Blog những điều nên biết trước khi đến Ý - du lịch Ý như người bản địa
cover

những điều nên biết trước khi đến Ý - du lịch Ý như người bản địa

avatar
uyên nguyễn dot Thứ 6, 28/08/2020
Theo dõi Gody.vn trên Google news
chia sẻ những điểm văn hoá nho nhỏ để mọi người có một chuyến đi Ý "chuẩn Ý"!
Em không chỉ du lịch Ý mà là sống trong linh hồn Ý. Ý, giấc mộng của em, cuộc sống thứ hai của em, nhân cách khác trong con người em. Không lời nào chính xác diễn tả được cảm xúc của em dành cho đất nước này. Thế nên trước khi chia sẻ những điều cơ bản nhất về nước Ý để các bác có thêm cái nhìn từ bên trong, em phải nói rằng, hãy mở lòng tuyệt đối với đất nước Ý và ném mình vào con người Ý bằng cả trái tim. Như vậy, mọi điều hay dở vui buồn đều sẽ trở thành những kỷ niệm tuyệt đẹp theo các bác cả cuộc đời.
Đừng chỉ đi chơi nước Ý. Hãy cảm nó.
Vậy, cùng với sự đồng cảm đó, nên biết những điều gì để có được một trải nghiệm trọn vẹn hơn?

1. Người Ý cực kỳ coi trọng Riposo, tức “giờ nghỉ ngắn”

Đối với người Ý, “short break”, Riposo, cực kỳ quan trọng. “Short break” kiểu Ý không phải là nghỉ một lát, uống một ly cafe espresso rồi trở lại làm việc đâu. Cafe break đó xảy ra bất kể lúc nào trong ngày. Còn Riposo là giờ nghỉ trưa. Tức là trừ các hệ thống cửa hàng mua sắm quốc tế đòi nhân viên phải làm việc buổi trưa ra, hầu như tất cả các cửa hàng (không tính hàng ăn) của người Ý, thậm chí siêu thị, đều sẽ nghỉ từ khoảng 13:00 đến tầm…16:00 chiều. Thậm chí kể cả nhà hàng các kiểu đấy nhé.
Thế nên các bác đừng quá ngạc nhiên khi tự nhiên buổi trưa thiên hạ thi nhau đóng cửa! Cái “siesta”, “pausa pranzo” này không chỉ là văn hoá của người Ý nói riêng, mà còn nằm trong…luật nói chung luôn. Không phải họ quy định phải có nghỉ trưa, mà là các cửa hàng ở Ý mỗi ngày chỉ được mở một số giờ nhất định. Thế nên nhiều chuỗi cố tình kéo dài giờ nghỉ trưa để có thể mở muộn buổi tối. Tất nhiên không phải tất cả nhé, chỉ là phần đông thôi. Đa số là các cửa hàng của người Ý. Nhưng siêu thị thì CÓ NGHỈ TRƯA. Và đa số mọi thứ đều đóng cửa cuối tuần.

2. Giờ “Aperitivo”

Người Ý trước bữa tối sẽ có giờ “Aperitivo” (người Tây Âu nói chung đều có giờ Aperitif). Giờ Aperitivo hiểu nôm na là khai vị với đồ uống có cồn TRƯỚC BỮA TỐI, khoảng từ 6h tối đến….9 giờ tối. Tất nhiên là không hẳn ai cũng ngồi Aperitivo dài như thế. Nhưng khung giờ để đi xã giao, trò chuyện, uống đồ khai vị là khung giờ này.
Đồ uống giờ Aperitivo thường là cocktail nhẹ hoặc vang, đi kèm chút đồ mặn hoặc muối chua vui miệng. Bar nào phục vụ Aperitivo cũng đều có “finger food” đi kèm cocktail. Thường bar của Ý bán cafe sẽ có cả một quầy rượu sau lưng. Các bác có thể uống đứng hoặc ngồi bàn đều ok. Nhưng luôn nhớ rằng ngồi bàn sẽ đắt hơn một chút. Các bác chọn loại đồ uống nào cũng được, nhưng Aperitivo nổi tiếng đặc Ý nhất là Aperol Spritz, một loại cocktail với rượu Aperol pha nước có ga, thêm chút hương chanh hoặc cam, uống rất nhẹ nhàng dễ chịu. Phiên bản đắng hơn của Aperol là Campari.
hình ảnh
Đến du lịch Ý các bác rất nên ít nhất một lần trải nghiệm văn hoá Aperitivo. Với người Ý đó là thời gian xã giao thoải mái và dễ chịu trước khi vào bữa tối. Nên đi khoảng tầm 7h, lúc đó bắt đầu hoàng hôn, khung cảnh đẹp tuyệt vời, không khí dần lắng xuống, không còn nhộn nhạo khách du lịch nữa. Chọn được bar có cảnh nhìn sông hồ biển núi thì không còn gì bằng.
Sau này em hỏi bạn mới biết giờ này không chỉ đơn thuần là “giờ đi uống bia” với bạn bè sau giờ làm trước khi về nhà như các nước châu Âu khác, mà nó còn là giờ “làm quen” tuyệt hảo. Thường thì các đôi mới làm quen chưa chắc chắn về nhau sẽ thích hẹn nhau đi Aperitivo hơn là ăn tối, bởi khoảng thời gian này không dài lắm, nếu thích nhau có thể hẹn nhau đi ăn tối luôn, còn không ưa nhau thì cũng dễ bai bai đường ai nấy đi.

