Một trong những món ngon vang bóng một thời của Sài Gòn là cơm thố, có mặt ở Sài Gòn - Chợ Lớn từ hàng trăm năm trước. Trôi theo dòng chảy thời gian, món cơm này tưởng đã đi vào dĩ vãng. Nhưng thật may mắn khi một vài quán ăn lâu đời vẫn còn lưu giữ cách nấu cơm độc đáo này.
Nhắc đến cơm thố Sài Gòn, nhiều người thường liên tưởng đến khu chợ Cũ lừng lẫy một thời. Rất nhiều món ngon ở khu vực chợ trên đường Tôn Thất Đạm (quận 01) đã hằn sâu trong ký ức của người Sài Gòn như hủ tiếu cá, cháo cá (mà học giả Vương Hồng Sển từng nhắc đến trong đoạn mở đầu của tác phẩm "Sài Gòn Năm Xưa", 1960, nay tiệm này đã không còn nữa), cơm thố, hủ tiếu, bánh mì xíu mại… Xin nói thêm một chút về lịch sử của chợ Cũ.
Theo nhiều tài liệu thì từ đầu thế kỷ thứ 17, khi người Việt đến lập cư ở vùng đất phương Nam, thì Sài Gòn cũng trở thành nơi phố chợ đông đúc, náo nhiệt nhất Nam kỳ. Ở khu vực dọc bờ sông Bến Nghé, cạnh thành Quy đã hình thành một khu chợ nhỏ, nhưng buôn bán rất sầm uất.
Bây giờ, chỉ còn duy nhất một tiệm cơm thố ở chợ Cũ là Chuyên Ký nằm ở số nhà 67 Tôn Thất Đạm, ẩn sau những dãy kiosk nên đi ngang qua rất khó nhận biết. Chị Chừng Thúy Thúy, chủ tiệm bây giờ cho biết mình kế nghiệp bà ngoại là Lý Chuyên, người gốc Quảng Đông, bán cơm thố nổi tiếng một thời. Tiệm có từ những năm 1950s, đến nay đã hơn 60 năm tồn tại, là điểm hẹn quen thuộc của nhiều thực khách Sài Gòn.
Món cơm thố ở Sài Gòn là do người Hoa gốc Quảng Đông đem đến, phát âm là “chung phàn” (chung là cái thố, phàn là cơm). Chung là cái thố, phàn là cơm. Cơm thố là làm chín gạo trong cái thố nhỏ bằng đất nung theo lối chưng cách thủy. Mỗi thố cơm tương đương gần một chén cơm nhỏ. Đây là cách nấu cơm cầu kỳ theo truyền thống của người Hoa.
Nhờ cách nấu độc đáo và cầu kỳ, cơm ăn dẻo và thơm. Độ nóng của cơm cũng giữ được lâu hơn. So với các quán cơm thố khác, những chiếc thố ở địa chỉ này được làm từ lò gốm mấy chục năm trước, với kiểu dáng xưa.
Hiện quán bán 3 loại cơm thố kèm đồ ăn: cơm thố thịt gà, cơm thố lạp xưởng, cơm thố bò, giá 60.000 đồng mỗi suất.
Ngoài ra, thực khách có thể gọi cơm trắng cùng các món ăn thêm. Thực đơn món ăn thêm của quán đa dạng: từ thịt bò xào các loại đến cật heo chiên, xào, dồi trường, cá, tôm, cua, mực, các món tiềm, canh... Nổi bật là gà tiềm thuốc bắc và sườn xào chua ngọt luôn được khách quen gọi. Đồ ăn thêm có giá trung bình 100.000 đồng một món, đủ cho 2 - 3 người dùng.
Theo hồi ức của một người Sài Gòn xưa về Chuyên Ký thì “một người vô tiệm mà "kiu" món "gà ác tiềm" với món "hầm vĩ”, cộng với 4 thố cơm thì tay này là... Hạ Hầu Đôn trong Tam Quốc diễn nghĩa. Cơm thố ở đây tuyệt chiêu giống như cơm gà thời phải vô Siu Siu trong Chợ An Đông vậy”.
Món gà ác tiềm thuốc Bắc ở đây có hương vị thơm ngon khác hẳn so với các quán người Hoa cũng bán món này. Bí quyết chính là cân bằng tỉ lệ các món thuốc Bắc cho vào chứ không dùng loại thuốc tiềm bán sẵn như thường thấy.
Sườn xào chua ngọt cũng là một món ngon phải thử. Theo chủ quán, phải luộc sườn cho mềm rồi mới lăn bột năng và chiên, sau đó mới là sốt chua ngọt. Vị chua, ngọt, mặn của món này rất cân đối nên ăn với cơm thố trắng quả là tuyệt đỉnh.
Nhưng độc đáo nhất phải nói đến món "hầm vĩ chưng hột vịt" hoặc "hầm vĩ chưng dấm đường". Tên nghe rất lạ, nhưng thực ra đây chính là món cá lù đù (hầm vĩ) trộn chung hột vịt rồi hấp hoặc chưng. Món này bắt cơm số một, ăn kèm với dĩa rau sống, dưa leo là nhất.
Mỗi ngày, quán bán từ 11h đến 14h và 17h đến 21h. Chủ quán cùng nhân viên phải đi chợ và chuẩn bị các nguyên vật liệu từ sớm. "Có nhiều lúc đang giờ cao điểm mà hết nguyên liệu thì phải lập tức ra chợ mua về để làm cho khách. Nhà hàng hay quán nhỏ không quan trọng, đồ ăn phải ngon thì khách mới quay lại", chủ quán chia sẻ.
Chuyên Ký
67 Tôn Thất Đạm, phường Bến Nghé, quận 1
Mở cửa: 11h trưa đến 10h tối
Giá: Cơm thố (3.000đ/thố), gà ác tiềm thuốc Bắc (50.000đ/phần), sườn xào chua ngọt (80.000đ/dĩa), hầm vĩ chưng hột vịt (60.000đ/phần)