Đài Loan ngoài vẻ xinh đẹp, sạch sẽ, văn minh, đặc biệt món trà sữa chính gốc ngon không cưỡng lại được thì còn gì ấn tượng và hay ho không nhỉ. Nếu muốn biết, nhất định bạn phải xem ngay chia sẻ của một bạn vừa vi vu Đài Loan về cho hay trong bài này nhé.
Thời tiết cuối tháng 10 mát mẻ dễ chịu, 19 – 24 độ. Tuy nhiên vài ngày đầu thì bị mắc mưa suốt ngày nên một số lịch trình định ra ban đầu đã không thể thực hiện được.
Nhưng đầu tiên, phải là vấn đề xin VISA chứ nhỉ.
1. VISA:
* Tự xin ViSa:
Nếu bạn không nằm trong dạng miễn Visa có điều kiện thì bạn có thể tự chuẩn bị hồ sơ để apply visa. Và có thể tự xin visa như hướng dẫn dưới này nha:
1. Hộ chiếu có thời hạn 6 tháng trở lên bản gốc (có ký tên), photo các trang visa và dấu xuất nhập cảnh trên hộ chiếu và photo Hộ chiếu.
2. Tờ khai xin cấp thị thực (ký tên, dán ảnh): điền trên web https://visawebapp.boca.gov.tw/ (General Visa), sau đó in ra nộp cùng các giấy tờ liên quan khác.
3. Hai ảnh 4x6 nền trắng chụp trong vòng 3-6 tháng
4. Chứng minh nghề nghiệp của du khách (Hợp đồng lao động, BHYT, BHXH). Nộp bản phô tô, bản gốc kèm theo để đối chiếu xong trả lại.
5. Đơn xin nghỉ phép có dấu và ký tên của chủ quản công ty.
6. Chứng minh tài chính (sổ tiết kiệm). Nộp bản photo, bản gốc kèm theo đối chiếu xong trả lại.
7. Booking vé máy bay hai chiều.
8. Booking khách sạn.
9. Hành trình du lịch Đài Loan.
10. Phí làm visa (50 USD đối với trường hợp lấy sau 5 ngày làm việc, 75 USD đối với trường hợp khẩn lấy sau 2 ngày làm việc). Lưu ý: chỉ thu USD.
Nguồn & thông tin chi tiết xem tại đây:
https://www.roc-taiwan.org/vn_vi/post/279.html
* Còn nếu bạn nằm trong dạng miễn Visa có điều kiện:
- Nếu bạn có thẻ cư trú vĩnh viễn, thẻ cư trú hoặc visa còn hiệu lực hoặc đã hết hạn trong vòng 10 năm trở lại đây của các nước Mỹ, Canada, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Anh, các nước Schengen, Hàn Quốc và Đài Loan (không áp dụng với công dân từng đi lao động tại Đài Loan) sẽ được được cấp chứng nhận cho phép nhập cảnh Đài Loan nhiều lần, lưu trú trong thời gian 30 ngày. Tuy nhiên, cần đăng ký online để được xét duyệt, sau khi được chấp thuận in ra bản giấy cầm theo khi nhập cảnh mới có thể làm thủ tục lên máy bay và nhập cảnh. Đây là đường link trang web xin visa online cho những ai đủ điều kiện:
Nguồn & thông tin chi tiết xem tại đây:
2. Tiền tệ và điện áp:
Đơn vị tiền tệ sử dụng tại Đài Loan là Tân Đài tệ, viết tắt là NTD, New Taiwan Dollar, hay đọc là Kuai. 1 NTD khoảng 788 đồng Việt Nam, tùy tỷ giá từng thời điểm. Các bạn có thể đổi từ tiền Việt sang tiền Đài trước ở các tiệm vàng hay điểm thu đổi ngoại tệ ở quận 1 (Hà Tâm, Kim Mai, bàn thu đổi ngoại tệ 59…) hay tiệm vàng Đức Long trên đường Phạm Văn Hai, Quận Tân Bình. Mình có hỏi một loạt các ngân hàng ở Việt Nam thì không ngân hàng nào có giao dịch tiền Đài do ngoại tệ này ít phổ biến. Nên đổi trước ở nhà hoặc có thể mang USD qua Đài đổi được tỷ giá khá tốt, tỷ giá 24/10/2017 mình đổi là 29.992 tại Bank of Taiwan. Khi đổi tiền nhớ mang theo passport nhá, không có là không ai đổi cho đâu, ngân hàng Chủ Nhật đóng cửa không giao dịch nữa, kinh nghiệm xương máu. Tiền Việt qua Đài đổi thì bị mất giá rất nhiều nên không prefer nha. Nên mang theo credit card (thẻ tín dụng) để có thể rút tiền trong trường hợp khẩn cấp.
