Ai cũng từng một lần thắc, các hình in trên các tờ tiền Việt Nam Đồng là ở đâu trên đất nước mình. Cùng với mình khám phá xem các địa danh đó là gì và ở đâu nhé.
Tiền tệ của mỗi quốc gia không đơn thuần là đơn vị thanh toán mà còn thể hiện văn hóa của quốc gia đó. Ví dụ như đồng đô-la Mỹ in hình ảnh của các vị tổng thống như Washington, Jefferson hay Lincohn,… thì với Việt Nam Đồng, những đồng tiền giấy lại được in hình những địa danh nổi tiếng của đất nước. Đó là cách để tôn vinh và thể hiện sự trân trọng những vẻ đẹp danh lam thắng cảnh của đất nước.
Tờ 200 đồng: Đồng lúa Việt Nam
Hình ảnh người dân Việt Nam với chiếc máy công nông đang thu hoạch mùa màng trở thành một hình ảnh giản dị, bình yên. Hình ảnh làng quê Việt Nam trên tờ tiền 200 đồng trở nên gần gũi thân thuộc hơn bao giờ hết.
Tờ 500 đồng là hình ảnh cảng Hải Phòng. Đây là một cụm cảng biển tổng hợp cấp quốc gia, lớn thứ 2 ở Việt Nam và lớn nhất miền Bắc, là cửa ngõ quốc tế của Việt Nam.
Tờ 1.000 đồng: Tây Nguyên
Tờ 1000 đồng phác họa hình ảnh người lao động cưỡi voi khai thác gỗ tại Tây Nguyên.
Tờ 2000 đồng là hình ảnh các cô công nhân đang làm việc tại Nhà máy dệt Nam Định. Đây từng là nhà máy dệt lớn nhất Đông Dương.
Nhà máy thủy điện Trị An, được xây dựng trên sông Đồng Nai được in lên tờ tiền 5.000 đồng.
Tờ 10.000 đồng: Bà Rịa -Vũng Tàu
Tờ 10.000 đồng là mỏ dầu Bạch Hổ thuộc bồn trũng Cửu Long. Mỏ nằm ở vị trí đông nam, cách bờ biển Vũng Tàu khoảng 145 km. Đây là mỏ cung cấp dầu mỏ chủ yếu cho Việt Nam hiện nay
Tờ 20.000 đồng: Hội An - Quảng Nam
Trên tờ tiền Việt Nam 20.000 đồng polymer là hình ảnh Chùa Cầu (Hội An) với vẻ đẹp kiến trúc cổ kính. Theo truyền thuyết, ngôi chùa được coi như là một thanh kiếm đâm xuống lưng con quái vật mamazu, khiến nó không quẫy đuôi, gây ra những trận động đất.
Chiếc cầu dài khoảng 18m, có mái che, vắt cong qua lạch nước chảy ra sông Thu Bồn. Chùa và cầu đều bằng gỗ sơn son chạm trổ rất công phu, mặt chùa quay về phía bờ sông. Đây được xem là biểu tượng giao lưu văn hóa Nhật – Hoa – Việt ở Hội An và thu hút đông đảo du khách tham quan.
Cụm di tích Nghênh Lương Đình- Phu Văn Lâu (Huế) được in trên mặt tờ tiền 50.000 đồng polymer, là những công trình kiến trúc gắn bó với lịch sử triều Nguyễn. Nghênh Lương Đình bên bờ sông Hương dùng làm nơi nghỉ chân của nhà vua trước khi đi xuống bến sông để lên thuyền rồng hoặc làm nơi hóng mát.
Phu Văn Lâu được xây dựng dưới thời vua Gia Long dùng làm nơi niêm yết những chỉ dụ quan trọng của nhà vua và triều đình, hoặc kết quả các kỳ thi do triều đình tổ chức.
Xuất hiện trên tờ tiền Việt Nam 100.000 đồng polymer là hình ảnh Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Đây được coi là một biểu tượng của sự trường tồn tinh hoa văn hóa, giáo dục, truyền thống tôn sư trọng đạo, khuyến đức, khuyến tài của dân tộc Việt.
Là địa chỉ du lịch văn hóa nổi tiếng của Thủ đô, hàng năm Văn Miếu thu hút hàng triệu lượt du khách tham quan cũng như diễn ra các hoạt động văn hóa, lễ hội như tôn vinh Thủ khoa, văn nghệ dân tộc, bình thơ, triển lãm thư pháp, giới thiệu thơ xuân…
Tờ 200.000 đồng: Quảng Ninh
Trên tờ 200.000 đồng là hòn Đỉnh Hương thuộc Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh). Phiến đá có hình một lư hương khổng lồ đứng giữa biển khơi như một vật thiêng cúng tế trời đất.
Vịnh Hạ Long được ví như tác phẩm nghệ thuật tạo hình vĩ đại của thiên nhiên với sự hiện diện của hàng nghìn đảo đá muôn hình vạn trạng, với nhiều hang động kỳ thú quần tụ thành một thế giới vừa sinh động, vừa huyền bí.
Tờ 500.000 đồng là hình ảnh ngôi nhà tranh 5 gian tại Làng Sen, Nam Đàn, Nghệ An. Đây là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngôi nhà thuộc khu di tích Kim Liên, một trung tâm du lịch lưu giữ những hiện vật, tài liệu, không gian văn hóa – lịch sử về thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những người thân trong gia đình.
Khu di tích lịch sử Kim Liên được đưa vào danh sách xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt và là một trong bốn di tích quan trọng bậc nhất tại Việt Nam về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nguồn: Tổng hợp
Hình ảnh: Internet