Blog Một số vật dụng và những lưu ý thực sự cần thiết khi du lịch ở vùng lạnh
cover

Một số vật dụng và những lưu ý thực sự cần thiết khi du lịch ở vùng lạnh

avatar
Phuong Pham dot Thứ 7, 02/01/2021
Theo dõi Gody.vn trên Google news
Chào mọi người, mình là nữ, mình không phải là dân phượt. Mình chỉ là một nữ văn phòng thích du lịch. Nên kinh nghiệm của mình có thể không nhiều như các bạn và sẽ phù hợp hơn cho các bạn nữ. Tuy nhiên các bạn nam có thể tham khảo thêm ạ. Và mình rất vui nếu mọi người đóng góp thêm cho mình một số kinh nghiệm của mọi người nữa nhé
Mình vừa kết thúc chuyến đi một tuần ở 3 tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang 26-31/12/2020. Mình đi trúng đợt rét nên ở đó rất lạnh, nhiệt độ dao động từ 1°C - 7°C. Lạnh phải nói là lạnh buốt luôn đó ạ. Và đây là chuyến đi đầu tiên của mình về vùng lạnh ở miền Bắc, nên lúc đi rất là sợ. Tuy nhiên trước khi đi mình đã chuẩn bị một số vật dụng mà mình thấy thực sự hữu ích trong chuyến đi, nhờ vậy mà sức khoẻ mình được đảm bảo lắm. Nên giờ mình muốn chia sẻ lại một chút kinh nghiệm nhỏ này cho các bạn mới đi để khỏi bỡ ngỡ như mình.
hình ảnh
Bao tay chạy xe máy
hình ảnh
Quần áo heattech
hình ảnh
Miếng dán sinh nhiệt Cairo

1. Quần áo heattech (quần áo giữ nhiệt)
Đây là loại quần, áo trông rất mỏng nhưng được sản xuất theo công nghệ riêng, có thể giữ nhiệt và làm ấm cơ thể. Loại đồ này được mặc lót bên trong.
Có nhiều nhãn hàng bán, và tùy mức độ giữ nhiệt mà có mức giá khác nhau. Mình không rành về các nhãn hàng khác, mình chỉ mua của Uniqlo ở Parkson Lê Thánh Tôn (hệ thống Uniqlo có nhiều cửa hàng ở nhiều nơi nhé). Giá từ 300-600/quần/áo, các bạn có thể tham khảo ạ. Nhìn đồ mỏng mà tận 400k 500k một cái, nhiều bạn thấy tiếc tiền, nhưng nó rất là hữu ích các bạn ạ, mình khuyên các bạn nên mua để mặc, đừng tiếc tiền vì thực sự rất rất là cần thiết để đảm bảo sức khoẻ cho mình. Mặc rất ấm.

2. Miếng dán sinh nhiệt
Là một loại miếng dán tương tự như miếng dán salonpas, nhưng nó có chức năng sinh nhiệt, toả ấm, làm ấm cơ thể. Có nhiều loại và giá cũng khác nhau. Cách sử dụng cũng khác nhau, một số loại dán trực tiếp lên da, một số loại dán lên quần áo để tránh bỏng đối với một số loại da mỏng, nhạy cảm. Các bạn nên đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng nhé.
Mình thường sử dung loại Cairo của Nhật và thấy loại này toả nhiệt rất tốt, loại này dán trên quần áo, giữ ấm 12 tiếng, 78k một bịch gồm 10 miếng dán. Mình thường dán ở vùng lưng, bụng, hoặc ngực.

3. Nón len trùm đầu, trùm cổ, tất chân và bao tay giữ ấm
Thực sự là rất lạnh, nên các bạn đừng mua loại vải vì nó không che chắn được lạnh và gió đâu ạ. Mọi người nên mua loại len, loại lông hay loại gì đó có chức năng giữ ấm nhé. Ở vùng lạnh đã lạnh rồi mà có gió nữa thì phải nói cái lạnh nó buốt xương và run tim luôn mọi người ạ. Nên phải giữ cho tai, cổ, chân và tay thật ấm, nếu không dễ bị trúng gió tái xanh mặt lắm. Tất nhớ mang theo một hoặc hai đôi loại cao cổ để có thể trùm luôn phần ống quần sẽ đỡ lạnh.

