thời gian dài trong điều kiện kiến tạo tương đối bình ổn.
Dưới bề mặt san bằng này là thung lũng đá vôi kéo dài hơn 3km, rộng gần 1km, phát triển theo phương ĐB-TN. Các cụm dân cư và ruộng bậc thang của người dân vùng cao đan xen, làm thành một bộ phận không thể thiếu của cảnh quan khu vực này.
Sự có mặt bề mặt san bằng karst ở độ cao 700-800m không chỉ có giá trị thẩm mĩ mà còn là bằng chứng chỉ ra rằng cách ngày nay khoảng 5 triệu năm (thời kỳ Pliocen), bối cảnh kiến tạo ở khu vực này là tương đối bình ổn.
Trong bản đồ du lịch của Cao Bằng - Bắc Kan - Lạng Sơn thì đây là địa điểm được ưa thích, nằm trên cung đường hành trình bản sắc của khu vực Đông Bắc miền Bắc Việt Nam. Hãy ngừng lại đây chiêm ngưỡng loại địa hình độc đáo này và lưu giữ cho mình một tấm ảnh kỷ niệm từ view point "Lưng Rồng Cao Bằng nhé"
*https://vi.m.wikipedia.org/wiki/Karst - tìm hiểu thêm về địa hình Karst - địa hình Các - tơ
Sau đó, đoàn xuyên Việt Gody chúng mình bắt đầu xuôi theo cung đường "khám phá phía Bắc - vùng núi của những đổi thay" tức thẳng hướng Hà Giang và con đèo nổi tiếng nhất Việt Nam - Đèo Mã Pí Lèng. Đến nơi đã đêm, team ngủ lại lưng chừng đèo "Mã Pí Lèng homestay", nơi này cung cấp đủ những dịch vụ căn bản cho các bạn du lịch trải nghiệm nghỉ lưng qua đêm, cách điểm dừng chân ngắm cảnh đèo Mã Pí Lèng khoảng cách đi bộ. Và con đường băng qua Hà Giang nối liền các bản miền núi mang một cái tên thật chân thuần "Đường Hạnh Phúc".
"Đường Hạnh Phúc- con đường huyền thoại nối liền thành phố Hà Giang với 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc của Hà Giang- bắt đầu khởi công từ ngày 10/9/1959. Để mở đường, hơn 1300 thanh niên xung phong cùng hơn 1.000 dân công thuộc 16 dân tộc Mèo, Tày, Dao, Pu Péo, Lô Lô... của 8 tỉnh Cao Bắc Lạng (Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn), Hà Tuyên Thái (Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên), Hải Hưng, Nam Định đã phải đục khoét gần 3 triệu mét khối đá bằng những dụng cụ làm việc còn rất thô sơ, chỉ có búa, xà beng. Vì thế, người cậy đá, người đục, người khuân vác rất vất vả. Một ngày công của họ chỉ tương đương khoảng 1kg gạo. Ăn ở thiếu thốn nhưng hàng ngày, đoàn thanh niên vẫn làm việc hăng say.
Đoạn khó khăn nhất của tuyến đường chỉ có 21 km từ Đồng Văn sang Mèo Vạc mà phải mất gần 2 năm mới hoàn thành. Đoạn đường này chính là con đèo hiểm trở Mã Pí Lèng. Chuyện kể rằng, con đèo nổi tiếng với dốc cao dựng đứng này đã khiến những con ngựa cái leo chưa đến đỉnh đã trụy thai mà chết, những con ngựa đực chưa vượt qua đèo đã phải tắt thở. Vì vậy dân địa phương đã dùng cụm từ “Mã Pí Lèng” trong tiếng Quan Hỏa, nghĩa đen là “sống mũi con ngựa”, đặt tên cho con đèo. Cái tên “Mã Pí Lèng” của con đèo đã nói lên sự hiểm trở của ngọn núi, của con đèo, với những dốc cao dựng đứng như sống mũi con ngựa. Để hoàn thành con đường qua đèo, trong 11 tháng trời hàng trăm TNXP đã thay nhau treo mình trên vách đá để đục từng thớ đá, đục từng lỗ mìn, để kéo dài con đường thêm từng xăng - ti - mét. Cũng như ở chiến trường, nhiều người đã được truy điệu sống trước khi cầm choòng, cầm búa leo lên vách đá. 17 người khỏe mạnh, gan dạ nhất đã ra nhập đội cảm tử, Ban chỉ huy công trường gọi là “Đội Cơ dũng”, đem sức người nhỏ bé chọi lại sức mạnh của biển đá nghìn năm. Trên đỉnh núi đặt sẵn 10 cỗ quan tài thể hiện ý chí “quyết tử”. Mỗi sáng, các thành viên “Đội Cơ dũng” hô to “quyết thắng” rồi vác choòng (xà beng 8 cạnh), búa, ít thuốc nổ, trèo lên vách núi. Treo mình giữa lưng chừng trời, họ đục khoét đá, khoan phá đá để mở từng centimet đường, hoàn thành đoạn đường qua dốc cao hiểm trở. Qua hơn 6 năm xây dựng với 2. 946. 321 lượt ngày công toàn bộ con đường Hạnh Phúc được hoàn thành vào 15 tháng 6 năm 1965 và được Bác Hồ đặt tên là con đường Hạnh Phúc."
