Blog cẩm nang toàn tập du lịch tiết kiệm tự túc venice - italy
cover

cẩm nang toàn tập du lịch tiết kiệm tự túc venice - italy

avatar
uyên nguyễn dot Thứ 3, 08/09/2020
Theo dõi Gody.vn trên Google news
chia sẻ cẩm nang du lịch tiết kiệm tự túc đến một trong những điểm đến đẹp nhất châu Âu - thành phố sông nước Venice, Italy
Em đến Venice hai lần. Lần thứ nhất đi đúng mùa nước cao (Alta Acqua). Lần thứ hai đúng lễ hoá trang (carnival). Có một điều kỳ lạ ở Venice đó là dù thành phố này đã bị du lịch thống trị triệt để thì đâu đó vẫn lẩn khuất chút phép màu, như thể linh hồn già cỗi của nó dù đã yếu lắm rồi nhưng vẫn bám trụ lấy cuộc sống hiện đại. Em vẫn hay đùa với các bạn mình là “Lạc ở Venice, Chết ở Amsterdam”. Vậy nên, mặc cái miệng than đáng tiếc cho một Venice từng huy hoàng nay đang chìm dần cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, thì em vẫn đề cử các bác đón nhận nó bằng cả tấm lòng.
Ở bài này, em sẽ chia sẻ kinh nghiệm thăm Venice để mọi người có một chuyến đi mĩ mãn nhé!

1. Đến thế nào?

Venice, Venezia, như những thành phố du lịch trọng điểm khác của Ý như Rome, Milan, Naples, Palermo, đều có giao thông thuận tiện. Từ khắp mọi nơi châu Âu đều có thể tìm được tuyến đến Venice - bất kể máy bay, tàu hay xe khách.
Em vẫn muốn chia sẻ chút kinh nghiệm trước khi các bác đến Venice. Venice có hai sân bay, một là sân bay chính Venice Marco Polo, ở trong đảo chính. Đa phần các chuyến bay quốc tế đều đến đây, và do ở ngay trên đảo nên di chuyển sẽ dễ dàng.
Tuy nhiên Venice còn một sân bay khác là Venice Treviso ở ngoài Venice Mestre. Venice vốn không chỉ gồm đảo San Marco và các đảo ngoài biển, mà gồm cả một phần trong lục địa Ý gọi là Venice Mestre. Các bác nên chú ý nhé, vì nó ảnh hưởng đến di chuyển và nghỉ ngơi. Tóm lại, sân bay Venice Treviso chủ yếu nhận những hãng máy bay giá rẻ. Bay đến đây giá thường thấp hẳn - đặc biệt lợi cho những người chủ trương du lịch tiết kiệm.
Từ sân bay Marco Polo vào trung tâm Venice
Từ Marco Polo vào trung tâm Venice có hai cách phổ biến nhất: bus và thuyền. Trong đó bus rẻ hơn nhiều. Các bác muốn đi bus thì ngay trong sân bay Marco Polo sẽ có chỗ bán vé ACTV. Bắt Line 5, tầm nửa tiếng là vào đến trung tâm.
Còn muốn đi thuyền cho nó đúng “chất Venice” thì khi ra khỏi sân bay, rẽ trái, đi bộ tầm 10 phút sẽ đến bến thuyền. Bến này là Alilaguna. Từ bến này các bác có thể vào đến ga tàu chính của Venice, hoặc đến thẳng cầu Rialto (cầu than thở, to nhất Venice, ngay trên kênh chính). Cách này thì tốn tiền hơn và tốn thời gian hơn. Em thì khuyên các bác đi bus cho nhanh. Vào trung tâm ném đồ rồi muốn thử tàu thuyền gì cũng có.
Từ sân bay Treviso vào trung tâm Venice
Từ Treviso có hai hãng bus chạy vào Venice, một là ATOV. ATOV dừng ở nhiều bến, cả ở khu vực Treviso lẫn trong ga Santa Lucia (ga tàu chính Venice). Vé một chiều 10eu, vé 2 chiều 13eu. Vé chỉ có hiệu lực trong 7 ngày thôi nhé.
Cách trên là dành cho những ai thuê phòng ở Mestre cho rẻ, bởi nó có đi qua Mestre và dừng 2 bến ở đấy. Nhưng em thấy cách 2 tốt hơn: Các bác chọn Barzi. Hãng này cũng xuất phát y như ATOV, giá cũng y vậy. Nhưng nó chạy chỉ mất 40 phút vào thẳng trung tâm Venice, chứ không mất 70 phút do dừng nhiều bến như ATOV.
Ngoài ra, nếu các bác đến Venice bằng bus thì phải nhớ rằng ga bus Venice ở khá xa trung tâm. Thường từ đây có bus để vào đến ga Santa Lucia, nhưng có vẻ từ sau 8 hay 9h là không có nữa. Lần thứ hai đến Venice, bọn em đi bus từ Pisa sang, đến hơi trễ, phải cuốc bộ hơn nửa tiếng vào đến ga trung tâm nhé.
Còn nếu đến bằng tàu vào thẳng ga trung tâm thì dễ vô cùng rồi. Ga ở ngay trong San Marco, đi đâu cũng tiện nhé.