4. Áo mưa mỏng
Khi chạy xe, cái lạnh sẽ tăng lên gấp nhiều lần, chỉ cần trùm áo mưa sẽ đỡ lạnh hơn rất là nhiều luôn. Đừng ngại nếu không mưa mà mình mặc áo mưa nhé. Sức khoẻ là trên hết.

5. Bao tay chạy xe máy
Loại bao tay này để trùm cả tay mình và tay lái lại. Nhờ có bao tay này mà mình không bị lạnh tay, tay không bị tê cứng, chạy xe sẽ an toàn hơn.
Giá có rất nhiều loại tùy độ dày mỏng và chất liệu. Mình mua loại 45k/bộ đã thấy rất ấm rồi ạ.
Có bạn nam nhóm mình nghĩ bao tay này không cần thiết nên không mua, nhưng ra tới nơi phải quắn giò lên mà tìm mua đấy ạ :D

6. Đèn pin đội đầu
Ở vùng lạnh thường đường đèo, dốc và trời rất nhanh tối. Nếu đi những đoạn đường ổ gà, đất đá thì càng nguy hiểm. Nên mọi người phải sắp xếp thời gian về nơi ngủ trước 17h nhé. Và để phòng trường hợp trời đã tối mà mình vẫn còn trên đèo thì mọi người nên mang theo một đèn pin nhỏ đội đầu (đèn soi ếch). Đèn này hỗ trợ rất nhiều để chiếu xa, soi đường, kịp phát hiện những chướng ngại vật hay nhận ra sớm những khúc cua ở đằng xa phía trước. Nhờ có loại đèn này mà cả đoàn mình đã bình yên khi đã gần 20h mà vẫn còn ở trên đèo đấy ạ.

7. Trà gừng, kẹo gừng, bình giữ nhiệt
Bình giữ nhiệt để chứa nước nóng pha trà gừng, chỉ cần uống một ngụm trà gừng nóng, cơ thể sẽ ấm lên rất nhiều.
Hoặc nếu bạn không thể mang theo bình giữ nhiệt thì có thể dùng kẹo gừng ngậm để giữ ấm cơ thể nhé.

8. Quần áo mang theo
Không nên mang theo đồ quá dày vì vừa chiếm chỗ lại vừa nặng. Nên mang theo quần áo mỏng, và bận nhiều lớp thì sẽ ấm hơn mặc một cái dày.
Lúc nào cũng nên mặc một bộ quần áo mỏng, ôm, mặc lót ở bên trong rồi mới mặc đồ đi chơi ở bên ngoài để không khí không thể tràn vô được, như vậy sẽ ấm hơn rất nhiều. Nếu được, bạn nên mặc nhiều lớp, hai hoặc ba lớp áo, quần, tất, bao tay... Làm sao để trùm kín toàn thân là được.

Trang phục của mình thường gồm từ 3-4 lớp theo thứ tự: một bộ heattech lót bên trong cùng, một bộ quần legging ôm, áo thun cổ lọ, tiếp theo là áo len và quần jean và cuối cùng là một áo khoác dài ở ngoài cùng, 3 đôi tất một lượt. Mình mang theo rất là nhiều đồ nhưng mỏng, nhẹ nên chỉ cần một balo nhỏ là đựng vừa hết luôn. Rất nhẹ, rất khoẻ nhưng cũng rất đảm bảo cho sức khoẻ nhờ những vật dụng hỗ trợ làm ấm cơ thể mà mình đã nêu ở trên ạ.

