kinh nghiệm du lịch tự túc tiết kiệm Prague, Czech (Cộng Hoà Séc) - cần biết gì trước khi đến Séc
Prague và Budapest là hai thành phố Đông Âu đầu tiên em ghé thăm. Chính từ hai thành phố này mà sự tò mò của em với Đông Âu dâng vọt. Mặc dù em thích Tây Âu thật: Pháp hoành tráng, Italy cổ kính, Thuỵ Sĩ hiện đại giàu có, Đức đơn giản năng động, Hà Lan sáng tạo và đầy mâu thuẫn, Bỉ nhỏ bé và loạn một cách đáng yêu,… Nhưng chúng đều bị một điểm chung là bị du lịch đồng hoá quá nhiều. Trong khi đó, Đông Âu lại nổi bật với sự hùng vĩ của lịch sử và sự đặc sắc của kiến trúc, song hành với tính địa phương còn sắc nét đến ngày nay. Dù vậy, phải nói rõ rằng Prague cũng bị du khách đổ đến dẫm đạp kinh khủng khiếp. Vậy nên ở bài này, em sẽ liệt kê một số kinh nghiệm cá nhân và những điều mà em thấy là cần biết trước khi thăm Prague, hi vọng sẽ có ích cho những người chuẩn bị cho chuyến hành trình đến Prague ạ.
1. Có một cộng đồng người Việt đông đảo ở Séc
Sau chiến tranh, người Việt xuất khẩu lao động rất nhiều. Ở những nước từng thuộc khối Sô Viết như Séc, Ba Lan hay Nga đều rất đông người Việt. Riêng ở Séc thì có một cộng đồng người Séc gốc Việt rất lớn, chỉ sau người Ukraina và người Slovak, và họ được pháp luật thừa nhận là dân tộc thiểu số của Séc. Đến đây mà nhìn thấy người châu Á thì tám phần là người Việt. Đây là nhờ hiệp định xuất khẩu giữa Séc và Việt Nam từ những năm 80, sau Cách Mạng Nhung thì rất nhiều người Việt quyết định ở lại định cư. Séc và Ba Lan là hai xứ hiếm hoi em đến nói chuyện với dân bản địa mà họ hỏi ngay mày là người Việt đúng không, chứ không hỏi có phải người Tàu Nhật Hàn không. Người Việt ở Séc chuyên mở siêu thị nhỏ, hàng rượu, quán ăn,…. Thế nên du lịch Séc cũng đơn giản lắm luôn. Không biết cái gì? Hỏi luôn người mình!
2. Chợ Sapa của người Việt ở Prague
Sau Cách Mạng Nhung của Séc, người Việt mua lại được một mảnh đất rộng lớn để xây dựng cơ sở hạ tầng cho cộng đồng người Việt sinh sống và phát triển. Đến chợ Sapa là có thể tìm được đủ mọi loại dịch vụ, ẩm thực và sản phẩm của Việt Nam. Kiểu như chợ đầu mối kiêm luôn khu nhà ở cộng đồng vậy. Với em, xa nhà lâu nhớ đồ Việt, đây là một điểm trong danh sách “phải đến” khi thăm Séc. Thực tình mà nói đồ ăn ở đây vị miền Nam nhiều hơn, nhiều món hơi ngọt. Hoặc do em chọn đều vào những quán người Nam? (đúng ra mà nói đồ Việt ở trời Âu đa số đều vị Nam nhiều. Hồi sống ở Amsterdam cũng vậy, ăn phở mà siêu ngọt. Hoặc Ba Lan cũng thế luôn).
Em nhớ có bữa em với bạn nói chuyện với một ông bác người Séc. Ổng biết bọn em là người Việt thì có kể, chợ Sapa được coi như là một khu tự trị luôn. Chính quyền Séc không can thiệp gì được. Nhiều hồi băng đảng thanh toán bắn nhau loạn ầm trong đó mà toàn bị chìm đi trước khi kịp giải quyết gì à… Nghe mà cũng hơi sợ ấy. Không biết có phải không hay bác ý nói quá lên nhỉ?
Các bác có thể thăm chợ Sapa một lần để biết cuộc sống của đồng bào ở xứ ngoại ra sao. Để đến đây, bắt bus 113 trạm metro Kacerov (hoặc bus 197 bến Smíchovské nádraží) đến bến Sídliště Písnice. Đến đây xuống đi bộ chút là thấy biển TTTM Sapa to đùng luôn ạ. Chuyến đi mất gần 1 tiếng nhé. Hơi cực một chút nhưng đáng lắm. Em ăn “đã” một vòng chợ, ở đủ cả ngày luôn. Có mấy bác còn hỏi thăm sang học hay gì, có gì cần cứ đến đấy.
