Blog Dạo Chơi Ở London
cover

Dạo Chơi Ở London

avatar
Bien Nguyen dot Thứ 4, 30/09/2020
Theo dõi Gody.vn trên Google news
Tổng hợp một số điểm có thể thăm thú ở London, cho những người lần đầu tới đây :)
Luân Đôn, thủ đô Vương quốc Liên hiệp Anh, một trong những trung tâm tài chính lớn nhất thế giới, mang trong mình một bề dày lịch sử hàng nghìn năm, và sự đa dạng về văn hoá, nghệ thuật. Nói đến các xu hướng thời trang, âm nhạc, nghệ thuật mới, không thể nào bỏ qua Luân Đôn, bên cạnh những Paris, Milan hay New York… vốn đã quá nổi tiếng khắp nơi trên thế giới.
Nếu viếng thăm Luân Đôn với tư cách là một khách du lịch, có lẽ đứng giữa các lựa chọn nơi nào nên đi, nơi nào không nên, nơi nào cần được ưu tiên hơn và phù hợp với thời gian lưu trú luôn là vấn đề đau đầu. Thành phố này thực sự rất lớn.
Tuy nhiên, tuỳ vào sở thích mà mỗi người có thể tự lên kế hoạch cho mình khi có cơ hội đặt chân tới thành phố xinh đẹp này, nơi có khi chỉ xuất hiện trong những trang sách và màn hình tivi đối với rất nhiều người.

Big Ben và cung điện Wesminter
Biểu tượng của nước Anh, và cũng là biểu tượng của London luôn là điểm cần phải tới của bất cứ ai có dịp đặt chân tới đây. Big Ben, tháp chuông đồng hồ gần 160 tuổi nằm ở hướng Bắc của cung điện Wesminter, được xây dựng theo kiến trúc Victorian Gothic, có độ cao 96,3m, với 4 mặt đồng hồ nổi tiếng về độ chính xác. Mặc dù Big Ben là tên của quả chuông nặng 13 tấn treo bên trong, toà tháp này vẫn được hầu hết mọi người gọi bằng cái tên thân mật đó. Tháng 6 năm 2012, nhân dịp kỷ niệm 60 năm trị vì của nữ hoàng Elizabeth II, chính quyền London đã quyết định đổi tên tháp thành tháp Elizabeth. Tuy nhiên, với người dân Anh và đa số dân chúng khắp thế giới, cái tên Big Ben thật khó bị thay thế, vì họ đã dành cho nó một sự trìu mến và trân trọng trong suốt một thời gian dài.
Với những người học tiếng Anh từ thời “a book” “a ball” như tôi, thì Big Ben là tượng đài thật khó phai mờ trong ký ức, cũng là một biểu tượng của sự khát khao học hỏi một nền văn hóa văn minh nhân loại và ngôn ngữ mới.
Cung điện Wesminter (hay Toà nhà Nghị viện), nằm ngay sát Big Ben, bên bờ sông Thames thơ mộng và cầu Wesminter là một kiệt tác kiến trúc, được xây dựng cho vua, nhưng đã không có vị vua nào ở đó từ thế kỷ 16. Hầu hết thiết kế ban đầu đã bị hoả hoạn thiêu rụi năm 1834, rồi bị đánh bom trong thế chiến thứ II, phần cổ nhất còn lại của cung điện là Wesminter Hall được xây dựng năm 1097.
Cả Big Ben và cung điện Westminter đều không mở cửa cho khách du lịch. Thế nhưng, quần thể kiến trúc tuyệt vời này lại rất đẹp khi nhìn từ xa, khi đứng trên cầu Wesminter hoặc bờ đối diện, và đẹp nhất khi ngắm nhìn từ cầu Waterloo, nơi bạn có thể thu lại gần như toàn bộ khung cảnh của London vào một khung hình. Hãy tới khu vực này vào lúc chiều tà, khi thành phố bắt đầu lên đèn, chắc chắn bạn sẽ không muốn dời đi chút nào.
Big Ben nhìn từ các góc chụp khác nhau