2. Ở đâu ở Venice?

Như em đã nói ở trên, Venice không chỉ vỏn vẹn có đảo chính San Marco và mấy đảo xung quanh ở ngoài biển, mà còn có cả khu vực Venice Mestre trong đất liền. Đây là khu vực có nhiều chỗ nghỉ giá rẻ hơn hẳn so với đảo trung tâm. Khi tìm nhà các bác phải lưu ý điều này.
Từ Mestre vào Venice cũng rất dễ dàng, chuyện thuê ngoài không thành vấn đề. Nhưng theo ý kiến cá nhân em, nếu muốn đi Venice thì thuê đặt nhà sớm từ trước, và đặt trong San Marco thôi. Nếu tính sơ sơ ra thì đặt sớm trong trung tâm và đặt giá rẻ ở ngoài nhưng thêm phí di chuyển, lại còn cả thời gian di chuyển nữa, thì cũng hoà.
Đặt trong trung tâm vừa tiện lợi, lại vừa hưởng được cái không khí Venice đích thực. Nhất là vào ban đêm nhé.

3. Kinh nghiệm thăm Venice

Trước khi đọc bài này, em cực lực đề cử các bác đọc cả bài Những điều cần biết trước khi đến Ý để tránh được những chi phí phát sinh bất ngờ, và để thăm Ý như một người bản-địa nhé.
Chọn đúng thời gian
Venice thì lúc nào cũng đẹp. Nhưng em khuyến cáo không nên đến Venice từ tháng 11 đến tháng 1, bởi đây là mùa nước cao (alta acqua). Mùa này nước dâng cao, trời lại thường xuyên lâm râm mưa ẩm ướt. May mắn lắm thì có lẽ được một hai ngày nắng, còn lại trông đều u ám lạnh lẽo cả. Mà xui hơn thì đúng lúc Venice ngập, ra đường chỉ có lội nước thôi nhé! Đặc biệt là tháng 1 luôn.
Vào mùa hè thường là lúc lý tưởng thăm Venice, nhưng lại dễ bị quá đông. “Đông như kiến cỏ” hoàn toàn không mang nghĩa bóng khi nhắc đến tình trạng du lịch ở Ý. Thế nên từ tháng 7 đến tháng 10 các bác phải xác định đi xem thành phố là chính nhưng ngắm người là chủ yếu. Ngoài ra mọi sự khác như ăn uống nhà hàng bảo tàng đều chật cứng. Luôn phải đặt bàn trước nhé.
Thời điểm toàn bộ tháng 2 là lễ Carnival, rực rỡ vô cùng. Lễ này người Ý sẽ ăn vận như thời trung cổ rồi đeo mặt nạ ra đường cùng mừng lễ. Họ tổ chức các cuộc diễu hành trên sông trên đường và các hội chợ tấp nập vô cùng. Nhưng em cũng cảnh báo trước, tháng này mà đông thì chỉ có tắc thở thôi. Không đi bước nào tránh được người hết. Mặc dù em thấy nhộn nhịp vậy cũng hay, nhưng em không đề cử đi lúc này lắm. Đi chỉ thấy người thì mệt mỏi vô cùng tận.
lễ carnevale nổi tiếng thế giới ở Venice
Như vậy, muốn xem lễ thì tốt nhất lựa trung tuần đến cuối tuần tháng 2 mà đi. Đừng tham đi đầu lễ. Các bác cũng đừng nghĩ chỉ chụp ảnh thôi thì lo gì. Do là một lễ hội quá nổi tiếng nên thợ chụp ảnh đầy đồ nghề và hàng triệu du khách sẽ chen chúc xô đẩy nhau. Ảnh đẹp chưa chụp được đã bị kẹp bánh mì rồi.
Như vậy, thời gian đẹp nhất để thăm Venice là tháng 3, tháng 5 và tháng 10. Và đến Venice ít nhất cũng nên ở lại 3 ngày 2 đêm. Ít-nhất.
