Nha Trang có thêm một loại hình thể thao mới dành cho các du khách có niềm đam mê với cảm giác mạnh đó chính là môn dù lượn. Hãy cùng An Nam Tour khám phá loại hình thể thao mới này nhé.
Dù lượn là gì?
Dù lượn là hình thức bay tự do, cất cánh bằng chân. Phi công ngồi vào một ghế ngồi được may bằng những dây đai bền chắc (đai ngồi) bên dưới một cánh dù làm bằng vải, được bơm căng đầy không khí để giữ hình dáng khí động học nhờ vào áp lực không khí khi dù di chuyển tràn vào các "xoang dù".
Trang thiết bị khi tham gia môn dù lượn
Vòm dù
Cánh dù lượn (hay vòm dù, cánh dù), là một hệ thống có thể tự bơm không khí vì được thiết kế thành những xoang dù may bằng vải mỏng tạo thành. Phi công nâng dù bằng cách kéo nhóm dây liên kết với cửa của các xoang dù. Các dây này lại liên kết với các đai nhỏ rồi nối vào móc dù và nối vào đai ngồi.
Khi điều khiển, phi công dùng tay kéo phần thành thoái (phần phía sau của dù) bằng một sợi dây được gọi là dây phanh (dây thắng) làm dù chuyển hướng hay tăng giảm tốc độ.
Phi công được cài vào đai ngồi, cũng là một chiếc ghế có gắn dù dự phòng. Trên đai ghế ngồi có gắn một hệ thống cho phép tăng tốc thêm so với tốc độ trung bình của dù gọi là thanh tăng tốc. Các đai ngồi ngày nay thường có những miếng xốp hay những đệm khí để giảm chấn động cho phi công khi đáp mạnh.
Cánh dù lượn thường có diện tích khoảng 25 -35m2, dù đôi có diện tích gần gấp đôi so với dù đơn, sải cánh từ 8 – 12m, nặng từ 3 – 7kg. Một bộ thiết bị dù bao gồm: dù, đai ngồi, dù dự phòng, các thiết bị điện tử, nón bảo hiểm, tất cả nặng khoảng 12 – 18 kg.
Máy đo độ leo - độ cao
Máy đo độ leo cũng là máy tích hợp máy đo độ cao, luôn hiển thị cho phi công biết tốc độ leo của dù trong mỗi giây (- khi bay xuống, + khi bay lên). Đồng thời hiển thị độ cao, và có thể chọn hiển thị độ cao so với mặt đất hay độ cao so với mực nước biển. Công dụng chính của máy đo độ leo là giúp phi công tìm ra và duy trì đường bay luôn nằm trong cột khí nóng hay khu vực tạo lực nâng rồi điều khiển dù để đạt độ cao như mong muốn.
Máy bộ đàm, liên lạc vô tuyến - Radio
là máy liên lạc vô tuyến dùng để liên lạc giữa phi công và phi công, phi công và mặt đất... Việc liên lạc này rất quan trọng trong khi huấn luyện, và hữu ích trong việc liên lạc giữa các phi công trong quá trình bay, họ có thể trao đổi về tình huống thời tiết, các sự cố, cảnh báo, và những báo cáo về lộ trình bay, điểm đáp.
Máy định vị toàn cầu – GPS
Là thiết bị rất cần thiết cho những phi công bay khoảng cách xa. Máy giúp phi công ghi lại bằng các vector đồ họa toàn bộ đường bay nhằm dẫn đường hay ghi lại các điểm nút địa danh (waypoint) mà dù bay qua. Sau khi kết thúc chuyến bay, phi công có thể xem lại đường bay và cả những thông số liên quan đến đường bay đó như tốc độ (tốc độ mặt đất), độ cao, ngày giờ… phi công sẽ rút tỉa được những kinh nghiệm và khả năng của mình. Việc lưu lại bản đồ bay này có thể được thực hiện trên máy tính với nhiều máy GPS khác nhau, Ban Giám khảo của các giải đấu cũng qua đó có thể chấm giải một cách khách quan hơn. Phi công cũng có thể tải vào máy những nơi không được phép bay qua như khu quân sự, khu vực dân cư, nhiều dây điện cao thế hay đánh dấu những nơi được ban giám khảo quy định phải bay qua, hay đường bay yêu cầu đối với những phi công không thông thuộc địa hình mới.
