Blog Tây Ninh làng nghề: Đời sống một nét văn hóa đến sự ra đời một món ẩm thực không bao giờ lãng quên

Tây Ninh làng nghề: Đời sống một nét văn hóa đến sự ra đời một món ẩm thực không bao giờ lãng quên

avatar
Enrique Ng dot CN, 23/12/2018
Theo dõi Gody.vn trên Google news
Văn hóa thì không biên giới, văn hóa là hội tụ- cảm nhận.
hình ảnh
Tây Ninh làng nghề: Đời sống một nét văn hóa đến sự ra đời một nét ẩm thực không bao giờ bị lãng quên

Quê hương Việt Nam trải dài với những đồng bằng châu thổ là gắn liền với những cánh đồng lúa xanh tươi, mùa về nặng trĩu bông lúa vàng óng, là những cánh đồng cò bay thẳng cánh.
Hạt gạo đầy bồ, để làm phong phú thêm món ăn, những món mới được tạo ra từ gạo như chứa đựng tất cả sự tài tình của con người khi lưu dấu ở một vùng đất nào đó trên quê hương Việt Nam với những cánh đồng bất tận.

Thật đơn giản mà thật tài tình, nghệ thuật là sự ra đời của món bánh tráng, có tên gọi là bánh tráng vì việc tạo nên chiếc bánh chủ yếu là công việc tráng bánh. Ở đàng trong vẫn gọi là bánh tráng vì không chịu sự tác động của chúa Trịnh nhưng ở đàng ngoài vào thời chúa Trịnh Tráng vì kị húy chúa nên được đổi gọi là bánh đa. Bánh tráng ra đời từ khi nào không rõ, cũng có thuyết cho rằng bánh tráng ra đời từ thời Trần ( Bánh tráng ra đời từ thời nào- Ngọc Xuân là tác giả bài viết. Dù ra đời khi nào chưa có thông tin chính xác nhưng với mỗi người dân Việt Nam từ lâu lắm rồi bánh tráng là một điều gì đó đã gắn bó thật thân thuộc( ít nhất là mỗi dịp xuân về, ngày kị, giỗ gia tiên).

Để có bột làm ra chiếc bánh tráng, thì gạo sử dụng là gạo phải khoảng sau nửa năm thu hoạch vì gạo gần ngày thu hoạch quá thì khi bánh nướng không giòn đều dính nước dễ rã, gạo lâu quá thì bánh không có vị ngọt của bột gạo, ngày xưa có các loại gạo mùa dài ngày như sơ ri, xương gà,... là những loại gạo cho chất lượng bột tốt nhất. Gạo sau khi ngâm được xay rồi lọc thành bột mịn khi tráng bánh sẽ ko tạp chất sau đó người làm sẽ thêm bột năng muối vào bột gạo để giúp bánh sẽ mềm dẻo không bị gãy bể khi phơi khô.

Bếp đỏ lửa từ giữa khuya với vỏ trấu ngày xưa nay thường dùng củi, luôn được canh đều lửa để bánh không bị dồn cục chín không đều. Trên bếp là nồi nước sôi với phía trên nồi là tấm vải được phủ căng chặt miệng nồi, bột gạo kế bên với dụng cụ múc bột là một đoạn ống tre ngắn được chế như chiếc vá và cũng như chiếc cân để đo lường lượng bột cho mỗi lần tráng khi đã làm quen tay. Dụng cụ chính để tráng đơn giản chỉ là một nửa chiếc gáo dừa được làm nhẵn bề mặt ngoài và trong. Dưới bàn tay khéo léo của những người phụ nữ đảm đang một lượng ít bột từ chiếc mo dừa được đổ lên bề mặt vải tráng nhỏ đều sau đó đậy nắp nồi lại sau khoảng 10s một lớp bột thứ hai đổ chồng lên và tráng đều ra rộng hơn lớp trước sau khoảng 35-40s chiếc bánh còn nóng ướt mỏng manh trên lớp vải được lấy lên bằng cách có một que tre mỏng luồn vào dưới một bên mép chiếc bánh sau đó có một ống tròn đưa vào hất mép bánh bám lên rồi nhanh tay lăn ống để bánh bám khoảng một nửa sau đó thật nhanh nhưng nhẹ nhàng lấy banh ra khỏi vải và trải lên dụng cụ để phơi bánh là những líp tre dài khoảng 1,6m rộng vừa tầm bánh hơn một chút(xưa ống lấy bánh là ống tre quấn lớp vải, nay đa số dùng ống nhựa). Các líp tre đầy bánh mang phơi dưới nắng để bánh khô từ từ đến khi ẩm vừa thì mang các líp vào xếp chồng gối đầu một nửa lên nhau để phần ẩm tiếp tục được hong khô phần khô được che lại. Đến khi khô đều bánh được lấy ra khô đều mà không ít gãy bể. Bánh sau khi khô trên bề mặt có in hằn các đường lằn ngắn ngang- dọc từ líp tre. Theo quan niệm của người xưa chiếc bánh được tạo ra với các đường ngang- dọc như một lá bùa, khi kết hợp với các nguyên liệu thực phẩm khác thành một cuốn như chứa đựng tất cả cuộc sống, với quan niệm các đường ngang- dọc là " tứ tung - ngũ hoành", ngày nay điều đó đã không còn nữa.

