Với những ai yêu thích đất nước Nauy như mình thì chắc hẳn cũng đã từng nghe, hoặc nhìn thấy đâu đó trên mạng những bức ảnh tuyệt đẹp về một khối đá khổng lồ nhô ra khỏi vách núi dựng đứng cùng một khung cảnh thiên nhiên vô cùng rộng lớn và hùng vĩ xung quanh. Mỏm đá nổi tiếng đó chính là Trolltunga.
Trolltunga trong tiếng Nauy được hiểu theo nghĩa là "lưỡi của quỷ" (tiếng anh : troll tongue), là một khối đá phẳng nhô ra từ một vách núi thẳng đứng ở độ cao khoảng 1100m so với mực nước biển. "Lưỡi quỷ" Trolltunga là một địa điểm hiking vô cùng nổi tiếng ở Nauy bởi vẻ đẹp ngoạn mục của nó. Hàng năm, nơi này thu hút rất nhiều du khách yêu thích thiên nhiên và muốn thử sức khỏe và độ dẻo dai của mình, vì để đến được "lưỡi quỷ" không hề dễ dàng.
Nguồn gốc của cái tên Trolltunga này cũng rất thú vị. Theo một truyền thuyết vui, có một con quỷ khổng lồ không tin rằng nó sẽ bị biến thành đá khi bị ánh sáng mặt trời chiếu vào. Vì thế, nó đã lè lưỡi ra cười nhạo và chế giễu điều đó trong lúc chờ mặt trời xuất hiện. Và, cái trò đùa "troll" đó đã biến nó thành đá với một cái lưỡi "tunga" thè ra ngoài giống như mỏm đá Trolltunga ngày nay.
Chuyến hiking tới Trolltunga lần đầu tiên đầy thử thách này đã giúp mình đúc kết được một vài kinh nghiệm hữu ích và vì thế mình muốn chia sẻ những kinh nghiệm đó cho những ai yêu thích và muốn được một lần đặt chân tới "lưỡi quỷ" Trolltunga giống như mình ?.
1. Ở đâu khi tới Trolltunga?
Trolltunga nằm ở phía Tây Nam, cách 2 thành phố lớn và gần nhất của Nauy là Bergen (133km) và Stavanger (192km). Để tới được Trolltunga một cách nhanh và ngắn nhất thì bạn nên bay tới 1 trong 2 thành phố này trước, sau đó mới có thể bắt đầu hành trình tới "lưỡi quỷ".
Mình thì chọn bay tới Bergen. Vì là thành phố lớn thứ 2 của Nauy nên có nhiều chuyến bay với giá tương đối rẻ tới đây và thành phố này cũng là nơi để tới Trolltunga một cách dễ nhất.
Từ 2 thành phố Bergen và Stavanger, bạn phải đi tới thị trấn Odda hoặc Tyssedal, là 2 thị trấn gần với Trolltunga nhất, là nơi bạn sẽ nghỉ ngơi và là điểm dừng chân để bạn chuẩn bị cho chuyến leo núi của mình.
Lời khuyên của mình là nên chọn ở tại Odda vì thị trấn này lớn hơn, có nhiều chỗ nghỉ và nhiều dịch vụ hơn.
Đối với hành trình tới Trolltunga bạn nên dành ra ít nhất là 4 ngày vì thời gian di chuyển tới đây tốn khá nhiều thời gian.
Bạn có thể tham khảo và đi theo lịch trình như dưới đây của mình nếu thấy phù hợp:
Ngày 1: Mình bay tới Bergen vào buổi sáng, buổi chiều mình dành thời gian để khám phá thành phố này.
Ngày 2: Mình bắt bus lúc 11h55 từ Bergen tới Odda. Tới Odda là khoảng 15h, mình tranh thủ đi loanh quanh thị trấn thăm thú và chuẩn bị đồ đạc cho ngày hôm sau leo Trolltunga.
Ngày 3: Leo Trolltunga
Ngày 4: Quay lại Bergen và ra sân bay
2. Thời điểm để tới Trolltunga
Thời điểm lý tưởng nhất để leo Trolltunga là từ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm. Những tháng này tuyết trên núi đã tan gần hết, đường đỡ trơn trượt và dễ đi hơn nên bạn có thể tự leo mà không cần đến hướng dẫn viên chuyên nghiệp. Thêm nữa, đây là những tháng mùa hè ở Nauy nên ban ngày kéo dài hơn, giúp bạn không bị gò bó về vấn đề thời gian.
