Blog Kinh nghiệm du lịch Maroc (Phần 1)
cover

Kinh nghiệm du lịch Maroc (Phần 1)

avatar
Trung-Hieu Nguyen dot CN, 13/09/2020
Theo dõi Gody.vn trên Google news
Đi đâu, làm gì tại Maroc??? Maroc luôn là điểm đến ưa thích của rất nhiều khách du lịch trên thế giới, và đặc biệt luôn nằm trong “must-list” của...

1. Về đất nước Maroc

Maroc (hay Morocco) là một đất nước Hồi giáo nằm ở bờ phía Tây Bắc của châu Phi, vừa là cửa ngõ vào biển Địa Trung Hải cũng vừa là cửa ngõ của sa mạc Sahara nên đất nước này sở hữu nhiều loại địa hình và khí hậu rất đa dạng, cùng với đó là rất nhiều cảnh quan tuyệt đẹp và vô cùng ấn tượng.
Là một phần của thế giới Ả Rập nên Maroc cũng sở hữu nhiều truyền thống văn hóa cùng kho tàng kiến trúc nghệ thuật vô cùng đặc sắc của người Hồi giáo nơi này.
Chính vì vậy mà Maroc luôn là điểm đến ưa thích của rất nhiều khách du lịch trên thế giới, và đặc biệt luôn nằm trong “must-list” của dân mê xê dịch.
Tại Maroc, ngôn ngữ chính thức là tiếng Ả Rập, ngoài ra người dân ở đây còn nói tiếng bản địa Berber và tiếng Pháp.
Đối với hộ chiếu Việt Nam, để nhập cảnh vào Maroc, bạn cần phải có visa.
Đất nước Maroc cũng kiểm soát khá chặt chẽ khách du lịch ghé thăm đất nước của họ khi mà tất cả các du khách đều phải khai báo thông tin cá nhân và liên lạc ngay khi bước xuống máy bay và khi tới các nơi lưu trú.

2. Tới Maroc như thế nào

Có 2 cách mà mình thấy là đơn giản nhất để tới Maroc:

2.1 Bay thẳng từ Việt Nam

Hiện tại vẫn chưa có hãng hàng không nào có chuyến bay thẳng từ Việt Nam tới Maroc, để tới được đây bạn phải bay quá cảnh từ 1 đến 2 chặng. Thông thường mình tìm thấy các hãng như Qatar Airways, Emirates hay Turkish Airlines thường có vé tương đối rẻ đi Maroc.
Nếu bay từ Việt Nam thì đa số các chuyến bay sẽ đáp xuống sân bay Casablanca (Mohammed V). Đây là sân bay quốc tế lớn nhất và nhộn nhịp nhất Maroc, cách trung tâm thành phố khoảng 30km.

2.2 Bay từ một nước châu Âu tới

Đây là có lẽ phương án mà mình khuyên các bạn nên lựa chọn, khi mà bạn vừa có thể kết hợp chuyến đi châu Âu của mình để tới Maroc, vừa có thể tiết kiệm thời gian và chi phí thay vì bay thẳng từ Việt Nam; lại vừa được khám phá cùng lúc hai nền văn hóa khác nhau trong cùng một chuyến du lịch.
Do Maroc có vị trí địa lý nằm ngay sát châu Âu (cách Tây Ban Nha chỉ 14km qua eo biển Gibraltar), và cũng là điểm đến du lịch ưa thích của dân châu Âu nên có rất nhiều hãng hàng không giá rẻ khai thác đường bay thẳng từ các thành phố ở châu Âu tới hầu hết các thành phố lớn ở Maroc.
Chính vì thế mà giá vé máy bay thường cũng tương đối rẻ và giờ bay cũng rất hợp lý (trung bình 3h-4h bay). Một vài hãng hàng không giá rẻ châu Âu như Transavia, Ryanair, easyJet, Vueling, Royal Air Maroc thường xuyên có giá vé rẻ bay tới Maroc.
Ngoài ra, bạn cũng có thể lái xe tới Maroc từ châu Âu thông qua 1 lần phà từ thành phố Tarifa của Tây Ban Nha tới Tanger. Một số hãng phà như FRS, Inter Shipping thường xuyên có chuyến nối 2 thành phố này với thời gian di chuyển khoảng 1h.

3. Maroc tiêu tiền gì

Đơn vị tiền tệ của Maroc là Dirham Maroc (MAD hay Dh). Tỉ giá thường là 1Dh ≈ 2 500 vnd.
Ngoài đồng dirham người dân ở đây cũng chấp nhận đồng euro (€) trong giao dịch, họ thường làm tròn 1€ = 10 Dh (thay vì = 11Dh) để dễ giao dịch, vì thế nếu bạn thanh toán bằng đồng euro sẽ hơi bị thiệt một chút.
Các bạn có thể đổi tiền ở sân bay hoặc rút tại các các ngân hàng và máy rút tiền trong trung tâm các thành phố. Và, thường thì đổi ở sân bay sẽ không được tỉ giá tốt như trong trung tâm.

