Tôi vẫn thích câu nói: “Travel is the only thing you buy that makes you richer.”
Tôi trân quý và yêu thích những trải nghiệm của tuổi trẻ, bởi “Thanh xuân chỉ đến một lần trong đời”.
Đến với Bình Thuận lần thứ hai, vẫn cái cảm giác của hai năm trước: Bình Thuận quá đỗi bình dị, Bình Thuận thật sự mang vẻ đẹp “mộc” của riêng mình. Vùng đất vốn dĩ khô cằn này lại nhuốm màu sắc riêng không lẫn vào đâu được. Màu của sự bình dị với khung cảnh ánh mặt trời ló rạng và hình ảnh sinh hoạt của những người con vùng biển. Màu của sự thơ mộng với những triền cát trắng tinh khiết, rộng mênh mông cứ trải dài ngút mắt hiện lên tựa một bức tranh kỳ vĩ. Màu của sự hoang dại với những bãi biển trải dài vô tận trên nền cát trắng. Màu của sự hoài niệm với ngọn hải đăng cao nhất và cổ xưa nhất Đông Nam Á… Hay màu của sự chân chất, mộc mạc bởi con người nơi đây. Tất cả tạo nên một Bình Thuận có “một không hai”.
Tôi từng nói rằng: vẻ đẹp Bình Thuận không tuyệt sắc nhưng lại khiến tôi cảm thấy nhẹ lòng khi đến và lưu luyến khi rời đi. Thời gian trải nghiệm nơi đây tuy ngắn ngủi nhưng tâm hồn lại cảm thấy “nhẹ” vô cùng. Có những ngày bỗng dưng cảm thấy mệt mỏi. Cảm thấy tâm hồn mình cần được “lặng”. Bình Thuận có lẽ là một nơi tuyệt vời để đến. Trầm mình xuống vẻ đẹp “mộc”, cảm nhận mùi vị của thiên nhiên và tìm lại chính mình…
Lần này, đồng hành cùng tôi là một người bạn quen nhau từ tiểu học. Đã là bạn của nhau gần 15 năm, nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi cùng nhau xách ba lô lên và đi. Một chuyến đi thật tuyệt vời và muôn vàng kỉ niệm…
Phương tiện đi lại
Thời gian di chuyển từ Tp. HCM đến Mũi Né khoảng 4 tiếng 30 phút đến 5 tiếng tùy mức độ giao thông trên đường. Giá vé dao động khoảng 120k -135k. Hiện tại có nhiều hãng xe chạy tuyến Tp. HCM - Mũi Né lắm. Mọi người có thể book xe Phương Trang hoặc xe Hạnh Cafe nhé. Ngoài ra, mọi người cũng có thể đi tàu lửa hoặc phượt xe máy để trải nghiệm cảm giác khác hơn.
Chỗ ở
Mũi Né có nhiều guest house, hotel, resort... và cũng đa dạng về mức giá. Mọi người có thể book phòng qua các trang như booking.com, agoda.com hoặc traveloka.com...
Những điểm tham quan
1. Làng chài Mũi Né
Được xem là hình ảnh thu nhỏ của vùng biển hiền hòa Bình Thuận, làng chài Mũi Né ẩn chứa nhiều giai điệu nhộn nhịp của cuộc sống miền biển. Cảnh tượng bình minh ở đây thật sự khiến tôi cảm thấy ngỡ ngàng và thầm nghĩ “Thanh xuân nhất định một lần phải đến Mũi Né ngắm bình minh”. Những vệt màu dần lộ diện ở cuối chân trời, mặt trời như quả cầu lửa khổng lồ từ từ đội biển nhú dần lên… Khởi điểm cho một ngày mới đầy sức sống... Cực đẹp. Cực đã. Cực mãn nhãn. Sau khi mặt trời ló dạng, hình ảnh sinh hoạt tấp nập của làng chài dần hiện lên trước mắt. Bình dị đến ngỡ ngàng.
2. Đồi cát bay Mũi Né
Gọi là Đồi cát bay Mũi Né vì hình dáng của đồi cát thay đổi liên tục do tác động bởi gió.
Còn được gọi là Đồi cát vàng hay Đồi cát hồng, bởi cát ở đây có màu vàng chủ đạo và những góc nhìn chuyển màu hồng dưới ánh nắng mặt trời chiếu rọi.
Thả bước chân trần trên nền cát mịn giữa sa mạc mênh mông ngay miền nhiệt đới, lang thang nghiệm về sự diệu kỳ của đất trời, chơi trượt cát bằng ván tìm lại ký ức tuổi thơ sẽ là những trải nghiệm tuyệt vời ở đây.
