Blog KINH NGHIỆM KHÁM PHÁ GIA LAI 2022
cover

KINH NGHIỆM KHÁM PHÁ GIA LAI 2022

avatar
Việt Quốc Phạm dot Thứ 6, 08/07/2022
Theo dõi Gody.vn trên Google news
Gia Lai không chỉ nổi tiếng về bóng đá khi nhắc đến đội bóng Hoàng Anh Gia Lai mà còn được nhiều người biết đến về những địa điểm du lịch mang đậm bản sắc văn hóa núi rừng Tây Nguyên. Chính vì vậy mà Gia Lai luôn là điểm đến luôn được đông đảo mọi người quan tâm dành tặng những tình cảm thương mến nhất.
Gia Lai có đầy đủ cảnh quan được thiên nhiên ban tặng từ núi, rừng đến các con thác, sông và biển, tha hồ để bạn khám phá. Ngoài ra đến với Gia Lai bạn vừa được thưởng thức bóng đá vừa được được khám phá và trải nghiệm những nét đặc trưng văn hóa của vùng Tây Nguyên Đại Ngàn. Mình chắc chắn rằng đây sẽ là một địa điểm hấp dẫn và mang lại cho bạn nhiều trải nghiệm thú vị và đáng nhớ nhất. Nếu bạn đang quan tâm về một chuyến đi lắng đọng lại nhiều kỷ niệm đáng nhớ thì hãy tham khảo chuyến đi du lịch Gia Lai 3 ngày 2 đêm của mình ở bài viết dưới đây nhé!
hình ảnh
Gia Lai là một tỉnh phía Bắc vùng Tây Nguyên, giáp với Kon Tum, Đắk Lắk và các tỉnh thuộc Nam Trung Bộ là Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên. Gia Lai có diện tích lớn thứ 2 cả nước. Vì Gia Lai nằm trên vùng cao nguyên nên cảnh quan thiên nhiên chủ yếu là núi và rừng, mang đặc trưng của vùng Tây Nguyên đất đỏ bazan. Nhắc đến Gia Lai, người ta thường nhớ ngay đến những cánh rừng nguyên sinh rộng lớn, thiên nhiên hùng vĩ bao la với những thác trải dài trên sườn, núi đồi cà phê bạt ngàn nên những địa điểm du lịch lưu giữ lại nhiều nét hoang sơ mộc mạc của núi rừng nhất mà thật khó có thể dễ dàng cảm nhận ở một nơi nào khác.
Nguồn gốc tên gọi Gia Lai bắt nguồn từ chữ Jarai, tên gọi của một dân tộc thiểu số trong tỉnh, cách gọi này vẫn còn giữ trong tiếng của người Ê-đê, Ba Na, Lào, Thái Lan và Campuchia để gọi vùng đất này là Jarai, Charay có nghĩa là vùng đất của người Jarai, có lẽ ám chỉ vùng đất của Thủy Xá và Hỏa Xá thuộc tiểu quốc Jarai xưa.
Gia Lai thuộc vùng đất Tây Nguyên nên khí hậu chỉ có 2 mùa đó là mùa mưa và mùa nắng. Mỗi mùa gia lai sẽ mang một vẻ đẹp riêng biệt và bạn có thể thưởng thức nó theo cảm nhận riêng. Bạn có thể lên kế hoạch đi Gia Lai bất kỳ mùa nào phù hợp với việc bạn có thể sắp xếp thời gian hay bạn yêu thích.
Thường thì mùa mưa bắt đầu vào tháng 5 và kết thúc hết tháng 10. Vào mùa mưa thì đường xá lầy lội gây cản trở cho việc di chuyển. Nhưng đây chính là điều đặc biệt mà du khách nào cũng nên thử trải nghiệm đi trên con đường đất đỏ bazan vào mùa mưa xem độ lầy lội như thế nào. Lưu ý con đường đất đỏ vào mùa mưa rất dễ trơn trượt, bạn nên mang nhiều đồ để thay vì đi trên những con đường này rất dễ bị vấy bẩn. Vào tháng 10 hoa muồng đua nhau nở tạo nên một khung cảnh Gia Lai thật đẹp trong sắc vàng. Ở đây người bán địa hay nói rằng Gia Lai đẹp nhất là khi mùa muồng vàng về. Nếu bạn bạn đi đúng dịp giao mùa như thế này bạn sẽ sẽ cảm nhận được vẻ đẹp thật sự của vùng đất Tây Nguyên.