3. Séc dùng đồng Crown (CZK) chứ không phải Euro
Ở Séc, tiền mặt vẫn thông dụng hơn thẻ. Rất nhiều nhà hàng, quán bar, dịch vụ vẫn ưng tiền mặt hơn ngay cả khi họ chấp nhận thẻ. Rất nhiều nơi không nhận thẻ nhưng họ không có biển báo. Thế nên có đủ tiền mặt trữ là rất quan trọng.
Để kiểm tra tỉ giá thực tế, các bác nên dùng app XE Currency (xem thêm bài: các app du lịch miễn phí hữu dụng). Như vậy sẽ dễ dàng hơn trong việc so sánh với tỉ giá đổi tiền thực tế ở Séc. Tuy nhiên, các bác phải cực kỳ chú ý nếu thấy những nơi đổi tiền đề nghị tỉ giá quá lợi. Họ chắc chắn sẽ thêm vào phí dịch vụ đổi tiền cao quá đáng đấy ạ. Luôn xem số tiền cuối cùng được đổi ra thay vì chỉ xem tỉ giá. Và KHÔNG BAO GIỜ được đổi tiền ngay trên đường nha. Họ có thể sẽ đưa các bác tiền cũ hoặc tiền Belarus vô giá trị đấy ạ.
Em thăm Prague 2 lần. Cả 2 làn tỉ giá đều dao động 1eu = khoảng 26 hoặc 27CZK.
4. Muốn thăm một Prague “thật sự”? Đừng đi mùa hè
Mùa hè là mùa cao điểm du lịch ở Séc. Em hiểu rằng ai cũng phải làm việc quanh năm nên cơ hội du lịch hiển nhiên thường chỉ vào hè. Nhưng theo em, du lịch đến các thành phố nói chung hoặc Prague nói riêng thì tốt nhất là tránh hè. Theo kinh nghiệm cá nhân em thì hè hợp đi sông núi biển cả hơn, bởi không gian rộng dễ chịu. Còn lại xuân thu đi thành phố là đẹp nhất, cuối cùng mới đến đông.
Em đến Prague một lần mùa đông (đầu đông, lúc bắt đầu kì nghỉ lễ cho học sinh) và một lần mùa hè. Lần em thăm vào mùa đông thì cực kỳ lý tưởng: vắng vẻ, thư thả, cả thành phố chìm trong sự lãng mạn và hơi thở cổ kính. Ngược hẳn lại, vào mùa hè, mọi con đường đông đến hầu như ngộp thở theo đúng nghĩa đen. Không bước nào là không đụng người hết!
5. Tránh tuyệt đối taxi!
Du lịch Séc nói riêng và Đông Âu nói chung, tình trạng taxi chặt chém “bẫy” khách du lịch rất phổ biến. Nếu cần di chuyển mà phương tiện công cộng không hợp lý, hãy dùng Uber hoặc Liftago (một app của Séc, chỉ dùng tài xế có bằng hợp pháp và trả phí hợp lý). Hoặc các bác có thể gọi điện cho khách sạn đặt xe. Đừng nhặt taxi trên đường nhé.
6. Di chuyển bằng phương tiện công cộng ở Prague
Rất đơn giản! Hệ thống phương tiện giao thông công cộng ở đây rất phát triển. Các bác mua vé ở các quầy bán báo hoặc máy bán vé tự động cho rẻ. Không nên mua thẳng từ bác tài nếu không bất đắc dĩ. Một vé nửa tiếng khoảng 24CZK, 90 phút khoảng 32CZK. Cũng như các thành phố du lịch khác, Prague có vé phương tiện công cộng ngày. Vé một ngày khoảng 110CZK.
7. Các điểm thăm quan gần nhau sát sàn sạt!
Ngoại trừ một số nơi xa xôi như nghĩa trang Vysehrad ra thì chả mấy khi cần đụng đến phương tiện giao thông công cộng. Đa số những điểm thăm quan du lịch nổi bật của Prague đều tụ hết trong Phố Cổ. Từ điểm này đi bộ sang điểm khác dễ vô cùng tận. Thậm chí em thấy là nên đi bộ. Có nhiều chi tiết mà chỉ khi thong thả dạo bộ mới có thể để ý được nhé.
8. Tại sao lại uống nước ở nơi bia rẻ hơn nước?
Người Séc cực kỳ yêu bia của họ. Ở Séc đôi khi bia rẻ hơn nước thật. Nhất là ở nhà hàng. Nếu thích bia các bác nên tranh thủ ở xứ này ngay và luôn. Đặc biệt: đa số các của hàng bán đồ có cồn đều là chủ người Việt đấy. Nói chung em thấy họ đều không xởi lởi gì lắm cho cam. Thực ra mà nói chất lượng phục vụ của Đông Âu nói chung đều vậy á: vừa lạnh lùng vừa có tí ti thô lỗ. Không như Tây Âu cởi mở nhiệt tình đâu. Nhưng bia rẻ rề! Các bác còn mong gì nữa?