Tower of London
Tower of London, một toà lâu đài cổ nằm bờ Bắc sông Thames, được xây dựng năm 1078, nhưng lại được sử dụng làm nhà tù từ năm 1100 tới 1952, mặc dù mục đích ban đầu của nó là nơi ở của Hoàng gia. White Tower (Toà Bạch Tháp) là toà tháp đầu tiên được xây dựng bởi William the Conqueror như là một nơi giam giữ tù binh và pháo đài ngăn chặn sự tấn công của địch từ phía sông Thames, cũng như bảo vệ bản thân ông từ những người Saxon thù địch.
Lâu đài này từng là nơi bỏ tù nhiều nhân vật nổi tiếng gồm Quý bà Jane Grey (Nữ hoàng Chín ngày), Guy Fawkes, the Princes in the Tower (hai Hoàng tử trong toà tháp – hai con trai của vua Edward IV bị chú của mình giam giữ khi vua cha qua đời năm 1483. Tuy nhiên một trong hai hoàng tử đã lên ngôi và trở thành vua Edward V.) Trong thế chiến thứ II, Rudolf Hess, trùm phát xít, phó tướng của Hitler cũng từng bị giam giữ ở toà tháp London này.
Toà Bạch Tháp giữ kỷ lục toà tháp cao nhất London cho tới năm 1310.
hình ảnh
London Tower
hình ảnh
Cung điện Buckingham
Nơi ở của Nữ hoàng Anh và Hoàng gia khi họ ở London. Hình dáng bên ngoài của Buckingham Palace không có gì đặc biệt, nhưng du khách thường thích ghé qua để xem đổi gác và diễu hành hàng ngày, một trong những nghi thức truyền thống của Hoàng gia Anh.
Cung điện được xây dựng năm 1703 cho Công tước Buckingham và được Vua George III mua lại năm 1761 để tặng cho Vương hậu Charlotte. Năm 1837, cung điện chính thức được sử dụng làm nơi ở cho Hoàng thất, ngay sau khi Nữ hoàng Victoria lên ngôi.
Cung điện được bao quanh bởi 3 công viên lớn, trong đó có công viên Hyde nổi tiếng. Có lẽ không cần phải vào thăm gia viên của Buckingham nếu bạn không có thời gian, bởi vì vào mùa hè, khách du lịch khá đông. Đi dạo xung quanh cung điện vẫn là lựa chọn tốt nhất, vì bạn có thể ngả lưng trên bãi cỏ hoặc ngồi nghỉ ở các băng ghế tại các công viên, trong khi vẫn ngắm nhìn được cung điện.
Bạn cũng có thể canh thời gian đổi gác tại cung điện nếu sắp xếp được thời gian.
hình ảnh
hình ảnh

Nhà thờ chính tòa Thánh Paul (Saint Paul Cathedral)
Nhà thờ thánh Paul thực sự đồ sộ, tọa lạc trên đồi Ludgate, nơi cao nhất London. Nhà thờ đầu tiên tại địa điểm này được xây dựng năm 604 thờ thánh Phao lô tông đồ, nhưng sau vụ đại hỏa hoạn năm 1666, tòa nhà mới hiện nay mới được dựng lại. Đây là nhà thờ lớn thứ hai Vương Quốc Anh, chỉ đứng sau nhà thờ chính tòa Liverpool.
Nếu đi ngang qua nhà thờ Thánh Paul vào giờ ăn trưa, mọi người sẽ thấy điểm thú vị của khu vực vườn và công viên nhỏ ngay sát nhà thờ. Rất nhiều công chức, chủ yếu là banker, ăn mặc chải chuốt bảnh bao ngồi trên ghế đá hoặc bãi cỏ ăn bữa trưa. Ai trông cũng vội vã, nhưng vẫn tranh thủ hứng chút ánh nắng mà chỉ có độ mấy chục ngày một năm ở xứ sở sương mù này.
hình ảnh
hình ảnh