Di chuyển trong Venice
Di chuyển trong Venice, hay đúng hơn là di chuyển trong San Marco hoặc một số đảo xung quanh như Lido, Burano, Murano đều không khó. Venice không có phương tiện giao thông công cộng trên bộ, chỉ có thuyền đi quanh đảo thôi. Em thì thấy Venice không phải to lắm, cứ đi bộ cho biết ngõ biết ngách. Đừng đi bus thuyền làm gì, rất đắt. Chỉ nên đi khi muốn sang Lido hoặc Burano.
Tuy nhiên nếu có ít thời gian mà muốn đi thử bus nước thì các bác có thể mua vé lẻ (khoảng 7eu thì phải) hoặc Venice Pass. Em không đi nên không chia sẻ kinh nghiệm được.
Ngoài ra, các bác nên cất bản đồ điện thoại các kiểu đi, mà để bản thân lạc triệt để trong Venice luôn. Venice ngõ ngách đường xá lộn tùng phèo, nhưng thật sự là cái lạc này nó đẹp vô cùng, như truy đuổi ảo ảnh vậy đó! ĐI BỘ LÀ TỐI THƯỢNG.
Đừng bị ảo tưởng Gondola lừa!
hình ảnh
đây là đông nên nó mới vắng ạ!
Đi thuyền Gondola nghe anh đò hát câu ca lãng mạn trên những dòng kênh Venice uốn lượn thơ mộng? Ngày nay không còn cái đó đâu ạ. Vào mùa du lịch, lượng thuyền Gondola chở khách nhiều vô cùng. Giá khá cắt cổ (tầm 80eu 1 thuyền 40 phút. Cứ thêm 20 phút là thêm 40eu). Lên thuyền để họ chèo thì chỉ thấy đụng vào các gondola khác thôi. Em khuyên là không. Lúc bọn em đến chỉ đứng trên cầu nhìn lượng thuyền cũng thấy chóng mặt rồi ấy. Hơn nữa họ cũng sẽ không hát đâu.
Lúc đứng trên cầu uống vang vẫy tay trò chuyện với các anh chèo đò, họ còn cười còn hát cho mấy câu chào mừng. Lên thuyền rồi lãng mạn không thấy đâu chỉ chen chúc. Đấy là vào mùa du lịch. Còn mùa ngoài du lịch? Thường là trời lạnh, đi gondola buốt da buốt thịt đấy.
Nếu muốn thử đi sông nước thì các bác bắt vaporetti, tức hệ thống bus mà em nhắc ở trên. 7eu cho một chuyến có khung cảnh khá tương tự. Không phải trong kênh nhỏ mà ngoài kênh lớn, cũng đã khá mãn nhãn nhé.
Còn rất muốn thử Gondola? Hãy nhớ rằng lái đò có thể tăng giá bất cứ khi nào họ thích, vì không có luật quản. Nhất định phải đồng ý giá trước rồi hãy lên. Hoặc vào trang này. Đây là share gondola, đi cùng các du khách khác. Như vậy giá thậm chí có thể giảm xuống hẳn một nửa.
Muốn mua mặt nạ Venice?
hình ảnh
mặt nạ venice
Venice có hai thứ nổi tiếng nhất: mặt nạ và thuỷ tinh. Đồ thuỷ tinh giờ dễ tìm rồi. Venice nổi tiếng với kéo thuỷ tinh nghệ thuật, nhiều món xinh lắm, nhưng khó đem về. Còn muốn mua mặt nạ? Các bác phải hết sức chú ý đảm bảo đó đúng là mặt nạ Venice chứ không phải “made in china” nha. Hàng bán mặt nạ ở Venice thì có vô số kể, nhưng phần lớn là bán mặt nạ tàu đấy.
Vậy kinh nghiệm mua mặt nạ là gì?
