Bạn đã chán ngán những điểm du lịch sầm uất năm nào cũng đi như Đà Nẵng, Hội An, Đà Lạt, Nha Trang, Vũng Tàu? Bạn muốn tìm về chút mộc mạc bình yên của miền Tây Nam Bộ? Chẳng cần tìm kiếm đâu xa, vùng đất An Giang chính là bức tranh thu nhỏ tất cả vẻ đẹp vừa hoang sơ vừa độc đáo của thiên nhiên và con người miền Tây sông nước.
DU LỊCH AN GIANG VÀO THỜI GIAN NÀO?
Thật ra An Giang mùa nào cũng đẹp, nhưng nếu có thể, bạn hãy ghé thăm nơi này vào mùa nước nổi, rơi vào khoảng tháng 7 - tháng 10 âm lịch. Đây là lúc mọi sản vật của vùng đất này sinh sôi nảy nở, bạn có thể tha hồ thưởng thức những món ăn dân dã đậm vị miền sông nước như cá linh, cua đồng, bông điên điển,...
DI CHUYỂN ĐẾN AN GIANG NHƯ THẾ NÀO?
Từ Thành phố HCM, bạn có thể đi xe khách hoặc xe máy đến An Giang.
Nếu bạn muốn ngủ một giấc là tới nơi, hãy ra bến xe Miền Tây mua vé xe đi Long Xuyên/Châu Đốc với giá vé dao động từ 150k-200k, chuyến đi mất khoảng 4-5 tiếng.
Nếu bạn là dân phượt chính hiệu, ngại gì mà không cùng hội bạn thân đèo nhau trên hành trình xe máy hơn 200km: Theo quốc lộ 1 đến ngã 3 An Thái Trung (chợ An Hữu) – rẽ phải về Cao Lãnh – qua phà Cao Lãnh theo bờ sông Tiền đến Chợ Mới – qua phà Hậu Giang cập bờ sông Hậu – đến phà Năng Gù – chạy theo quốc lộ 91 khoảng 30km là tới núi Sam.
ĐI ĐÂU, XEM GÌ Ở AN GIANG?
Rừng tràm Trà Sư
Đã về miền Tây thì bạn không thể bỏ qua cơ hội trải nghiệm sự nên thơ miệt sông nước yên bình. Với những bạn đặc biệt yêu thích du lịch sinh thái thì rừng tràm Trà Sư sẽ là điểm đến cực kì hấp dẫn. Đây là một trong những khu sinh thái, rừng quốc gia nổi tiếng nhất đồng bằng sông Cửu Long. Rừng Trà Sư ngày nay nằm trên địa bàn xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, chỉ cách trung tâm thành phố Châu Đốc 20km. Đến thăm rừng Trà Sư vào mùa nước nổi, bạn sẽ được dịp ngồi trên xuống ba lá, lạc giữa mênh mông rừng tràm trên mặt nước xanh phủ đầy bèo.
Núi Ba Thê
Cách trung tâm thành phố Long Xuyên khoảng 40 km, theo con đường quốc lộ 943 du khách có thể đến núi Ba Thê (hay còn gọi là núi Vọng Thê). Đây là ngọn núi lớn nhất trong cụm núi gồm 5 núi ở huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, với độ cao 221m, chu vi 4220m.
Con đường lên núi là một trải nghiệm thú vị cho những bạn thích ngắm nhìn thiên nhiên tươi mát với cây cối, ruộng đồng - những cảnh sắc yên bình, mộc mạc của vùng quê: xa xa là dãy Thất Sơn trùng điệp, ruộng lúa đẹp miên man và những xóm làng bình dị. Nơi đây còn sở hữu nhiều danh thắng khác như: chùa Linh Sơn, chùa Sơn Tiên, hang ông Hổ, Thạch Đại Đao, đền thờ Phan Thanh Giản,…
Khu du lịch đồi Tức Dụp
Tức Dụp là một ngọn đồi nhỏ có độ cao 300m nằm dưới chân núi Cô Tô thuộc huyện Tri Tôn, ngọn đồi tuy nhỏ nhưng bên trong là vô vàn ngõ ngách thông với nhau chằng chịt, hiểm trở. Một chuyến khám phá đồi Tức Dụp sẽ là một trải nghiệm cực kì thú vị cho bạn trẻ ưa thích chinh phục. Trong khu du lịch còn có nhiều địa điểm đẹp cho bạn tha hồ check-in sống ảo. Nếu đi theo nhóm đông người, bạn có thể tổ chức những trò chơi teambuilding sôi nổi và dựng lều để ngủ qua đêm.
