Cách Hà Nội 44km, làng cổ Đường Lâm chính là lựa chọn hoàn hảo nếu bạn đang tìm kiếm một vùng quê thanh tịnh để nghỉ ngơi sau những bộn bề của cuộc sống. Nơi đây còn lưu giữ rất nhiều ngôi nhà đậm chất kiến trúc xưa với những con đường gạch, những bức tường đá ong cùng những nét văn hóa của làng quê vùng Bắc Bộ
Làng cổ Đường Lâm thuộc địa phận huyện Sơn Tây, Hà Nội, cách trung tâm thành phố chỉ khoảng 44km. Đường Lâm là quê hương của Ngô Quyền và Phùng Hưng nên được gọi là “đất hai vua”. Cho đến ngày nay, làng Đường Lâm vẫn lưu giữ được những nét đặc trưng cơ bản của một ngôi làng ở Bắc Bộ có cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình,… với 956 ngôi nhà truyền thống. Năm 2006, Đường Lâm trở thành làng cổ đầu tiên ở nước ta được Nhà nước trao bằng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.
Hiện nay giá vé gửi xe máy là 10.000 VND / xe và vé tham quan là 20.000 VND / người. Các bạn cũng có thể thuê xe đạp với giá 30-50.000 VND / giờ hoặc 80-100.000 VND / ngày. Còn chúng tớ thì chọn cách đi bộ để có thể cảm nhận được ngôi làng này sâu hơn.
Ngay đầu tiên là cổng làng Mông Phụ được xây dựng vào năm 1833 với kiến trúc vòm và lớp đá ong tổ bên cạnh cây đa hơn 300 năm tuổi tạo nên một cảnh quan thực sự thanh bình và cổ kính. Ngôi làng này được gọi là làng đá ong. Đi tới đâu các bạn cũng có thể thấy những ngôi nhà được xây dựng bằng loại đá này.
Khi xưa, người dân ở đây xây dựng nhà, họ đã đào lên những lớp đá ong dưới lòng đất để xây nên những ngôi nhà cổ như ngày nay. Bước qua cổng làng, chúng tớ bị cuốn theo vẻ thanh bình, cổ kính ở nơi đây. Dưới chân đi là những con đường lát gạch sạch sẽ, hai bên là những bức tường đá ong màu vàng sậm, làm cho chúng tớ cảm thấy được sự ấm cúng và những nét đẹp rất riêng mà không nơi đâu có được.
Đường xá ở đây được xây dựng theo hình xương cá với một trục đường chính và nhiều đường ngõ nhỏ thông với nhau, đình làng Mông Phụ là khu vực trung tâm. Đình làng có sàn gỗ cách mặt đất, mô phỏng kiểu kiến trúc nhà sàn. Bạn sẽ phải trầm trồ bởi đây là một bông hoa về nghệ thuật kiến trúc, những nét chấm phá có một không hai.
Làng cổ Đường Lâm hiện nay có tổng cộng 956 ngôi nhà cổ, những ngôi nhà nằm ẩn mình và phủ màu rêu phong trên bề mặt những viên ngói mũi ri, tạo nên hình thù võng lưng, gắn liền với nhà sàn, vườn, bếp, nhà ngang, giếng nước, chuồng trại, cây rơm, ao.
THỜI ĐIỂM DU LỊCH LÀNG CỔ ĐƯỜNG LÂM
Bạn có thể đi du lịch làng cổ Đường Lâm bất cứ thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên, mùa lễ hội và mùa lúa chín là thời điểm thích hợp hơn cả cho một chuyến du hí.
Mùa lễ hội
Mùa lễ hội làng Đường Lâm diễn ra vào tháng Giêng âm lịch hàng năm. Lễ hội truyền thống làng Mông Phụ diễn ra từ ngày mùng 4 đến mùng 10, được xem là lễ linh thiêng nhất của năm. Lễ tế Thành Hoàng làng tổ chức tại ngôi đình làng cổ nhất với các hoạt động rước kiệu, dâng lợn, dâng gà,... Sau đó người dân trong làng sẽ tham gia vào các trò chơi dân gian như cờ người, cờ tướng, chọi gà, bịt mắt bắt vịt,… tạo nên không khí lễ hội vui tươi, náo nhiệt.
Mùa lùa chín
Tháng 5, 6 hàng năm, khi mà những cánh đồng lúa vào độ chín rộ, Đường Lâm vào ngày mùa cũng là lúc du khách kéo về đây đông nhất. Trên những con đường ở Đường Lâm trải đầu thóc và rơm khô tạo nên một khung cảnh làng quê ấm no, yên bình, hiếm nơi nào có được.
DI CHUYỂN ĐẾN LÀNG CỔ ĐƯỜNG LÂM
Nằm ở ngoại thành Hà Nội nên việc di chuyển đến làng cổ Đường Lâm cũng khá dễ dàng. Bạn có thể đến Đường Lâm bằng các cách sau:
Đi bằng xe buýt
Có 3 tuyến buýt di chuyển từ Hà Nội đến làng cổ Đường Lâm:
Tuyến số 71 từ bến xe Mỹ Đình đi bến xe Sơn Tây, giá vé 20.000 đồng
Tuyến số 73 từ bến xe Mỹ Đình đi chùa Thầy, giá vé 10.000 đồng
Tuyến số 89 từ bến xe Yên Nghĩa đi bến xe Sơn Tây, giá vé 9000 đồng
Từ bến xe Sơn Tây, bạn có thể đi xe ôm hoặc taxi đến làng cổ Đường Lâm.
Đi bằng phương tiện cá nhân
Đi theo hướng Đại lộ Thăng Long, rẽ phải ở ngã ba Hòa Lạc, theo đường 21 qua Sơn Lộc đến ngã tư giao với đường 32 bạn sẽ thấy biển chỉ dẫn vào Đường Lâm
Đi theo đường 32 đến thị xã Sơn Tây, đến ngã tư giao với đường 21 sẽ có lối rẽ vào làng ở bên tay trái.
Đi bằng xe khách
Bạn cũng có thể lựa chọn tuyến xe khách Mỹ Đình – Phú Thọ để đến Đường Lâm với thời gian di chuyển khoảng 1h15p.