Về điện áp, Đài Loan sử dụng điện áp 110 V nên khi đến đất nước này chúng ta cần mang theo phích cắm chuyển đổi như Universal Travel Adaptor. Hoặc cũng có thể mua ở các siêu thị tiện lợi ngay tại Đài Loan. Một số nhân viên tại các siêu thị tiện lợi tiếng Anh cũng không rành lắm, nên nếu bạn muốn họ giúp tìm cái gì thì show hình trên điện thoại ra hoặc sử dụng Google translate.
3. Đi lại:
Phương tiện giao thông công cộng ở Đài Loan rất phát triển, hiện đại, sạch sẽ và thuận tiện, với hệ thống tàu cao tốc (High Speed Rail – HSR), tàu điện ngầm (MRT), xe lửa (TRA), bus, xe đạp công cộng (Ubike) khắp nơi. Hầu hết các biển chỉ dẫn đều bằng song ngữ, Tiếng Hoa và Tiếng Anh, tạo thuận lợi và dễ dàng cho du khách quốc tế.
Mạng lưới MRT dày đặc di chuyển đến hầu hết các địa điểm tham quan, mua sắm, chợ đêm, khu vui chơi giải trí, v.v. Từ sân bay quốc tế Đào Viên - Taoyuan International Airport, bạn có thể bắt chuyến tàu tốc hành màu tím MRT Airport purple line đi thẳng một mạch đến Taipei Main Station trong 40 phút với NT$ 160. Tàu chính thức mở cửa chào đón khách từ ngày 2/3/2017, mới toanh luôn, chạy từ 06:00 - 23:00. Đi bus thì bắt chuyến 1819 đi thẳng đến Taipei Main Station với giá NT$ 125. Nếu bắt taxi từ sân bay Taoyuan đến trung tâm Đài Bắc thì giá khoảng NT$ 1400. MRT quá tiện lợi rồi nên mình nghĩ không cần phải chi tiền đi taxi làm gì, nếu các bạn đi nhóm đông người thì đi taxi share ra cũng được.
Các phương tiện công cộng nhìn chung đều rất sạch sẽ, máy lạnh chạy phà phà, vào giờ cao điểm thì hơi đông 1 chút. Các bạn sẽ không được phép ăn uống, hút thuốc trên các phương tiện công cộng, nếu có sẽ bị phạt rất nặng đấy. Ý thức giữ gìn vệ sinh nơi công cộng của người dân rất cao nên đi phương tiện công cộng mình cảm thấy rất thoải mái và an toàn, không thấy say tàu xe tí nào mặc dù mình khá yếu khoản này. Đường xuống tàu điện ngầm MRT có rất nhiều thang cuốn và thang máy lên xuống, cho nên đi lại khá dễ dàng. Khi đi thang cuốn mọi người thường đứng sát vào một bên tay phải, chừa lại khoảng trống ở bên trái cho những ai muốn đi bộ nhanh lên trên. Các nhà ga luôn trong tình trạng sạch sẽ và sáng bóng, không một cọng rác hay miếng bụi nào, các cô chú vệ sinh lau dọn rất có tâm và kỹ lắm luôn.
