Xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương được biết đến như là một trong những cái nôi của nghệ thuật múa rối nước Việt Nam. Hàng trăm năm qua, các thế hệ nối nghiệp nhau gìn giữ bộ môn nghệ thuật truyền thống này.
Con rối thường được làm bằng gỗ sung, loại gỗ nhẹ, dễ nổi trên mặt nước, được tạc chau chuốt, với những đường nét cách điệu riêng, sau đó gọt giũa, đánh bóng và trang trí với nhiều màu sơn khác nhau để làm tôn thêm đường nét, thể hiện tính cách cho từng nhân vật. Các con rối thường lộ vẻ tươi tắn, ngộ nghĩnh, hài hước và có tính tượng trưng cao.
Phần thân rối là phần nổi lên mặt nước, thể hiện nhân vật, còn phần đế là phần chìm dưới mặt nước, giữ cho rối nổi bên trên và là nơi lắp “máy” điều khiển (máy sào và máy dây) cho con rối cử động.
Nghệ thuật rối nước dùng mặt nước, nhà rối hay thủy đình làm sân khấu. Thủy đình thường được dựng lên ở giữa ao, với kiến trúc cân đối, tượng trưng cho mái đình của vùng nông thôn Việt Nam. Người nghệ nhân rối nước đứng trong buồng trò, để điều khiển con rối. Thủy đình di động, có diện tích khoảng 30m2, xưa thường được làm bằng tre, nứa, phía sau có phông che, xung quanh trang trí cờ, quạt, voi, lọng, cổng (hàng mã) và tên phường rối... Ngày nay, ở phường rối nước, thuỷ đình đều được xây dựng bằng gạch, bê tông cốt thép chắc chắn trên các ao làng. Mức nước đảm bảo là 0.8m, được hòa phẩm màu xanh lục. Sân khấu rối nước là khoảng trống trước mặt buồng trò.