Chọn những cửa hàng nhỏ, trông có vẻ vintage một chút ấy. Nhất là nếu thấy có ông chủ hàng đeo tạp dề ngồi làm mặt nạ thì càng chuẩn hơn.
Xem kĩ nhãn mác “made in italy”. Và cứ đồ rẻ là đồ dỏm.
Ngoài ra đây là tip riêng: em thấy mua mặt nạ bằng thạch cao thì tốt hơn mặt nạ nựa đính đủ loại tua rua đá ren các kiểu. Loại này cũng rẻ bằng một nửa những loại “fancy” kia. Đứng cùng các loại kia thì có vẻ yếu thế. Nhưng đứng một mình trong tinh tế vô cùng đó nha.
Ăn uống, nhà hàng ở Venice
Ăn uống ở Venice trăm phần trăm là sẽ bị chém, đặc biệt là trong San Marco. Tất cả những biển báo ở ngoài mà các bác thấy rẻ đều là chưa tính phí phục vụ. Ví dụ như cafe, vang, ăn uống, cứ ngồi xuống là sẽ có phí ngồi đã tính vào món. Thêm cả phí phục vụ “corpeto”. Thế nên nếu có thể hãy tránh nhà hàng ở trong San Marco. Hoặc tra thật kĩ nhà hàng các bác muốn đi rồi hãy đến.
Phí khách du lịch - tourist tax
Mọi thành phố du lịch ở Ý đều có tourist tax, dao động từ 1 đến 3eu mỗi người mỗi ngày. Thế nên khách sạn nhà nghỉ airbnb đều sẽ đòi giấy tờ tuỳ thân và phí này nhé. Ở Venice, phí đó là 2eu.
Xếp hàng ở Venice
Ở Venice cái gì cũng đều sẽ đông là đều phải xếp hàng. Ngay cả khi các bác mua những thứ “skip the line”. Tốt nhất là các bác mua vé trên mạng, có đến thăm cũng tránh giờ ăn trưa ra. Khoảng 11h đến 3h chiều bao giờ cũng đông đúc nhất nhé. Và luôn để tâm đến dịch vụ skip line đó nha.
Quan trọng: Mọi bảo tàng nhà thờ lâu đài ở Venice đều chỉ cho du khách mang túi xách hoặc balo nhỏ vào trong thôi. Nên trước khi xếp hàng hãy tìm chỗ gửi đồ. Dịch vụ này thường sẽ ở gần đó và miễn phí.
Giày chống thấm nước!
Nếu đến Venice vào mùa mưa, tức là tháng 10 đến tháng 3, rất nên có giày chống thấm nước/giày đi mưa, và áo mưa. Các bác sẽ cảm ơn em về điều này đấy ạ.
Venice là thành phố đắt đỏ!
Hãy quản lý chi tiêu của mình. Ở Venice chi phí bất thường đôi khi gây hoảng hốt hơn cả thuê khách sạn hay airbnb. Ví dụ như, huray, toilet công cộng! Các bác sẽ thấy nhiều quảng cáo thẻ pass toilet công cộng (em nhớ có loại 9eu đi được 7 lần trong vòng 7 ngày). Nếu không mỗi lần dùng toilet công cộng có thể lên đến 2 hay 3eu…
Vấn đề ở chỗ, toilet công cộng ở Venice khó tìm vô cùng, mua pass chưa chắc đã hữu dụng đâu nhé. Các bác nên kiểm soát lượng nước bằng các thứ rau củ chứa nước như dưa hấu hay dưa chuột thay vì uống nước quá nhiều thì hơn.
Và một tip extra nha: Ở quảng trường San Marco các bác sẽ thấy hai cột cao vô cùng, phía trên có tượng đài thánh bảo hộ của thành phố. Các bác không nên đi qua hai cột này, mà đi vòng ra ngoài. Hồi trước đây là nơi xử phạm nhân, người Venice nói đi qua giữa hai cột sẽ gặp vận xui lắm luôn đó.
hình ảnh
cặp cột nổi tiếng