Để tiện di chuyển, tụi mình đã mua chiếc thẻ thần thánh 'touch-and-go' Easy Card ngay tại sân bay Taoyuan với giá 100 Đài tệ & nạp thêm tiền vào thẻ để sử dụng. Thẻ này có thể sử dụng cho tất cả phương tiện công cộng như HSR, MRT, TRA, xe buýt, xe đạp Ubike, parking hay sử dụng để thanh toán ở các cửa hàng tiện lợi (7-Eleven, Family Mart, OK Mart, Hi-Life, v.v) và các trung tâm ăn uống food court nữa. Với chiếc thẻ thần thánh này, bạn sẽ không cần mất thời gian chờ đợi xếp hàng mua token (vé xu nhựa) cho từng chặng, ta chỉ cần quẹt thẻ và đi, vô cùng đơn giản. Đặc biệt nếu đi bus thì bạn phải thanh toán đúng số tiền cho máy tính tiền tự động, tài xế sẽ không thối tiền lại cho bạn đâu, bạn sẽ cần phải chuẩn bị tiền lẻ sẵn, hoặc đơn giản nhất đó là quẹt Easy card và đi, 1 giây là xong kaka. Khi hết tiền thì nạp thêm tại các máy nạp tiền tự động có rất nhiều tại các trạm tàu điện ngầm hay siêu thị tiện lợi. Thậm chí nếu bạn hết tiền thì thẻ vẫn được chấp nhận khi vào, trừ âm vào tiền deposit tối đa là NT$ 60, đến trạm ra thì bạn cần nạp thêm tiền vào thẻ để tiếp tục sử dụng thẻ.
4. WIFI, SIM CARD 4G:
Đài Loan có rất nhiều điểm phát wifi miễn phí giúp bạn có thể truy cập internet mọi lúc mọi nơi. Nhưng mà không ổn định cho lắm, vì thế bạn có thể mua Sim 4G hoặc cục phát wifi tại đây nha.
Khi mua ở đây, bạn sẽ không phải mất công đứng sếp hàng chờ đợi để mua ở sân bay, mà thủ tục lại nhanh gọn nữa (điểm bán Sim card này ở Việt Nam luôn đó). Sim 4G có nhiều loại và tùy thuộc vào thời gian bạn đi du lịch ở Đài Loan. Khi qua bên đó bạn chỉ cần trình voucher in giấy, trình thêm passport, 1 photo ID có hình nữa là bạn có thể nhận Sim ngay tại sân bay. Cái này cũng rất tiện, vì một người mua xong share ra cho nhiều người khác dùng chung.
5. Nơi ở:
Nếu chọn đi chơi Jiufen thì bạn có thể book phòng ở Datong District với host Shaun, chủ nhà rất nhiệt tình. Có khi còn được tặng quà nữa.
Nếu muốn ở gần khu Ximending, hoặc Taipei Main Station để tiện bắt MRT Airport Line ra sân bay Taoyuan vào ngày cuối thì bạn nên book phòng mixed dorm tại Backpacker Inn nhé. Tại đây có nhiều khu: khu cho nữ, cho nam đều riêng biệt, mix nam nữ chung hay private room, mỗi khu đều nằm ở 1 lầu. Bạn sẽ được cấp thẻ từ để mở cửa & tủ locker giữ đồ. Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi hành lý cho tiếp tân giữ để đi chơi & chiều tối về check in nhận phòng sau.
* Nếu bạn đáp xuống sân bay muộn hoặc khởi hành vào sáng sớm mà muốn ngủ lại sân bay thì chú ý:
- Bạn có thể ngủ ở sân bay thoải mái, không ai làm phiền đâu. Và yên tâm vì Camera được lắp đặt ở khắp nơi, trừ ồn những lúc khách kéo vali hoặc nói chuyện với nhau thôi.
- Wifi miễn phí tốc độ cao, ổ cắm điện, sạc pin điện thoại/laptop, nước uống từ vòi tiệt trùng, nhà tắm/nhà vệ sinh rất sạch sẽ, phòng riêng cho mẹ có trẻ sơ sinh cho con bú hoặc thay tã, sân chơi nhỏ cho trẻ em, ghế sofa hoặc ghế nệm ở khu food court. Khu food court đóng cửa về đêm nên rất nhiều người đến đây ngủ. Họ làm vệ sinh rất kỹ nên đến khu food court chẳng nghe mùi đồ ăn gì, không mùi luôn ấy. Ngoài ra còn có máy bán nước tự động, ngân hàng, các quầy thu đổi ngoại tệ, máy rút tiền ATM, phòng khám chăm sóc y tế, xe đẩy cho người già/người tàn tật và cả phòng cầu nguyện nữa. Đặc biệt có màn hình thông báo tình hình các chuyến bay sắp tới, mã số chuyến bay, điểm đi/điểm đến, thời gian khởi hành và điểm tập trung.
- Đồ ăn thức uống trong sân bay giá cả không cao hơn chợ đêm là bao, không lo chặt chém nha. Giá đã niêm yết sẵn, đi kèm hình ảnh mock up minh họa vô cùng sinh động, đồ ăn giả mà làm y như thật đó. Trong hình sao đồ ăn ra nhìn giống hơn 90%.