Barbican
Nếu giả sử được đến Barbican cách đây khoảng hơn 50 năm về trước, chắc hẳn tôi đã nghĩ nơi này là một nơi xấu xí đến không tưởng, một khối bê tông lộn xộn nằm giữa lòng London cổ kính, nơi cái đẹp độc quyền thuộc về những khối kiến trúc hoa mỹ của Hoàng gia. Tổ hợp Barbican được xây dựng từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước tại khu vực bị đánh bom nặng nề trong thế chiến thứ II. Một thời, nơi này bị người dân London ghẻ lạnh vì vẻ thô kệch của nó, nhưng hiện tại, Barbican là nơi ở của giới nhà giàu, dân nghệ sĩ khá giả, vì chỉ có họ mới đủ khả năng mua một căn hộ ở đây.
Ghé thăm khu vực bảo tàng giới thiệu lịch sử của Barbican, tôi mới vỡ lẽ tại sao nó lại đặc biệt đến vậy. Cách đây nửa thế kỷ, những căn hộ ở đây đã có những tiện nghi tuyệt vời tạo sự thuận tiện cho người ở, những mẩu quảng cáo đen trắng trên truyền hình dường như đã phô bày được tất cả những mong muốn mà người dùng chờ đợi. Thế nhưng phải tới vài thập kỷ sau đó, khu tổ hợp này mới được xếp vào hàng những nơi đáng sống tại thủ đô đắt đỏ London.
Ngày nay, khi Barbican được mọi người yêu quý hơn vì giá trị kiến trúc và lịch sử, nó cũng được sử dụng như một trung tâm văn hoá nghệ thuật, với nhiều triển lãm thú vị diễn ra thường xuyên.

Tate Modern
Nếu là người yêu thích nghệ thuật, nhất là nghệ thuật đương đại, bạn không nên bỏ qua Tate Modern, nơi hội tụ đủ các thể loại tài năng nghệ thuật từ khắp nơi trên thế giới. Tại Tate Morden, các triển lãm nghệ thuật diễn ra thường xuyên, đa phần miễn phí vào cửa.
hình ảnh
hình ảnh

Các công viên công cộng
Những công viên công cộng ở London rộng và rậm rạp như những cánh rừng. Bạn có thể đi bộ cả ngày mà không hết một nửa công viên Hyde Park. Công viên cũng là nơi lý tưởng cho những người muốn chạy bộ khi du lịch ở đây. Người Anh có thú phơi nắng, vì thực tế ở đất nước này, nắng là cái gì đó vô cùng xa xỉ. Mùa hè là thời gian tuyệt vời nhất để làm điều này, và không gì bằng nằm dài trên bãi cỏ ở những công viên công cộng, đọc sách hay tán gẫu với bạn bè.
Một số ảnh chụp tại các công viên khác nhau ở London
Bảo tàng Anh Quốc – British Museum
Tôi thực sự choáng ngợp trước những gì bảo tàng Anh Quốc bày ra cho thế giới. Mặc dù nguồn gốc của rất nhiều hiện vật được đem về Anh trong suốt thời gian xâm chiếm thuộc địa, chúng ta vẫn không thể phủ nhận được sự đa dạng phong phú và nguồn thông tin khổng lồ mà British Museum đang gìn giữ cho nhân loại. Việc phân bố các khu vô cùng khoa học, cùng với thông tin dồi dào, chi tiết, và nhất là mở cửa miễn phí cho tất cả mọi người, khiến tôi yêu thích bảo tàng này hết thảy. Không có cảnh chờ đợi, xếp hàng dài trong cái nóng oi bức giống ở các bảo tàng ở châu Âu. Tôi đã từng chờ 2 tiếng đồng hồ để được vào cung điện Marseille, hơn 1 tiếng để được thăm Louvre, nên 5 phút qua cổng của Bristish Museum làm tôi cảm thấy nhẹ nhõm, tới mức quay lại đó mấy lần.
Mỗi lần qua Anh, đến London, tôi lại dành nửa ngày vào xem những khu tôi chưa đến được. Các nền văn minh trên toàn thế giới được hội tụ trong bảo tàng, từ hòn đá Rossetta nổi tiếng, văn minh Maya, Sumer, văn minh Lưỡng Hà,… tới văn hoá Trung Hoa và châu Á… đều được trưng bày khoa học và chi tiết. Tại bảo tàng này, những người thường xuyên cần tra cứu các thông tin về văn hoá, lịch sử các nền văn minh hay đơn thuần là muốn trau dồi thêm kiến thức về nhân loại có thể đăng ký thành viên theo năm và được tham gia vào rất nhiều hội thảo, triển lãm “exclusive” cũng như thư viện.
Nếu đến London và không ghé thăm British Museum thì là một thiếu sót vô cùng.