Mùa khô ở Tây Nguyên sẽ bắt đầu vào tháng 11 và kết thúc tháng 4. Trong đó, tháng 3 và tháng 4 ở Tây Nguyên được đánh giá là hai tháng nóng và khô nhất. Đây là mùa thích hợp nhất cho những chuyến đi du lịch cũng như đi phượt. Thời điểm này thời tiết ở đây trời trong xanh với nắng vàng. Thuận tiện trong quá trình đi lại cũng như khi bạn chụp ảnh hay quay video đều rất đẹp. Thời điểm này, Gia Lai nhuộm mình trong màu vàng của lúa chín và hoa dã quỳ đua nhau nở rộ. Ngoài ra, nếu bạn đi vào tháng 2 hay tháng 3 thì bạn sẽ chiêm ngưỡng được một khung cảnh hoa cà phê nở trắng cả góc trời tuyệt đẹp. Thêm vào đó là một tiết trời mát mẻ, thoáng đãng thích hợp cho chuyến đi của bạn.
Mình đến Gia Lai tháng 2, sau dịp lễ Tết Nguyên đán. Đây là thời điểm những tháng cuối mùa nắng nên thời tiết khá là nắng nóng. Mình chọn xe máy làm phương tiện để khám Gia Lai vì mình muốn trải nghiệm đi trên những con đường đất đỏ và ngắm cảnh vật trên đường đi. Mình xuất phát từ Đăk Lăk. Muốn đến TP PleiKu, Gia Lai thì đi phải đi qua cung đường Quốc lộ 14. Đây là cung đường được đánh giá là đẹp nhất ở khu vực Tây Nguyên. Trên đường đi các bạn sẽ được trải nghiệm trên con đường thẳng tắp, ngắm nhìn những vườn cao su bạt ngàn trải dài hai bên đường và được ngắm những trụ điện gió khổng lồ.
hình ảnh
Điện gió ở EaNam, EaH'leo
Lưu ý cung đừng này không chỉ đẹp mà còn độc. Cung đường có rất nhiều chốt trạm Cảnh sát giao thông lập để tuần tra kiểm soát tại đây. Vì vậy các bạn phải tuân thủ luật giao thông, đi đúng tốc độ quy định nếu không sẽ được gặp các chú Cảnh sát đấy.
Thác Phú Cường
Địa điểm đầu tiên mà mình tham quan khi đến Gia Lai đó là thác Phú Cường. Con thác này nằm ở đầu địa phận tỉnh Gia Lai, trong khu vực mỏ đá Phú Cường, thuộc địa phận xã Dun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, cách thị trấn Chư Sê khoảng 3km và cách TP. Pleiku khoảng 45km về phía phía Đông Nam.
hình ảnh
Địa điểm du lịch độc đáo này sở hữu độ cao khoảng 45m, chảy trên nền nham thạch của một ngọn núi lửa đã ngừng hoạt động với dòng nước bắt nguồn từ trên núi rồi đổ xuống suối La Peet tung bọt trắng xóa rồi chảy ra sông Ayun - nơi có công trình thủy lợi Ayun Hạ sở hữu hồ chứa nước có diện tích rộng khoảng 3.700ha.
Thác Phú Cường Gia Lai tọa lạc giữa thiên nhiên núi rừng hùng vĩ với hệ thống sinh thái ấn tượng bao gồm các rừng cây, thảm thực vật phong phú, khu vực hồ - suối thơ mộng…hứa hẹn mang đến khoảng thời gian khám phá lý tưởng hay trải nghiệm hòa mình giữa không gian trong lành, thanh bình và du khách sẽ có cơ hội tham gia nhiều hoạt động du lịch ngoài thú vị dẫn như check-in, dạo quanh hồ bằng thuyền, tổ chức các buổi picnic sôi động…
Chùa Minh Thành
Địa điểm tiếp theo trong chuyến đi khám phá Gia Lai của mình đó là chùa Minh Thành nằm ở trung tâm phố PleiKu. Ngôi chùa sở hữu lối kiến trúc độc đáo, mang đậm phong cách Nhật Bản. Nhìn qua hình là mình muốn đến đây ngay và luôn. Tuy nhiên, khi đến nơi thì chùa đóng cửa không đón khách tham quan vì đang tu sửa và sợ ảnh hưởng dịch covid. Vậy là mình phải hẹn chùa Minh Thành vào một dịp khác.