- Sân bay Taoyuan cũng có quầy giữ hành lý và các lockers giữ đồ tự động. Ở ga chính Taipei Main Station và các ga lớn khác ở Đài Bắc cũng có các locker giữ đồ tự động, đủ size & giá hạt dẻ. Bạn nào có nhu cầu gửi vali và hành lý lại đi chơi thì có thể gửi lại.
- Trên đường ra cổng lên máy bay (boarding gate) bạn sẽ thấy 1 xe đẩy bán bánh bao, bánh giò, sữa đậu. Bánh bao thịt heo nhân lạp xưởng ở đây rất ngon, vỏ bánh siêu mềm và nhân ăn rất vừa miệng, cắn 1 phát là tỉnh ngủ ngay. Chỉ NT$ 60 cho 1 cái banh bao chất lượng.
6. Đài Loan có gì?
- LÀNG CỔ JIUFEN (CỬU PHẦN) - THẾ GIỚI ĐÈN LỒNG ĐỎ LUNG LINH:
Jiufen nằm ngoài trung tâm Taipei, thuộc New Taipei City (Tân Đài Bắc). Đây là một làng cổ nhỏ nằm trên núi cao, đường lên núi quanh co, 1 bên là biển Bắc Đài, 1 bên là núi rừng. Nơi đây được xem là nơi truyền cảm hứng cho bộ phim hoạt hình nổi tiếng của Ghibli - Spirited Away, Jiufen nổi tiếng với đèn lồng đỏ, những con đường cổ kính và có rất nhiều góc phố nhỏ bí ẩn chụp hình siêu ảo. Người ta kể rằng ngôi làng này hồi xưa chỉ có 9 hộ dân sinh sống, việc đi lại mua bán rất khó khăn. Mỗi khi gia đình nào ra ngoài mua sắm thì họ sẽ mua luôn 9 phần cho các gia đình còn lại. Từ đó hình thành nên “Cửu Phần”, nghĩa là “9 phần”. Khung cảnh & những cửa hàng 2 bên lối đi siêu đẹp luôn. Nếu đi vào Chủ Nhật sẽ rất đông du khách và người địa phương.
Cách đi:
Đi Blue Line đến ga MRT Zhongxiao Fuxing lên ở Exit 1, tìm chuyến xe bus 1062 ngồi thẳng một mạch đến Jiufen. Hoặc bắt train từ Taipei Main station đến ga Ruifang, sau đó chuyển sang bus số 827 hoặc 788 đến Jiufen.
Tiệm mì của 3 cô gái người Việt ở Cửu Phần, luôn đông khách, giá hạt dẻ. Ở đây best seller là món đậu hũ nhồi thịt ăn kèm sauce đậm vị & món soup nóng, miến trộn thịt bằm cũng rất ngon. Nếu có cơ hội tới đây hãy ghé ủng hộ mấy cô nhé!
- TẮM SUỐI NƯỚC NÓNG Ở XIN BEITOU (TÂN BẮC ĐẦU):
Đây là khu phố cổ kiểu Nhật ở Xinbeitou, xung quanh có rất nhiều phòng tắm nước nóng riêng tư hoặc công cộng. Bạn phải mặc đồ bơi đúng quy định mới được vào tắm nha, việc mua vé tắm cũng được thực hiện trên các máy bán vé tự động. Các điểm nên tham quan là Beitou Library, Thermal Valley, Beitou Hotspring và đừng quên ghé quán mì “Mankewu ramen” ở đoạn cuối Beitou Park nhé. Tô mì to gấp đôi cái mặt luôn, ăn kèm thịt heo chiên mà chủ quán recommend rất ngon. Tổng chi phí cho 2 tô mì to vật vã kèm thịt heo chiên chỉ có NT$ 345 thôi. Trời mưa lạnh mà được húp 1 tô mì nóng thì còn gì bằng!
