Blog Review cực chi tiết của ‘Gà mờ’ lần đầu tiên đi Thái
cover

Review cực chi tiết của ‘Gà mờ’ lần đầu tiên đi Thái

avatar
Trầm Mặc dot CN, 03/03/2019
Theo dõi Gody.vn trên Google news
Trong chuyến đi Thái Lan vừa rồi của mình có rất nhiều cái đầu tiên: lần đầu tiên đi máy bay, lần đầu tiên ra nước ngoài mà đi một mình. Bài viết chia sẻ kinh nghiệm thật chi tiết cho các bạn đi tự túc lần đầu.
Vào một ngày đẹp trời, cảm thấy bức bối với việc đối mặt với bốn bức tường, với màn hình máy tính nên chợt nghĩ đi đến một nơi nào đó thật xa, nhiều phương án được đưa ra và cuối cùng chọn Thái vì rẻ, “nghe nói” an toàn cho dân đi một mình.

Vé máy bay

Mình đi máy bay giá rẻ khứ hồi của Jetstar, đặt vé trước thời điểm đi khoảng một tháng, đợt đó giá vé 1 chiều 88k, tổng chi phí phải trả cho 2 chiều khứ hồi khoảng 2,4 triệu đồng, nhưng được cái ngay đợt ngân hàng đang có chương trình khuyến mãi hoàn tiền 30% khi thành toán trực tuyến nên tính ra chỉ phải trả 1,7 triệu đồng tiền vé máy bay, đúng câu “hay không bằng hên”
Mình là nam, quần áo đem theo gọn nhẹ, cũng không có nhu cầu mua sắm nhiều nên không mua thêm hành lý ký gửi. Nếu bạn nào xác định mua sắm nhiều hay mua đồ cồng kềnh thì nên mua thêm hành lý ký gửi khi đặt vé máy bay lun để tiết kiệm, bằng không sẽ trả phí khá cao khi ra tới sân bay. Mình thấy đa số các hãng máy bay giá rẻ quy định hành lý xách tay là 7kg, được xách 2 túi, kích cỡ cụ thể theo quy định của các hãng các bạn tham khảo thêm thông tin hãng bạn đặt. Hỏi nhân viên tư vấn thì được đem theo một cục sạc dự phòng kèm hành lý xách tay nhưng ra đến nơi thì họ chỉ kiểm tra cân nặng hành lý thôi. Chú ý thêm hạn mức chất lỏng, có điểm nào chưa rõ thì gọi tổng đài để không bị hớ khi ra sân bay.
Dù bạn có săn được vé 0đ thì vẫn phải trả các khoản thuế, phí sân bay, phí bảo hiểm, phí thanh toán. Do đó, để biết tổng tiền mình phải thanh toán thì bạn cứ nhập các thông tin (nhập đại cũng được) đến trang thanh toán, tùy theo hình thức thanh toán (thẻ visa hoặc thanh toán nội địa...) thì phí thanh toán có thể khác nhau. Thông thường khi đặt vé thì các hãng sẽ tự động thêm phần hành lý ký gửi, chọn chỗ ngồi và bảo hiểm du lịch, bạn nên xem kỹ và bỏ chọn nếu không có nhu cầu, riêng phần bảo hiểm du lịch thì khuyến khích nên mua.
Khi nhập cảnh thì bạn phải điền tờ khai, một số bạn nói trên máy bay sẽ phát sẵn nhưng mình không thấy, đến nơi cứ đi theo nhóm người và sẽ thấy nhóm người bu đen bu đỏ, đích thị là nơi để lấy tờ khai nhập cảnh. Lúc đầu mình không biết điền luôn cả mẫu Questionaire, mất thời gian và không cần thiết. Các bạn điền đầy đủ tờ khai nhập cảnh là ok, lúc mình qua không hỏi gì thêm, đóng dấu pặc pặc là cho qua, chỉ có cái xếp hàng hơi lâu. Tờ khai này gồm 2 phần: một phần khi bạn nhập cảnh và một phần khi xuất cảnh, nhớ giữ lại và đưa cho hải quan khi xuất cảnh. Nếu có để mất thì khi xếp hàng sẽ có bạn nữ phát cho để ghi vào.
hình ảnh
Ảnh 01
Một số bạn sẽ book vé giờ khuya cho rẻ nhưng nhớ cân nhắc kỹ nhé vì các phương tiện cộng công đa số đều ngừng hoạt động vào 12 giờ khuya, nếu đi taxi thì cũng sẽ mắc hơn ban ngày, chưa kế còn phải chi cho tiền mướn chỗ nghỉ, còn việc ngủ lại sân bay thì cũng không thật thoải mái nhé, nhưng ai muốn trải nghiệm ngủ bụi ở sân bay thì có thể thử. Tính ra có thể bạn phải trả phí cao hơn và ngày hôm sau cũng không thật sự tỉnh táo, thoải mái cho một chuyến du lịch, cân nhắc kỹ trước khi lựa chọn.

