Chia sẻ và hướng dẫn chi tiết cách đi Du lịch Gia Lai, các món ăn đặc sắc không thể bỏ qua khi tới Gia Lai và Pleiku.
Gia Lai, nơi có “đôi mắt Pleiku - Biển Hồ đầy" với nương cà phê nặng trĩu hạt, với hồ tiêu xanh mướt, với đồi chè ngút tầm mắt ... cùng với những con người phố núi hiền hòa gây thương nhớ. Tưởng rằng chẳng có gì chơi, thế lại mê mẩn ngẩn ngơ đến nỡ chẳng muốn về. Vậy Gia Lai có gì đẹp?
1. Thời gian thích hợp đi du lịch Gia Lai
Thuộc vùng khí hậu cao nguyên nhiệt đới gió mùa. Khí hậu với 2 mùa rõ rệt
• Mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm): thường có mưa lớn vào buổi sáng hoặc cả ngày, nên việc di chuyển trong thời tiết nhiều mưa, đường xá ẩm ướt, lầy lội sẽ không phải là thuận lợi cho lắm.
• Mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau): lúc này lúa chín vàng trên các nương đồi, hoa dã quỳ nở vàng rực trên các nẻo đường Tây Nguyên. Ngoài ra, đây cũng là thời điểm diễn ra các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc
2. Phương tiện di chuyển đếnGia Lai
- Đi bằng máy bay : Hiện tại có các đường bay từ Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM, với mật độ khoảng 1 chuyến/ngày. Hầu như các chuyến bay tới Gia Lai thường có giá cao hơn so với các tỉnh thành Tây Nguyên khác, nên nếu có dự định thì bạn nên đặt trước để có giá tốt nhất.
- Đi bằng xe khách
+ Từ Hà Nội: các hãng xe Quân Trung, Hồng Hải, Việt Hưng, Đắk Pơ; 2 chuyến/ ngày vào buổi sáng và chiều, xuất phát tại bến xe Giáp Bát.
+ Từ TP.HCM: các hãng xe như xe Hoa Châu, Tứ Loan, Phú Hưng, Nam Phong, Thuận Hưng, Việt Tân Phát, cô Hai với giá vé từ 200k – 300k. Với các chuyến xe ghế ngồi hay giường nằm, ban ngày hay ban đêm và thời gian dự kiến là 8h.
Và để di chuyển trong thành phố Pleiku hay ra các khu vực lân cận, bạn có thể lựa chọn đi taxi, thuê ô tô (nếu đi nhóm lớn), thuê xe máy hoặc đi xe bus...
3. Những nơi nên đi tham quan khi du lịch Gia Lai:
Khám phá những nét lãng mạn trong "đôi mắt Pleiku"
Trong cái nắng gió của vùng cao nguyên, tạo hóa dường như đã ban tặng cho vùng đất này những cảnh quan tuyệt đẹpmà bạn không nên bỏ sót như Biển Hồ Chè, Đầm Sen, cánh Đồng xanh, thác Mơ, hồ Ayun Hạ, đập Tân Sơn, ... Đến với Gia Lai, bên cạnh việc được tận hưởng những phút giây thư giãn trọn vẹn trong khung cảnh thiên nhiên sơn thủy hữu tình, bạn sẽ còn ngỡ ngàng khi chứng kiến sự hòa phối kỳ diệu của tự nhiên như:
Biển Hồ trong veo như đôi mắt sâu người con gái Pleiku.
Đầm sen bung sắc, tỏa hương lẫn trong núi, trong mây.
Ruộng bậc thang uốn lượn, khoác lên mình vẻ đẹp rực rỡ theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa.
Đập Tân Sơn như một bức tranh với những mảng màu tuyệt đẹp hay Thác Mơ hùng vĩ, ngày đêm tung bọt trắng xóa, đổ xuống từng bậc đá giữa cánh rừng nguyên sinh...
Hay nét hoang sơ, kỳ vĩ của núi rừng ....
Giữa núi rừng Tây Nguyên, bạn còn có thể bắt gặp một Chư Đăng Ya quyến rũ với những mảng màu rất riêng biệt, trong lành và tươi mát đến lạ lùng! Nào là bát ngát sắc xanh của những thửa ruộng khoai khi mùa mưa đến, sắc vàng rực của hàng nghìn bông hoa dã quỳ nở rộ. Cánh đồng chè xanh ngút mắt cùng những đóa hoa muồng rực vàng như nắng ẩn hiện giữa màn sương mỏng, mờ ảo ... trong buổi sáng tinh mơ sẽ cực kì mơn mơn!! Thật tiếc lắm nếu như mùa thu này bạn lại lỡ hẹn với đồi chè ..
Bên cạnh đó, thì nền văn hóa vùng cao chắc chắn sẽ làm cho bạn say lòng với hàng loạt các điệu múa mang đậm chất nghệ thuật dân gian. Vùng đất Gia Lai thật ra còn có nhiều dân tộc khác nhau sinh sống, vì thế ẩm thực nơi này cũng mang nét văn hoá đa dạng của các dân. Đặc biệt nhất có thể kể đến là món gà tộc, cơm ống lam và rượu cần. Và bên cạnh cái không khí se lạnh, ăn gà tộc chấm cùng muối lá é, có vị thơm và cay nồng cùng rượu cần thì còn gì bằng nữa nhỉ? Ngoài ra, đừng quên thưởng thức rượu cần và các món ăn dân dã như gà nướng, cơm nướng, ống tre...
Bởi không chỉ Đà Lạt, các tỉnh thành khác ở khu vực Tây Nguyên cũng có nhiều nét độc đáo mà chúng ta chưa khám phá hết đâu. Nếu đang phân vân không biết đi đâu, hãy thử ghé qua Gia Lai, nơi có “đôi mắt Pleiku Biển Hồ đầy” trên đây nhé!