Tỉ số lượn
e ratio - là độ lượn xa tối đa khi dù ở 1 đơn vị chiều cao) cho dù thông thường là 6:1 (bay xa 6 km nếu bay từ độ cao 1 km), và khoảng 10:1 cho các loại dù lượn cho phi công chuyên nghiệp hay các đấu thủ đẳng cấp cao (trong khi đó diều lượn là 15:1 và tàu lượn là 60:1). Tốc độ tối thiểu có thể mất lực năng (triệt nâng) của dù lượn là 20 km/giờ tốc độ tối đa có thể đạt tới 65km/giờ (tốc độ dòng không khí qua dù).
Điểm bay
Điểm bay này nằm ở ranh giới xã Giang Ly và Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa, cách TP Nha Trang khoảng 50km (tính từ bãi hạ), 1h lái xe. Các phi công đa số thường nghỉ đêm lại TP Nha Trang, và ban ngày thuê xe trọn gói để đi đến điểm bay. Ngoài ra bạn cũng có thể nghỉ đêm tại thị trấn Khánh Vĩnh, cách điểm bay khoảng 10km hoặc ngay tại điểm tập kết: quán Chân Đèo. Tuy nhiên, rất ít phi công chọn phương án này vì "tối chả biết làm gì".
Đường lên bãi cất cánh 100% là đường nhựa, Quốc lộ rất dễ đi cho tất cả các loại phương tiện. Tuy nhiên đánh đổi lấy độ dốc dễ chịu này là quãng đường dài, đến hơn 12km tính từ quán Chân Đèo đến điểm cất cánh, mất khoảng 30 phút.
Từ điểm gần đường QL nhất (đường cứu hộ gần chòi canh lửa), các phi công phải di chuyển bằng cơm thêm khoảng 5 phút nữa để lên đến điểm cất cánh. Đoạn leo bộ này khá dễ đi, độ dốc trung bình, và leo cao khoảng 25m.
Khi cần, bạn có thể đi xe ôm lên đỉnh với giá chung là 100k/lượt (bao gồm dịch vụ porter lên tận bãi).
Quá trình huấn luyện dù lượn trải qua như thế nào?
Dĩ nhiên không ai sẽ đồng ý cho một người chơi mới hoàn toàn bay trên trời ngay lập tức. Thay vào đó, học viên sẽ tập luyện các kỹ năng và kiến thức trong các môi trường tăng dần độ khó, theo thứ tự như sau:
Tập kiểm soát dù trên mặt đất phẳng
Khi đã tập kiểm soát được dù thì chúng ta sẽ tập "cất cánh", "hạ cánh", bay tầm thấp trên môi trường đồi thấp . Khi đạt kỹ năng trên, tập huấn bay cao trên điểm bay thật, trong môi trường thời tiết không phức tạp
Sau đó, dần dần, học viên sẽ tập tiếp các kỹ thuật khó hơn nữa trên trời ... như: tăng thời gian bay, tăng độ cao bay, và tăng quãng đường bay. Quá trình này sẽ mất nhiều năm tập luyện. Đó cũng là một điểm hấp dẫn của môn dù lượn, mục tiêu không bao giới là giới hạn, luôn có những mục tiêu cao hơn, xa hơn để phấn đấu.
Chơi dù lượn có sợ không?
Có chứ! Bay lơ lửng hàng trăm hàng ngàn mét trên mặt đất, treo mình trên một mảnh "vải" và các sợi dây mỏng tang ...
Ấy thế nên việc vượt qua nỗi sợ này mới sung sướng thế nào. Dần dần, bạn sẽ nhận ra ... "nỗi sợ" và "sự nguy hiểm" là hai khái niệm khác hoàn toàn nhau. Con người chúng ta đôi khi sợ nhưng điều rất vô lý.... như sợ ma chẳng hạn ... Độ cao cũng là một trong những nỗi sợ "vô lý" trong môn dù lượn. Khi bay, thực ra càng cao bạn càng an toàn.
Pháp lý và thông báo bay
Khánh Vĩnh là một điểm bay tuyệt vời, mất nhiều công sức thế hệ đi trước mới khai phá và tạo dựng được nền tảng pháp lý để bay hợp pháp ở đây. Xin đừng phá hỏng nó. Thủ tục làm thông báo bay ở KV (khi quen rồi sẽ thấy nó rất đơn giản) như sau:
Liên hệ CLB dù lượn Nha Trang, gửi danh sách phi công (cùng ngày sinh, CMT), thời gian dự kiến bay. CLB Nha Trang sẽ gửi bạn một bộ hồ sơ, giấy trắng dấu đỏ, trong đó có thông báo bay và bản sao giấy phép bay. Hãy đảm bảo là bạn cầm trong tay tập hard copy này (format điện tử không được chấp nhận).