Bảo tàng lịch sử tự nhiên
Một nơi hấp dẫn với cả trẻ em và người lớn. Rộng rãi, vô cùng nhiều hình ảnh, mô hình của tất cả các loài vật trên thế giới. Gần như không có loài vật nào không được giới thiệu trong bảo tàng này. Không chỉ vậy, những mô hình robot cũng khá trực quan và thú vị, chẳng hạn như mô hình các loài khủng long có thể cử động và phát ra tiếng động.
Toà nhà được dùng làm bảo tàng tự nhiên có kiến trúc rất đẹp và tinh tế. Bãi cỏ khá rộng phía ngoài bảo tàng là nơi nằm thư giãn hoàn hảo sau khi kết thúc chuyến thăm.
The National Gallery
The National Gallery là một bảo tàng nghệ thuật vô cùng nổi tiếng của London, toạ lạc tại quảng trường Trafalgar, trung tâm thành phố. Bảo tàng bắt đầu hoạt động từ năm 1824, là nơi trưng bày của 2,300 bức tranh được vẽ trong giai đoạn từ giữa thế kỷ 13 đến năm 1900.
Toàn bộ các tác phẩm hội hoạ tại bảo tàng thuộc quyền sở hữu của chính phủ Anh và người dân, nên tất cả mọi người, kể cả du khách đều không phải trả phí vào tham quan. Năm 2019, The National Gallery lọt vào danh sách 7 bảo tàng nghệ thuật “cần phải xem” trên thế giới.
Với những người yêu thích hội hoạ và nghệ thuật nói chung, The National Gallery là nơi không thể bỏ qua. Còn với những du khách thích hội hoạ nhưng không am hiểu nhiều về nó như tôi, dành chút thời gian ngó nghiêng thôi cũng sẽ phải trầm trồ về tài năng của các nghệ sĩ thời xưa.

Camden Town
Một khu vực khá trẻ trung, sôi động với phong cách hipster ở trung tâm London là nơi thật khó để bỏ qua. Nằm dọc dòng kênh Regent, Camden Town rất nổi tiếng với khu chợ với hơn 1000 quầy bán đủ thứ bà rằn, từ thời trang, đồ chơi, đồ lưu niệm, sản phẩm âm nhạc…, tới ăn uống. Các chương trình âm nhạc đường phố, sự kiện văn hoá… diễn ra khá thường xuyên ở khu vực này, biến Camden Town thành một trong những nơi vui chơi thú vị nhất London.
Cáp treo O2 và Greenwich
Nếu bạn muốn ngắm nhìn London từ trên cao, hãy dùng thẻ Oyster (thẻ đi tàu điện ngầm của London) tới ga cáp treo O2 đi ngang qua sông Thames và đến thăm Đài thiên văn Hoàng Gia Greenwich, nơi đường kinh tuyến gốc chạy qua, phân chia các múi giờ cho toàn thế giới. Cũng như các khu vực khác của London, công viên Greenwich vô cùng rộng rãi và xanh mướt. Bạn có thể tản bộ lên đồi, ngắm nhìn một phần hiện đại của London, nơi tập trung các trụ sở tài chính lớn của Anh.