3. Bữa tối muộn, bữa trưa đúng giờ

Người Ý nói riêng và người Nam Âu nói chung đều có thói quen ăn tối muộn đến rất muộn. Nhà hàng đều sẽ mở đến đêm, sớm lắm cũng 11h đêm mới đóng. Khách du lịch hay ăn khung 7h tối đến 9h tối. Nhưng với người Ý thì đó là giờ Aperitivo. Thường thì tầm 9h tối họ mới bắt đầu ăn tối. Thế nên nếu muốn biết cuộc sống Ý, ăn đồ Ý trong không khí Ý thì (một), hãy chọn những chỗ ăn hơi khuất, chủ yếu người địa phương đến ăn (người Ý rất tôn thờ ẩm thực của họ, chỗ không ngon họ không ăn đâu); và (hai), hãy ăn muộn.
Tuy vậy, bữa trưa người Ý thường ăn rất đúng giờ. Thường là khoảng 1h trưa đến 2h trưa. Như em đã nhắc ở trên, riposo với người Ý rất quan trọng. Thế nên nếu đi lệch là họ đóng cửa hết đấy nhé!

4. Chọn nhà hàng thế nào?

Về cơ bản, Ý có ba kiểu nhà hàng.
Ristorante: tức nhà hàng “nhà hàng”, thường là đắt. Chất lượng phục vụ? Tuỳ chỗ.
Trattoria: nó cũng là một kiểu nhà hàng, nhưng là nhà hàng gia đình. Thường thì sẽ có bà mẹ hay các bà nội ngoại nấu nướng, ông bố trông quầy, mấy cậu con trai cháu chắt sẽ chạy bàn. Nhà hàng kiểu này nhỏ, ấm cúng. Đây là kiểu nhà hàng em đề cử tìm nhất. Khi hỏi thông tin về chỗ ăn, hãy hỏi người địa phương “trattoria”, đừng hỏi ristorante. Trattoria thường có đồ truyền thống hơn. Thực phẩm do mỗi ngày bán được sao mua ngần đó nên tươi mới. Quan trọng nhất là rẻ hơn Ristorante nhiều. Trattoria chính là nơi người Ý đến nhiều nhất.
Osteria: nhỏ hơn cả trattoria, đôi khi chỉ có dăm bàn. Osteria thường như kiểu cơm bình dân nhà mình vậy đó. Giá cũng rẻ hẳn nhé.

5. Không tip….nhưng có “coperto”

Ở Tây Âu thì không có văn hoá tip do có luật lương tối thiểu. Tuy nhiên ở Ý có một loại phí mà cứ ngồi xuống được phục vụ là các bác phải trả, là phí “coperto”. Nôm na là phí “cover”. Phí này dao động 1 đến 5eu.

6. Bữa sáng? Nhẹ là trọng yếu!

Đã nói bữa trưa, bữa tối rồi thì nốt bữa sáng. Bữa sáng của người Ý thường rất nhẹ, gồm cà phê và một phần bánh ngọt nho nhỏ, kiểu brioche. Người Ý hầu như không ăn đồ mặn buổi sáng bao giờ.
hình ảnh
Ồ còn Cappucino? Chỉ nên gọi trước 10 giờ sáng (hoặc 12h, tuỳ nơi). Người gọi cappucino sau 10h sáng thì chỉ có du khách mà thôi. Bản thân người Ý không coi đó là cà phê. Họ coi đó là…sữa, và chỉ trẻ con và người ngoại quốc mới gọi thức đó sau bữa sáng. Lí do cũng đơn giản, sữa nhiều năng lượng. Uống sau bữa ăn thì đầy bụng. Mà uống ban ngày thì...buồn ngủ.