4. Di chuyển ở Maroc như thế nào

4.1 Di chuyển giữa các thành phố

Tàu hỏa: hãng tàu hỏa quốc gia của Maroc là ONCF. Mạng lưới đường sắt ở Maroc tập trung chủ yếu ở phía Bắc và các thành phố dọc bờ biển phía Tây, kết nối các thành phố lớn. Vì thế, nếu để di chuyển tới các thành phố ở phía Nam (như Agadir) thì bus là lựa chọn hợp lý hơn cả.
Vé tàu có thể mua online qua trang web của hãng (https://www.oncf.ma/fr/) hoặc mua trực tiếp tại quầy bán vé ở ga tàu.
Nếu muốn chắc chắn bạn có thể mua vé trước từ 1 đến 2 ngày.
“Như mình, khi ở Marrakech, mình xem giờ tàu chạy và giá trước trên web, trước giờ khởi hành 1 tiếng mình ra ga và mua vé trực tiếp tại quầy luôn. Như vậy giúp mình linh hoạt và không bị gò bó về thời gian.”
Một vài điều bạn nên lưu ý là:
- Quầy bán vé sẽ ngừng bán trước giờ khởi hành 3 phút.
- Những thành phố lớn như Marrakech hay Casablanca thì tần suất các chuyến tương đối nhiều, ngược lại, những thành phố nhỏ hơn như Meknès các chuyến khá thưa. Nên, mình khuyên các bạn nếu như ở các thành phố nhỏ thì nên tra kĩ giờ khởi hành của các chuyến để sắp xếp thời gian di chuyển cho hợp lý.
- Trên tàu thì luôn phải để đồ đạc trong tầm mắt của mình, tránh bị “cầm nhầm” khi tàu dừng ở các bến.
Bus: là phương tiện di chuyển thuận tiện nhất ở Maroc. Mạng lưới phủ khắp cả nước nên có thể tới được những nơi mà tàu hỏa không thể đi qua. Các hãng bus lớn là CTM (https://www.ctm.ma/), Supratours, SATAS và Trans Ghazala.
Những ngày di chuyển ở Maroc thì mình chọn hãng bus CTM (do thấy hãng có tần suất chạy liên tục, và dịch vụ cũng tương đối tốt).
Với bus thì mình khuyên các bạn nên đặt vé trước từ 1 đến 2 ngày để có thể chọn chuyến đi thích hợp nhất. Lý do là vì nếu vào ngày khởi hành bạn mới ra mua vé mà không may chuyến bạn chọn đã hết chỗ thì sẽ bị đẩy qua chuyến tiếp theo. Ở các thành phố lớn thì thời gian khởi hành giữa các chuyến không quá lâu (khoảng 1 tiếng) thì việc bị đẩy qua chuyến sau không quá nghiêm trọng.
Nhưng, ngược lại, ở các thành phố nhỏ (vd: Chefchaouen) thì tần suất bị giảm đi là khá nhiều và bạn phải mất nhiều thời gian để chờ chuyến bus tiếp theo, điều này có thể ảnh hưởng tới lịch trình dự kiến của bạn.
Thuê xe tự lái: đây cũng là 1 phương án không tồi để di chuyển ở Maroc, giúp bạn chủ động thời gian hơn cũng như có thể tới được những địa điểm mà tàu và bus không tới được. Tuy nhiên, lái xe ở Maroc cũng đòi hỏi bạn phải thật vững tay lái và quan sát kỹ.
Theo như mình quan sát thấy thì giao thông ở đây hơi lộn xộn, đặc biệt là ở những thành phố nhỏ ( vd Chefchaouen): người đi bộ sang đường ở bất cứ đâu; trên đường thì ngoài ôtô ra còn có cả xe ngựa, xe lừa, còi xe thì kêu inh ỏi, nói chung là có cảm tưởng khá giống giao thông Việt Nam?.
Thêm nữa là địa hình phía Bắc Maroc có nhiều đồi núi và đèo nên việc tự lái xe không dành cho những tay lái yếu.

4.2 Di chuyển trong nội thành

Có 2 loại taxis hoạt động trong các thành phố ở Maroc là: “grand taxi” – taxi lớn và “petit taxi” – taxi nhỏ.
- Taxi nhỏ: loại xe con 4 chỗ, chỉ được phép chạy trong nội thành các thành phố. Theo quy định loại taxi này cũng chỉ được chở tối đa 3 khách.
“Nhóm mình đi 4 người mặc dù nhìn thấy xe vẫn còn chỗ trống và xin tài xế chở cả 4 nhưng họ đều không đống ý và kêu phải chia thành 2 nhóm thì mới chịu chở” ☹
- Taxi lớn: thường là loại taxi 7 chỗ, loại này có thể đi ra ngoài ngoại thành hoặc đi chuyển giữa các thành phố lân cận.
Ở các thành phố, để di chuyển từ nội thành ra sân bay thì bạn chỉ được đi loại taxi lớn này.
Với hầu hết taxis thì bảng giá được niêm yết trên cửa kính của xe, tuy nhiên, bạn vẫn có thể mặc cả với tài xế để có giá hợp lý nhất. ?