Đổi tiền

Tiền Thái từ 10 baht trở xuống là tiền xu (với mệnh giá thưởng sử dụng 10 bath, 5 bath, 2 bath, 1 bath và 50 cent, các đồng mệnh giá nhỏ hơn mình không thấy). Tiền giấy từ 20 baht trở lên (gồm các mệnh giá 20 baht, 50 baht, 100 baht, 500 baht và 1000 baht). Nhớ chuẩn bị túi nhỏ để đựng tiền xu cho tiện nhé.
Mình đổi ở sân bay TSN lun với tỷ giá 1 baht đổi 750 VNĐ (thời điểm giữa tháng 01/2019). Tham khảo mấy bài viết trên mạng thì kêu đổi ở tiệm vàng hoặc đổi USD rồi qua Thái đổi ra baht nhưng mình đổi ít nên tiết kiệm cũng không bao nhiêu.

Sim, voucher

Mình mua sim, voucher sẵn tại Việt Nam và nhận tại quầy Klook tại sân bay giá rẻ hơn so với mua trực tiếp.
Sim du lịch 4G của nhà mạng DATC có thời hạn trong 8 ngày, mạng mạnh, dùng tốt, nhân viên lắp thẻ sim cho luôn với giá 93k.
hình ảnh
Ảnh 02. (1) Thẻ sim DATC (2) Thẻ BTS sky train rabbit
Thẻ BTS sky train rabbit mua trên Divui (cũng nhận tại quầy Klook) với giá 170k.
Voucher tham quan mua trên Klook ngay đợt giảm giá cuối năm: Thủy cung + Bảo tàng sáp (304k), Vường thú Safari + Marine Park + Buffet trưa (382k), Buffet tối tầng 76 Baiyoke (250k).

Ăn uống

hình ảnh
Ảnh 03. Khi mua đưa phiếu cho người bán, họ xé vé và đưa lại cho bạn phần còn lại
Ở tầng 1 sân bay có một food court “Magic food point” giá cả hợp lý, món ăn đa dạng và ngon. Cửa vào ở góc hơi khuất nên khó tìm chút. Đến đây bạn mua phiếu ăn (mỗi sấp 100baht) và đưa cho người bán hàng. Món ăn ở đây có giá dao động 40-100 baht. Sau khi mua đồ ăn xong, chưa sử dụng hết thì bạn quay lại quầy nhận lại tiền mặt (có quy định thời gian để nhận lại tiền trong ngày nhé, quá hạn là sẽ không được nhận lại tiền).
Cảnh báo là đừng mua cafe ở đây, tuy giá rẻ có 15 baht nhưng uống như nước đường. Nếu muốn mua cafe thì kiếm Family mart, giá khoảng 20-30 baht tùy size, bao ngon.
Một số đồ ăn thức uống nên thử: Pad Thai, Xôi xoài, Kem dừa, Nước ép lựu...
hình ảnh
Ảnh 04. (1) Buffet tối tại Tầng 76, Baiyoke; (2) Cơn chiên mua ở 7-11; (3) Pad Thai và nước cam big size Thip sa mai; (4) Xôi xoài