7. Thế nào là cà phê kiểu Ý?

Ở Ý không có văn hoá cà phê như những nước khác, kiểu ra quán cà phê làm việc hay bàn chuyện. Ở Ý, giờ cà phê là giờ nghỉ.
Ngoài ra, ở Ý thì bar là bán cà phê chứ không phải đồ uống có cồn. Có cồn cũng chủ yếu bán cocktail thôi. Khác những nước khác bar là để bán bia, bán cồn nhé.
Đi uống cà phê có hai kiểu: một là đứng tại quầy, hai là ngồi bàn. Nếu đứng tại quầy thì cà phê rất rẻ, espresso cỡ 50 đến 70 cent; cappucino khoảng 1eu30 đến 1eu50. Đó mới là giá chính xác (Chú ý: ở miền Bắc đắt hơn). Người Ý nếu có cafe break thì đó chính là ra quầy, làm một shot espresso hoặc macchiato, cho đường, khuấy khuấy, uống. Cả quá trình có khi chỉ đến 10 15 phút. Bữa sáng cũng thường thế này.
Còn hai là cứ ngồi xuống thì ngoài phí corpeto, phí phục vụ cũng sẽ được cộng vào đồ uống. Ví dụ cappucino sẽ lên 2eu50, espresso cũng lên 1eu50. Kiểu đấy.
Ý không có các loại cafe lắm vị kiểu Starbuck nhé. Đó không phải cà phê.
Tiện thể, chỗ nào bán cappucino (đứng) mà hơn 2eu thì là phí du khách luôn, né thẳng!

8. Sốt salad?

Du lịch Ý là quên luôn các vụ sốt salad này nọ đi nhé. Để trộn salad, dân Ý chỉ dùng hai thứ (luôn luôn và sẽ không bao giờ thay đổi), đó là dầu oliu và dấm. Dấm thì có nhiều loại. Phổ thông nhất là dấm balsamic, mùi nhẹ vị rất dễ chịu.
Trên thực tế, hỗn hợp này dùng trên món nào cũng được. Khi em đi ăn với bạn người Ý, ông ấy thường cho dầu oliu và chút dấm đen vào cả minestrone (súp rau hầm), bò bít tết, thịt, cá,.… Tuy nhiên tuyệt đối không được bỏ vào pasta và pizza.

9. QUÊN MỌI THỨ CÁC BÁC BIẾT VỀ ĐỒ Ý ĐI!

Phần này quan trọng đến độ em phải viết hoa như hét vào mặt các bác luôn. Ý là một đất nước đa văn hoá. Mỗi vùng có văn hoá khác nhau, đi kèm là ẩm thực cũng khác nhau luôn.
Tức là đến Florence thì gọi thịt bò chứ đừng gọi pizza. Đến Naples thì ăn pizza chớ bolognese. Muốn ăn cannoli? Sicily thẳng tiến! Thích pasta? Mỗi vùng, thậm chí là mỗi thành phố, có pasta đặc sản riêng. Vân vân và mây mây. Đừng gọi món vùng này ở vùng khác. Thường là không ngon đâu.

hình ảnh

Uploading 64%

Ở Serie du lịch Ý này, mỗi vùng em sẽ có loạt bài những món phải ăn riêng. Các bác đón đọc nhé!
Ô, và quan trọng nhất là đừng mong có những thứ kiểu Mỹ ở Ý nhé. Pizza chắc chắn không có dứa và đảm bảo là không có thịt (chỉ có thịt muối). Spaghetti Afreddo? Không tồn tại! Mỳ Ý thịt viên? Không có đâu ạ!