Cách đi:
Đi MRT Red Line đến Beitou Station, xuống platform 2, bắt tàu Xinbeitou Branch Line để đi Xinbeitou, chuyến tàu 1 trạm chỉ đi từ Beitou đến Xinbeitou và ngược lại, thân tàu vẽ trang trí theo chủ đề tắm suối nước nóng cực cute, không thể nhầm đi đâu được. Trên đường đi nếu các bạn thấy khói nghi ngút bốc lên từ miệng cống là đi đúng đường rồi đấy :D. Con đường mưa vào Thermal Valley (Thung lũng Nhiệt) rất đẹp & nên thơ với suối chảy róc rách và cây rợp xanh bóng. Thermal Valley là một hồ nước nóng tự nhiên từ hoạt động núi lửa, với nhiệt độ lên đến 100 độ C, hơi nước nóng bốc nghi ngút từ dưới đáy hồ màu xanh lục bảo rất ảo diệu.
- XIMENDING NIGHT MARKET (CHỢ ĐÊM TÂY MÔN ĐÌNH):
Ximending là thiên đường mua sắm và phố ăn hàng với hàng loạt món ăn ngon, cửa hàng quần áo thời trang và mỹ phẩm. Các bạn nữ đừng quên mua mặt nạ Đài Loan về nhé, như mặt nạ My Beauty Diary được người Đài rất ưa chuộng, nam thì có thể xem qua các sản phẩm chuyên chăm sóc da cho nam như Dr. Wu. Sau khi đi một loạt các cửa hàng thì mình thấy Cosmed bán mỹ phẩm giá tốt nhất và mặt hàng rất đa dạng. Mua trên NT$ 2000 sẽ được tax refund (hoàn thuế) nữa đó. Một điểm đặc biệt ở các cửa hàng Mỹ phẩm ở Đài Loan là cái gì cũng cho xài thử trước khi mua, từ son môi, má hồng, kem nền, phấn mắt, nước hoa, mặt nạ… Nói cho vui thì chỉ cần đi 1 vòng quanh shop là make up xong luôn rồi.
Nơi đây có rất nhiều người dân địa phương và khách du lịch. Đặc biệt về đêm có nhiều nghệ sỹ đường phố biểu diễn từ ca hát, nhảy múa đến xiếc, ảo thuật rất nhộn nhịp và sôi động.
Đến Ximending hãy thử món Gà chiên quán 1973 được CNN bình chọn, miếng gà rán rất ngon và to vật vã, 2 đứa ăn hoài chưa hết. Lúc đó ước gì có chai tương ớt xịt thêm vô là perfect. Quán ở ngay đầu cổng chào khi đi từ Cửa MRT Ximending – Exit số 6 ra là thấy ngay, xếp hàng bốc số và đi chơi lòng vòng, canh chừng 20-30 phút quay lại là tới lượt lấy gà. Kế bên là tiệm bánh mì su kem ăn béo béo thơm thơm, xếp hàng chừng 5-10 phút là tới lượt. Gần đó còn bán món Oyster omelet (trứng đúc hàu), đây là sự kết hợp hoàn hảo giữa hương vị của đất liền và biển cả, nhớ thêm chút sốt cay cho dậy vị. Ở đây muốn thưởng thức cái gì ngon thì cũng phải xếp hàng chờ tới lượt thưởng thức đó, theo văn hóa xếp hàng. Nếu bạn thấy người ta xếp hàng thì cũng ra sau xếp hàng nhé, first-come-first-serve, ai đến trước sẽ được phục vụ trước.
À, không thể bỏ qua món Ay-Chung Flour-Rice Noodle (Mì bột gạo) trên đường Emei. Vừa ra khỏi MRT là thấy, người người xếp hàng siêu dài để ăn món này, thường phải chờ 20 phút sẽ tới lượt. Mì nhìn cũng đơn giản, có mì, dồi trường, ớt, tỏi, giấm, rau thơm. Cho thêm chút sa tế nữa là húp xì xụp tới tới luôn. Bạn sẽ thấy rất đông người đứng ăn trước cửa hàng, rất dễ dàng nhận ra.
- CHIANG KAI SHEK MEMORIAL HALL (ĐÀI TƯỞNG NIỆM TƯỞNG GIỚI THẠCH):
Nằm ngay MRT Chiang Kai-Shek memorial hall station. Bước vài bước là tới ngay đài tưởng niệm, trong khuôn viên còn có nhà hát quốc gia và trung tâm hòa nhạc quốc gia. Cấu trúc đẹp, trưng bày nhiều tư liệu, hình ảnh, phim 3D, phòng làm việc... về cuộc đời Tưởng Giới Thạch và gia đình ông. Cầu thang lớn đi lên có 89 bậc tượng trưng cho số tuổi thọ của Tưởng Giới Thạch.