5. Nên tới Maroc khi nào

Mỗi vùng ở Maroc đều có những kiểu khí hậu đặc trưng riêng nên hầu như bạn có thể tới đây quanh năm, ví dụ như các thành phố ven biển như Essaouira, Agadir thời tiết luôn mát mẻ và không quá nóng vào mùa hè cũng không quá lạnh vào mùa đông.
Tuy nhiên, với những hành trình dài ngày khám phá Maroc thì thời điểm lý tưởng để tới đây là vào tháng 10, 11 hoặc tháng 4, 5 – đây là những tháng mà thời tiết tương đối dễ chịu ở nhiều thành phố (nhiệt độ trung bình 15-25°C).
“Lúc mình đi là vào hai tuần cuối tháng 9, thời tiết lúc này cũng đã đỡ hơn nhiều so với mùa hè (bác taxi nói thế ? ) nhưng các thành phố về phía nam gần sa mạc Sahara như Marrakech, Ouarzazate vẫn nóng và oi bức, nhiệt độ ban ngày vẫn lên tới 34-35°C làm mình cảm thấy khó chịu và mất sức khá nhiều.”

6. Chuẩn bị gì khi cho chuyến đi Maroc

- Hộ chiếu và các loại giấy tờ tùy thân: là những thứ không thể thiếu cho một chuyến du lịch. Mình khuyên các bạn nên photo một vài bản những loại giấy tờ quan trọng này và để ở những chỗ khách nhau phòng trường hợp giấy tờ gốc bị mất thì vẫn còn bản photo để làm việc với các cơ quan chức năng sở tại.
- Tiền bạc: cái này lại càng không thể thiếu. Ở Maroc người dân vẫn dùng tiền mặt trong giao dịch khá nhiều nên việc luôn phải cầm tiền mặt trong người là không thể tránh khỏi.
Tuy nhiên, về phía mình, để đảm bảo an toàn cũng như để thoải mái về mặt tinh thần, mình khuyên các bạn chỉ nên chuẩn bị một lượng tiền mặt vừa đủ để chi trả chi phí sinh hoạt và các loại dịch vụ trong khoảng 2 đến 3 ngày, sau đó nếu hết các bạn lại rút tiền cho những ngày tiếp theo. Điều này giúp bạn hạn chế thấp nhất những rủi ro liên quan tới tiền bạc.
- Trang phục: các bạn nên chuẩn bị trang phục quần áo phù hợp và thoải mái nhất có thể. Đối với những ai tham gia tour sa mạc thì nên lựa chọn những bộ đồ thoáng mát và dễ vận động, cũng đừng quên chuẩn bị một chiếc áo khoác mỏng vì nhiệt độ trong sa mạc thay đổi rất nhanh, ban ngày nắng nóng nhưng ban đêm lại se lạnh.
Một điều quan trọng nữa về trang phục: do là một đất nước Hồi giáo nên người dân ở đây có cách nhìn và tiêu chuẩn hơi khắt khe về trang phục của phụ nữ. Đối với khách du lịch thì có thể họ sẽ thoáng hơn một chút, tuy nhiên, « nhập gia tùy tục », những bạn nữ khi tới Maroc du lịch nên để ý cách ăn mặc sao cho phù hợp nhất có thể.
Ngoài những đồ dùng thiết yếu kể trên thì mình khuyên các bạn nên cầm theo một số loại thuốc để đề phòng như:
- Thuốc đau đầu: vào mùa hè sự nắng nóng ở Maroc rất gắt, nhất là những vùng gần sa mạc, cộng với nhiệt độ cao nên dễ gây đau đầu hoặc say nắng nếu chúng ta đi ngoài trời cả ngày.
- Thuốc đau bụng, tiêu chảy : theo mình thấy thì ở Maroc vấn đề vệ sinh thực phẩm không được đảm bảo cho lắm, cộng với văn hóa ăn bốc nên đối với bạn nào bụng yếu thì rất dễ bị đau bụng. « Mình may mắn khi đi hơn 2 tuần mà chỉ bị đau bụng đúng 1 lần » ?
- Thuốc ho, cảm cúm : với những bạn nào chọn đi vào các tháng mùa đông thì cũng nên mang theo những loại thuốc đề đề phòng.

7. Về vấn đề an ninh

Những vùng miền núi hẻo lánh ở Maroc thường xuyên tiềm ẩn nguy cơ đe dọa bởi một số nhóm khủng bố. Vì thế, chính quyền Maroc đưa ra lời khuyên với khách du lịch là không nên đi một mình ở những nơi hẻo lánh. Du khách nếu muốn khám phá những vùng này thì nên đi theo nhóm có hướng dẫn viên địa phương.
Vùng biên giới phía Tây Nam giáp biên giới Algeria và vùng lãnh thổ phía Nam thuộc Tây Sahara được chính quyền khuyến cáo là không nên tới đối với khách du lịch do tình hình an ninh phức tạp ở các khu vực này.
Tại các thành phố hay những chỗ đông người các bạn nên hạn chế đeo đồ trang sức hay mang những vật dụng giá trị trên người. Việc đi ra ngoài vào ban đêm hay đi một mình cũng không được khuyến khích để tránh những rắc rối không đáng có.