Khách sạn

Mình đi một mình nên chọn hình thức dorm. Lên Agoda có đủ các loại khách sạn, hostel thượng vàng hạ cám đều có. Một số tip khi chọn khách sạn: gần các phương tiện di chuyển công cộng, ở gần các điểm tham quan, xem review của khách đã ở tại nơi đó (đặc biệt là review của những khách ở loại phòng mà bạn định đặt: phòng dorm, phòng giường đôi, phòng gia đình...)
Đợt mình đi ở Bunny Burrow Hostel, phòng sạch sẽ, cách bến phà N4 Marine Dept (Harbour Dept) khoảng 300m, cách khu China town khoảng 1km, cách trạm MRT Hua Lam Phong khoảng 1km. Chi phí cho 3 đêm là 374k, trung bình 125k/ngày.
Khi đặt khách sạn nhớ xem kỹ miêu tả, các tiện ích đi kèm, cần thiết thì nhắn hỏi phía khách sạn luôn. Thường thì phía khách sạn sẽ không cung cấp bàn chải, kem đánh răng nên bạn phải chuẩn bị trước hoặc có thể mua tại cửa hàng 7-11 có mặt khắp nơi. Hỏi khách sạn xem có chuẩn bị tủ đựng đồ không, tủ đồ có đặt trong phòng luôn không, nếu có và để cất đồ vật có giá trị thì bạn nhớ mang theo ổ khóa riêng, khách sạn không cung cấp cho bạn đâu.

Di chuyển

Chủ yếu bằng các phương tiện công cộng MRT, BTS, grab bike.
hình ảnh
Ảnh 05. Sơ đồ các phương tiện giao thông công cộng tại Bangkok
Di chuyển từ sân bay Suvarnabhumi về trung tâm bằng hệ thống ARL hoạt động từ 6 giờ sáng đến 12 giờ khuya, mỗi chuyến cách nhau khoảng 10-15 phút. Nếu book trên Klook thì sẽ được phát một tờ phiếu giấy, đến đưa cho nhân viên sẽ có lối đi riêng, nếu không thì bạn mua tại các máy bán thẻ tự động (chi tiết cách sử dụng google nhé) qua cửa từ với giá từ 15-45 baht.
Hệ thống BTS, đây là hình thức di chuyển chủ yếu của mình, đi qua hầu hết các trung tâm mua sắm lớn. Có thể mua thẻ toker trực tiếp hoặc mua thẻ One day pass (sử dụng không giới hạn trong một ngày) hoặc thẻ BTS Skytrain Rabbit Card (thẻ có giá trị 5 năm, có 100 baht trong tài khoản, hết tiền thì charge fee tại các trạm BTS với mức tối thiểu 100baht). BTS có 2 tuyến Silom và Sukhumvit, giao nhau tại trạm Siam, hoạt động từ 6:30 đến 12 giờ khuya, 3-6 phút sẽ có một chuyến. Tại các trạm đều có bảng hướng dẫn, nếu không rõ thì hỏi nhân viên trạm tàu, đặc biệt chú ý trạm giao nhau, lần đầu mới sử dụng rất dễ nhầm lẫn. Nên in ra bản đồ các trạm BTS và nghe kỹ thông báo xem đến trạm nào.
Hệ thống tàu điện ngầm MRT tương tự như MRT: hoạt động từ 6:00 đến 12 giờ khuya, 5-7 phút sẽ có một chuyến.
hình ảnh
Ảnh 06. Máy bán vé tự động tại trạm MRT Hua Lamphong
Lưu ý khi đi ARL, BTS, MRT: xếp hàng theo mũi tên ở hai bên cửa, chừa lối ra ở cửa cho khách xuống. Khi ở điểm bắt đầu hoặc điểm cuối, khi khách xuống hết thì nhân viên sẽ vệ sinh.
Bến phà sông Chao Phraya: Mình ở gần trạm N4 nên di chuyển đến Hoàng Cung (N9) và Wat Pho (N7) bằng phà, chỉ 15 baht.
Xe buýt: đa phần là người bản địa sử dụng, một số xe mới, có máy lạnh, một số xe cũ kỹ nhưng được cái rất rẻ. Đi vào giờ cao điểm thì xác định là tốc độ rùa bò. Xe chỉ dừng ở một số trạm quy định, đợt mình đón xe chạy qua 3 lần nhưng không ghé đón khách, hỏi bạn người địa phương cũng không rõ, cuối cùng xem lại bảng hướng dẫn mới biết, đi hỏi vòng vòng một hồi mới bắt được xe, không khuyến khích sử dụng cái này.
Tuk tuk: mắc cực, mình đi buổi tối khoảng cách có 1km hỏi 4-5 xe đòi 100 baht, trả giá 50 baht không chịu chạy, đến khi ra đầu đường thì có bác tài chịu chạy với giá 60 baht. Nói chung chỉ đi cho biết thôi.
Grab: giá rẻ khỏi phải nói rồi. Ở Thái cũng có sự cạnh tranh giữa xe ôm truyền thống và Grab, đợt mình đi có bạn chạy grab kêu mình đứng đón chỗ khuất tầm của xe ôm truyền thống. Để tài xế dễ nhận dạng thì bạn nhắn tin miêu tả điểm bạn đang đứng, trang phục...
Nếu bạn không biết đường để di chuyển giữa 2 điểm thì có thể tham khảo trang web này https://www.rome2rio.com/ để lên lịch trình.