10. Yêu phô mai? Không kém gì Pháp nhé!

Nếu yêu phô mai các bác hẳn biết Pháp quá nổi tiếng với phô mai đủ chủng loại, đếm chắc phải lên trăm. Nhưng Ý là một đất nước có nhiều phô mai ngon không kém! Mozzarella sữa trâu, vừa dẻo vừa nhẹ, ăn như bông như mây. Pecorino đậm đà ăn miếng nào cắn lưỡi miếng đó. Parmigiano Reggiano độc nhất khiến mọi loại thực phẩm trở nên đậm đà (tiện thể nói luôn, Parmigiano có dăm bảy loại, nhưng chỉ loại có “Reggiano” mới là Parmesan đúng hiệu nhé!).

11. Scarpetta!!!

Ở Ý khi đi ăn các bác sẽ luôn có một giỏ bánh mì (miễn phí, có thể xin thêm liên tục). Bánh mỳ Ý thường cứng hơn bánh mỳ nước khác, vị đậm, ăn miếng nào vị lưu miếng đó. Nhưng họ không ăn với thức ăn. Tức là không ăn kèm antipasto, không ăn với bơ,…mà mục đích là để quẹt sốt.
Tức là, sau khi ăn xong súp, xong mỳ, xong món chính, người Ý sẽ dùng bánh mỳ để quẹt sạch số sốt còn dính trên đĩa. Sốt là phần ngon nhất món ăn mà. Đến du lịch Ý mà để thừa là họ cười khỉnh cho đấy nhaaaaa.
Một ghi chú nho nhỏ về scarpetta
Scarpetta, theo định nghĩa mà nói thì có thể xem là hành động của người nghèo tiết kiệm đồ ăn, nên có lẽ ngày nay không còn phổ biến nữa do ‘galateo’, tức quy tắc lễ nghi trở nên rõ rệt hơn. Thế nên cũng có kha khá tranh cãi là người ta có còn scarpetta nữa không, như vậy có bất lịch sự hay không? Để trả lời câu hỏi này, em sẽ kể một câu chuyện be bé.
Em có may mắn thân thiết với một gia đình người Ý giản dị. Lần đầu tiên khi em biết đến khái niệm scarpetta em cũng tò mò hỏi bạn em và mẹ bạn ấy là thế scarpetta là thế nào? Bạn ấy và mẹ bạn ấy giải thích rằng, đây là hành động tiết kiệm. Mày làm hay không cũng không sao cả, bọn tao không coi đó là luật. Nhưng thường trong nhà hàng sang trọng hoặc sự kiện trang trọng có nhiều người mà không quen thân thì bọn tao không làm vậy (và họ đùa một câu kèm là đồ ăn những lúc này không có nhiều sốt cho mày quệt đâu haha; em không biết có thật không vì là học sinh, không mấy khi tham gia cái gì cần quy tắc quá nên không biết). Nhưng có hai điều cần bổ sung nhỏ. Họ là người Nam, có phần thư giãn và ít câu nệ hơn người Bắc; và họ là những người tiếp xúc nhiều nền văn hoá, sống ở nhiều chỗ khác nhau, nên quan điểm của họ về quy tắc lễ nghi rất thoáng và linh hoạt, thường là nhắm đến ‘hợp lý thì làm’, ‘cảm thấy tốt thì làm’, chứ không dựa vào vì người khác làm mà làm hay người khác chê mà không làm. Kiểu như họ hoàn toàn không ngại việc ăn không hết nhờ gói đem về (dù ở Tây Âu đây là việc không thường làm khi đi nhà hàng, nhưng Đông Âu là chuyện bình thường), hay scarpetta với họ cũng chỉ là tiết kiệm thực phẩm thôi. Nhưng một số cái khác thì họ rất nghiêm khắc, kiểu như không được uống say, không được búng tay khạc nhổ hay để khăn ăn lên bàn khi rời bàn,... Có thể nói họ ảnh hưởng khá nhiều đến điểm nhìn văn hoá Ý của em. Nên em coi chuyện “vét đĩa” là chuyện cũng không phải to tát lắm. Dù thực ra chắc ở đâu cũng có cái chuyện “miếng cuối”, “miếng liêm sỉ” này? Sau này em quen một ông bác người Tuscany khác, ổng còn thẳng hơn: tao thấy sốt ngon, tao quệt. Mày bỏ phí quá.
Câu chuyện này không trả lời được là thế thì đi Ý có nên Scarpetta không, bởi nó hoàn toàn phụ thuộc vào hoàn cảnh và bạn đồng hành trong bữa ăn, thậm chí cả vùng miền và gia đình. Đối với em, đây là chuyện bình thường, đối với nhiều người khác thì là chuyện vô lễ. Túm cái váy lại là, khi đi ăn mà muốn thử scarpetta hãy hỏi đùa vui với anh bồi đẹp giai (hoặc đến gia đình người Ý ăn thì hỏi họ, như một câu hỏi văn hoá thôi), là các bạn scarpetta chứ? (hoặc các bạn nghĩ gì về scarpetta?) là nhanh nhất. Còn trong những trường hợp trang trọng kiểu họp hành ăn uống công việc hoặc tiệc tùng xa hoa thì thôi không làm cho lành. Thế nên, hãy cứ coi đây như một câu chuyện nhỏ về một điều bé xíu trong văn hoá Ý nha ❤️

