Vào thế kỉ thứ 3 TCN, Cổ Loa là thủ đô của nước Âu Lạc dưới thời An Dương Vương, nay thuộc xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội. Thành Cổ Loa xưa có 3 lớp, thành Ngoại, thành Trung và thành Nội. Ngày nay, dấu tích tường thành ngày xưa nay đã không còn nguyên vẹn và rõ ràng, chỉ còn những con đường và lũy tre bao quanh nhưng dường như ai cũng có thể thấy được tòa thành ốc Cổ Loa lừng lẫy một thời bất khả xâm phạm.
Từ trung tâm thành phố, bọn mình chọn đi xe máy theo hướng nút giao Long Biên rẽ sang Quốc lộ 5, vừa qua cầu Đông Trù liền rẽ phải gặp đường Đông Hội thì rẽ trái. Xuôi theo đường Đông Hội đến cuối rẽ phải vào Quốc lộ 3, đến ngã 3 đầu tiền là đường Cổ Loa thì rẽ trái vào sẽ thấy bảng hướng dẫn. Có rất nhiểu đường đến Quốc Lộ 3 nhưng đường Đông Hội rất đáng để đi, khi hai bên đường là hàng cây cao rợp bóng mà xung quang là những cánh đồng. Đi một đoạn bạn sẽ đến một cái hồ to mà ở giữa sẽ có một phần giếng nhỏ mà theo mình được nghe từ người dân nơi đây, thì cái hồ to đó chính là giếng Trọng Thủy, nơi mà bao nhung nhớ và hối hận đã hiện lên thành bóng hình người vợ yêu thương và mang theo Trọng Thủy xuống giếng. Tương truyền rằng nước giếng sau ngần ấy thời gian vẫn trong vắt mà ngọt mát, đặc biệt nếu dùng để rửa ngọc trai thì sẽ sáng bóng vô ngần.
Mọi người có thể trách giận Mị Châu, căm hờn Trọng Thủy, vì cô công chúa được dân chúng tin yêu nhưng chỉ vì tình cảm cá nhân mà ảnh hưởng đại cuộc, vì chàng phò mã tưởng có thể kế vị nhà vua lo cho dân cho nước và cho cả đứa con gái cưng quý nhất của người cuối cùng lại lừa nước dối dân. Nhưng từ ngày bé, mình đã cảm thấy họ đáng thương hơn đáng giận, khi mối tình nghiệt ngã lại nảy nở bên trong những nỗi hận lớn lao. Và với bao trọng trách trên vai, họ không còn có thể lựa chọn cách nào khác. Nàng không sai, chàng cũng không sai, cái sai của họ là đã sinh ra ở hai bờ cuộc chiến, để chỉ có chết đi thì họ mới được mãi mãi bên nhau.
Câu chuyện đó với mình vốn dĩ đã buồn đến thế, nhưng khi đặt chân vào thành, mình đột nhiên cảm thấy thật sự đau thương, như thể họ đã vừa rời bỏ cuộc sống này ngay trước mắt mình vậy. Từng ngôi đền thờ ở đây đều mang dấu tích thời gian, nhưng đìu hiu và cô quạnh, cả khu di tích rộng lớn chỉ có hai đứa mình và hai bác bảo vệ lớn tuổi, hàng quán xung quanh cũng chỉ có vỏn vẹn một xe nước con con không trông ngày có khách. Nhưng thế cũng hay, người dân Âu Lạc sẽ không phải lo cô công chúa của họ bị quấy nhiễu, vì truyền thuyết kể rằng, ngày xưa sau khi bị vua chém đầu, ngta tìm được một tượng đá không đầu nổi trên biển. Người dân mang võng ra khiêng về đến gốc đa trong thành liền đứt võng rơi xuống, họ liền lập Am Mị Châu thờ phụng tại đây, khoác lên bức tượng chiếc phụng bào trang trọng.
Bên ngoài thành là không khí làng quê Hà Nội yên bình, những con đường làng nhỏ hẹp với tường gạch cũ kỹ, lũ trẻ con vẫn băng qua con đê trên ruộng để đến trường như mấy tác phẩm hồi xửa hồi xưa. Khu di tích đã nhiều lần phục dựng, ông rùa già cũng chẳng còn để tâm, còn lại đây chỉ là truyền thuyết về những điều xưa cũ, về cái kết dang dở của một mối tình, và một đất nước đã từng thịnh hưng.