Gần Đài Tưởng Niệm có 1 quán Yongkang Beef Noodles (Mì bò Yongkang) rất nổi tiếng, mở cửa từ 11:00 trưa, người ta xếp hàng từ 10:30 rồi, mình xếp hàng chừng 30 phút thì được vào ăn. Tiệm rất là đông nên nếu bạn mang theo vali hay hành lý cồng kềnh thì sẽ được yêu cầu để đồ bên ngoài cửa. Tô mì bò size Medium khá nhiều, ăn kèm cải chua bằm và ớt sa tế, có 2 loại bò nạc và bò gân.
Món này hơi giống bò kho ở Việt Nam. Nếp hấp sườn non với khoai lang thì rất ngon, thơm thơm cay cay, ăn trúng miếng khoai lang mật siêu đã, sườn non rất mềm nhai được cả xương sụn luôn. Tổng thiệt hại cho 2 phần mì bò + 1 phần nếp hấp là NT$600. Nếu có dịp, bạn nên thử xem sao.
- VÀ CÁC THIÊN ĐƯỜNG CHỢ ĐÊM KHÁC:
+ Shilin Night Market (Chợ đêm Sỹ Lâm), gần ga MRT Jiantan (Kiếm Đàm): bán tất tần tật các món ăn & thu hút nhiều khách du lịch nhất. Đến đây hãy thử món Huge octopus tentacles (Râu bạch tuộc khổng lồ): ấn tượng đầu tiên là shock, chỉ là râu thôi mà, có cần phải to như cái tay vậy không. 1 cái râu to dài khoảng 2 gang tay, xoay xoay nướng nướng, lắc thêm bột rong biển & mè rang là xong. Râu mực ướp rất vừa ăn, dai dai sực sực.
+ Wufenpu Shopping District (Ngũ Phân Phố), mở cửa từ 11h trưa. Đây là khu chợ thời trang sỉ lớn nhất ở Đài Bắc bán đủ món từ quần áo, túi xách, giày, nữ trang, phụ kiện. Tuy nhiên, mình thấy nó không rộng lớn và hoành tráng bằng chợ cuối tuần Chatuchak ở Thái Lan.
+ Raohe Night Market (Chợ đêm Nhiêu Hà): sau khi shopping mỏi chân thì qua chợ Raohe kế bên để ăn uống, cách đó chừng 600m, đây là một trong những khu chợ lâu đời nhất tại Đài Bắc. Bên này cũng bán rất nhiều quần áo, phụ kiện và đặc biệt là nhiều món ăn ngon nữa, chợ mở của từ 17:00. Chợ Shilin thu hút nhiều du khách hơn nhưng chợ Raohe mới vui hơn và nhiều dân địa phương tới hơn. Chợ càng về đêm càng đông, mở cửa tới khuya luôn.
Đến đây hãy thử món Pepper Pork Scallion Bun (Bánh bao Tiêu đen nhân thịt) nổi tiếng với hàng người xếp hàng dài dằng dặc chờ thưởng thức, bánh được nướng bên trong lò đất sét, yummy yummy. Giá là NT$ 55/cái. Hàng người chờ rất đông nhưng xếp hàng rất ngay ngắn, không có chen lấn xô đẩy đâu.
Ngoài ra không thể không kể tới ở Raohe là tiệm beefsteak ngon ấn tượng (tiệm tên là Boss Level Delicious Steak House). Mình gọi 1 phần steak bò sốt barbeque, một phần sẽ gồm mì và trứng ốp la đi kèm, ăn rất hợp, thịt bò siêu mềm, đậm vị. Ở đây free soup kem bắp và trà bí đao nhé, uống thoải mái không giới hạn. Giá steak là NT$ 200/phần, rất chất lượng. Nhắc tới lại thèm rồi huhu, không biết bao giờ được thưởng thức lại hương vị này.
+ Shida Night Market (Chợ đêm Shida): gần trường đại học quốc gia Taiwan, mình thấy quần áo nữ khu này đẹp hơn ở chợ Wufenpu.
Và cũng không thể nào bỏ quên được món chính mà khiến nhiều người mê mẩn, nhất là chị em đó là Trà Sữa phải không.
