Ngược dòng sông Đà tìm về đầu nguồn
Mai Hồng Anh
Thứ 6, 17/05/2019

Là một chuyến đi dài 1.400 km, nhiều đoạn đường khó khăn, dốc đá và xa nhất khám phá miền Tây Bắc! Thăm mốc 18 nơi thượng nguồn sông Đà chảy vào đất Việt, thăm mốc 17 nơi biên giới ba nước Lào- Việt- Trung!
Di chuyển, cung đường
- Night1: Hà Nội - Mộc Châu;
- Day 1: Mộc Châu- Pha Đin - Mường Lay - Mường Tè;
- Day 2: Mường Tè - Nậm Lằn - Ka Lăng - Thu Lũm;
- Day 3: Thu Lũm- Ka Lăng- Trạm Biên Phòng Nậm Lằn - Trạm BP Kẻng Mỏ - Thành phố Lai Châu;
- Day 4: Lai Châu - Mù Căng Chải - đèo Khau Phạ - Tú Lệ - Hà Nội;
Ngủ nghỉ
Các đêm sau đó bọn mình đều ngủ tại nhà nghỉ, bởi ở Mường Tè, Thu Lũm mặc dù kinh tế đã phát triển hơn rất nhiều nhưng còn rất xa xôi, hiểm trở vậy nên không có homestay ở nơi đây. Tuy nhiên, người dân rất nhiệt tình hướng dẫn đường đi, nơi nghỉ và chỗ ăn uống. Về thành phố Lai Châu mọi người có thể dễ dàng tìm thấy khách sạn và nhà nghỉ hơn và đặc biệt có thể ghé thăm quán cafe trên núi view tháng đãng, mát mẻ như quán Gió ở Tam đảo vậy.
Hành trình tìm về thượng nguồn Sông Đà
- Ngày đầu tiên: Sáng ngủ dậy thong thả lượn lờ rừng thông Bản Áng ăn dâu tây, hít hà khí trời,vì là ngày đàu tiên nên mọi người thong thả ăn sáng rồi khởi hành từ Mộc Châu qua đèo Pha Đin, Thị xã Mường Lay và nghỉ tối tại Mường Tè. Mình và người bạn đi cùng nói chuyện riêng khá nhiều và thi thoảng thường bị bỏ lại ở phía sau cùng vì vậy chúng mình đã có nhữn gkir niệm khó quên. 7h tối hôm ấy trong lúc đang nói chuyện và mọi người thì đi thẳng nhưng do đường đèo núi uốn lượn nên không nhìn thấy đèn, bạn ấy và mình không biết nên rẽ vào đường làng bên cạnh đi sâu vào làng của Mường Tè khoảng 15-20km. Đèo núi hoang vu và rất thưa dân, dế rít từng hồi ri rích, hai đứa tức cảnh sinh tình lôi chuyện ma ra kể, đúng lúc có con bê đứng giữa đường, nhìn không rõ tưởng oan hồn nào chặn đường, ba hồn bảy vía bay lên mây, mình và bạn lấy hết sức bình sinh hét vang cả đoạn đèo, ôi thì ra là con beeee.
- Ngày thứ hai bọn mình khởi hành từ Mường Tè đến trạm Biên Phòng Nậm Lằn đi qua Ka Lăng, vượt qua 17km đường dốc, nguy hiểm để đếnThu Lũm trình báo đồn Biên phòng Thu Lũm, lại vượt qua 27km đường tuần tra biên giới, dốc tức, nguy hiểm mới đến được Cửa Khẩu Umatukhoong, cột mốc 26. Thật sự đường Tuần tra biên giới vào cột mốc 26 cực khó đi và nguy hiểm và một lần nữa mình và bạn đồng hành do sau hai tiếng không tìm được đã dẫn đoàn trở về trước và không có cơ may được chạm vào cột mốc 26 này.