8. Ngân sách tham khảo

Nhìn chung thì giá cả ở Maroc rẻ hơn so với châu Âu khá nhiều, từ đồ ăn, khách sạn, vé tham quan và các dịch vụ khác.
Chuyến đi của mình qua 7 thành phố trong vòng 16 ngày tại Maroc có tổng chi phí khoảng 800€. Đây là mức chi phí theo mình nghĩ là khá rẻ vì so với những chuyến đi khác quanh châu Âu của mình trước đây thì không thể có giá như vậy.
Tùy vào thời gian và mức chi tiêu của bạn dành cho chuyến đi mà mức chi phí này có thể thay đổi. Thời điểm bạn tới Maroc (cao điểm/thấp điểm) cũng là một yếu tố ảnh hưởng tới chi phí của chuyến du lịch.

9. Lịch trình khám phá Maroc tham khảo

Hơn 2 tuần rong ruổi ở đất nước Bắc Phi tuyệt đẹp này đã giúp mình có được một vài kinh nghiệm để có thể sắp xếp lịch trình khám phá một cách hợp lý.
Dưới đây là 2 lịch trình mình thấy là khá hợp lý cho những ai muốn một lần đặt chân tới Maroc :
- Lịch trình 1 : Marrakech (ngày 1 & 2) – Ouarzazate (ngày 3) – Merzouga (ngày 4) – Fès (ngày 5) – Chefchaouen (ngày 6) – Fès (ngày 7)
- Lịch trình 2 (dài ngày) : Marrakech (ngày 1) – Essaouira (ngày 2) – Marrakech (ngày 3) – Ouarzazate (ngày 4) – Merzouga (ngày 5) – Fès (ngày 6 & 7) – Chefchaouen (ngày 9) – Fès (ngày 10) – Merknès (ngày 11) – Rabat (ngày 12) – Casablanca (ngày 13) – Marrakech (ngày 14)
Ngoài ra, nếu có thời gian bạn cũng có thể thêm vào lịch trình các thành phố du lịch khác của Maroc như Agadir, Tangier. Hoặc, nếu là người ưa thích khám phá bạn cũng có thể đặt các tour trekking vùng núi High Atlas khởi hành từ Marrakech, đến thăm những ngôi làng của người Berber (Imlil, Asni, Ourika, …) và chiêm ngưỡng những thung lũng tuyệt đẹp của vùng núi này.
Các tour này rất đa dạng về địa điểm tham quan cũng như số ngày đi giúp các bạn thoải mái lựa chọn, và tất nhiên nó cũng được bán rất nhiều tại các đại lý ở Marrakech.