Đài Loan chính là thiên đường TRÀ SỮA, trà sữa siêu thơm. Best of the best. Sức hấp dẫn không thể chối từ, làm sao không thèm cho được khi tiệm trà sữa everywhere, tay bạn nào cũng cầm 1 ly, hút rột rột, nhai trân châu chẹp chẹp. Chịu sao nổi… Uống cho đã đi rồi giảm cân về nhà tính sau đi ha!!! Trân châu nấu từ đường mật nên ăn dẻo ngọt thích mê, ngoài ra còn có thạch sương sáo, thạch sợi trắng, sợi xanh, bánh flan… Menu mấy chục món, tha hồ lựa chọn. Menu có cả Tiếng Hoa & Tiếng Anh.
Các thương hiệu mình đã thử qua và thấy rất ngon là 50 Lan (50 嵐), Comebuy, TenRen’s Tea, Lattea. Thích nhất là original milk tea của Combuy, điểm 10 cho chất lượng. Có rất nhiều chi nhánh ở các trạm ga tàu, các điểm du lịch và khắp thành phố.
7. Tại sao bạn phải đi Đài Loan một lần trong đời?
Chỉ khi đến Đài Loan, bạn mới có những cảm nhận hoàn toàn khác và chắc chắn đó là những ấn tượng khó phai nhất. Như những mẩu chuyện khó quên của bạn Nhung Le chia sẻ dưới này:
- Ở các phương tiện công cộng như MRT hay bus, đều có các bảng điện tử thể hiện đếm ngược thời gian tàu hoặc xe bus tới, nếu có delay thì bảng điện tử cũng cập nhật ngay luôn, delay 30s cũng thông báo luôn nha, và đa phần thì tàu tới rất đúng giờ. Không phải hoang mang khi muốn đi vệ sinh mà không biết bao giờ tàu tới, rồi liệu mình có bị bỏ lỡ chuyến tàu hay không. Khi tàu tới thì nhạc sẽ nổi lên và đèn sẽ nhấp nháy báo hiệu tàu sẽ tới vào bên nào.
- Người Đài rất nhiệt tình, lúc về hai vợ chồng mình tay xách nách mang, mỗi đứa ngoài cái vali nặng trịch ra còn có 2-3 túi hành lý nữa, đi xuống cầu thang khá vất vả, mình mệt quá dừng lại thở hổn hển, thì từ đâu có một bạn nữ tới giúp khiêng vali xuống cái èo. Mình cảm động cảm ơn bạn rối rít. Bạn chỉ nói đừng khách sáo và rồi chạy đi cho kịp chuyến tàu. Thật là dễ thương quá đi. Mình không biết bạn là ai, bạn tên gì, nhưng điều bạn làm rất có ý nghĩa với mình và nó để lại ấn tượng rất đẹp trong lòng du khách. Hành động nhỏ nhưng ý nghĩa lớn.
- Ngày đầu tiên hai đứa mình tới Đài Loan, ngơ ngác đi tìm nhà và đi lộn vào một nhà chung cư, leo thang bộ tới 4 lầu và phát hiện ra có gì đó sai sai. Và thế là đã đi nhầm sang nhà hàng xóm kế bên. Mình gặp một đôi vợ chồng trẻ người Đài, may quá nhờ họ xem giúp địa chỉ. Họ không nói được tiếng Anh, mình thì không hiểu được tiếng Đài Loan. Kết cục thì anh chồng nhà đó nhiệt tình dẫn tụi mình đến tận nơi theo đúng địa chỉ và còn đề nghị kiêng giúp vali luôn. Cơ mà họ dẫn đi là tốt quá rồi nên tụi mình tự khiêng hành lý xuống 4 lầu & lên thêm 4 lầu nữa. Lâu lâu được tập thể dục hết sức hà!!!