hình ảnh
Ảnh sưu tầm
Buổi tối mình đi dạo một vòng Thành phố Pleiku. Pleiku về đêm khá là bình yên, không quá ồn ào tấp nập. Buổi tối các bạn có thể đi dạo quảng trường Đại Đoàn Kết, thưởng thức những món ăn đặc biệt của Gia Lai, la cà nhâm nhi café tại những quán café thơ mộng, nhiều góc sống ảo.
Biển Hồ
Ở Tây Nguyên mà lại có biển, các bạn nghe thấy lạ đúng không. Nhưng thực ra là ở PleiKu có biển, đó chính là Biển Hồ. Sáng sớm hôm sau thì mình tiếp tục cuộc hành trình khám phá Biển Hồ.
Nằm cách trung tâm thành phố Pleiku 6km về hướng Bắc, Hồ T’nưng (cách viết khác là Hồ Tơ Nuêng, hồ Tơ Nưng) hay Biển Hồ hoặc hồ Ea Nueng là một hồ nước ngọt nằm ở phía tây bắc thành phố. Theo các nhà khoa học thì hồ T’Nưng chính là miệng núi lửa đã ngừng hoạt động từ hàng trăm triệu năm qua. Hồ có hình bầu dục, độ sâu trung bình từ khoảng 12 đến 19 m. Hồ T’Nưng là một trong những hồ đẹp nhất ở Tây Nguyên. khi gió to thường có sóng lớn nên mới gọi là biển hồ. Còn người địa phương gọi là T’Nưng, có nghĩa là “biển trên núi”.
hình ảnh
Hồ Tơ Nưng là hạt ngọc của Plieku mà bất cứ ai đã đặt chân đến vùng đất Tây Nguyên cũng không thể bỏ qua.
Biển Hồ Chè
Biển hồ chè là địa điểm tham quan nằm trên bờ Bắc Hiển Hồ, đây là sự kết hợp giữa hồ nước thủy lợi và Nương chè bạt ngàn. Biển hồ chè cách thành phố Pleiku 13km, nằm trên địa phận huyện Chư pah.
Biển hồ chè được hình thành từ những năm 20 thế kỷ trước, là đồn điền chè đầu tiên của người Pháp ở Gia Lai. Khi đến đây bạn sẽ có được một không gian yên tĩnh, bình yên sau những ngày mệt mỏi của cuộc sống thường ngày xô bồ. Với các tín đồ sống ảo thì khi đến đây sẽ có rất nhiều ảnh check in đầy nghệ thuật.
Lối đi vào Biển hồ chè bạn sẽ bắt gặp một hàng thông trăm tuổi. Người dân ở đây không ai biết rõ hàng thông ba lá đại thụ được trồng vào thời điểm chính xác nào, chỉ biết rằng nó có từ lúc những người Pháp xuất hiện trên vùng đất này và thành lập nên Sở Trà – đồn điền chè đầu tiên trên cao nguyên Pleiku vào đầu thế kỉ XX.
hình ảnh
Những gốc thông già rêu phong, xù xì đủ hình dạng nằm giữa màu xanh của đồi chè đã trở thành địa điểm ngoại cảnh lý tưởng được nhiều cặp đôi lựa chọn để ghi lại khoảnh khắc hạnh phúc của cuộc đời.
Chùa Bửu Minh
Nằm sát bên cạnh biển Hồ chè là chùa Bửu Minh. Đây là một trong những ngôi chùa lâu đời tại Gia Lai. Vì Biển Hồ, biển hồ chè, chùa Bửu Minh nằm gần nhau nên các bạn có thể kết hợp tham quan 3 địa điểm này nhé.