10. Những địa điểm và hoạt động không thể bỏ qua khi tới Maroc

10.1 Fès – Di sản của quá khứ

Từng 2 lần được chọn làm thủ đô của Maroc qua các triều đại đã khiến cho Fès xưa kia trở thành một thành phố buôn bán thịnh vượng và sầm uất, cũng chính nhờ sự phát triển giao thương đó đã thu hút nhiều người tới đây để định cư, từ đó đánh dấu thời kỳ vàng son của thành phố này.
Thành phố Fès ngày nay bao gồm 2 khu phố cổ (medina), Fès el-Bali và Fès Jdid, cùng một khu phố mới (Ville Nouvelle) do người Pháp xây dựng; trong đó, khu medina Fès el-Bali được xếp hạng di sản của UNESCO, là nơi nổi tiếng và đáng để tham quan nhất.
Trong tiếng Ả Rập, medina được hiểu là khu phố cổ - là nơi để người dân sinh sống và buôn bán trao đổi hàng hóa của trong nhiều thế kỷ. Có một điều đặc biệt, ở hầu hết các thành phố ở Maroc, trong khu medina các phương tiện giao thông bị cấm hoàn toàn, người dân chỉ có thể đi bộ trong medina, ngoại trừ ở Marrakech.
Được bao quanh bởi những bức tường thành, Fès el-Bali thực sự là bảo tàng ngoài trời lưu giữ vô số kiệt tác của đất nước Maroc nằm trong mê cung của 9400 con hẻm. Khi tới đây, bạn sẽ như lạc vào Fès của quá khứ, lạc vào một thế giới Ả Rập đầy màu sắc, được tận mắt quan sát những hoạt động buôn bán nhộn nhịp của người Hồi giáo nơi đây từ nhiều thế kỷ qua.
Bab Bou Jeloud : khi tới Fès el-Bali có lẽ nơi đầu tiên mà các bạn đi qua là Bab Bou Jeloud (hay Bab Boujloud) – đây là cổng chính để vào khu medina và cũng là cổng thành nổi tiếng nhất trong số nhiều cổng thành của medina.
hình ảnh
Được xây dựng vào thế kỷ 12 và vừa được tu sửa vào năm 2013, đây là một cánh cổng mang lối kiến trúc Maroc với hàng ngàn viên đá màu xanh được khảm ở 2 mặt. Mặt ngoài được khảm bằng những viên đá màu xanh lam (màu của Fès) còn mặt trong của cổng được khảm bằng những viên đó màu xanh lục (màu của Hồi giáo), chính vì đặc điểm này mà Bab Bou Jeloud còn được gọi bằng một cái tên khác là « Cổng Xanh » (Blue Gate).
Các souks : các khu chợ souk được trải dài dọc khắp medina với vô số các gian hàng bán đồ thủ công và sản vật nổi tiếng của địa phương. Lạc bước ở đây, bạn sẽ bắt gặp những chiếc thảm với đủ mọi họa tiết bắt mắt của souk Tillis, tới những khay gia vị truyền thống thơm lừng của souk Attarine, hay những quầy bán mỹ phẩm và vẽ henna tại souk el-Henna ; và vô vàn các gian hàng bán quần áo và giày dép truyền thống của người Maroc, cùng rất nhiều những sạp hoa quả khô, …
Khi đã mua cho mình được những món đồ ưng ý ở các khu chợ này, các bạn cũng đừng bỏ qua cơ hội thưởng thức một vài loại bánh đặc trưng của Maroc cùng một một cốc nước cam hay nước lựu ép ở đây nha.
Quảng trường Seffarine : đây là một quảng trường nhỏ nơi các nghệ nhân làm nghề đúc đồng truyền thống đã tồn tại qua nhiều thế kỷ. Ở đây bạn có thể tận mắt xem cách chế tác các sản phẩm bằng đồng như khay đựng, xô chậu, ấm trà, chảo, nồi nấu couscous, …
hình ảnh
Xưởng thuộc da Chouara (Chouara Tannery) : đây là một trong những nơi tuyệt vời nhất mà bạn chắc chắn không thể bỏ qua. Là một trong ba xưởng làm thuộc da ở Fès, Chouara là xưởng lớn nhất và mang tính biểu tượng nhất của thành phố.
Đi vào hoạt động từ khoảng thế kỷ 16, đây là nơi thực hiện các công đoạn tẩy rửa và nhuộm màu cho các tấm da thuộc được lấy từ cừu, dê, lừa hay lạc đà. Tuy đã được cải tạo nhiều nhưng khung cảnh cũ kĩ ở đây vẫn tạo cảm giác cho ta như đang ở thời trung cổ.
Điều kiện làm việc của những người công nhân ở đây cũng vô cùng hạn chế, không găng tay không đồ bảo hộ, họ luôn phải ngâm mình hàng giờ trong các bể chứa chất tẩy rửa và những chất nhuộm màu dưới cái nắng gắt của vùng Bắc Phi.
hình ảnh
Do là nơi xử lý da động vật nên môi trường ở đây tương đối ô nhiễm, mùi hôi thối của những tấm da chất hàng đống cùng những bể chứa đầy chất tẩy rửa bốc lên liên tục cả ngày lẫn đêm khiến những khu vực xung quanh luôn bị ám mùi nồng nặc.
Để tới đây, bạn có thể tìm tới những tiệm bán đồ thuộc da ngay bên ngoài khu xưởng, những nơi này có ban công để du khách có thể đứng từ trên cao bao quát toàn cảnh những hoạt động trong khu xưởng này. Với mỗi du khách, khi lên ban công, họ sẽ phát cho mỗi người một cọng lá bạc hà để ngửi để át đi mùi hôi bốc lên từ khu xưởng.
Một vài lưu ý khi tới Chouara :
- Không có giá cố định để lên trên những ban công, khi đi tới khu vực này sẽ có rất nhiều người mời chào bạn vào xem xưởng Chouara từ cửa hàng của họ, hãy quan sát và lựa chọn một cửa hàng bạn thấy là phù hợp, và đừng quên trả giá.
- Trước khi lên được ban công của các cửa hàng, họ sẽ đưa bạn đi qua các tầng nơi bán các mặt hàng da thuộc thủ công mà họ nói là được làm tại xưởng Chouara này. Nếu muốn mua món đồ nào đó, hãy xem kỹ chất lượng của món đồ đó.
Ngoài xưởng Chouara, trong khu medina còn có một xưởng thuộc da nhỏ hơn là Sidi Moussa mà bạn cũng có thể tới thăm.
Medersa Bou Inania: tọa lạc gần « Cổng Xanh » Bab Bou Jeloud, đây là một trong những medersa lớn và quan trọng nhất ở Fès. Được xây dựng vào những năm 1351-1357, trường dạy kinh Koran này là một kiệt tác của kiến trúc Hồi giáo Maroc với những chi tiết điêu khắc tinh sảo trên những cánh cửa gỗ to bản cùng nghệ thuật chạm trổ và khảm đá mosaic tuyệt đẹp.