Từ tháng 10 đến tháng 5 là thời điểm nên hạn chế tới Trolltunga, vì đây là những tháng mùa đông ở Nauy, thời tiết có phần khắc nghiệt cho việc leo núi. Những tháng này tuyết bắt đầu phủ kín khiến đường đi trơn trượt rất nguy hiểm. Càng lên cao nhiệt độ càng giảm mạnh sẽ khiến cơ thể bạn không kịp thích nghi và mất sức khá nhiều.
Hơn nữa, vì là mùa đông nên ngày ngắn và trời sẽ tối rất nhanh (thời gian ban ngày chỉ khoảng từ 9h đến 16h) khiến bạn có thể bị lạc đường nếu như không kịp xuống núi trước khi mặt trời lặn. Vì vậy, nếu đi trong những tháng mùa đông này bạn bắt buộc phải thuê người hướng dẫn địa phương để đảm bảo an toàn cho hành trình leo núi của mình. (Bạn có thể vào trang này https://www.visitnorway.com/ để tìm hiều thêm thông tin).
3. Leo Trolltunga mất bao lâu
Quãng đường tổng cộng tính từ điểm xuất phát đầu tiên dưới chân núi (parking P2) tới “lưỡi quỷ” Trolltunga là khoảng 14km (28km cho 2 chiều đi và về). Trong đó khoảng 3km đầu tiên có lẽ là quãng đường tốn nhiều sức lực nhất khi độ cao tăng nhanh chóng từ 0 đến 800m.
Thời gian trung bình cả đi và về cho hành trình tới Trolltunga kéo dài khoảng 8h-10h (từ 11h-12h với những người leo chậm), tính cả thời gian an uống và nghỉ ngơi. Với mình thì lúc leo lên mình mất khoảng 6h còn chiều xuống chỉ mất khoảng hơn 4h.
Để tiến độ cũng như thời gian leo núi được đảm bảo nhất thì mình khuyên bạn nên bắt đầu khởi hành không muộn quá 8h sáng.
4. Tới Trolltunga bằng phương tiện gì
Như đã nói ở trên, để leo Trolltunga bạn phải bay tới 2 thành phố Bergen hoặc Stavanger sau đó di chuyển tiếp đến thị trấn Odda hoặc Tyssedal.
Ở đây, mình sẽ chia sẻ kinh nghiệm hành trình của mình là Bergen – Odda – Trolltunga.
Từ Bergen bạn có thể thuê xe tự lái hoặc đi bus để tới thị trấn Odda. Mỗi hình thức di chuyển lại có ưu và nhược điểm riêng. Nếu thuê xe tự lái thì bạn có thể chủ động về thời gian nhưng lại đòi hỏi tay lái phải thật vững vì đường đi có khá nhiều khúc cua và một vài đoạn phải đi qua đèo. Còn nếu đi bus thì bạn có thể thoải mái nghỉ ngơi không phải bận tâm nhiều thứ, tuy nhiên tần suất các chuyến lại khá ít (3 chuyến/ngày) nên sẽ bị gò bó và không chủ động về mặt thời gian.
Từ bến bus trung tâm của Bergen (Bergen busstasjon) bạn tìm bus số 930 đi hướng Odda-Seljestad để tới thị trấn Odda (Odda busstasjon). Thời gian di chuyển là khoảng 3h, trong đó có khoảng 30’ đi phà, nhưng bạn vẫn ngồi trên xe.
Mỗi ngày bus 930 chỉ có 3 chuyến khởi hành từ Bergen đi Odda vào các giờ 8h55, 11h55 và 21h. Mình đã chọn khởi hành lúc 11h55 vì mình thấy đây là giờ đi hợp lý nhất trong 3 khung giờ (đối với mùa hè). Thời gian di chuyển giữa 2 điểm là khoảng 3h.
Giá vé 1 chiều là 324 NOK có thể mua trực tiếp trên xe và trả bằng tiền mặt.
Đối với chiều ngược lại Odda – Bergen thì tần suất chỉ có 2 chuyến/ngày vào lúc 05h31 và 17h31.
Lưu ý: để đi từ Bergen tới Odda và ngược lại không chỉ có bus số 930 mà còn có nhiều tuyến bus và những cách đi khác, tuy nhiên với những cách đi đó bạn phải chuyển phương tiện khá nhiều lần. Còn lộ trình của bus số 930 mình đã đi là đơn giản và nhanh nhất. Bạn có thể vào trang https://www.rome2rio.com/ để check tuyến đường đi phù hợp nhất với bạn.