Thu Lũm nằm trên độ cao khoảng 1,000m cách huyện Mường Tè khoảng 90m được xem là vùng đất cuối trời bắc Lai Châu. Từ lúc book phòng buổi chiều mấy anh chị em mình đã tia thấy có view đẹp để ngày mai sống ảo rồi. Quả không ngoài mong đợi, mọi người hí hửng kéo nhau dậy từ 5h sáng, để cả đầu xù tóc rối, đi dép lê, ngồi ban công ngắm mây Thu Lũm. Thu Lũm là một nơi khó đặt chân đến, dễ săn được mây nhưng những khoảnh khắc này lại nhanh tan biến trong chốc lát. Có thể những bức ảnh không thể lột tả hết được vẻ đẹp mà mình tận mắt chứng kiến. Có thể những dòng chữ này cũng không lột tả được hết những cảm xúc mình đã trải qua. Ở đây, có thể an nhiên thả hồn lơ lửng, không cần phải nghĩ suy ngày mai làm gì, sống cuộc sống nhẹ nhõm khác ngày thường, nhìn cuộc đời với đôi mắt khác và những màu sắc êm dịu khác.
- Ngày thứ ba: Hành trình đến với trạm Biên Phòng Kẻng Mỏ- đến nay vẫn là một điều phi thường. 8h00 khởi hành Thu Lũm- Ka Lăng- Trạm Biên Phòng Nậm Lằn - Trạm BP Kẻng Mỏ (mốc 18, mốc 17) và về thành phố Lai Châu.
Gặp mấy chú biên phòng, Rận, Mực, Vàng và cả mèo Mun ở trạm Biên phòng Kẻng Mỏ. Vẫn ấn tượng với cái cột hóng sóng điện thoại ấy...vừa thương vừa buồn cười vì tối tối mấy em lại chạy ra ngồi hóng sóng để gọi điện về cho người thân hay tán gái nữa.
Em Rận, cột bắt Sóng ở Kẻng mỏ
Tại vị trí cột mốc 17 nằm trên địa bàn xã Mù Cả. Đây là nơi giao nhau giữa Trung Quốc và suối Nậm Náp ( Việt Nam) được coi là thượng nguồn của Sông Đà trên đất Việt. Điểm giao nhau này tạo thành ngã ba sông. Vào mùa nước cạn thác Kẻng Mỏ chảy êm đềm, không có “nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió” nhưng vẫn có thể nhìn thấy những ghềnh đá nổi lởm chởm giữa dòng, dù không có hoa ban hoa gạo, không cuồn cuộn khói mù, không ồn ào hung dữ cũng không còn lại nhiều nét mà những áng văn của Nguyễn Tuân miêu tả. Nhưng nó luôn ẩn trong mình nét đẹp trữ tình, huyền ảo và mê hoặc, ẩn sâu hơn sau những câu văn bài ca ca ngợi vẻ đẹp, sự hùng vĩ, choáng ngợp là sự heo hút, tĩnh mịch, cô đơn, đẹp nhưng lại luôn cô độc.
Ngày thứ tư: Sáng ngày rong chơi cuối cùng, ai cũng thấm mệt nhưng đều dậy sớm tranh thủ đi ăn sáng tại thành phố Lai Châu rồi lên đường trở về, đi qua Mù Căng Chải, đèo Khau Phạ. Khi đi qua Khau Phạ trời đã gần trưa, hơi nóng từ con đường nhựa đổ lên, hàng tùng thẳng tắp hai bên đứng tĩnh lặng, không một chút gió, chỉ nghe thấy tiếng bô đều đều chạy của đoàn lại càng tôn lên vẻ huyền thoại, bí ấn của Khau Phạ. Rồi qua Tú Lệ thưởng thức nếp cẩm và về với Hà Nội tấp nập vội vã, thân yêu.
Có thể chỉ một năm nữa hoặc xa hơn là khi già chẳng hạn mình sẽ thấy bồi hồi và rung động hay là chút gì đó hạnh phúc trong trái tim khi nhớ về Ka Lăng- Thu Lũm.Bất cứ nơi nào bạn đặt chân qua, hãy dùng cả trái tim để trải nghiệm. Cảm giác đó không thể nào thay thế bởi những thứ vật chất khác.
Đèo Khau Phạ (Khau Pha Pass)
Huyện Mù Cang Chải (Mu Cang Chai District)
mù cang chải
mường tè
mường lay
Đèo Pha Đin
mộc châu
yên bái
lai châu
Đã cập nhật vào ngày 6/01/2023