9. Lưu ý khi tắm ở vùng lạnh:
Buổi tối các bạn tuyệt đối không nên tắm, nếu cần thiết chỉ cần rửa sơ cơ thể. Khi tắm cũng không nên để nhiệt độ nước quá nóng, vì sau khi tắm xong sẽ lạnh hơn rất nhiều. Nên để nhiệt độ nước ở mức nhẹ, và nhớ xối nước lên chân trước để làm quen dần với nước rồi mới xối lên những vùng cơ thể khác, đừng vội xối lên người trước sẽ rất lạnh.
hình ảnh
Hoa tam giác mạch ở Hà Giang

10. Máy lạnh hai chiều
Khi đi thuê khách sạn ở vùng lạnh, các bạn nên hỏi máy lạnh có chế độ sưởi ấm không vì một số máy lạnh chỉ có một chiều làm lạnh mà không có chế độ sưởi ấm.
Tuy nhiên, khi bật chế độ sưởi ấm, mọi người cũng nên biết cách điều chỉnh để làm ấm dần dần lên và ở mức ấm vừa phải, để nhiệt độ trong và ngoài phòng không chênh nhau nhiều, tránh trường hợp sốc nhiệt. Nếu không biết, mình có thể nhờ bên khách sạn điều chỉnh giúp. Và trước khi ra khỏi phòng 5p, nên tắt máy lạnh để cơ thể dần thích nghi với nhiệt độ bên ngoài trước rồi hãy ra khỏi phòng nhé.

11. Nón bảo hiểm trùm hết đầu và phải có kính chắn
Khi đi đường xa các bạn nên đội nón bảo hiểm loại trùm hết đầu và phải có kính chắn nhé. Vừa an toàn lại vừa chắn gió, ngăn lạnh rất hữu ích, giúp mắt không bị đỏ, mặt không bị lạnh, và tránh bị trúng gió. Đừng sợ nặng mà đội mấy loại nhẹ không trùm hết đầu bạn nhé. Nhớ mũ phải có kính chắn nhé, vì kính mát cũng không thể nào chắn gió, chắn bụi và ngăn lạnh bằng kính của mũ đâu. Nếu có thuê xe máy, lúc nhận xe, bạn nên lựa cho mình một cái mũ đảm bảo như trên và không bị trầy xước phần kính để nhìn đường cho rõ nữa.

12. Một số loại thuốc cơ bản:
Nên mang theo một ít loại thuốc để phòng bị: thuốc hạ sốt, nhức đầu, băng keo cá nhân, dầu gió, thuốc tiêu chảy. Các bạn nên dùng dầu gió loại cao chứ đừng mang loại nước. Vì loại nước thường có cồn, khi gặp gió cồn sẽ bay hơi và mình sẽ lạnh hơn.
Nên bôi dầu và xoa nhẹ vào lòng bàn chân, phía sau dái tai để được ấm.

Mình chỉ biết có vậy để chia sẻ cùng mọi người, có gì mọi người góp ý thêm để mình bổ sung kinh nghiệm cho những chuyến đi tiếp theo nhé. Chúc mọi người có những chuyến đi vui vẻ, thú vị và đảm bảo sức khoẻ <3
Kinh nghiệm du lịch tonghop

Hãy mạnh dạn Viết blog chia sẻ trải nghiệm về chuyến đi, chia sẻ những hình ảnh được ghi lại trên những chặng hành trình. Đơn giản và dễ dàng nhưng lại giúp cho rất nhiều người sắp đi du lịch.

Viết blog ngay
Đã cập nhật vào ngày 28/12/2022
Love
8 Bình luận
avatar
Phuong Pham
0 Quốc gia
30 Tỉnh thành
1 Người theo dõi
2 Đang theo dõi
icon Theo dõi
Kiếm tiền cùng Gody icon My Travel Map
Bình luận
*Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để bình luận và chia sẻ nhanh hơn
Bài viết liên quan
Bài viết cùng tác giả
Một hòn đảo nhỏ còn rất hoang sơ, đâu đâu cũng là bãi tắm lý tưởng. Nước biển xanh, trong vắt, mát rượi. Chỉ cần mang kính bơi và nhìn vào các hốc đá gần bờ là chúng ta đã có thể được nhìn ngắm những chú cá nhỏ, sọc xanh sọc vàng sặc sỡ đang tung tăng bơi lội rồi.
Núi Chứa Chan hay còn gọi là núi Gia Lào, là khu di tích lịch sử ở Xuân Lộc, Đồng Nai. Được các dân phượt đến chinh phục rất nhiều