Không giống như nhiều trường dạy kinh khác, Bou Inania là medersa duy nhất ở Maroc có một nhà thờ và tháp cầu kinh (minara) liền kề. Đỉnh tòa tháp này được lát gạch màu xanh của Hồi giáo - xanh lá cây tuyệt đẹp mà bạn có thể nhìn thấy ngay khi bước vào medina. Đây cũng là một số ít những địa điểm cho phép người ngoại đạo vào thăm ở Maroc.
Giá vé vào cửa ở đây là 20Dh (=2€). Giờ mở cửa: 9h-12h và 13h-18h
Một vài lưu ý:
- Lối vào phía nhà nguyện bị cấm với người ngoại đạo, du khách chỉ được vào cửa ở phía mặt sau tại đường “rue Talaa Fès”.
- Nếu tới đúng vào giờ cầu nguyện, cửa vào medersa cũng đóng luôn, bạn phải chờ cho tới khi người dân cầu nguyện xong mới được vào.
Medersa Al-Attarine: cũng là một ngôi trường dạy kinh Koran khác tại trung tâm medina với những tuyệt tác kiến trúc vô cùng ấn tượng mà bạn cũng không thể bỏ qua.
Giá vé: 20Dh. Giờ mở cửa: 9h-17h
Cung điện hoàng gia Fès (Royal Palace - Dar al-Makhzen): cung điện này không mở cửa cho du khách, tuy nhiên, đây cũng là một địa điểm bạn nên tới thăm để chiêm ngưỡng những cánh cổng lớn được đúc bằng đồng và chạm khắc tinh xảo do các thợ thủ công địa phương chế tạo vào những năm 1970.
Nếu có thể, bạn nên tới đây vào lúc xế chiều khi những tia nắng chiếu thẳng vào những cánh cổng vàng giúp bạn có cơ hội chụp được những bức ảnh đẹp xuất thần.
Cung điện này nằm ngoài khu medina, vì thế để tới đây mình khuyên bạn nên đi taxi, giá cho một chiều khoảng 30Dh – 40Dh đi từ “Cổng Xanh” của medina và chỉ mất khoảng 5’ lái xe.
Fondouk: các fondouks xưa kia là những quán trọ nơi những thương nhân lui tới để nghỉ ngơi khi họ tới Fès để giao thương buôn bán. Ở Fès el-Bali, có rất nhiều fondouk: Nejjarine, Talaa el Kibira, Ras Cherratine, Talaa Sghira, … các fondouks này thường tập trung dọc các trục chính của medina. Trong số những fondouk này thì fondouk Nejjarine được biết tới nhiều hơn cả bởi vẻ đẹp nổi bật của kiến trúc riad Maroc và nó cũng đã được xếp hạng di sản thế giới của UNESCO. Fondouk Nejjarine cũng không thu tiền khi du khách vào tham quan.
Bên cạnh fondouk, đài phun nước Nejjarine (Nejjarine Fountain) cũng đáng chú ý bởi nghệ thuật trang trí đẹp mắt của nó.
Để ngắm nhìn toàn cảnh vẻ đẹp của khu medina Fès el-Bali thì chắc chắn bạn không thể bỏ qua những địa điểm sau:
- Borj Nord: đây là pháo đài nằm trên một ngọn đồi ở phía bắc của medina, được xây dựng vào năm 1582 dưới triều đại Saadi. Trên pháo đài này còn có một bảo tàng vũ khí mở cửa cho du khách tới thăm.
Giờ mở cửa: cả tuần trừ thứ Ba: 9h-12h và 14h-17h. Giá vé: 20Dh
- Lăng mộ Merinid: cách không xa Borj Nord, cũng nằm trên ngọn đồi al-Qula cao nhất phía bắc của khu medina, đây là lăng mộ chôn cất các vị vua Merinid, nhưng hiện nay nơi đây chỉ còn là những tàn tích của lịch sử.
Được quan tâm hạn chế và cũng ít du khách tới thăm, tuy nhiên, đây chắc chắn là địa điểm cho bạn chiêm ngưỡng một trong những khung cảnh đẹp nhất của khu medina Fès el-Bali.
Ngoài ra, từ ngọn đồi này, bạn cũng có thể phóng tầm mắt ra xa những ngọn đồi và cánh đồng bạt ngàn để bao quát vẻ đẹp thiên nhiên của thành phố Fès.
Thời gian lý tưởng mà mình khuyên bạn nên tới đây là thời điểm bình minh hoặc hoàng hôn, khi những tia nắng dịu của mặt trời mang đến cho nơi này một sắc thái tuyệt đẹp nhất.
Như đã nói, nơi này là một tàn tích ít được quan tâm nên được ra vào tự do và miễn phí cho tất cả mọi người.
Không có đường bộ đi trực tiếp tới đây, tuy nhiên, khu lăng mộ Merinid có thể dễ nhìn thấy từ medina giúp bạn xác định được hướng đi. Tiếp đó, bạn phải đi ra khỏi khu medina và đi bộ một đoạn tới khi gặp một con đường quốc lộ, băng qua con đường đó bạn sẽ tới chân ngọn đồi. Từ đây bạn có thể nhìn thấy rõ pháo đài và khu mộ hơn, việc tiếp theo chỉ là tìm đường dễ đi nhất để leo lên mà thôi. Quãng đường từ trung tâm medina tới 2 địa điểm này khoảng hơn 1km.
- Borj Sud: cũng tương tự Borj Nord, đây là một pháo đài quân sự được xây dựng dưới thời vị sultan Ahmed El Mansour của triều đại Saadi để quan sát và bảo vệ phía nam của thành phố. Pháo đài này cũng có một sân thượng cung cấp tầm nhìn toàn cảnh khu phố cổ medina. Để tới đây bạn nên đi taxi.
Ngoài ra, Fès el-Bali cũng còn rất nhiều các địa điểm mà bạn nên ghé qua:
- Quảng trường R’cif: mới được xây dựng từ thế kỷ 20, bên cạnh còn có nhà thờ R’cif Mosque có ngọn tháp cao nhất thành phố, quảng trường này luôn tấp nập người qua lại.
- Zaouia Moulay Idriss II: là nơi chứa ngôi mộ của Idris II – người được coi là sáng lập ra thành phố Fès. Người ngoại đạo không thể vào trong, tuy nhiên bạn có thể nhìn nó từ bên ngoài.
- Đại học Al Quaraouiyine: là trường đại học lâu đời nhất trên thế giới còn hoạt động và được UNESCO công nhận. Nơi đây cũng không chào đón người ngoại đạo và bạn chỉ có thể nhìn từ bên ngoài qua các khe cửa.
- Le mellah: cũng là một khu phố cổ nhưng là của người Do Thái, các bức tường thành bao quanh ở đây là để ngăn cách khu vực của người Do Thái và người Hồi Giáo. Nếu có thời gian bạn cũng đừng bỏ lỡ nơi này.