Lịch trình của mình

Ngày 1: Wat Saket – Thip Samai pad Thai
Đáp máy bay đến sân bay khoảng 2 giờ 40 trưa. Làm thủ tục nhập cảnh và xuống tầng B để bắt ARL về trung tâm.
Điểm đến đầu tiên là Wat Saket, mình đi trễ (khoảng 6g chiều) nên không tốn tiền vé. Lội bộ lên đến đỉnh tháp nằm trên một ngọn đồi nên có thể ngắm cảnh Bangkok về đêm.
hình ảnh
Ảnh 07. (1) Wat Saket, (2)+(3) Quán Pad Thai Thip Samai chỉ cách Wat Saket vài trăm mét
Tiếp theo là thử món Pad Thai tại quán pad Thai nổi tiếng Thip sa mai, chỉ cách Wat Saket vài phút đi bộ. Quán mở cửa từ 5 giờ chiều đến 1-2 giờ khuya. Để dùng bữa tại đây, mình phải xếp hàng cả tiếng trời, có phụ thu máy lạnh 10baht. Nếu mua mang về thì sẽ được ưu tiên, cứ tách hàng, tiến đến cửa vào và take away. Mỗi bàn sẽ có tờ giấy và bạn đánh dấu vào món mình chọn. Món ăn có giá dao động từ 60baht đến 500baht, cái giá khá chát. Nếu đã đến đây thì nên thử nước ép cam tươi, còn nguyên tép cam, khá ngon, chai nhỏ 85 baht, chai lớn 160 baht, 5 bath/ cái tẩy.
Nếu còn sức thì đi phố Tây Khao San, cách Thip Samai khoảng hơn 600m. Mình mệt quá nên book grab bike về nhà nghỉ lun.
Ngày 2: Hoàng Cung – Wat Pho – Wat Arun, Thủy cung – Tượng sáp – Tòa nhà Baiyoke
Sáng dậy lội bộ đến bến tàu N4 bắt tàu cờ cam đi Hoàng Cung, muốn chắc ăn thì cứ hỏi nhân viên bến phà, giá vé đến bến N9 (Hoàng Cung) chỉ 15 baht. Giá vé vào cổng là 500 baht, giá vé hơi cao nếu muốn đi cho biết thì đi, không thì cũng chả sao. Kinh nghiệm đi ở đây là tranh thủ xếp hàng mua vé và vào tham quan lúc 8 giờ 30. Do khoảng 9g trở đi thì các đoàn khách tour lục tục kéo đến, rất đông đúc, ồn ào, Ngay lối vào sẽ có các kệ đặt tờ bướm thuyết minh và bản đồ với nhiều ngôn ngữ (hok có tiếng Việt), nhưng bạn sẽ không có thời gian đọc, tìm hiểu đâu nha. Nếu tiếng Anh tốt thì có thể đi theo mấy bác Tây có thuê hướng dẫn viên thuyết trình.
Rời khỏi Hoàng Cung thì gặp một sự cố nho nhỏ. Đi một mình lớ ngớ thì bị mấy chú cảnh sát du lịch hỏi thăm, kiểm tra Hộ chiếu, xem hình chụp trong điện thoại, kiểm tra balô. Cứ bình tĩnh, trả lời mấy câu hỏi như từ đâu đến, nghề nghiệp, mình nói tham quan Hoàng cung thì hỏi giá vé bao nhiêu. Mấy điểm khác mình cũng thấy nhiều cảnh sát du lịch nhưng cũng bình thường, chỉ có chỗ Hoàng Cung là gắt vậy thôi.