3. Làm gì ở Venice

Xem bình minh trên kênh lớn (Grande Canale) từ cầu Rialto
Phép màu của Venice chỉ kéo dài từ đêm đến sáng sớm, rồi sẽ ẩn thân nhường chỗ cho thế giới du lịch thế tục. Không lúc nào xem Venice đẹp bằng sáng sớm vắng vẻ và đêm muộn lặng lẽ.
venice hồi sáng sớm, siêu thư thả
Sau một điếu thuốc (maybe?) ngắm mặt trời lên là cũng đến lúc dạo qua các quán bar mở sáng sớm để thưởng thức bữa sáng kiểu Ý. Các quán bar sáng sớm chính là lúc “chất Ý” rõ nhất, bởi đó là lúc dân địa phương dậy, uống cà phê, ăn sáng nhẹ rồi bắt đầu làm việc. Làm một ly espresso “đứng”, ăn cornetto hoặc fogliatelle (bánh ngàn lớp) là cách bắt đầu một ngày hoàn hảo. (Xem thêm bài Cần biết gì trước khi đến Ý).
Thăm quảng trường San Marco (San Mark Square), gồm cả Basilica San Marco
Sau bữa sáng nhẹ nhàng kiểu Ý, em khuyến khích các bác nên đến quảng trường chính trong lúc nó hẵng còn vắng vẻ dễ chịu. Lúc này các bác có thể tự do tự tại hít vào cái không khí đượm mùi biển và mùi công trình kiến trúc cổ kính của Venice.
hình ảnh
basilica san marco trong hoàng hôn
Quẩn thể quảng trường này sẽ bao gồm: cả quần thể quảng trường San Marco, Basilica (Nhà thờ) San Marco, cung điện Doge, và cả cầu Than Thở ở ngay cạnh. Quần thể này thì lộng lẫy vô cùng. Lời khuyên tối thượng của em là….đừng có thăm hết ngay. Nhắm lúc buổi sáng còn vắng vẻ thì tranh thủ chụp ảnh chiêm ngưỡng toàn thể kiến trúc ở ngoài, sau đó lúc nhà thờ và cung điện bắt đầu mở cửa (tầm 9h sáng).
Thăm được một trong hai tuyệt tác này rồi thì lời khuyên tiếp theo của em là…rời trung tâm, đi ngắm ngõ ngách đường phố kênh đào. Bởi nếu đến được từ sớm như vậy thì khả năng rất cao là các bác rời được bảo tàng/nhà thờ lúc du khách khác mới bắt đầu đổ đến xếp hàng thăm quan. Lúc này thì lựa chọn lí tưởng không phải xem tiếp một chỗ khác (tránh sốc do thấy quá nhiều cái đẹp mà thấy nhàm chán), mà là thong thả đi thăm Venice. Còn có thể tiện đường uống cafe, ăn nhẹ nữa chứ.
Lạc trong ngõ ngách Venice
Venice được cấu thành từ 7 đảo lớn, không kể những đảo be bé nho nhỏ bên ngoài nhé. 7 đảo lớn này gồm: đảo chính có quảng trường San Marco là đảo San Marco; Santa Croce; San Polo; Cannaregio; Castello; Dorsodouro và Giudeca.
Nói nhiều đảo vậy nhưng thực ra không to lắm. Em sẽ liệt đặc điểm từng đảo để các bác dễ bề lựa chọn nơi thăm thú nhé.
Đảo San Polo có thể nói là đảo chính thứ hai sau San Marco, được nối với San Marco bằng cầu Rialto. Đảo San Polo có chợ cá nổi tiếng. Chỗ này công trình kiến trúc trông cổ vô cùng. Em nghĩ các bác nếu đi theo lịch trình của em thì sau khi thăm thú ở quảng trường San Marco thì không nên đến đảo này đi chợ cá (hay bất cứ loại chợ nào) ngay. Lí do: ban ngày sẽ đông tắc thở. Bác nào mà đi mùa hè thì sặc trong mùi mồ hôi và mùi rêu của kênh đào theo đúng nghĩa đen.