5. Chuẩn bị gì cho chuyến đi tới Trolltunga
Chuyến đi tới “lưỡi quỷ” Trolltunga là một hành trình tương đối dài và gian nan đòi hỏi bạn phải chuẩn bị cho mình một nền tảng sức khỏe tốt và bền bỉ. Trước khi thực hiện hành trình này, mình khuyên bạn nên rèn luyện trước một vài bài tập thể dục như chạy bộ, nhảy dây,… để cơ thể lên dây cót và có đủ thể lực cho chuyến đi.
Một số vật dụng không thể thiếu:
- Giày leo núi: bạn sẽ phải đi qua nhiều loại địa hình khác nhau với sỏi đá, tuyết, đất bùn, … nên một đôi giày có đế trống trơn trượt và không thấm nước là vật dụng không thể thiếu.
- Áo khoác (không thấm nước): vì nhiệt độ và thời tiết thay đổi rất nhanh khi bạn lên tới các độ cao khác nhau nên việc luôn phải giữ ấm cho cơ thể là rất quan trọng. Nếu bạn đi vào mùa hè thì chỉ cần chuẩn bị một chiếc áo khoác mỏng, nhưng nếu đi vào mùa đông thì bạn cần một chiếc áo khoác thật dày đủ giữ ấm cho cơ thể.
- Balo nhỏ: bạn chỉ cần chuẩn bị một chiếc balo nhỏ đủ để đựng 1 chai nước, và một vài loại đồ ăn. Bạn nên hạn chế mang balo quá to không cần thiết vì nó chỉ khiến bạn mất thêm sức lực mà thôi.
- Đồ ăn và nước uống: bạn nên mang theo một ít đồ ăn vừa đủ cho chuyến đi và một chai nước (khoảng 1L). Đừng nên mang theo chai nước quá to vì nó không cần thiết và chỉ làm balo bạn nặng thêm. Trên đường đi có rất nhiều suối, nước ở các con suối này rất trong và mát nên bạn có thể hứng và uống được.
- Quần áo thoáng mát: vì phải leo bộ cả ngày, bạn nên mặc những bộ quần áo thoáng mát, dễ vận động.
- Thiết bị chụp ảnh: theo quan điểm của mình thì chỉ với 1 chiếc điện thoại sẽ không thể cho bạn những bức ảnh đẹp và sắc nét những khung cảnh tuyệt đẹp trên đường đi tới Trolltunga. Bạn nên chuẩn bị một chiếc máy ảnh KTS, hay DSLR hoặc thậm chí flycam với ống kính zoom để có được những bức hình đẹp nhất.
Những vật dụng có thể cần thiết (hoặc không) khác:
- Gậy leo núi: tuy hơi vướng víu chút xíu nhưng nó sẽ là cứu tinh cho đầu gối của bạn đấy?
- Mũ (nón): càng lên cao nhiệt độ càng giảm và có thể có mưa nên 1 chiếc mũ sẽ có tác dụng lúc này
- Bộ sơ cứu: một vài miếng gạc hay băng dán vết thương sẽ rất cần thiết nếu như bạn bị xước xát chân tay trên đường đi
- Giấy ăn, giấy vệ sinh: chỉ nên chuẩn bị 1 ít cho những lúc cần thiết
- Găng tay, khan quàng cổ, mũ len, đèn pin : những vật dụng này chỉ cần thiết khi bạn đi vào mùa đông, nhiệt độ thấp và trời tối nhanh
6. Hành trình tới “lưỡi quỷ” Trolltunga như thế nào
Từ thị trấn Odda bạn bắt shuttle bus để tới parking Skjeggedal (P2) – là bến cuối cũng như là điểm xuất phát để bắt đầu leo núi. Mỗi ngày shuttle bus này chỉ xuất phát vào 2 khung giờ là 06h10 và 07h20, nếu bạn bỏ lỡ 2 chuyến bus này thì sẽ phải đi taxi. Giá vé 1 chiều là 150 NOK (1 NOK ≈ 2 530 VNĐ) và bạn có thể mua trực tiếp trên bus.
Lời khuyên của mình là bạn nên ra bến bus trung tâm Odda sớm nhất có thể để xếp hàng lên bus. Lý do là bởi chỉ có 2 chuyến 1 ngày nên số lượng người dồn tới rất đông, nếu như bus đã quá đầy mà bạn lại đứng chờ ở những bến sau đó thì khả năng cao sẽ bị tài xế bỏ qua.