hình ảnh
Ảnh 08. Wat Pho + Hoàng Cung + Wat Arun
Wat Pho cách Hoàng Cung cũng khoảng vài trăm mét, có bức tượng Phật nằm rất lớn, vé vào cộng đã bao gồm 1 chai nước suối. Bên cạnh Wat Pho có Bảo tàng Siam, thấy miêu tả trên mạng cũng thú vị, giá vé khoảng 200 baht, sau 4 giờ chiều sẽ được miễn phí vé, nhưng do lịch trình đã dày đặc nên không vào. Bắt phà ngang đi Wat Arun chỉ 4 baht/ chuyến. Mình thấy có một số bài viết cảnh báo có người sẽ bắt chuyện và dụ dỗ đi phà dọc sông Chao Phraya mắc tiền, nhưng mình không gặp trường hợp này. Giá vé vào Wat Arun chỉ 50 baht, nhưng kiến trúc rất đẹp, lý tưởng để sống ảo, khuyến khích đi nơi này.
hình ảnh
Ảnh 09. Di chuyển từ Siam Pagaron đến Siam Discovery mất khoảng 5 phút đi bộ
Bắt xe buýt đi đến Siam. Thủy cung ở tầng hầm Siam Paragon, còn Tượng sáp thì ở tầng 4 Siam Discovery. Thủy cung khá to nhưng không được hoành tráng như mô tả và theo tưởng tượng của mình nên có chút hơi thất vọng. Lúc đi nhớ canh giờ show cho động vật ăn. Tham quan xong thì đi bộ qua Bảo tàng sáp ở Siam Discovery khoảng 5 phút, lên tầng 4. Vừa mới bước vào cửa thì sẽ có một bạn nhiệt tình chụp hình và giúp bạn tạo kiểu bên xe tuk tuk, xong rồi phát mấy cái phiếu lấy hình ở cửa ra, có tính tiền. Bảo tàng thì mình thấy khá ok, tha hồ sống ảo, chỉ có điều một số chỗ không gian hơi chật nên rất khó canh góc chụp, nhất là khu vực vừa mới bước vào tượng sáp các nhà lãnh đạo để san sát nhau.
7g tối dùng bữa tại tầng 76, tòa nhà Baiyoke cao nhất Thái Lan, đồ ăn phong phú, do được cái “tốt bụng” nên mình thử hết mấy cái nước ép, ngon lắm, còn đồ ăn thì bình thường. Ăn xong lên Đài quan sát xoay 360 độ ngắm toàn cảnh Bangkok về đêm, view đẹp.
hình ảnh
Ảnh 10. Toàn cảnh thành phố Bangkok trên đài quan sát toàn nhà Baiyoke
Ngày 3. Safari World – Marine Park – Chợ cuối tuần Chatuchak