Từ sự kết hợp xa xưa đó, ở xứ Tây Ninh đã đưa đến với biết bao con người ở miền Nam và trên khắp đất nước Việt Nam một món ăn đầy công phu, cầu kì đó là bánh tráng phơi sương. Bánh tráng sau khi khô được đem nướng vừa chín trong trẫy than đỏ ửng từ vỏ đậu phộng, vỏ trấu sau này chủ yếu dùng than củi. Đêm xuống vào những ngày mùa khô nắng đẹp tầm giữa khuya màn hơi sương lạnh bắt đầu xuống làm mềm dịu xung quanh. Giữa tiếng rả rích của lũ dế tìm nhau trong các bụi cây bờ cỏ, giữa thanh âm du dương rộn ràng của lũ côn trùng đêm bánh được trải lên giàn phơi. Khi một mặt bánh ngậm vừa đủ hơi sương thì những con người đang thả mình giữa bản nhạc du dương của lũ côn trùng vẫn không quên công việc chính là trở bánh lại để mặt kia của bánh cũng ngậm đủ hơi sương.

Khi bánh đã ngậm đủ sương vừa mềm tới vẫn giữ được độ dai bền thì gom vào. Và để một chiếc bánh thật đẹp đến được người sử dụng, như một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh được trao đến người thưởng lãm thì chiếc bánh phải được cắt mép tròn đều lần nữa. Để rồi bánh tráng phơi sương Tây Ninh được đưa đi khắp dọc miền đất nước, kể cả theo những "cánh chim sắt" trên bầu trời chu du khắp nơi thế giới có người Việt Nam. Để mỗi khi trong một bữa ăn nào đó, có món nào được làm với nguyên liệu là bánh tráng đặc biệt là bánh tráng phơi sương thì ai ai cũng nghĩ về Tây Ninh. Về những người phụ nữ với đôi má ửng hồng bên bếp lửa, với mái tóc dài lấm chấm mồ hôi trên trán, với đôi tay thanh thoát như gói lại gửi trao vào đó cả chút giận hờn bởi vị mặn thoáng qua của muối mà như vị mặn giọt mồ hôi còn ướt đẫm, và để không kịp làm buồn lòng thì vị ngọt thấm đượm của bột gạo đã phủ lấy. Như yêu thương lan tỏa bao bọc, như tấm lòng người phụ nữ Việt giận thì giận mà thương thì thương.

Và có món ăn nào với nguyên liệu từ bánh tráng có thể ngon nhất, có thể vượt qua được, chỉ có thể là món bánh tráng phơi sương cuốn thịt heo luộc rau rừng trứ danh của xứ Tây Ninh. Từ bánh tráng phơi sương đến bánh tráng phơi sương cuốn thịt heo luộc rau rừng là cả nghệ thuật công phu, cầu kì về ẩm thực của món ăn.