Như vậy, em đề xuất đến chợ cá/khu vực San Polo vào sáng sớm hôm sau (hoặc một sáng sớm tuỳ ý các bác). Lúc này chợ mới dần mở, mọi thứ mới bắt đầu nhộn nhịp thôi, dễ chịu hơn nhiều lắm. Các bác có thể tranh thủ mua đồ ở đây cho tươi. Cảnh báo trước là chắc chắn sẽ đắt nhé.
Đảo Cannaregio có lẽ là tiểu đảo em thích nhất. Ở đây có cảm giác “địa phương” nhất. Cannaregio là đảo to nhất nhưng cũng vắng nhất Venice. Mặc dù không có nhiều kênh nho nhỏ cầu bé xíu “nát” cổ kính trong hai đảo San Polo và San Marco thì ở đây có một thứ hơn hẳn: ít du khách. Các bác có thể thoải mái thong thả thăm thú chụp ảnh chứ không phải chen chúc nhé. Khúc này theo em là chỗ thăm hợp nhất để tránh đám đông du khách tầm cao điểm từ khoảng 10, 11h sáng đến 4, 5h chiều.
BIG TIP: Ở Venice có rất nhiều hàng bán vang. Bọn em tình cờ phát hiện được một cái “cantina” bán vang tươi luôn, bơm từ vòi ra chai luôn, các bác có thể mua theo…lít. Địa chỉ: Cannaregio, 1370, 30121 Venezia VE. Em rất rất đề cử vang ở đây, đặc biệt là dòng secco, hoặc dòng frizzante (có bọt). Hai dòng này thì ngon vô đối, cân luôn hai ba lít đi nhé. Được cái ý chưa có cấm uống trên đường như Amsterdam. Các bác cứ vừa đi vừa uống vừa tận hưởng Venice nha.
Bọn em lần đó mua liền hai hay ba lít ấy. Rẻ lắm! Cỡ 4, 5eu 1 lít thôi, mà ngon xót lưỡi xót ruột. Uống vang ở Venice đặc biệt hợp khoẳng thời gian 4 đến 6 giờ chiều (khoảng giờ Aperitivo), cho ngà ngà, rồi thăm thú thành phố.
Tiếp đó các bác có thể vòng sang Castello. Đây là một khu vực vắng vẻ hơn, trông có vẻ thoáng đãng mà “mới” hơn. Em khá thích khu vực này, bởi sự đơn giản của nó. Trung tâm thì chi tiết, xung quanh thì đơn giản, không khí khác hẳn nhau. Khu vực này không nhiều nhà hàng quán ăn gì, em thấy tự mua bữa trưa nhẹ (picnic picnic) rồi ngồi trên bờ kênh mà thưởng thức là ưng nhất.
Hoặc mọi người có thể đi săn nhà sách cổ Alta Acqua nổi tiếng của Venice nhé!
4. Ngắm hoàng hôn trên cầu Than Thở (hoặc từ bờ cảng dọc San Marco, kéo sang Castello)
[caption id="attachment_2848" align="aligncenter" width="2560"] điểm nhìn từ cầu than thở[/caption]
Đây chính là điểm ngắm hoàng hôn chính diện luôn ạ. Thăm thú Castello hiền hoà vắng vẻ chán rồi, giờ là lúc trở về cái đông đúc “nhãn hiệu” của Venice. Nếu các bác có mua vang thì đây lúc là lúc ngà ngà say, xem hoàng hôn là vô đối nhé!
hình ảnh
hình ảnh
Cung điện Doge, tháp San Marco Campanile, Vaporetto
Ngày hôm trước nếu đã thăm Basilica rồi thì hôm nay các bác nên tiếp tục thăm nốt cung điện Doge. Có lẽ là trèo luôn cả tháp Campanile để có cái nhìn sâu sắc hơn về Venice nhé. Em không vào Doge, nhưng các bác nếu tò mò thì rất nên vào nhé.
tháp campanile và view từ tháp
Sau đó, em khuyên các bác nên tránh gondola mà đi vaporetto. Dọc San Marco và Cnnaregio có mấy bến Vaporetto. Từ đây không chỉ đến Murano, Burano và đảo Giudeca đâu, mà còn đến các bến khác như bến tàu ngay Santa Croce. Chuyến này vừa rẻ, nhìn cũng đủ mãn nhãn nhé.