Safari world cách trung tâm thành phố khá xa. Theo hướng dẫn thì mình bắt BTS đến trạm Mochit, sau đó bắt xe buýt (96 hoặc 26) đến Fashion Island, đi cầu vượt bên kia đường và bắt tiếp Songthew đến Safari. Nhưng lời khuyên chân thành là đừng đi theo kiểu này, xe buýt đi đường vòng nên mất khá nhiều thời gian, mất hơn 2 tiếng, còn đi songthew thì chỉ dừng bên đường bạn phải đi bộ một khoảng khá xa mới đến cổng Safari. Do đó nếu đi 1-2 người nên đặt xe đưa đón luôn, có điều khoảng hơn 3 giờ bạn phải tập hợp ra xe về trung tâm thành phố rồi (đây là lý do mình không book kiểu này và thấy hơi hối hận). Nếu đi 3-4 người thì có thể bắt taxi tại trạm BTS Mochit.
hình ảnh
Ảnh 11
Buffet chỉ phục vụ từ 11 giờ đến 14 giờ, đồ ăn chỉ dùng tạm được. Tham khảo trước lịch để xem các show. Lúc chuẩn bị về thì có thể đi một vòng tham quan đời sống của các loài động vật hoang dã, vé coach bus mua riêng (45 baht/người).
Lúc về, mình bắt taxi đến Fashion Island (100baht), đi cầu vượt qua bên đường, hỏi thăm anh bán trái cây tuyến buýt đến chợ Chatuchak (dù anh này không nói được tiếng Anh, chỉ giao tiếp bằng cách chỉ trỏ).
Mình đi chợ cuối tuần Chatuchak vào tối thứ 6 nên thấy có nhiều gian hàng không mở, nhưng vẫn khá nhộn nhịp và đông đúc. Đồ ăn, thức uống, quần áo giày dép bày đầy ra, tha hồ mua sắm.
Ngày 4. Wat Traimit - Central World – Big C – Đền Erawan
Chùa vàng Wat Traimit, nơi này có nhiều khách Việt theo tour đến. Mình thấy chỗ này không có gì đặc biệt, có bảng hướng dẫn bằng tiếng Việt, người bán hàng . Có nhiều khách mua mặt dây chuyền và xin thầy ban phước; mặt dây chuyền giá thấp nhất khoảng 1 triệu, người bán là người Việt.
hình ảnh
Ảnh 12. Wat Traimit – Chùa Vàng (thấp thoáng đồng tiền Việt Nam)
Đền Erawan thờ Phật bốn mặt, bên ngoài có một nhóm người bán lễ vật cúng giới thiệu mình cách khấn vái bằng tiếng Trung, lễ vật gồm vòng hoa lớn hét giá 400baht, vòng hoa nhỏ hét 200 baht, mình nói không đủ tiền giảm còn 100 baht, nhưng bên trong đền người ta bán vòng nhỏ có 15 baht OMG.
Các trung tâm mua sắm ở Bangkok đều mở cửa lúc 10g sáng nên chú ý để bố trí lịch trình cho phù hợp. Bắt BTS đến trạm Chitlom. Central world là nơi tập trung nhiều thương hiệu nổi tiếng. Đối diện Central world là Big C, qua cầu đi bộ là tới. Big C bán nhiều mặt hàng với giá rẻ có thể mua về làm quà, mình thấy rất nhiều khách Việt Nam mua hàng tại đây.