Chú ý: nước ở Séc có thể uống trực tiếp từ vòi nhé. Đa số nhà hàng quán ăn đều bán nước đóng chai. Các bác hãy nói rõ muốn nước vòi (tap water) để tránh đội phí nước vô lý.
9. Đừng gọi Czech là Czechslovakia
Sau cuộc chia ly hoà bình năm 1993 của Czechslovakia, ngày nay chúng ta có 2 nước chủ quyền độc lập là Czech và Slovakia (đừng nhầm với Slovenia nhoa). Slovakia nghèo và hoang vắng hơn rất nhiều. Em nhớ có phim hài Europetrip (phim về một nhóm học sinh Mỹ đến châu Âu chơi) nhắc đến Slovakia hài hước lắm. Tất nhiên là ngày nay nó không còn nát thế nữa rồi.
Túm lại, đừng gọi Czech là Czechslovakia. Và người Czech thường coi họ là ở Trung Âu thay vì Đông Âu ạ.
10. Nên tip!
Ở Đông Âu, như Hungary, Ba Lan, thậm chí là Bulgaria hoặc Rumania, tip là một chuyện thường thấy. Ở bên này của châu Âu, mức sống thấp hơn đôi chút, dẫn đến lương lậu và quyền lợi người làm công không được cao như phần Bắc Âu hoặc Tây Âu. Thế nên các bác nên tip cho phục vụ, bằng cách làm tròn hoá đơn hoặc tính thêm 10% mỗi hoá đơn. Khi thanh toán, hãy đưa tiền trực tiếp cho phục vụ chứ đừng để tiền lên bàn.
11. Tránh khu trung tâm kẻo bị kẹp như thịt trong bánh mỳ!
Trên thực tế, đây là lời khuyên nếu các bác du lịch Séc vào mùa hè. Các mùa còn lại ở Prague đều thư thả hơn rất nhiều dù vẫn có chút đông. Nếu đến vào mùa du lịch thì tốt nhất nên thăm khu trung tâm như cầu Tình hay quảng trường vào lúc sáng sớm. Sau đó trốn sang các điểm khác cho đỡ tắc thở.
Tuy nhiên có ngoại lệ là, vào buổi tối thì quảng trường trung tâm lại nhộn nhịp kiểu địa phương hơn là du lịch. Hoặc rất có thể tối thì thơ mộng zồi nên không để ý nữa. Em thấy giới trẻ Prague tối hay đem bia ra ngồi phịch ở giữa quảng trường hoặc dưới chân Goethe để hẹn hò gặp gỡ. Các bác rất nên thử một lần nhé. Cảm giác như mình thật sự thành một phần của thành phố vậy. Hơn nữa buổi tối ở quảng trường hay có biểu diễn âm nhạc lắm. Lần thứ hai em tới vào mùa hè, có đội còn khênh cả piano ra chơi cả tối liền!
12. Huyền thoại Absinthe ở Prague
Absinthe ở Prague thực ra không đến từ Prague mà đến từ… Thuỵ Sĩ là chính. Mặc dù gốc của Absinthe là ở Pháp. Đa số ở các nước khác, Nàng Tiên Xanh không chứa nước ép lá ngải đằng - một trong những chất khiến hệ thần kinh trung ương kích động, có thể tạo ra ảo giác. Đấy là lí do vì sao Absinthe cũng là niềm cảm hứng của Hemingway, là người bạn giúp vơi nỗi sầu muộn của Van Gogh, là khởi đầu các câu chuyện của Oscar Wilde,… Tuy nhiên, Absinthe ở Prague có chứa một lượng nước ép ngải đằng. Thế nên Absinthe ở đây được xem là gần nhất với Absinthe thực sự.
Tuy nhiên, do (tai) tiếng của Absinthe mà nhiều người lao đến du lịch Séc để thử lắm. Thế nên giá bị đẩy quá đà. Chỉ nên thử Absinthe ở Prague nếu các bác không định thăm Pháp hoặc Thuỵ Sĩ. Còn lại, các bác có thể thử rượu địa phương là Slivovice, 50 độ cồn - thức uống dân tộc của người Moravia. Em tin là nó đã đủ mạnh để oánh sập những linh hồn thích thách thức rồi đấy ạ.
Túm lại,
Các bác đã có rồi - những điều cần biết trước khi du lịch Séc. Những kinh nghiệm này chắc chắn sẽ giúp các bác định hình được chuyến đi của mình tốt hơn. Hãy đón đọc tiếp bài làm gì ở Prague để lên kế hoạch thăm thú cho chuẩn nhé!
Thân.