Yêu nghệ thuật? Thăm bảo tàng Accademia ở Dorsodouro
Đảo Dorsoduro có thể xem là khu “nghệ” của Venice; cả đảo xinh xắn đáng yêu lắm luôn, đậm chất địa phương. Dọc kênh lớn rìa đảo Dorsodouro là bảo tàng Accademia chất đầy các tuyệt phẩm Phục Hưng, bên trong còn có cả bản phác thảo “Vitruvian Man” nổi tiếng của Leonardo da Vinci nhé!
Lạc giữa đêm ở Venice, không cần biết ở đâu.
Cả Venice là một cái bảo tàng, vào trong chỉ thấy khách du lịch thôi. Ngày nay không thấy được cuộc sống địa phương nữa. Nhưng có một điều thú vị là cứ đêm xuống, khách du lịch nghỉ hết rồi, các bác bắt đầu đi dạo thì sẽ thấy không khí Venice khác hẳn. Từng cơn gió như thầm thì về một câu chuyện xưa cũ buồn bã, từng chuyển động của không khí miết lên da thịt như thể linh hồn của thành phố đang tỉnh giấc và tán tỉnh kẻ ngoại tộc, từng con ngách cái ngõ ngập trong luồng cảm xúc thơ mộng run rẩy.
Em cực lực, cực lực đề nghị đi lạc trong đêm ở Venice, đừng quan tâm mình đi đến đâu. Với em, cả hai lần đến Venice, cả hai lần phép màu đều diễn ra giữa đêm.
Lần thứ nhất, bọn em đặt nhầm phòng nên đêm đầu tiên lang thang. Lúc đó bọn em đã gặp một cậu bạn có máu tóc vàng và đôi mắt biết cười dễ thương muốn xỉu. Cậu ấy chơi piano đến thăng hoa trong ga tàu chính của Venice, nhiệt tình vui vẻ đến độ có mấy bạn nữ say quắc cần câu tham gia hát cùng. Đến mấy ông cảnh sát quản ga cũng đứng đó vỗ tay và cho cả đám dây dưa trong ga đến hơn một tiếng sau giờ đóng cửa.
Cảm xúc lúc đó dị lắm luôn ạ. Bọn em ngồi ngay cạnh piano, nghe cậu ấy chơi những khúc đàn vui vẻ. Mấy người xung quanh ôm nhau nhảy múa. Bên cạnh bọn em còn có một bà người Hoa (chắc bị bệnh dạ dày)…nấc theo tiếng nhạc. Và điều tuyệt nhất? Cậu ấy chơi đàn đôi với một ông già vô gia cư, thái độ niềm nở và chân thành trước con người buồn khổ đó. Khi từ biệt cậu ấy ôm hôn bọn em và chúc may mắn.
Chính đêm đó in đậm trong em một cảm giác kì diệu về phép màu tức thời trong quan hệ giữa người giữa người, khiến em yêu quý mà cũng thờ ơ với tình bạn, theo đuổi những cuộc gặp một lần, cho đến tận khi thực sự gặp soulmate ở Amsterdam.
Lần thứ hai chính là một đêm trong lễ Carneval rực rỡ. Cả thành phố nhộn nhịp suốt đêm ngày. Chính hôm đó bọn em đã mua rượu ở địa chỉ em chia sẻ trên kia, dạo chơi hát hò khắp ngõ xá Venice, nhìn những bóng hình kì lạ cho đến tận khi bóng tối đưa Venice vào giấc ngủ. Đêm đó lòng em cảm động vô cùng tận.
Du lịch Venice đúng lễ Carnevale
Lễ Carnevale hoá trang của Venice là một trong những lễ hội nổi tiếng nhất thế giới, kéo dài suốt tháng 2. Hình ảnh và hoạt động của Venice tháng này hoành tráng nhộn nhịp vô cùng. Và mặc dù có nhiều cảnh báothì em vẫn thấy đây là một lễ hội rất đáng chiêm ngưỡng.