Hồ Tà Pạ
Được mệnh danh là “tuyệt tình cốc miền Tây”, Hồ Tà Pạ nằm ở xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Hồ nằm trong đồi Tà Pạ – là một trong bảy ngọn núi tạo nên địa danh “Thất Sơn” huyền bí của An Giang. Khung cảnh nên thơ được tạo nên từ sự hùng vĩ của núi đồi và sự yên ả thanh bình của mặt nước xanh ngát sẽ là điểm đến không thể bỏ lỡ.
Bên cạnh vẻ đẹp của thiên nhiên hoang sơ, quanh hồ Tà Pạ còn có các địa điểm đáng xem khắc như chùa Tà Pạ, hồ Soài So, hồ Soài Chek,...
Thiền viện Đông Lai
Ngôi chùa tọa lạc tại huyện Tịnh Biên thường được nhắc đến với tên gọi thân thương: chùa Bánh Xèo. Sỡ dĩ ngôi chùa có tên này là do nơi đây thường đãi bánh xèo chay miễn phí cho khách ghé thăm.
Đến thăm thiền viện, bạn sẽ được thưởng thức mòn bánh xèo được làm từ các loại nguyên liệu dân dã như đậu xanh, nấm mèo, củ sắn, rau rừng ăn kèm nước chấm đậm đà hương vị miền Tây. Nhưng đừng chỉ ăn thôi nhé, hãy thử bước vào căn bếp của ngôi chùa, chắc chắn bạn sẽ choáng ngợp trước vô vàn chảo bánh xèo vàng ươm xếp thành hình vòng cung cực kì đẹp mắt.
Bún cá Châu Đốc
Một món ăn không thể bỏ qua chính là bún cá. Thịt cá lóc ngon ngọt kết hợp với nước lèo hầm từ xương gà đặc trưng, ăn kèm các loại rau như bắp chuối, rau muống bào sợi, bông điên điển,... sẽ làm bạn nhớ mãi ẩm thực của vùng đất này.
Bò bảy món núi Sam
Là vùng đất nổi tiếng với món thịt bò ngon ngọt và săn chắc, những món ăn làm từ thịt bò nơi đây cũng rất đa dạng. Bò bảy món gồm những món ăn như: bò đun bánh hỏi, cháo đầu bò, lòng bò luộc, bò xào lá giang, bò khìa với bánh mì, bò lúc lắc và thịt bò bít tết. Nếu ăn không hết nhiều món cùng một lúc thì bạn có thể gọi riêng lẻ từng món để thưởng thức.
Bánh bò thốt nốt
Loại bánh dân dã được làm từ đường của cây thốt nốt có màu vàng ươm và mùi thơm ngọt dịu, có loại bánh khô và bánh ăn kèm với nước cốt dừa
Bánh xèo rau rừng
Chưa ăn bánh xèo ở vùng núi Cấm, núi Sam là xem như chưa đến An Giang. Điểm làm nên chất riêng cho món bánh xèo vàng ươm nơi này là hơn 20 loại rau rừng khó tìm thấy ở nơi khác
Xôi Xiêm
Vùng đất tiếp giáp nước bạn Campuchia cũng mang đến nhiều món ăn với sự giao lưu văn hóa ẩm thực giữa 2 đất nước. Xôi Xiêm là một món ăn điển hình. Món ăn có vị ngọt và béo của sầu riêng, đậu xanh và nước dừa.
An Giang là vùng đất của nhiều chùa miếu linh thiêng, nên nếu đến đây tham quan những nơi này bạn nên chọn trang phục kín đáo lịch sự. Khi tham gia các lễ hội đông đúc, bạn nhớ bảo quản kĩ tư trang tránh trường hợp bị móc túi, mất cắp.
Vì là vùng có khí hậu thất thường, nhiều địa điểm còn hoang sơ, bạn nhớ trang bị cho mình đầy đủ kem chống nắng, chống muỗi, áo mưa, giày chống trơn trượt,...