12. Oh, đừng quên khẩu phần kiểu Ý rất khổng lồ

Một bữa Ý, nhất là bữa tối, sẽ có 3 course chính và các thứ phụ lặt vặt. Cơ bản đó là.
Antipasto: Món khai vị. Có thể là finger food, thớt phômai và thịt muối, chút đồ chua,… để bắt đầu bữa ăn và thả lỏng tâm tình.
Primo: Món đầu. Thường là các món tinh bột như pasta, lasagna, súp rau hầm, risotto,…
Secondo: Món chính, tức thịt cá.
Contorno: Món ăn kèm với Secondo. Thường là salad hoặc các loại rau nấu đơn giản (đôi khi chỉ là nấu chín rồi thêm chút dầu oliu và gia vị).
Dolce: Đồ ngọt. Thường là bánh ngọt, tiramisu, panna cotta,… Đôi khi là hoa quả. Hoặc là cả hai.
Cafe: Người Ý sẽ kết thúc bữa ăn với cafe espresso.
Digestive: đồ uống cồn để tiêu hoá. Phổ thông nhất là Vermoth hoặc Limoncello.
Một bữa ăn của Ý rất nặng, và kéo dài. Em hay ăn ở nhà bạn em. Bữa ăn không bao giờ ngắn hơn hai tiếng. Hơn nữa khẩu phần của họ rất lớn. Với người châu Á đa phần chỉ đến món Primo là no ưỡn bụng rồi không kham nổi thêm cái gì. Thế nên em gợi ý khi đi ăn các bác chỉ nên gọi một đến hai món thôi, ướm mình không ăn được thì chỉ gọi hoặc primo hoặc secondo, đừng tham. Thiếu thì hãy gọi thêm dần dần nhé. BTW, không bao giờ gọi ngược. Gọi secondo rồi đừng gọi ngược về Primo.

13. Uống vang suốt ngày!

Là một chuyện rất Ý. Ý là thiên đường của người yêu vang, từ rẻ đến đắt, từ ngon đến tuyệt ngon. Chỗ nào cũng có vang đặc trưng riêng mà nếu yêu vang thì các bác sẽ không kiềm được mình mà say sưa suốt ngày.
Nếu các bác biết chính xác loại vang nào muốn uống thì em không nói. Nhưng em cực lực đề nghị các bác, nếu đi ăn nhà hàng, thì thử uống “vino al tavolo”, dịch nôm na là vang bàn. Các nhà hàng truyền thống đúng chất Ý và được người Ý ưa thích luôn luôn có vang bàn. Đó là loại vang địa phương mà họ mua trực tiếp từ trang trại làm vang, rất tươi và đậm. Khi đem về, họ sẽ lọc qua vải xô rồi đổ vào bình của nhà hàng để phục vụ, nên sẽ chẳng có mác nhãn gì. Nhưng những loại này rất đáng thử nhé. Mỗi nhà hàng vang bàn sẽ khác nhau đó!
Giờ đây công nghệ và yêu cầu vệ sinh cao rồi thì có lẽ không còn cái chuyện mua về chắt qua khăn xô vào chai rồi phục vụ nữa. Tuy nhiên, là một người người ở miền Nam, nơi các trại vang vẫn có các cửa hàng đong lít rượu vào chai...nhựa bán như mình bán mắm ngày xưa, và đi ăn hàng quen vẫn được mời rượu tươi mới chắt mà nhà hàng mua thẳng từ trại, thì với em "vino al tavolo" là chuyện khá bình thường. Nhưng chắc là đến mà không hỏi họ sẽ không chủ động quảng cáo.
Ở Ý, "vino al tavolo" (vang bàn) và "vino di casa" (vang của nhà hàng) là khác nhau nhé. Em thì hay gọi vang bàn, là thứ nhiều khi toàn...ông chủ hoặc nhân viên uống. Còn "vino di casa" lại là một loại/nhãn hiệu/dòng cụ thể mà nhà hàng chọn, thường là hợp với hầu hết các món của nhà hàng.
Vang ngon ở Ý không bắt đầu từ giá. Rất nhiều khi chỉ 2, 3eu đã có một chai vang ngon. Từ 5eu trở lên là đa số ngon rồi nhé. Đừng trọng giá cả với vang Ý khi du lịch Ý.
Vang ngon ở Ý không bắt đầu từ giá. Rất nhiều khi chỉ 2, 3eu đã có một chai vang ngon. Từ 5eu trở lên là đa số ngon rồi nhé. Đừng trọng giá cả với vang Ý khi du lịch Ý.