Với củ kiệu làm chua, với dưa chua làm từ củ cải trắng và cà rốt cắt sợi , dưa leo cắt lát dài vừa dày, với lát khế, với lát chuối chát, với các loại loại rau quen thuộc như húng, tía tô, lá cóc non,... bên cạnh đó không thể thiếu là các loại rau rừng đặc trưng ở xứ Tây Ninh như tràm ổi, xăng dẻ, cần nước, xá xị, mặt trăng,... Tất cả được tổng hòa trong một cuốn bánh chấm kèm một chén nước mắm chua ngọt với vị mặn được hòa trong vị thanh ngọt của nước luộc thịt heo, vị nồng của những mảnh tỏi nhỏ được đập dẹp băm nhuyễn quyện vào đó là vị cay từ từ những miếng ớt băm đỏ tươi từ trái tươi.

Một cuốn bánh tráng phơi sương thịt heo luộc rau rừng của xứ Tây Ninh mà như chúng ta đang nắm cả cuộc sống trong tay, với đủ đầy chua chát mặn đắng nhưng lại thật ngọt ngào thanh dịu. Cuộc đời tung- hoành ngang- dọc với bao chua chát mặn đắng lẫn ngọt bùi tất cả đều được gói gọn trong cuốn bánh bởi bàn tay của những người phụ nữ đảm đang, chỉ có thể là những người phụ nữ đảm đang ở xứ Tây Ninh.

Một vòng tay gói ghém đợi chờ một vòng tay đón nhận để cảm nhận hết hương vị không thể lãng quên đó thì với lễ hội nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng lần 02 năm 2018 từ 20-25/12/2018 ở sân vận động huyện Trảng Bàng sẽ mang đến sự thỏa lòng, giữa mênh mông đất trời nhất là khi đêm về có chút se lạnh mùa đông đâu đó đang phảng phất hương vị ở đất phương nam chúng ta sẽ thấy thơm mùi khói bếp từ lâu mà bao người đã lãng quên, sẽ thấy ấm áp hơn với làn hơi ấm từ nồi tráng bánh đang tỏa lên mang theo cả vị ngọt của lúa gạo đất trời. Giữa không khí có chút gì lập đông đó văng vẳng xa xa là thanh âm của mùa xuân đang thẹn thùng ở mép cửa, những điều đấy chỉ có thể là những khoảnh khắc tuyệt vời đến từ vườn hoa đào rực rỡ sắc màu ấm áp trong khuôn viên lễ hội hòa mình trong những dải teăng lưa thưa rơi phủ của tuyết.

Ở một không gian chưa nhiều điểm vui chơi văn hóa để đáp ứng được khát khao của bao người nơi đó thì lễ hội văn hóa nghề bánh tráng phơi sương Trảng Bàng lần 02 năm 2018 như một nơi gặp gỡ, thả mình bay bổng trong một nét văn hóa còn ẩn mình e thẹn của xứ Tây Ninh.

Văn hóa làm con người thêm đẹp thêm vui thêm yêu đời, với con người văn hóa dù xa xôi nơi đâu vẫn luôn được tìm đến và được lưu giữ để sống trong đó. " Thật vui và hào hứng, cuộc sống thật nhiều ý nghĩa và cảm xúc khi được đến những lễ hội như thế này, hiểu thêm về vùng đất mình sinh sống, được gặp gỡ vui chơi thắt chặt và mở rộng các mối quan hệ bạn bè" chị Mi, khách tham quan đến từ thành phố Tây Ninh cùng những người bạn đã chia sẻ, đường dù xa nhưng họ vẫn không ngại đến với lễ hội.

Văn hóa thì không biên giới, văn hóa là hội tụ- cảm nhận.
tây ninh

Hãy mạnh dạn Viết blog chia sẻ trải nghiệm về chuyến đi, chia sẻ những hình ảnh được ghi lại trên những chặng hành trình. Đơn giản và dễ dàng nhưng lại giúp cho rất nhiều người sắp đi du lịch.

Viết blog ngay
Đã cập nhật vào ngày 9/01/2023
Love
4 Bình luận
avatar
Enrique Ng
0 Quốc gia
0 Tỉnh thành
1 Người theo dõi
0 Đang theo dõi
icon Theo dõi
Kiếm tiền cùng Gody icon My Travel Map
Bình luận
*Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để bình luận và chia sẻ nhanh hơn
Bài viết liên quan
Bài viết cùng tác giả