Tiền thân của chùa Bửu Minh là Sơn Hải Miếu. Đầu thế kỷ XX, cư dân từ đồng bằng duyên hải đến vùng đất này và dựng ngôi làng mang tên “xóm Cỏ May”. Giữa chốn “rừng thiêng, nước độc”, người dân đã lập nên “Sơn Hải miếu” để làm nơi sinh hoạt tâm linh. Đến đầu năm 1936, thì nơi đây thành lập chùa một ngôi chùa mang tên “Chùa Phật Học” và đến tận năm 1961 thì giữ cái tên chùa Bửu Minh đến tận bây giờ.
hình ảnh
Sau nhiều lần trùng tu đến nay chùa Bửu Minh là ngôi chùa có kiến trúc hiện đại, kết hợp hài hòa giữ lối kiến trúc miền Bắc, miền Trung và kiểu dáng chùa Nhật Bản. Ở phía sau chùa có một ngôi nhà nhỏ của Sư thầy chủ trì mang phong cách Nhật Bản rất là đẹp.
hình ảnh
Chùa có một số di vật quý như tượng Phật Chăm Pa bằng sa thạch cùng nhiều tượng, chuông, mõ quý. Chùa tọa lạc trong không gian xanh mát, giữ bao la đồi chè, hàng thông trăm tuổi trở thành điểm du lịch văn hóa tâm linh thu hút du khách.
Núi lửa Chư Đăng Ya
Chư Đăng Ya thuộc địa phận làng Ploi lagri, xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh, cách trung tâm phố núi Gia Lai khoảng 30km về hướng đông bắc, cách chùa Bửu Minh 15km.
Ngọn núi lửa Chư Đăng Ya sừng sững trên vùng đất hoang sơ thu hút du khách tham quan, khám phá bởi nét đẹp hoang sơ nhưng đầy quyến rũ.
hình ảnh
Theo tiếng đồng bào J’rai, Chư Đăng Ya có nghĩa là củ gừng dại. Đây là một trong những ngọn núi lửa đã từng hoạt động dữ dội ở vùng đất Tây Nguyên cách đây hàng triệu năm, nằm ẩn mình giữa đại ngàn hoang sơ. Từ trên cao nhìn xuống, ngọn núi tựa như một cái phễu khổng lồ, miệng núi tròn rỗng mang sắc đỏ màu mỡ đã được những lớp nham thạch tạo nên qua hàng triệu năm lịch sử.
Thời gian đẹp nhất để tham quan núi lử Chư Đăng Ya là tháng 10, tháng 11. Lúc này dã quỳ nở nhuộm vàng óng ả hai bên đường dẫn tới chân đồi và trải dài miên man tới miệng núi lửa, tô điểm cho cảnh sắc thiên nhiên Chư Đăng Ya thêm ấn tượng hơn. Cũng trong thời gian này, Chư Đăng Ya còn tổ chức lễ hội hoa dã quỳ với nhiều hoạt động phong phú. Du khách thỏa thích ngắm hoa, leo núi, say men rượu cần và hòa vào nhịp cồng chiêng của người bản địa, thưởng thức các món ăn truyền thống của đồng bào Tây Nguyên như cơm lam, gà nướng, rượu cần...
hình ảnh
Mình đến đây vào mùa khô nên cây cối đã úa tàn hết, chỉ còn những cây cỏ dại trơ trọi dưới ánh nắng vàng gay gắt. Nủi lửa mang một màu nâu đặc trưng của đất đỏ bazan trông cũng rất đẹp. Để lên đến đỉnh núi bạn có thể đi bộ hoặc đi xe. Lưu ý xe máy của bạn phải đủ khỏe, chỉ được chở tối đa 2 người trên xe vì đường lên đỉnh núi rất là dốc, rất nguy hiểm. Theo mình các bạn nên đi bộ để vừa an toàn, vừa ngắm được cảnh vật chân thực nhất.
Chư Đăng Ya thực sự là nơi lý tưởng cho những ai yêu thiên nhiên, thích khám phá, tìm kiếm những vẻ đẹp hoang sơ, thuần khiết và quyến rũ của vùng đất Tây Nguyên đại ngàn.
hình ảnh
Thủy điện Yaly
Ngày cuối cùng của chuyến đi, mình di chuyển đến thủy điện YaLy để tham quan. Nhà máy thủy điện YaLy cách thành phố Pleiku khoảng 50km. Đường trải nhựa dẫn đến chân thủy điện nên di chuyển khá thuận lợi. Rất tiếc là khi mình đến đây thì Thủy Điện đang tu sửa nên không cho du khách vào tham quan. Mình chỉ đứng ngắm hồ Yaly từ xa. Mình thấy hồ rất lớn, như một vùng biển thu nhỏ vậy.
