Lấy cảm hứng từ những chiếc bàn xoay của người thợ thủ công làng nghề gốm xứ Bát Tràng, công trình độc đáo này chắc chắn sẽ trở thành địa điểm check-in cực hot trong thời gian sắp tới.
Làng nghề truyền thống gốm Bát Tràng có vị trí nằm ở ven sông Hồng, thuộc huyện Gia Lâm ngoại thành Hà Nội nổi tiếng với nghề làm gốm và đã tồn tại hơn 400 năm. Đây là làng gốm lâu đời và nổi tiếng nhất ở Việt Nam.
Ngoài làng nghề gốm lâu đời thì hiện nay Bát Tràng là một địa điểm thăm quan du lịch, giải trí, vui chơi thu hút rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Đặc biệt, là là địa điểm lý tưởng để bạn có thể đưa gia đình, con cái đến xem trực tiếp những nghệ nhân làm ra gốm hoặc có thể tự tay nặn những sản phẩm theo ý thích
Mới đây, dân tình lại phát sốt trước một công trình 'xịn sò' mang tên Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt tọa lạc tại số 28 (thôn 5, làng cổ Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội). Dù phải đến tận mấy tháng nữa, công trình mới bắt đầu chào đón du khách nhưng trên các trang mạng xã hội, địa điểm độc - lạ này đã khiến nhiều khách du lịch tìm đến check-in bằng được.
Công trình bắt đầu xây dựng từ năm 2018, được thiết kế bởi kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào, một người có rất nhiều ý tưởng độc đáo. Đây là một quần thể kiến trúc nằm trong khu đất rộng 3.700 m2, với một mặt hướng vào làng Bát Tràng, một mặt ngoảnh ra dòng kênh Bắc Hưng Hải. Công trình có tổng số vốn đầu tư ước tính 150 tỉ đồng.
Được biết, công trình lấy cảm hứng từ hình ảnh những khối bàn xoay vuốt gốm giao thoa với nhau. Ở một góc khác, người nhìn có thể liên tưởng đến hình ảnh Lò bầu cổ của người Bát Tràng xưa.
Công trình gồm phần chính là 7 xoáy ốc có kết cấu 3 tầng. Tầng 1 là nơi dành cho du khách có thể trải nghiệm với gốm, là nơi dành cho các nghệ sĩ trưng bày các tác phẩm của mình. Khu vực trung tâm là nơi trưng bày các sản phẩm của làng nghề truyền thống, các gia phả nghề, sản phẩm của dòng họ cũng như các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Du khách có thể đến xem, mua hoặc thực hiện các phần đấu giá các sản phẩm mang tính nghệ thuật cao. Tầng trên cùng là nhà hát, là nơi có không gian mở để tổ chức sự kiện hay hoạt động dân gian.
Ngoài không gian độc đáo, là nơi giúp du khách hiểu hơn về văn hoá làng gốm cổ, không gian trưng bày sản phẩm cũng được bài trí hấp dẫn. Đến đây ta có thể thấy đôi bàn tay khéo léo của những người nghệ nhân Việt Nam đủ sức có thể tạo nên những sản phẩm vô cùng tinh xảo.
Dự kiến, công trình này có thể đưa vào vận hành vào tháng 6 năm nay nhằm trưng bày các sản phẩm làng nghề, kết nối các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Đây sẽ không chỉ là nơi lưu giữ, giữ gìn văn hóa của làng gốm Bát Tràng mà còn là nơi để du khách có thể tham quan, chiêm ngưỡng những tác phẩm giá trị của làng nghề.
Theo Baodatviet/ Tổng hợp