Tản bộ phố sá, Uống cà phê, Mua đồ cổ, Đi pub và Xem kịch
Đây là những hoạt động tôi rất thích ở bất cứ thành phố, thị trấn, làng mạc nào ở Anh chứ không riêng gì London.
Không có cách nào để thích một thành phố nếu bạn không hoà mình vào nó, đi bộ trên những đường phố ở đó, sà vào bất cứ một quán cà phê nào để hít hà mùi thơm quyến rũ của thứ đồ uống dễ nghiện này, và thưởng cho mình một ly espresso hay cappuccino đúng vị.
Các cửa hiệu bán đồ cổ có ở khắp nơi. Tôi thích vào ngó nghiêng những thứ đồ thuộc về lịch sử, có độ tuổi cỡ vài chục tới vài trăm năm, mặc dù ít khi mua. Tuy nhiên, tôi có lần đã tha được mấy thứ nhỏ xíu với giá 1 Bảng Anh. Cái cảm giác chạm vào quá khứ trong những hiệu đồ cổ luôn làm tôi thích thú.
Pub là niềm tự hào của văn hoá Anh. Tới Anh, dù là ở thành phố hay nông thôn, nếu bạn chưa một lần vào pub uống một ly ale, hay cider, ăn một khẩu phần roast hay xúc xích tươi, thì đó chưa phải là một chuyến đi trọn vẹn (về mặt văn hoá).
Tôi may mắn được vé mời đi xem vở kịch mà tôi thích từ lâu, 1984 tại một nhà hát cổ kính khá nổi tiếng ở London. Kịch là một loại hình nghệ thuật đáng ngưỡng mộ ở xứ sở sương mù, nên nếu có điều kiện thì không nên bỏ qua.
Có quá nhiều thứ một thành phố như London có thể mang lại cho những du khách từ một vùng đất hoàn toàn khác về địa lý và văn hoá như Việt Nam. Để thực hiện được hầu hết những thứ hay ho, tôi nghĩ một vài ngày ở London là không đủ. Có lẽ phải có thời gian sống ở đó mới có thể cảm nhận và ngắm nhìn nó kỹ càng hơn, và yêu nó dưới con mắt của một cư dân chứ không phải của một du khách.
Lang thang thành phố về ban đêm, ngập chìm trong ánh sáng hoa lệ, chui xuống những đường hầm đầy grafiti, đi thuyền trên sông Thames, thăm nhà ga King Cross nơi quay Harry Potter, tới Baker Street thăm “nhà” Sherlock Holmes… còn rất nhiều thứ mà một du khách lần đầu tới London muốn thực hiện, nhưng hãy dành ưu tiên cho những điều mình thực sự thích hơn là ôm đồm quá nhiều.
Viết xong những dòng này, tôi lại chợt nhớ London…
Công viên Greenwich (Greenwich Park) Bảo tàng Anh Quốc (British Museum) Bảo tàng Tate Modern (Tate Modern) Pháo đài Barbican (Barbican) Nhà thờ Saint Pault (Cathedral of Saint Paul) Tháp Big-Ben của Krasnoyarsk (Krasnoyarsk Big-Ben) Tháp London (Tower of London) london

Hãy mạnh dạn Viết blog chia sẻ trải nghiệm về chuyến đi, chia sẻ những hình ảnh được ghi lại trên những chặng hành trình. Đơn giản và dễ dàng nhưng lại giúp cho rất nhiều người sắp đi du lịch.

Viết blog ngay
Đã cập nhật vào ngày 29/12/2022
Love
9 Bình luận
avatar
Bien Nguyen
25 Quốc gia
136 Tỉnh thành
0 Người theo dõi
1 Đang theo dõi
icon Theo dõi
Kiếm tiền cùng Gody icon My Travel Map
Bình luận
*Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để bình luận và chia sẻ nhanh hơn
Bài viết liên quan
Bài viết cùng tác giả