Đây là một hành trình đặc biệt giàu cảm xúc do tính chất lịch sử và lợi ích cộng đồng to lớn - thiết thực đường Hạnh Phúc mang lại cho đồng bào dân tộc ít người trên rẻo cao. Mang phố đến bản làng cải thiện cuộc sống của đồng bào anh em miền cao. Con đường cứ thế dẫn team chúng mình đi qua lần lượt những cảnh quan hùng vĩ vượt qua bức tường thành vĩ đại của con người trong công cuộc cải tạo thiên nhiên phục vụ cuộc sống - con đèo Mã Pí Lèng được mọi người ca tụng không ngớt lời! Từ trên đỉnh đèo nhìn xuống kia là dòng Nho Quế quanh năm trong xanh như dải lụa ngọc bích choàng lên biển đá tai mèo xám quắc. Tô điểm cho đất trời Mèo Vạc cúi người chạm đất với tay chạm trời, nhìn từ đỉnh đèo xuống dòng Nho Quế giữa trùng điệp những mỏm đá tai mèo lô nhô, dòng Nho Quế cần mẫn trôi cách đỉnh đèo 2000m, cũng tại đây con đường đưa ta đến hẻm vực Tu Sản, hiện tại Tu Sản là hẻm vực sâu nhất Việt Nam và cũng thung lũng kiến tạo đẹp nhất Việt Nam. Cảnh quan vô cùng hùng vĩ không thể ngưng trầm trồ.
Hà Giang không hổ danh là đất Hùng Quan, vừa hết trầm trồ với con đường đèo cả đoàn lại được ngược mây trời lên tới cột cờ Lũng Cú. Bước lên ngắm toàn cảnh núi rừng xung quanh trong thời tiết khá trong không mù sương cũng là một điều may mắn. Lá cờ Việt Nam diện tích 54m2 tượng trưng cho 54 dân tộc anh em bay giữa không gian bao la cũng là một điểm dừng chân không thể bỏ sót trong hành trình vòng quanh Hà Giang.
Đi trên những đoạn đèo dốc, những khúc cua tay áo hiểm trở, nhưng trước mắt luôn là khung cảnh bình yên, đẹp đến nao lòng của vùng núi đá khiến ai cũng xuýt xoa khi băng qua thung lũng Sả Phìn thăm nhà vua Mèo .Ông Vua Mèo Vương Chính Đức là người đầu tiên đặt nền móng cai trị các đồng bào dân tộc thiểu số ở đây. Sự giao thương giữa Vua Mèo với phương Bắc thể hiện rõ nét trong kiến trúc của khu dinh thự họ Vương.
Tạm biệt dinh thự của ông vua người Hmong, tay lái của Tuấn Bill đưa cả nhóm băng xuyên qua cao nguyên đá Đồng Văn thẳng tiến Thị Trấn Phố Bảng - một thị trấn yên bình sát vùng biên giới Việt - Trung thuộc địa phận Đồng Văn... nơi này không khí cuộc sống thật yên bình, ít ra thì bọn trẻ con vẫn cảm thấy khách du lịch khá lạ mắt và còn vô tư thân thiện. Theo quan sát về nông nghiệp và ẩm thực thì mình thấy tại đây người dân tộc ở đây sinh hoạt rất giống người Hán. Nhưng ở nhà vách đất giống người Hà Nhì, nhà có vẻ trông phố thị hơn và thờ Quan Công là chủ yếu, rất khác với người Hà Nhì mà hôm sang Y Tí mình có dịp tiếp xúc.
Giữa những sống "lưng rồng" trên cao nguyên đá Đồng Văn xám ngắt bãng lãng ẩn hiện trong sương chiều, hoàng hôn đổ xuống trong lòng thị trấn cao nguyên thật huyền diệu như một cuộc du hành ngược về quá khứ... Đó sẽ là một hoàng hôn rất đáng để ghi nhớ nữa trong đời, mình thật cảm ơn team gody cho chuyến đi này và sự đồng hành đáng quý của các bạn đi chung. Đặc biệt là 2 bác tài của cả nhóm là Tuấn và anh Thuỳ.
homestaylạng sơncao bằngĐèo Mã Pí Lènghà giangxuyên việt cùng godyXuyên Việt
Hãy mạnh dạn Viết blog chia sẻ trải nghiệm về chuyến đi, chia sẻ những hình ảnh được ghi lại trên những chặng hành trình. Đơn giản và dễ dàng nhưng lại giúp cho rất nhiều người sắp đi du lịch.
"Giang hồ ba bữa buồn một bữa,
Thấy núi thành sông biển hoá rừng
Chân sẵn dép giày, trời sẵn gió
Ngựa về. Ta đứng, bụi mù tung
Giang hồ tay nải cầm chưa chắc
Hình như ta mới khóc hôm qua
Giang hồ ta chỉ là giang hồ vặt
Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà..."
Giang Hồ - Phạm Hữu Quang
"Vùng đất Ninh Bình xưa là kinh đô của Việt Nam giai đoạn 968 - 1010 với 3 triều đại Đinh, Tiền Lê, Tiền Lý và cũng là địa bàn quan trọng về quân sự qua các thời kỳ lịch sử." - wikipedia
"Không để ai bị quên và không để cái gì bị lãng quên"
Sau chuyến đi đặc biệt này, mình mới thấm câu nói bà nội thường trả lời mình mỗi khi nghe một phép so sánh giữa "Ta và Họ":
Đất nước họ làm gì có chiến tranh đâu... mình khổ lắm!