Tổng chi phí

hình ảnh
Ảnh 13

Một số lưu ý khác

hình ảnh
A: Thai rup dai mai? B: Dai. Kết quả là tấm hình này
Ảnh 14. Các cô đang chuẩn bị đồ lễ cúng Phật.
Trình độ tiếng Anh của mình chỉ ở mức cơ bản, có thể giao tiếp thêm tiếng Trung. Nhưng nói với người Thái toàn tiếng Anh thôi, họ vẫn hiểu, còn tiếng Trung nói với người Trung gặp trên đường. Có thể học một số câu giao tiếp cơ bản nói cho vui, nhưng thật sự cũng không quá cần thiết bởi họ nói thêm vài câu là mình bí haha. Một vài người nhìn mình tưởng người Thái nên bắn một tràng.
Nên sắp xếp lịch trình tham quan các chùa trong một ngày để tiện lợi và dễ dàng lựa chọn trang phục kín đáo, một số nơi sẽ cho bạn mượn (có thế chân) hoặc mướn nhưng chủ động vẫn hơn. Vào chùa thì đừng bao giờ ngồi hướng mũi chân vào tượng Phật. Trước khi đi mình lên sẵn lịch trình trong ngày, lịch trình khá dày để nếu chỗ nào chán quá thì mình bỏ điểm, đi chỗ khác hoặc chỗ nào thú vị thì dành nhiều thời gian khám phá, khỏi phải loay hoay tìm.
hình ảnh
Ảnh 15. Lịch trình mình chuẩn bị trước khi đi
Ở đâu cũng có người này người nọ nên cũng phải cẩn thận, nhưng hầu hết người Thái đều dễ thương, nhiệt tình, có người mình hỏi chỗ đón xe buýt nhưng không biết thì dắt mình đi hỏi người khác nữa, quá nhiệt tình lun.
Nếu bạn đi tự túc thì nên in vé máy bay, voucher ra giấy (phòng trường hợp điện thoại có thể hết pin); tên các điểm đến bằng chữ Latin và chữ Thái để dễ hỏi đường, nhiều từ người Việt phát âm rất khác cách của người Thái (như chữ Siam, mình đọc Xi-am, người Thái đọc tương tự kiểu Sai-dàm)
Wat Saket (วัดสระเกศราชวรมหาวิหาร)
Thipsamai pad thai (ผัดไทยทิพย์สมัย)
Khao San (ถนนข้าวสาร)
Grand Palace (พระบรมมหาราชวั)
Wat Pho (วัดโพ)
Wat Arun (วัดอรุณ)
Phahurat Market (พาหุรัด)
Wat Traimit (วัดไตรมิตร)
Siam Paragon (สยามพารากอ)
Safari Park (ซาฟารีเวิลด์)
Chợ Chatuchak (จตุจักร)
Chợ Pratunam ( ประตูน้ำ)
Center World (เซ็นทรัลเวิลด์)
Terminal 21 (เทอร์มินอล 21)
Lưu lại các số điện thoại sau để được hỗ trợ khi gặp rắc rối: Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan: +66-2-251-7202; Cảnh sát du lịch: 1155 (miễn phí) hoặc 678-6800.
Rất mong chia sẻ của mình sẽ giúp ích cho bạn, đặc biệt là những bạn lần đầu tiên đi nước ngoài sẽ có thêm tự tin để book vé đi ngay. Lời khuyên cuối cùng là nếu được thì tìm thêm bạn đồng hành, bạn có thể lên mạng tìm kiếm các trang mạng xã hội, diễn đàn cho dân phượt.

Phố mua sắm Siam square Cung điện hoàng gia Thái Lan Đền Wat Arun Chùa Wat Pho bangkok thailand ( thái lan )

Hãy mạnh dạn Viết blog chia sẻ trải nghiệm về chuyến đi, chia sẻ những hình ảnh được ghi lại trên những chặng hành trình. Đơn giản và dễ dàng nhưng lại giúp cho rất nhiều người sắp đi du lịch.

Viết blog ngay
Đã cập nhật vào ngày 7/01/2023
Love
13 Bình luận
avatar
Trầm Mặc
5 Quốc gia
36 Tỉnh thành
1 Người theo dõi
0 Đang theo dõi
icon Theo dõi
Kiếm tiền cùng Gody icon My Travel Map
Bình luận
*Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để bình luận và chia sẻ nhanh hơn
Bài viết liên quan
Bài viết cùng tác giả