10.2 Chefchaouen – Sắc xanh huyền ảo

Là một thành phố nhỏ ở miền núi phía tây bắc của Maroc, nằm giữa Fès và Tetouan, Chefchaouen những năm gần đây thu hút rất đông du khách tới thăm nhờ vẻ đẹp ấn tượng cùng một gam màu xanh huyền ảo có một không hai của thành phố này.
Medina Chefchaouen: địa điểm đẹp như tranh vẽ này chắc hẳn là nơi mà bạn muốn tới ngay lập tức khi đến với Chefchaouen.
Nằm dưới chân núi Rif, khu medina của Chefchaouen cũng giống với những medina của các thành phố khác, là nơi sinh sống và buôn bán của người dân địa phương. Tuy nhiên, medina ở Chefchaouen lại đặc biệt ở chỗ từng ngôi nhà, từng con hẻm, từng bậc thang ở đây được phủ lên một màu xanh lam huyền bí khiến bất cứ ai tới đây đều có cảm giác như được bước vào một thành phố cổ tích.
Tới đây bạn hãy cứ để đôi chân mình lạc bước trên những con đường đá gồ ghề và thong thả khám phá vẻ đẹp kỳ bí trong những ngõ ngách của khu medina này. Ngoài ra, bạn cũng đừng quên dành thời gian để ngắm nghía những cửa hàng bán đồ thủ công truyền thống của người Berber hay những bịch gia vị đầy màu sắc của vùng núi này.
Một điều thú vị nữa khi bạn đến với Chefchaouen, đó là mèo. Mèo hoang được nhìn thấy khắp mọi nơi trong thành phố, có lẽ vì thế mà nơi đây còn được biết tới với cái tên “Thành phố của những chú mèo”.
Jemaa Bouzafar (hay The Spanish Mosque): là một nhà thờ Hồi giáo phong cách Tây Ban Nha nhỏ được xây dựng từ thế kỷ 15 nằm trên một ngọn đồi phía ngoài ngôi làng. Đây là địa điểm tuyệt vời nhất để có thể ngắm toàn bộ khung cảnh của thị trấn Chefchaouen. Đây cũng là nơi mà các du khách đổ xô tới vào mỗi cuối chiều để ngắm hoàng hôn buông xuống sau những dãy núi của Chefchaouen.
Lời khuyên là bạn nên tới đây sớm hơn một chút để có thể chọn cho mình một góc quan sát đẹp nhất.
Quảng trường Outa el Hammam: đây là quảng trường trung tâm của “Thành phố xanh” nằm ngay lối vào của khu medina, nơi chắc chắn bạn phải đi qua nhiều lần. Quảng trường này luôn nhộn nhịp cả ngày lẫn đêm do là nơi tập chung của các nhà hàng, quán cà phê và các quầy đồ lưu niệm.
Kasbah Chefchaouen: nếu đã chán với màu xanh của khu medina bạn hãy đến với màu nâu của kasbah. Nằm ngay cạnh quảng trường Outa el Hammam, kasbah Chefchaouen là một pháo đài đất sét được xây dựng vào thế kỷ 15. Pháo đài này có 13 ngọn tháp canh, leo lên một trong số những ngọn tháp này sẽ cho bạn một tầm nhìn tuyệt đẹp về phía medina.
Giá vé: 60Dh. Giờ mở cửa: tháng 10 đến tháng 5: từ 9h30 – 17h30 / tháng 5 đến tháng 9: từ 9h30 – 18h30
Tới Chefchaouen như thế nào: bạn có thể dễ dàng tới đây bằng bus hoặc taxi từ Fès hoặc Tanger. Với bus, các hãng như CTM, Supratours, … có nhiều chuyến khởi hành hàng ngày từ Fès mất 4h và từ Tanger mất 2h45’. Còn với taxi, sẽ nhanh hơn một chút, tuy nhiên giá sẽ đắt hơn rất nhiều, khoảng 90€ (tùy khả năng trả giá của bạn?) cho hai chiều đi từ Fès.
hình ảnh