Nhà máy thủy điện Ialy là nhà máy thủy điện trên dòng Krông B'Lah ở ranh giới huyện Sa Thầy tỉnh Kon Tum và huyện Chư Păh tỉnh Gia Lai, Việt Nam
Yaly chính là công trình thủy điện lớn thứ hai của nước ta, chỉ sau thủy điện Sông Đà. Được xây dựng vào năm 1993, sau ba năm nhà máy đi vào hoạt động và trở thành nhà máy thủy điện lớn nhất Tây Nguyên, là nơi cung cấp điện chính cho đồng bào Tây Nguyên.
Không tham quan được thủy điện Yaly nên mình khá là thất vọng. Cách đó không xa có một con suối mới được phát hiện rất đẹp nên mình tìm đường tham quan luôn. Vì là địa điểm mới nên chưa có trên bản đồ. Mình vừa đi vừa hỏi đường, người dân ở đó họ rất nhiệt tình chỉ cho mình đến tận nơi.
Suối đá Ong
hình ảnh
Dòng suối và bãi đá tổ Ong này ở làng Vân, thuộc thị trấn Ialy, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai. Người Jrai quanh vùng gọi nơi này là Jrai Phă (jrai nghĩa là thác nước, phă là bể). Và nó còn có tên gọi là suối Đá Đĩa vì nơi này có hình dạng như Ghềnh Đá Đĩa, di tích quốc gia đặc biệt ở Phú Yên
hình ảnh
Bãi đá này rộng khoảng 2 ha. Bãi đá có hàng trăm cột đá có hình lục lăng, được xếp cạnh nhau san sát, nhìn từ trên cao, nơi này như một "tổ ong" bằng đá khổng lồ. Theo các nhà địa chất, về hình thức, bãi đá tại con suối qua làng Vân có sự tương đồng với Ghềnh Đá Đĩa, về niên đại đã vượt 100 triệu năm tuổi.
hình ảnh
Vì mới được phát hiện nên suối Ong còn rất hoang sơ, chưa được nhiều người biết đến. Nếu các bạn đến đây tham quan thì hãy có ý thức giữ gìn, bảo tồn di tích địa chất đặc biệt này nhé.
Đến với Gia Lai mà các bạn bỏ qua món gà nướng, muối kiến vàng, bò một nắng, cơm lam, rượu cần của người đồng bào nơi đây quả là một thiếu sót lớn. Đây chính là đặc sản của Gia Lai nói chung và vùng Tây Nguyên nói riêng. Người dân bán ở hai bên đường vào biển hồ chè cho du khách thưởng thức với mức giá phải chăng nhưng đặc biệt là siêu ngon. Vì vậy các bạn không thể không thưởng thức những món đặc sản này nhé.
hình ảnh
Ngoài những địa điểm trên thì Gia Lai còn nhiều địa điểm thú vị khác khác như thác Xung Khoeng, Thác K50, Núi Hàm Rồng, Nhà Tù Plei Ku,…Vì chuyến đi này của mình khá ngắn nên mình chỉ tham quan được những điểm gần trung tâm TP PleiKu. Mình thực sự ấn tượng về con người nơi đây rất là dễ thương, mến khách. Mình hy vọng sẽ có cơ hội trở lại Gia Lai để tiếp tục khám phá vùng đất đầy thú vị này. Nếu bạn thấy ấn tượng về vùng đất này, hãy xách ba lô và đi ngay thôi nhé!

Thủy điện Yaly Núi lửa Chư Đăng Ya Chư Đăng Ya CHÙA BỬU MINH Biển Hồ chè Chùa Minh Thành Thác Phú Cường gia lai

Hãy mạnh dạn Viết blog chia sẻ trải nghiệm về chuyến đi, chia sẻ những hình ảnh được ghi lại trên những chặng hành trình. Đơn giản và dễ dàng nhưng lại giúp cho rất nhiều người sắp đi du lịch.

Viết blog ngay
Đã cập nhật vào ngày 25/12/2022
Love
0 Bình luận
avatar
Việt Quốc Phạm

Tôi có một ước mơ, ước mơ được xê dịch. Tôi cố gắng để đi được nhiều nơi nhất có thể để được tìm hiểu, khám phá và học hỏi nhiều điều tuyệt vời trong cuộc sống và những giá trị mà những chuyến đi mang lại. Tôi là một người lang thang, kẻ độc hành ôm mộng mơ đi muôn nơi để tìm câu trả lời : Rốt cuộc ta là ai trên cuộc đời này?