- Đường xá ở Đài Loan rất hiện đại, tuy là đông xe nhưng không nghe thấy tiếng bấm còi. Người đi bộ có lối đi riêng, người đi xe đạp cũng có line riêng, xe máy & xe ô tô cũng có line riêng. Họ tuân thủ luật giao thông rất tốt, đèn đỏ là dừng đúng vạch, không lấn làn, đúng đèn xanh mới đi và đặc biệt không có bấm còi bim bim push người trước đi mau. Ở đây người ta khuyến khích sử dụng xe đạp nên có thiết kế một đường chạy riêng, có rất nhiều xe đạp công cộng & giá thì rẻ vô cùng, 15 phút đầu đc free. Mình đi bộ trên đường phố khá yên tĩnh & không khí trong lành, chẳng nghe thấy tiếng còi xe và cũng không thấy khói xe đen ngòm như bus VN. Vậy nên tìm khẩu trang vải để mua mang về mà không thấy bán, vì có ai bịt khẩu trang ngoài đường đâu :)). Trừ khi bệnh thì che khẩu trang y tế khi đi phương tiện công cộng để khỏi lây cho người khác thôi.
- Chuyện đi ăn khuya: buổi tối đói bụng đi dạo khu chợ đêm gần nhà, thấy quán ăn rất đông khách, hai tụi mình bàn vào và thấy người ta đang ăn mì vịt tiềm thuốc bắc rất là ngon. Menu thì không có tiếng Anh nên không biết order làm sao, bèn chỉ vào tô mì vịt tiềm ông chú đang ăn bên cạnh. Bà chủ ra vẻ hiểu ý và kêu tụi mình vô bàn ngồi đợi. Sau đó họ mang ra một tô cá gì giống cá trê hầm thuốc bắc, huhu, ăn kỳ lắm, Ngậm ngùi ăn cho hết và tính tiền. Lúc tính tiền phát hiện ra bà chủ là người Việt Nam, oh nooo... Bà chủ hỏi sao nãy giờ tụi con không nói, còn mình thì: làm sao con biết cô nói tiếng Việt được mà nói đây :)) Cười ra nước mắt. Người Việt qua đây xuất khẩu lao động nhiều lắm, nên xác suất gặp được người Việt tại các nhà hàng và quán ăn rất cao. Mình bị hố mấy vụ rồi, order bằng tiếng Anh ì xèo, không hiểu, bạn hỏi lại bằng tiếng Việt "bạn muốn uống gì?". Ồ!!! Trong các khu chợ cũng vậy nha, người Việt nhiều lắm, nên đừng nói xấu gì nha, gặp người Việt là hiểu hết là ngại lắm đấy!
- Sau khi check in nhận phòng xong, cứ ngỡ được lăn kềnh ra chiếc nệm êm ái đánh một giấc. Nhưng đời không như là mơ. Tui đã vô tình khóa trái cửa phòng ngủ & bị lock lại, và đó là đêm đầu tiên trong đời tụi tui phải ngủ sàn trong living room. Chủ nhà phải đi trực đêm nên tối đó không thể ghé đưa chìa khóa cho tụi mình được, thế là phải đợi tới 9h sáng hôm sau, chủ nhà mới tới đưa chìa khóa và tặng thêm hai chai trà sữa. Nếu biết trước thì đã ngủ tại sân bay rồi, ít ra sân bay còn có ghế sofa êm ái.
- Giao tiếp với chủ nhà: Tiếng Anh của chủ nhà không khá, mình nhắn tin cho chủ nhà để báo giờ tới bằng tiếng Anh nhưng đợi hoài không thấy trả lời. Nên chuyển qua nhắn tin bằng tiếng Hoa, thế là anh chàng trả lời ngay và còn khen rằng tiếng Hoa của mình sao tốt quá. Tất cả là nhờ vào Google Translate mà thôi :D. Rào cản ngôn ngữ đã không còn khi có Google Translate, các bạn nhớ tải ứng dụng này nha. Độ cần thiết chỉ đứng sau Google Maps thôi đó!
- Danh sách ưu tiên (Priority list) ở Đài Loan bao gồm trẻ em, phụ nữ mang thai, người tàn tật, người cao tuổi và cả người lớn đi cùng trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ nữa. Đi đâu cũng được ưu tiên, ra sân bay thì được xếp vào hàng làm thủ tục nhập cảnh nhanh ở quầy ưu tiên, đi toilet cũng có phòng dành riêng cho đối tượng này nữa, đi phương tiện công cộng như MRT, bus, train… cũng có 1 khu vực ghế ưu tiên priority. Vậy nên đừng ngần ngại yêu cầu các nhân viên hỗ trợ trong sân bay giúp đỡ nếu bạn thuộc trong danh sách ưu tiên nhé. Họ sẽ vui vẻ giúp đỡ bạn ngay thôi.
Nguồn: Nhung Le