Khi đến Nha Trang, lần lượt "rải truyền đơn" cho đầy đủ các đơn vị: Tỉnh đội (TP Nha Trang), Huyện đội (thị trần Khánh Vĩnh), CA huyện (thị trấn Khánh Vĩnh), UBND xã Sơn Thái (có thể gửi nhờ quán Chân đèo)
Một khi đã gửi đầy đủ thông báo bay như trên rồi, gần như không bao giờ các đơn vị chức năng sẽ "làm phiền bạn", kể cả trong mọi phạm vi có thể đạt được ở điểm bay này.
Mẹo bay
Còn rất nhiều mẹo nhỏ nữa được chú giải chi tiết vào bản đồ bên dưới . Tháng bay tốt nhất ở Khánh Vĩnh là 2 - 5. Một chỉ số khá tốt về chất lượng điều kiện đó là cảnh vật cây cối có "xanh" không. Đương nhiên là càng ít xanh càng tốt. Nếu bay ở đây hàng tháng, bạn sẽ thấy tháng 4 là tháng cây cỏ thiên nhiên rất héo húa hoang tàn. Trong con mắt của phi công thì đây lại là cảnh tượng tuyệt đẹp, vì nó có nghĩa là khí hậu rất khô, ít rủi ro OD và mặt đất hấp thụ được nhiều nhiệt hơn. Vì dãy núi chính hướng thẳng ra Đông, Nha Trang lại không quá xa xích đạo; do vậy khung giờ thermal hoạt động mạnh nhất là gần trưa. Thông thường, chúng tôi sẽ lên bãi cất cánh và quan sát chim/ mây/ gió vào những tháng tốt nhất, 11h đã thấy dấu hiệu thermal nhiều tung trời.
Thung lũng Khánh Vĩnh khá khuất, gần như rất ít thấy có gió meteo ở điểm cất cánh, mà hầu như gió ở đây là gió địa phương do hoạt động thermal tạo thành. Khi cất cánh, việc đón phương tiện là rất quan trọng. Nó sẽ giúp bạn ngay lập tức lấy được độ cao mà không cần cực nhọc bắt các low-save khoai hơn ở dưới. Vào những ngày tốt, các cycle rất dày, sát nhau.
Điểm cất cánh chính là một trigger thermal rất ổn định, rất tự tin và truyền cảm hứng. Khi cất cánh ra, bạn phải chạy về hướng BĐB (do phía Nam bãi có chướng ngại vật) ...nhưng sẵn sàng khép góc rẽ phải ngay lập tức. Chần chừ trong bước này, hay quá mải mê "vào đai", bạn sẽ bay ra khỏi khu vực trigger tuyệt vời này.
Nếu chẳng may lỡ thermal tủ ở điểm cất cánh, cố gắng bay trên các sống núi hướng về Đông (hướng bãi hạ). Thường bạn sẽ gặp các thermal khác đủ mạnh để đưa bạn trở lại cuộc chơi. Chi tiết xin xem bản đồ ở dưới.
Có rất nhiều bãi hạ ở khu vực Khánh Vĩnh nhưng 2 bãi được sử dụng nhiều nhất là khu tái định cư Giang Ly (dành cho các ngày không tốt hoặc cho các phi công mới) và bãi cỏ Bờ Suối sau quán Chân Đèo (dành cho các phi công kinh nghiệm hơn). Chi tiết xin xem ở bản đồ.
Nếu lên 1400 trở lên ở điểm cất cánh, việc bắt đầu các chuyến mini XC là trở nên khả thi. 1400 là độ cao vừa đủ để vượt các canyon sang đến sống núi tiếp theo để bắt tiếp thermal.
Có nhiều lời đồn thổi về tuyến Khánh Vĩnh - Nha Trang huyền thoại, nhưng nó vẫn là huyền thoại vì gió ở cửa thung lũng khá mạnh, lao thẳng vào đây là rất bất khả thi. Nhiều phi công đã thử và bất thành. Tuyến proven hơn là dọc theo dãy núi.
Đăng ký tham gia: Liên hệ câu lạc bộ Nha Trang Paragliding Club hoặc 0909163238 (Anh Thành)
Môn thể thao này thật thú vị phải không nào, nếu đến Nha Trang thì đừng bỏ qua môn dù lượn nhé. Hy vọng với những chia sẻ của An Nam Tour các bạn có thêm được nhiều thông tin bổ ích giúp chuyến bay thêm phần trọn vẹn. Chúc bạn có một kỳ nghỉ thật tuyệt với nhé.