14. Ngàn đường đến quán…gelato

Gelato, tức kem Ý, không phải loại kem các bác biết. Kem Ý thường được làm từ nguyên liệu tươi, ít đá, vừa đậm lại vừa dẻo chứ không nhẽo nhoẹt nước. Với người yêu kem Ý đúng là thiên đường.
Vậy em sẽ chỉ cho các bác tip mua gelato ngon. Một là né hết những cửa hàng có quá nhiều chủng loại kem. Kem ngon làm tươi không thể làm nhiều vị, chỉ có kem công nghiệp ở những cửa hàng cho khách du lịch mới có thể có số lượng như thế.
Hai là chọn những hàng “gelato artigianale”, tức là kem “nghệ nhân”. Ở những chỗ này kem được làm trong cửa hàng, số lượng ít, chất lượng đảm bảo.
Cuối cùng: đừng chọn trong những cửa hàng ở khu trung tâm đầy khách du lịch. Cũng như nhà hàng, những hàng gelato ngon ở chỗ khuất hơn chút, diện mạo khiêm tốn hơn chút. Chất lượng thì sẽ tuyệt vời!

15. Wifi công cộng? Haha….

Dù là một nước phát triển nhưng wifi công cộng của Ý thì chán đời không gì tưởng nổi. Ra đường các bác có tìm được wifi cũng chưa chắc đã hoạt động. Trong quán bar nhà hàng các kiểu chúng cũng chưa chắc mạnh hơn được bao nhiêu đâu ạ.
Nếu ở ngắn ngày thì có lẽ các bác cứ chịu rồi sẽ qua. Ý quá thú vị nên quên wifi ngoài đường dăm ngày là chuyện thường. Nhưng nếu du lịch Ý dài ngày, mà theo em là từ 2 tuần trở nên, thì có thể mua sim. Trung bình 20eu 1 cái, chỉ cần passport là được.

16. Chú ý móc túi!!!

Thật đáng tiếc là vấn nạn móc túi du khách du lịch Ý còn rất phổ thông. Càng xuống miền Nam càng nhiều. Ở một số thành phố đông đúc du lịch thì càng phải chú ý. Đặc biệt là cái mê cung Naples. Em sống ở đó một năm mà lần nào ra đường cũng nơm nớp đấy ạ! Nếu cần thì cứ đeo balo túi xách ra ngay trước ngực nhé. Đừng chủ quan.

17. Luôn phải quẹt vé trước khi lên tàu, lên bus.

Ở hệ thống tàu, trước khi vào platform các bác sẽ thấy máy quẹt vé màu xanh lá và đỏ ở khắp mọi nơi. Tương tự, trên bus thì ở đầu xe và cuối xe.
Mua vé bus ở đâu? Ngoài các quầy bán vé (chỗ này có chỗ khác không), thì vé bán ở các cửa hàng bán thuốc lá (Tabacchi) hoặc bán báo (edicola) nhé.

18. Học vài từ cơ bản

Người Ý rất thân thiện. Nên nỗ lực biết một vài từ tiếng Ý đơn giản sẽ rất có ích - thái độ của họ sẽ cởi mở với các bác hơn rất nhiều. Một số từ cơ bản như “Cảm ơn” (Grazie, đọc là gờ-ra-zi-ê), Chào buổi sáng (buongiorno, đọc buôn-gióc-nô), xin lỗi (scusami, sờ-ku-za-mi) hoặc Ciao (đọc như chào) hoặc tôi không hiểu (non capisco, đọc là non ka-pis-ko).
Tiếng ý phát âm giống tiếng việt lắm ạ. Cứ có từ nào đọc từ đó, không khó đâu.