4.Kinh nghiệm thăm đảo màu Burano của Venice

Đến thế nào?
Đến Burano rất dễ luôn ạ. Nếu nói đơn giản thì các bác ra dọc bờ kênh của đảo Cannareggio, chắc chắn sẽ thấy dăm bến water bus (tàu thuỷ). Bến nào cũng có chuyến đến Burano. Đây là bến em hay dùng nhất, bởi em thường thuê phòng trong khu vực San Polo hoặc Castello.
Tuy nhiên từ Piazzale Rome (tức là quảng trường ngay trước ga tàu chính Santa Lucia) cũng có line đến Burano - line 4.1, 4.2 hoặc 3.
Ngoài ta các bác có thể đi water taxi (vaporetto là water bus thì tất nhiên cũng có water taxi). Taxi chắc chắn là đắt hơn. Nhưng Venice có 1 app là Kishare, chỉ dành cho venice, là kiểu share taxi/share gondola. Tức là các bác thuê taxi và gondola chung với người khác. Đây cũng là cách rất tốt, chủ động, lại khá tiết kiệm.
Làm gì ở Burano?
Dạo quanh những con đuòng màu sắc rực rỡ của Burano
những con đường màu sắc
Burano nổi tiếng với màu sắc, đến đâu chủ yếu là miên man theo những con đường rực rỡ đó để có những tấm ảnh thần sầu thôi ạ.
Dùng bữa ở nhà hàng một sao Michelin Al Gatto Nero da Ruggero
Bình thường em luôn chủ trương du lịch tiết kiệm, hiếm khi nào ăn sang lắm (haha). Tuy nhiên có một số phần em phá giới, và đa phần đều thoả mãn cả. Lần này là do tụi em đói quá rồi, hôm trước say quắc cần câu hôm sau đã vội vã đi đảo màu, nên thấy cái biển một sao Michelin thì lao vào liền.
Nhưng đây là lựa chọn chính xác vô cùng luôn ấy ạ. Nhà hàng này là Trattoria truyền thống, nhỏ xinh mộc mạc, đồ ăn tươi ngon vô cùng luôn. Các bác cứ hải sản mà tương cho em nhé! Tiramisu ở đây cũng ngon lật xác luôn đấy ạ.
Địa chỉ chính xác: Fondamenta della Giudecca Giudecca di Burano 88,30142 Burano,Italy.
Sắm ren Venice
Burano khá nhỏ, về cơ bản chẳng có mấy việc làm ngoại trừ lêu hêu chụp ảnh và ăn uống ạ. Nhưng có một điều nhỏ không phải ai cũng biết, là Burano, hoặc Venice nói chung, còn nổi tiếng về làm ren nữa. Đến Burano có thể thăm các workshop hoặc tham gia workshop làm ren nhé.
Hoàng hôn trên biển
hình ảnh
Hoàng hôn Venice là một trong những cái hoàng hôn đầu tiên khiến em rung động ở châu Âu. Mặt trời lên thì đẹp lắm, nhưng với em mặt trời xuống mới thật sự mê mẩn tâm hồn (haha). Em là người yêu mặt trời. Ở đâu có mặt trời em đi theo hướng đấy. Rất nên dành vài phút ngắm thời khắc mặt trời lặn nơi bốn bề là biển này nha!
Kinh nghiệm thăm đảo màu Burano
Các bác nên chú ý chuyến tàu cuối từ Burano trở lại Venice trong trường hợp không ở lại. Em nhớ chuyến cuối cỡ 5, 6h gì đấy.
Do Burano khá nhỏ nên rất nhiều khi du khách thăm cả Murano làm thuỷ tinh và Burano nhà màu cùng một ngày. Muốn mua cặp vé này thì ra bến mua là được.
Từ tháng 10 đến tháng 3, nhất định phải có giày đi mưa và áo mưa.
Câu chuyện nhỏ: Em nghe bạn nói rằng cái đảo đó nhiều màu như vậy là để dân đánh cá nhận ra được nhà mình. Thế nên mỗi khi có nhà muốn sơn là phải gửi đơn lên hội đồng thành phố xin cấp phép, và chỉ được sơn những màu họ chấp thuận. Có cả hệ thống đánh màu cụ thể luôn đấy ạ. Không phải tự nhiên mà họ sơn vậy đâu.
Chúc mọi người có một chuyến đi vui vẻ. Đừng quên chia sẻ bài viết để sau này tham khảo lên hành trình cho một chuyến đi hoàn hảo nhé!
Đảo San Marcos (Isla San Marcos) Quảng trường Thánh Mark ( Basilica San Marco ) Quảng Trường Thánh Mark ( Piazza San Marco ) Cầu Rialto (Rialto Bridge) Cầu Rialto ( Ponte Rialto ) Khám phá Serra Grande (Serra Grande) cam nang du lich venice Italia (Ý) italia (Ý)

Hãy mạnh dạn Viết blog chia sẻ trải nghiệm về chuyến đi, chia sẻ những hình ảnh được ghi lại trên những chặng hành trình. Đơn giản và dễ dàng nhưng lại giúp cho rất nhiều người sắp đi du lịch.

Viết blog ngay
Đã cập nhật vào ngày 30/12/2022
Love
3 Bình luận
avatar
uyên nguyễn travel blogger

just a lazy cute egg that loves to go around

18 Quốc gia
15 Tỉnh thành
7 Người theo dõi
1 Đang theo dõi
icon Theo dõi
Kiếm tiền cùng Gody icon My Travel Map
Bình luận
*Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để bình luận và chia sẻ nhanh hơn
avatar
Thắng 95 bạn ơi, chi phí tự túc như trên thì tầm bao nhiêu bạn nhỉ?
Trả lời
Chia sẻ
Bài viết liên quan
Bài viết cùng tác giả
Chia sẻ kinh nghiệm thăm Hallstatt - một trong những ngôi làng xinh xẻo nhất châu Âu
chia sẻ những điểm văn hoá nho nhỏ để mọi người có một chuyến đi Ý "chuẩn Ý"!
kinh nghiệm du lịch tự túc tiết kiệm Prague, Czech (Cộng Hoà Séc) - cần biết gì trước khi đến Séc
những app du lịch miễn phí thực sự hữu dụng dành cho dân du lịch, đã được test
chia sẻ những công viên tự nhiên tuyệt đẹp của châu Âu - nơi ít người biết nhưng không thua kém gì những điểm đến nổi tiếng khác của Thuỵ Sĩ hay các nước Bắc Âu
Chia sẻ những thành phố em đem lòng yêu ở châu Âu!