(to be continued...)

Ma rốc Nhà hàng & Bar Casablanca Nhà hàng Marrakech (The Marrakech restaurant) Bảo Tàng Dar Al-Madinah ( Dar Al Madinah Museum )

Hãy mạnh dạn Viết blog chia sẻ trải nghiệm về chuyến đi, chia sẻ những hình ảnh được ghi lại trên những chặng hành trình. Đơn giản và dễ dàng nhưng lại giúp cho rất nhiều người sắp đi du lịch.

Viết blog ngay
Đã cập nhật vào ngày 30/12/2022
Love
2 Bình luận
avatar
Trung-Hieu Nguyen

“ĐI CHÍNH LÀ ĐỂ TIẾN HÓA.” – PIERRE BERNARDO

28 Quốc gia
21 Tỉnh thành
3 Người theo dõi
1 Đang theo dõi
icon Theo dõi
Kiếm tiền cùng Gody icon My Travel Map
Bình luận
*Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để bình luận và chia sẻ nhanh hơn
avatar
Thuy Do Cảm ơn bác, chi tiết quá. Đang tính năm nay đi Maroc coi sao thì dính dịch.
Trả lời
Chia sẻ
avatar
Trung-Hieu Nguyen Ko có gì bạn. Chắc phải tầm nửa năm nữa
mới đi được:)
Bài viết liên quan
Bài viết cùng tác giả
Hình ảnh những đoàn người cưỡi lạc đà đi trên sa mạc mênh mông chắc chắn là lý do thôi thúc bạn được một lần đặt chân tới đất nước Maroc. Các tours đi sa mạc Sahara thường khởi hành từ 2 thành phố Marrakech và Fès, các tours này cũng rất đa dạng từ số ngày đi (3 ngày, 5 ngày, 1 tuần…) cho tới chất lượng dịch vụ của tour.
Đặt chân tới Dubai vào một ngày đầu tháng 9, cái tâm trạng háo hức lúc này đã hoàn toàn lấn át mọi cảm giác mệt mỏi của tôi sau một chuyến bay dài. Không vui sao được khi mà đây là chuyến đi tôi đã ấp ủ bấy lâu, chuyến đi đầu tiên tới thế giới Hồi giáo.
Mình tới Doha (Qatar) với hình thức du lịch stopover này trong một chuyến đi khi mình tận dụng khoảng thời gian phải transit tại quốc gia này...
Là một bán đảo nhỏ nhô ra phía Đông Bắc của bán đảo Ả Rập, Qatar được biết đến như một trong những quốc gia giàu có và nổi tiếng của thế giới Ả Rập. Những năm gần đây, quốc gia này đang dần trở thành một điểm đến du lịch mới vô cùng hấp dẫn ở vùng Vịnh và dần sánh ngang với Dubai, Abu Dhabi của UAE.
Để có thể xin visa transit 96H bạn bắt buộc phải đặt vé của hãng hàng không Emirates (transit ở Dubai) vì hãng hàng không này hỗ trợ cho khách hàng của họ làm loại visa này (bạn cũng có thể làm visa transit 96H thông qua hãng hàng không Etihad Airways transit tại Abu Dhabi).
Du lịch theo kiểu stopover là hình thức du lịch ngắn ngày, tận dụng khoảng thời gian khi bạn phải transit tại một quốc gia nào đó để chờ chuyến bay tiếp theo. Thay vì phải mệt mỏi chờ đợi ở sân bay thì bạn có thể tận dụng khoảng thời gian đó để khám phá thành phố nơi bạn transit.
Với những ai yêu thích đất nước Nauy như mình thì chắc hẳn cũng đã từng nghe, hoặc nhìn thấy đâu đó trên mạng những bức ảnh tuyệt đẹp về một khối đá khổng lồ nhô ra khỏi vách núi dựng đứng cùng một khung cảnh thiên nhiên vô cùng rộng lớn và hùng vĩ xung quanh. Mỏm đá nổi tiếng đó chính là Trolltunga.