19. Mọi đường đều dẫn đến Rome

Đây là câu nói kinh điển sinh ra từ thời La Mã còn thống trị châu Âu. Nó mô tả mọi đường đều dẫn đến Rome, bởi Rome là trung tâm trung chuyển của mọi điểm. Như vậy, từ Rome các bác có thể dễ dàng đến mọi nơi khác.
Tuy nhiên đó chỉ là trong trường hợp các bác chỉ đi dăm ngày. Còn với em, nếu để gợi ý thì mỗi miền sẽ có một trạm trung chuyển tiện lợi khác nhau.

20. Tôn trọng nhà thờ

Tức là làm ơn che chân tay và cất cái gậy selfie đi khi vào trong các nhà thờ, nhà nguyện, hoặc bất cứ điểm tham quan tôn giáo nào khác. Không cần che kín mít nhưng hãy che lịch sự một chút. Ngày nay dù nhiều nhà thờ đón khách du lịch nhiều hơn là đón người đến cầu nguyện nghe lễ, nhưng tôn trọng là điều tối thiểu nên làm khi thăm những nơi thiêng liêng. Hơn nữa, họ có quyền và sẽ “mời” những người ăn mặc không phù hợp ra khỏi những nơi linh thiêng đấy.
Du lịch Ý cả đông cả hè đều có thể khắc nghiệt. Các bác đông nên có một cái khăn to và dày, hè nên có một chiếc khăn mỏng có thể choàng vai để ứng phó được với mọi trường hợp.

21. Nam Bắc khác biệt!

Đây là điều cuối cùng trong danh sách này. Em có thể nói cả ngày không hết, nhưng đây là những điều cơ bản nhất. Ý là một quốc gia không phải to lắm nhưng lại có tới 20 vùng, mỗi vùng có văn hoá riêng. Sự khác biệt giữa Nam Bắc là lớn-vô-cùng. Càng xuống miền Nam thì văn hoá càng đậm Địa Trung Hải hơn, thoải mái, thư giãn, thậm chí còn có chút lười biếng cơ kìa.
Vậy là các bác đã có danh sách những điều nên biết trước khi du lịch Ý! Em xin lỗi vì bài hơi dài. Nhưng em đảm bảo biết những điều này không vô ích đâu ạ. Ý là một đất nước có nền văn hoá đặc trưng. Không một điều nào trong này là “stereotypical” hết đâu á!
Chúc các bác có những kỷ niệm tuyệt vời nhé. Thăm các bài kinh nghiệm và blog của em để lên kế hoạch cho hành trình tiếp theo nha.

italia (Ý) Italia (Ý) foody italia (Ý) Italia (Ý)

Hãy mạnh dạn Viết blog chia sẻ trải nghiệm về chuyến đi, chia sẻ những hình ảnh được ghi lại trên những chặng hành trình. Đơn giản và dễ dàng nhưng lại giúp cho rất nhiều người sắp đi du lịch.

Viết blog ngay
Đã cập nhật vào ngày 30/12/2022
Love
0 Bình luận
avatar
uyên nguyễn travel blogger

just a lazy cute egg that loves to go around

18 Quốc gia
15 Tỉnh thành
7 Người theo dõi
1 Đang theo dõi
icon Theo dõi
Kiếm tiền cùng Gody icon My Travel Map
Bình luận
*Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để bình luận và chia sẻ nhanh hơn
Bài viết liên quan
Bài viết cùng tác giả
Chia sẻ kinh nghiệm thăm Hallstatt - một trong những ngôi làng xinh xẻo nhất châu Âu
chia sẻ cẩm nang du lịch tiết kiệm tự túc đến một trong những điểm đến đẹp nhất châu Âu - thành phố sông nước Venice, Italy
kinh nghiệm du lịch tự túc tiết kiệm Prague, Czech (Cộng Hoà Séc) - cần biết gì trước khi đến Séc
những app du lịch miễn phí thực sự hữu dụng dành cho dân du lịch, đã được test
chia sẻ những công viên tự nhiên tuyệt đẹp của châu Âu - nơi ít người biết nhưng không thua kém gì những điểm đến nổi tiếng khác của Thuỵ Sĩ hay các nước Bắc Âu
Chia sẻ những thành phố em đem lòng yêu ở châu Âu!