Mình đã bị bỏ rơi như thế chuyến bus lúc 06h10 do đứng chờ ở bến sau (bến Trolltunga studios), khi bus tới chỗ mình thì đã chật kín người nên bác tài xế cứ thế đi qua?.
Sẽ mất khoảng 45’ từ Odda để tới điểm xuất phát tại parking Skjeggedal. Tại đây có vài cửa hàng nhỏ để bạn có thể mua đồ ăn cho chuyến đi.
Từ parking dưới chân núi này bạn sẽ bắt đầu đi men theo con đường nhựa hình ziczac dài khoảng 3km để lên tới km0 – là cột mốc được tính là điểm xuất phát đầu tiên. Đoạn đường ziczac này sẽ là khởi đầu khiến bạn mất sức khá nhiều vì đường dốc và độ cao thay đổi nhanh từ 0 lên 800m chỉ trong 3km.
Nếu tới đây bằng xe ô tô thì bạn sẽ không phải leo bộ đoạn đường này. Xe có thể đi lên đoạn đường nhựa này để tới parking P3 (Magelitopp) và từ đây bắt đầu hành trình luôn từ km0.
Mình cá là bạn sẽ bị nhầm lẫm khi tìm thông tin về quãng đường để tới được Trolltunga. Bạn sẽ đọc được đâu đó con số là 22km hay 28km cho cả quãng đường đi và về. Thực tế thì 28km là đối với những người tới đây bằng bus và bắt đầu leo từ parking P2 dưới chân núi (3km đường nhựa ziczac và 11km đường núi), còn 22km là với những người tới bằng xe ô tô (chỉ phải leo 11km). Khi đã leo hết đoạn đường dốc hình ziczac (mình leo mất khoảng 1h30’) thì coi như bạn đã vượt qua được khó khăn đầu tiên?, vì đây là 1 trong những đoạn đường khiến bạn mất sức nhiều.
Sau đó, từ km0 lên tới khoảng km2 đường chủ yếu là sỏi đá và bùn đất, nhưng lại khá bằng phẳng và tương đối dễ đi.
Từ km2 tới km4 có lẽ là thử thách thứ 2 của bạn khi độ cao bắt đầu tăng, đường dốc, địa hình chủ yếu là sỏi đá trơn trượt nên khá khó đi và dễ gây mất sức. Ở đoạn đường này độ cao thay đổi nhanh nên nhiệt độ cũng bắt đầu giảm dần, một số chỗ tuyết vẫn còn chưa tan mặc dù mình đi vào mùa hè.
Từ km4 đến km6 độ cao lại bắt đầu giảm nhẹ, đường vẫn là sỏi đá lẫn đất bùn khá khó đi. Đoạn này có một vài suối nhỏ chảy qua nên một số chỗ đường ướt và hơi trơn.
Từ km6 đến km9, những đoạn đầu đường khá bằng phẳng, có sỏi đá nhưng dễ đi. Càng về sau độ cao lại tăng lên, đường hẹp và dốc hơn, chủ yếu là đất đá. Ở đoạn đường này thời tiết bắt đầu thay đổi trông thấy, lạnh hơn và lác đác có sương mù. Đây cũng là đoạn đường cho bạn nhiều khung cảnh đẹp nhìn xuống sông Ringedalsvatnet phía bên dưới.
Từ km9 tới km11 (Trolltunga) đường đi chủ yếu là những khối đá tảng lớn, gồ ghề nhưng không quá khó đi. Thời tiết ở đoạn này cũng thay đổi nhanh chóng và khá lạnh. Lúc mình vừa tới đây trời còn có nắng nhưng chỉ khoảng 10’ sau đã có mây đen và sương mù kéo tới.
Nếu leo tới “lưỡi quỷ” Trolltunga vào khoảng 12h-13h, bạn nên nhanh chân xếp hàng để ra mỏm đá chụp ảnh vì khoảng thời gian này cũng là lúc đông người tập trung tới đây nhất. Mình đã phải xếp hàng 45’ mới tới lượt để ra chụp ảnh.
Lưu ý quan trọng khi bạn đi lại và chụp ảnh ở Trolltunga:
- Bạn nên đi lại thật cẩn thận và không nên tới quá gần các mỏm đá vì xung quanh hoàn toàn là những vách đá thẳng đứng và vực sâu.