3. Suối Tiên
Được xem là bức phù điêu của tự nhiên, Suối Tiên Mũi Né gọi là suối nhưng thật ra là một khe nước nhỏ gần Đồi Cát Vàng, cạnh hòn Rơm. Không giống như những con suối khác, Suối Tiên mang dòng nước đỏ cam nhuốm màu của cát. Nước suối không chảy siết cũng không quá sâu. Cảm giác “chân trần lướt nhẹ nhàng trong lòng suối mát lạnh lấp la lấp lánh ánh cam” thật là kỷ niệm khó quên. Một bên suối là những nhủ cát trắng xen lẫn đỏ cam lô nhô chĩa thẳng lên trời. Còn bên kia là màu xanh rì của những hàng cây. Chốn bồng lai tiên cảnh như hiện ra trước mắt.
4. Bãi đá Ông Địa
Không ai biết rõ về địa danh này, kể cả những người già đã sống ở đây từ rất lâu. Chỉ biết rằng, tên gọi ấy được hình thành là bởi có một tảng đá hình thù giống như Ông Địa đang ngồi nhìn vào đất liền (tảng đá được hình thành từ tự nhiên; theo thời gian do sóng biển bào mòn nên hiện tại tảng đá này không còn nữa)…
Là một bãi biển đẹp, làn nước biển trong xanh mát lạnh, in đậm lên nền cát trắng mịn. Những con sóng biển cứ mãi xô vào các mỏm đá làm nên những “bản nhạc du dương” của biển cả. Nhìn thẳng về hướng biển, một màu xanh thẫm xa rộng đến tận chân trời, và cảm nhận sự nhỏ bé của con người trước thiên nhiên hùng vĩ...
5. Tháp Chăm Po Sa Inư
Nằm trên đồi Bà Nài, còn được gọi là Tháp Chăm Phố Hài, là một nhóm di tích đền tháp Chăm còn sót lại của Vương quốc Chăm-pa xưa. Nhóm tháp mang kiến trúc Hòa Lai – một trong những phong cách nghệ thuật cổ của Chăm-pa. Ở đây là nơi thờ thần Shiva, công chúa Po Sha Inư (con vua Para Chanh). Ngoài ra, thần lửa, thần bò và thần Nandin cũng được thờ tại tháp. Theo các nghiên cứu và khai quật khảo cổ, nhóm tháp Po Sah Inư được xây dựng từ khoảng cuối thế kỷ thứ VIII, đầu thế kỷ thứ IX và là biểu tượng thời cực thịnh của vương quốc Chăm-pa.
6. Lầu Ông Hoàng
Nằm trên đỉnh đồi Bà Nài, gần khu quần thể tháp Chăm Po Sa Inư. Năm 1911, một ông Hoàng người Pháp là công tước De Montpensier từ Pháp đã xây nên biệt thự này. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, biệt thự Lầu Ông Hoàng đã bị tiêu hủy, ngày nay chỉ còn lại toàn bộ nền móng và hầm chứa nước…
Đây cũng được biết đến là nơi hẹn hò và ngắm trăng của thi sĩ Hàn Mạc Tử và người tình Mộng Cầm.
“..lang thang tìm tới chốn Lầu Trăng
Lầu Ông Hoàng, người thiên hạ đồn vang.
Nơi đã khóc, đã yêu thương da diết...”
(Phan Thiết Phan Thiết)
7. Mũi Kê Gà - Hải đăng Kê Gà
Đây là ngọn hải đăng cao và cổ xưa nhất Đông Nam Á do người Pháp xây vào năm 1897 và đưa vào hoàn thành 2 năm sau đó. Nằm trên bán đảo Kê Gà, toàn bộ tháp được xây bằng đá hoa cương được vận chuyển từ Pháp sang. Với gần 200 bậc thang xoáy hình trôn ốc có tổng chiều cao đến đỉnh đèn là 35m. Trên đỉnh tháp là ngọn đèn biển có tầm quét sáng 22 hải lý (tương đương 40km).
8. Bàu Trắng và cung đường ven biển Bàu Trắng
Bàu Trắng còn được gọi là Bàu Cát, Bàu Sen, Bạch Hồ thuộc địa phận huyện Bắc Bình xinh đẹp, là hai hồ nước rất rộng gồm Bàu Ông (tiểu hồ), Bàu Bà (đại hồ) và một dải cát trắng ngăn cách hai hồ.
Được ví như “tiểu hoang mạc Sahara”, Bàu Trắng đẹp hút hồn hiện lên như một bức tranh kỳ vĩ với những triền cát trắng tinh khiết trải dài ngút mắt. Chinh phục những đồi cát trắng cao ngất bằng xe địa hình, hay lênh đênh trên mặt hồ bao la bằng một chiếc thuyền nhỏ thật là tuyệt biết bao!