0 Quốc gia
23 Tỉnh thành
14 Người theo dõi
9 Đang theo dõi
icon Theo dõi
Kiếm tiền cùng Gody icon My Travel Map
Bình luận
*Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để bình luận và chia sẻ nhanh hơn
Bài viết liên quan
Bài viết cùng tác giả
Nhà thờ Cái Bè thuộc thị trấn Cái Bè, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Nhà thờ Cái Bè được biết đến là nhà thờ với kiến trúc đẹp, có tháp chuông cao nhất và có địa thế đẹp nhất trong tất cả các nhà thờ ở đồng bằng sông Cửu Long.
Nằm giữa Đăk Lăk đại ngàn đầy nắng và gió có một nơi được ví như "Đà Lạt thu nhỏ" vì nơi đây được trồng rất nhiều thông cho nên rất trong lành và mát mẻ. Đó chính là Thiền Viện Trúc Lâm Từ Giác nằm tại thôn Ea Wi, xã Ea Yông, huyện Krông Pắc, tỉnh Đăk Lăk.
Hẻm 206 đường Trần Hưng Đạo B (quận 5, TP.HCM) còn được biết đến với tên gọi hẻm Hào Sĩ Phường. Hơn 100 năm tồn tại giữa lòng đô thị, hẻm Hào Sĩ Phường vẫn giữ nguyên được kiến trúc độc đáo từ thuở ban đầu.
Chùa Ngọc Hoàng là một ngôi chùa nổi tiếng nằm ngay tại Quận 1 thành phố Hồ Chí Minh. Chùa Ngọc Hoàng sở hữu vẻ đẹp kiến trúc Trung Hoa mỹ lệ, cổ kính và đây còn là địa điểm cầu duyên, cầu con linh thiêng thu hút nhiều khách du lịch và người dân bản địa đến hành hương.
Nhắc đến Nghệ An, ngoài vẻ đẹp hấp dẫn của bãi biển Cửa Lò quanh năm xanh mát thì không thể không nhắc đến Bãi Lữ. Bãi Lữ hút hồn khách du lịch không chỉ ở vẻ đẹp hoang sơ, tĩnh lặng, mà còn là nơi nghĩ dưỡng, thư giãn sang trọng, tiện nghi không kém bất kì khu du lịch cao cấp nào.
Trong con hẻm tấp nập trên đường Nguyễn Đình Chiểu, TP.HCM có một "địa chỉ đỏ" rất đặc biệt. Đó là căn nhà số 287/70. Nơi đây có căn hầm bí mật từng là nơi cất giấu gần 2 tấn vũ khí của Biệt động Sài Gòn tấn công Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân 1968, được công nhận là Di tích lịch sử- văn hóa Quốc gia.
Cầu Long Biên là cây cầu được gọi với danh xưng “chứng nhân lịch sử” của nước ta. Trải qua bao thăng trầm của thời gian cùng biến cố lịch sử, cây cầu vẫn hiên ngang và trở thành một trong những biểu tượng của Hà Nội. Giờ hãy cùng mình tìm hiểu về cây cầu nổi tiếng này nhé!
Trải qua hơn 100 năm tồn tại và phát triển, chợ Bến Thành không chỉ là nơi giao thương của thị dân mà còn trở thành điểm du lịch không thể bỏ qua khi đến . Từ kiến trúc độc đáo của ngôi chợ, những người bán hàng thân thiện, đến sự đa dạng của hàng hóa, khiến ai cũng muốn một lần ghé đến tham quan.
Tín ngưỡng thờ Quan Công là một trong những nét đặc sắc nhất, tiêu biểu cho văn hóa tinh thần người Hoa. Tại Sài Gòn, tinh thần đó được thể hiện rõ nét nhất ở nhiều công trình văn hóa, tính ngưỡng. Nổi bật trong số đó phải kể đến Hội quán Nghĩa An.
Nhà thờ Tân Định (tên chính thức: Nhà thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu, Tân Định) là một nhà thờ Công giáo tại Thành phố Hồ Chí Minh, thuộc giáo xứ Tân Định.