- Không có bất cứ hàng rào nào ở đây nên nguy cơ xảy ra những điều không mong muốn rất dễ xảy ra. Vì thế, bạn nên tìm một chỗ đứng cố định để chụp ảnh, tránh việc vừa di chuyển vừa chụp ảnh sẽ rất nguy hiểm.
7. Một vài lưu ý cho chuyến đi
- Trên đường leo Trolltunga sẽ không có người chỉ dẫn mà chỉ có những bảng mũi tên chỉ đường có ghi khoảng cách còn lại tới “lưỡi quỷ”. Cứ mỗi km lại có một mũi tên chỉ đường như vậy tương ứng từ 11km lùi dần về 1km. Kinh nghiệm của mình là cứ đi theo đoàn người phía trước và không đi lang thang tới chỗ không có người để tránh trường hợp bị lạc đường.
- Bạn nên căn chỉnh thời gian cho cả hành trình một cách hợp lý, không nên giành thời gian quá lâu tại một chỗ. Nên bắt đầu hành trình không muộn quá 8h sáng và xuống tới chân núi trước khi mặt trời lặn.
- Nghiêm cấm xả rác trên đường đi: sẽ không có người dọn rác cho bạn ở đây, vì vậy, những loại hộp hay vỏ đựng đồ ăn sau khi dùng xong nên được cho vào túi bóng và để trong balo, khi xuống tới chân núi sẽ có thùng rác cho bạn vứt chúng.
- Đi vệ sinh: nhà vệ sinh chỉ được lắp đặt ở parking dưới chân núi, vì thế bạn nên “xả” hết trước khi bắt đầu cuộc hành trình?. Suốt dọc đường đi sẽ không có bất cứ 1 nhà vệ sinh nào, nếu bắt buộc cần phải “giải quyêt” thì bạn nên tới những chỗ xa lối đi và xa các nguồn nước.
- Dọc trên đường đi thỉnh thoảng bạn sẽ thấy có một vài chòi gỗ, những chòi gỗ này không phải nhà vệ sinh mà là nơi để sơ cứu những người gặp tại nạn trên đường đi.
https://www.instagram.com/_nguyen__hieu_/
Norway (Nauy)Norway (Nauy)
Hãy mạnh dạn Viết blog chia sẻ trải nghiệm về chuyến đi, chia sẻ những hình ảnh được ghi lại trên những chặng hành trình. Đơn giản và dễ dàng nhưng lại giúp cho rất nhiều người sắp đi du lịch.
Hình ảnh những đoàn người cưỡi lạc đà đi trên sa mạc mênh mông chắc chắn là lý do thôi thúc bạn được một lần đặt chân tới đất nước Maroc.
Các tours đi sa mạc Sahara thường khởi hành từ 2 thành phố Marrakech và Fès, các tours này cũng rất đa dạng từ số ngày đi (3 ngày, 5 ngày, 1 tuần…) cho tới chất lượng dịch vụ của tour.
Đặt chân tới Dubai vào một ngày đầu tháng 9, cái tâm trạng háo hức lúc này đã hoàn toàn lấn át mọi cảm giác mệt mỏi của tôi sau một chuyến bay dài.
Không vui sao được khi mà đây là chuyến đi tôi đã ấp ủ bấy lâu, chuyến đi đầu tiên tới thế giới Hồi giáo.
Là một bán đảo nhỏ nhô ra phía Đông Bắc của bán đảo Ả Rập, Qatar được biết đến như một trong những quốc gia giàu có và nổi tiếng của thế giới Ả Rập.
Những năm gần đây, quốc gia này đang dần trở thành một điểm đến du lịch mới vô cùng hấp dẫn ở vùng Vịnh và dần sánh ngang với Dubai, Abu Dhabi của UAE.
Để có thể xin visa transit 96H bạn bắt buộc phải đặt vé của hãng hàng không Emirates (transit ở Dubai) vì hãng hàng không này hỗ trợ cho khách hàng của họ làm loại visa này (bạn cũng có thể làm visa transit 96H thông qua hãng hàng không Etihad Airways transit tại Abu Dhabi).
Du lịch theo kiểu stopover là hình thức du lịch ngắn ngày, tận dụng khoảng thời gian khi bạn phải transit tại một quốc gia nào đó để chờ chuyến bay tiếp theo. Thay vì phải mệt mỏi chờ đợi ở sân bay thì bạn có thể tận dụng khoảng thời gian đó để khám phá thành phố nơi bạn transit.