Cung đường Mũi Né – Bàu Trắng – Phan Rí Cửa được xem là một trong những cung đường biển đẹp nhất Việt Nam với một bên là đồi cát trắng, một bên là bãi biển xanh. Với khung cảnh hùng vĩ và rất đỗi nên thơ này, có thể nói rằng đây là cung đường mà nhất định phải đặt chân đến ít nhất một lần trong đời.
Lịch trình
Đây là lịch trình 3 ngày 3 đêm đú đa đú đỡn với đứa bạn của mình tại Bình Thuận...
* Ngày 1: Sài Gòn – Bình Thuận
- 23h30, có mặt tại Nhà chờ Phương Trang (272 Đề Thám, Quận 1)
* Ngày 2: Bình Thuận (Làng chài – Đồi cát bay – Suối Tiên – Bãi đá Ông Địa)
- 4h00, đến nhà xe Phương Trang (20 Huỳnh Thúc Kháng) tại Mũi Né
- 4h30, đi xe ôm ra Làng chài Mũi Né (Bãi sau) ngắm bình minh (cách nhà xe khoảng 5km)
- 6h30, đi xe ôm về Garden Guest House (02 Huỳnh Thúc Kháng) đã book trước trên booking.com (nếu chỉ cần 1 nơi để ngủ, để đồ và tắm thì phòng này khá hợp lý) và thuê xe máy tại đây.
- 7h, ra chợ ăn sáng
- 8h, đi Đồi cát bay Mũi Né
- 10h30, đi Suối Tiên
- 12h30, đi ăn trưa rồi về phòng nghỉ ngơi
- 14h40, đi Bãi đá Ông Địa (ra chụp hình, ngắm biển xong rồi tắm ở đây, biển rất đẹp)
- 17h45, về phòng tắm rửa và đi ăn hải sản trên đường Nguyễn Đình Chiểu
* Ngày 3: Bình Thuận (Tháp Chăm Po Sah Inư – Lầu Ông Hoàng – Mũi Kê Gà)
- 7h, thức dậy và chuẩn bị cho ngày tiếp theo chinh phục Bình Thuận
- 8h, ăn sáng và xuất phát đi tháp Chăm Po Sah Inư, Lầu Ông Hoàng cũng gần đó và ngắm trọn bãi biển Phan Thiết tại đây.
- 12h30, ăn trưa, nghỉ ngơi tại Tp. Phan Thiết và xuất phát đi Mũi Kê Gà
- 14h30, có mặt tại Hải đăng Kê Gà – ngọn tháp cao và cổ nhất Đông Nam Á
- 16h30, về phòng tắm rửa và đi ăn hải sản
* Ngày 4: Bình Thuận – Sài Gòn (Bàu Trắng – Cung đường ven biển Bàu Trắng)
- 7h, thức dậy
- 8h, ăn sáng và xuất phát đi Bàu Trắng và ăn trưa tại đây. Sau đó, chạy ra Cung đường ven biển Bàu Trắng chụp hình.
- 13h30, về lấy vé xe (117 Nguyễn Đình Chiểu) và ra Bãi đá Ông Địa ngồi ngắm biển.
- 15h40, về lại phòng và đợi xe trung chuyển đến rước.
- 16h30, lên xe Hạnh Café về lại Sài Gòn
- 21h30, về đến nhà xe Hạnh Café (đường Nguyễn Cư Trinh, quận 1) tại Sài Gòn. Kết thúc chuyến đi.
(1 nữa chi phí là tiền ăn của tụi mình. Phải nói đồ ăn ở Bình Thuận vừa ngon vừa rẻ.)
Bình Thuận có lẽ không nằm trong top những địa điểm đáng để đi nhất, nhưng nếu có cơ hội, xin hãy một lần đặt chân đến vùng đất đầy nắng và gió này và cảm nhận hương vị cuộc sống.
Hãy mạnh dạn Viết blog chia sẻ trải nghiệm về chuyến đi, chia sẻ những hình ảnh được ghi lại trên những chặng hành trình. Đơn giản và dễ dàng nhưng lại giúp cho rất nhiều người sắp đi du lịch.
Nhắc đến Sóc Trăng là nhắc đến bánh pía, bún nước lèo. Bên cạnh đó, mảnh đất miền Tây thương nhớ này cũng là xứ sở của những ngôi chùa độc đáo. Nếu có dịp, hãy ghé vùng đất của 3 dân tộc Kinh-Hoa-Khmer và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của tôn giáo nơi đây nhé.
“Hai mươi năm về sau bạn sẽ hối hận về những gì bạn không làm hơn là những gì bạn làm. Vậy nên hãy tháo dây, nhổ neo ra khỏi bến đỗ an toàn. Hãy để cánh buồm của bạn đón trọn lấy gió. Thám hiểm. Mơ mộng. Khám phá.” – Mark Twain.