new Ví du lịch - lưu trữ các giấy tờ cho chuyến đi dễ dàng và tiện lợi

Rác ngập Lý Sơn - khoảng cách từ lời nói cho đến hành động thực tiễn

avatar
Nguyễn Khánh dot Thứ 3, 22/08/2017
Theo dõi Gody.vn trên Google news

Mới đây thôi, có dịp ngồi lại nghe một "cựu" phượt thủ (giờ đã là giám đốc công ty du lịch rồi) kể lại cái thời huy hoàng của chú. Chú hàn huyên kể lại từ chuyện ngày xưa sinh viên không có tiền thì đi phượt thế nào, rồi ai là ông tổ cái môn phượt này ở Việt Nam. Riêng có một mẩu chuyện ngắn làm tôi phải suy nghĩ nhiều lắm... chuyện rác ở Lý Sơn.

Tại sao Lý Sơn đẹp?

Lý Sơn đẹp nhờ vào cái thế biển bao la, cái chất núi đá hùng vĩ và đặc biệt là cái tình người nồng ấm của dân đảo. Rồi chính nhờ sự hoang sơ, neo người ở nơi ấy mà đảo giữ lại được những nét đẹp không tì vết của thiên nhiên dành tặng cho.

Rác ở Lý Sơn?

Một sự thật khá đau lòng ai cũng biết mà không phải ai cũng muốn nói ra là khách du lịch đi đến đâu thì rác "đi" theo đến đó. Tôi không ám chỉ gì đâu, nói thẳng ra thì du khách đến từ đâu cũng có người ý thức, người thì không. Đó âu cũng chỉ là một thói quen xấu mà xã hội quanh họ tạo nên.

rác ngập ngụa ở Lý Sơn

Từ bãi biển đến cầu tàu, ở đâu có du khách, ở đó có rác

Rồi, đi thằng vào vấn đề rác lấp luôn... bãi biển ở Lý Sơn. Nhức nhối cũng lâu lắm rồi, từ cái đợt mà chàng ca sĩ nước ngoài ra đảo này du lịch, hoảng hốt trước cái nạn xả rác vô tội vạ ấy bèn kêu gọi ý thức mọi người đừng vứt rác ở Lý Sơn nữa. Lời kêu gọi trên facebook của anh ấy - người thích kẻ chê - nhưng sơ sơ cũng được sự ủng hộ của ngót nghét 30 ngàn người. "Ừ, không xả rác ở Lý Sơn nữa!" "Xả rác bừa bãi là không thể chấp nhận được!"

Rác thải ở đây chủ yếu là bao nilong, chai nước hoặc đồ ăn thừa thải của khách du lịch

Đọc được mẩu tin ấy, chú giám đốc của một công ty du lịch nho nhỏ lúc bấy giờ sợ lắm! Sợ cứ như vậy chả ai còn đến đất Việt du lịch làm gì, sợ đôi ba năm nữa con cháu chẳng còn biết đến bãi biển trải dài cát trắng, nắng vàng. Rồi cũng chính quyền cũng cho xây dựng nơi xử lý rác thải "hiện đại", xử lí được tận 2 tấn rác mỗi ngày nhưng đâu vẫn hoàn đấy. Đảo Lý Sơn vẫn ngập trong rác. Đau đáu trong lòng như vậy được độ 1 tháng, đích thân chú dẫn theo 80 người nữa ra đảo dọn rác!

Dân địa phương dù có muốn cũng không thể tự mình dọn hết những đống rác chất thành núi...

Chú kể lại cái cảnh 1 đoàn 80 con người xuống đến đảo, nhìn thấy rác chất thành núi còn ngán ngẩm, hỏi sao dân đảo thưa thớt có thể dọn được? Lúc đầu mấy người dân ở đây còn bất ngờ, đứng gần tò tè vì lần đầu thấy đoàn khách phương xa đến đảo chỉ để... hốt rác. Hồi sau, biết được ý định của những vị khách này, mỗi người một tay, người thì cầm thau, kẻ cầm xẻng ra phụ với đoàn của chú. Đợt ấy cả báo mạng và báo giấy cũng đưa tin nhiều lắm; nhưng còn với mạng xã hội facebook (thánh địa của những thiên thần) thông tin kêu gọi đi dọn rác ấy, đến giờ chắc cũng chỉ được tầm... vài trăm lượt theo dõi. "Lúc đó buồn lắm con ơi, nhiều người nói vậy chứ không có làm" - chú kể lại.

Tour dọn rác?

Một trong những tour dọn rác đầu tiên tại Lý Sơn

Từ đợt đầu đi dọn rác Lý Sơn ấy, thấy được cũng có được một cơ số người nắm biết về tình hình khá gay go này và muốn chung tay làm một việc gì đó cho đảo. Chú làm luôn một tour du lịch "dọn rác" ở Lý Sơn! Trong tour này, du khách không chỉ dọn rác đơn thuần mà còn trải nghiệm nhổ cỏ, nhổ hành tỏi cùng những người dân địa phương nữa. Thú vị là tour chỉ hấp dẫn số đông người có tuổi đời trên 30.

Không phải riêng ở Lý Sơn đâu!

Rác du lịch bây giờ nhiều lắm, mà cũng chẳng phải đi đâu xa để thấy cả. Cứ nói ngay cả ở mấy thành phố lớn như Nha Trang, Đà Nẵng ấy, khách "nước ngoài" (đúng rồi, ý tôi là khách Trung Quốc ấy!!!) ồn ào, chen chúc, đi đến đâu giấy rác đi theo đến đấy thì làm sao biển đảo nước ta chịu được? Nhưng vấn đề này âu chỉ chờ được chính quyền xử lí.

Riêng về phần những phượt thủ, tôi cũng nhiều lần trực tiếp nghe và nhìn cảnh họ - những con người yêu khám phá nhưng cũng yêu thiên nhiên - vác theo bao tải lớn, lầm lũi vừa leo núi vừa nhặt chai nhựa, túi bóng, giấy rác của những "phượt thủ" đi trước để lại. Vậy mới thấy không phải cứ đeo áo phản quang, cứ khăn túi đầy người thì tự nhận mình là phượt thủ được nhỉ?

Đấy, người kêu gọi ý thức có, người ý thức cao cũng có, nhưng người có bản lĩnh đương đầu với hậu quả của kẻ khác gây ra không nhiều. Bạn chọn đâu là đích đến cuối cùng cho hành trình ý thức của mình? Tôi thì chắc phải thử đi dọn rác cùng ông chú ấy một chuyến để nếm mùi đời, để trân trọng mảnh đất này hơn.

 

Nguồn: GODY.VN