mình thương Hội An. thương cái kiểu "ghiền".
bằng chứng là Hội An vẫn là nơi luôn ở vị trí đầu: "nơi phải đến hàng năm", "nơi thích nhất trên thế giới này", "nơi có chất lượng sống tốt nhất" (theo tiêu chuẩn xanh của mình), "nơi có bánh mì ngon nhất", "nơi có rau mùi thơm nhất",
mình thương Hội An. thương cái kiểu "ghiền". bằng chứng là Hội An vẫn là nơi luôn ở vị trí đầu: "nơi phải đến hàng năm", "nơi thích nhất trên thế giới này", "nơi có chất lượng sống tốt nhất" (theo tiêu chuẩn xanh của mình), "nơi có bánh mì ngon nhất", "nơi có rau mùi thơm nhất", "nơi bình yên nhất của mình" và "nơi có mình riêng nhất với chinh mình".
mình thương Hội An. Thương vì nghe thứ tiếng chẳng giống mình, nó ngồ ngộ, nó chân chất, nó thú vị. Mà phải nghe giọng Quảng đặc sệt mùi chợ của các dì, cái kiểu dí dóm, cái kiểu “đời” của ngôn ngữ. nó phơi bày tuốt tuồn tuột một Hội An dung dị, nhà quê.
mình thương Hội An. Thương Hội An quẳn mình trong cuộc sống phố thị bây giờ. Những bức tường biết khóc, những vết trầm phố Hội lạc lõng, những tiếng Quảng không còn ấm lòng. Phố vẫn là phố, vẫn còn tên xưa, nhưng hồn phố đã chơi vơi ít nhiều. Thương phố Hội, chỉ biết lặng lẽ nhìn từ xa, chỉ biết đếm những bóng người vội bỏ. Hỏi họ, họ cũng thương chứ nhưng phố đã buông tay. Cuộc đời mà, phải có duyên theo. Họ bảo, họ sẽ yêu phố theo cách của riêng mình.
Hội An phải là phố trầm mặc, nhẹ nhàng, bình yên. Phải giữ cho mình vững vàng một sắc thái thời gian. Phải giữ khí chất của người Quảng chân phương, hiếu khách. Phải là những con tò he nâu đỏ đất Thanh Hà; phải là những luống rau xanh thơm nồng Trà Quế; phải là những rớ cá màu vàng dụ bồng bềnh trên sông Thu Bồn; phải là những ố àh lời ca bài chòi một thuở… Hội An của riêng mình còn trải dài sang tận Cẩm Kim làng mộc, làng cói, trải dài ra tận những bãi bồi lau sậy bên kia bờ.
thương Hội An ở chỗ tình. phải rặc là người Hội An kìa. Tình người ấm lòng dung dị trong cái nhìn, cử chỉ. Đôi lần, muốn khóc, hét khóc vì quá cảm động những ấm áp, thật thà. Đơn cử chuyện bác xe ôm giữ hộ cái balo mình bỏ quên tại bến xe buýt. Sau ba, bốn tiếng đồng hồ canh giữ chiếc balo thất lạc đó, Bác không dám bỏ đi đâu; ngồi đợi và tin có người sẽ đến lấy. Gởi Bác ít tiền uống nước, Bác phẩy tay nhanh, giọng chất lừ, gạt phăng tiền một bên “xong nhiệm vụ rồi, về nhà thôi”. Hay nhỉ, nhặt được của rơi, ngồi đợi phải có người đến lấy, thì mới xong “nhiệm vụ”. Đó, đó… chuyện thương của mình về phố Hội cứ dài như thế..